Ngôi sao cuối cùng từ thời Hoàng Kim của Hollywood vừa qua đời. Người ta thường nhắc đến bà qua một vai phụ trong phim “Cuốn Theo Chiều Gió”, nhưng thật ra sự nghiệp của bà lớn hơn vậy nhiều, kể cả một sự kiện dính líu đến Ronald Reagan và đảng Cộng sản Mỹ.

Hai chị em: Joan Fontaine (trái) và Olivia de Havilland tại giải Oscar 1942. Ảnh: Bob Beerman.  

Olivia Mary de Havilland ra đời ngày 1 tháng 7, 1916 tại Tokyo, Nhật Bản. Cha mẹ bà là người Anh. Mẹ bà, Lillian Ruse (1886-1975) là một kịch sĩ tốt nghiệp trường Kịch Nghệ Hoàng Gia; từng hát trong ca đoàn cho nhà vua — The King’s Musick; và từng đi tour với đại nhạc sĩ Ralph Vaughn Williams. Ba bà, Walter de Havilland (1862-1968) là một giáo sư Luật dạy tại đại học Waseda ở Tokyo, về sau là một luật gia chuyên về bằng sáng chế. Họ gặp nhau ở Nhật năm 1913 và làm đám cưới một năm sau đó.

Cuộc hôn nhân của ba mẹ bà không mấy hạnh phúc vì ông Havilland có tật ngoại tình. Năm 1919 bà Lillian thuyết phục chồng đưa gia đình trở về Anh vì Olivia và cô gái út Joan không được khoẻ. Nhưng đến California thì họ phải ở lại vì Joan mắc bệnh viêm phổi cần chữa trị. Trong thời gian Lillian tạm trú tại Saratoga thì Walter bỏ ba mẹ con và quay về Tokyo để sống với người phụ nữ giúp việc nhà, sau này là vợ thứ nhì của ông. Bà Lillian ở lại Saratoga để nuôi con.

Olivia và Joan lớn lên trong bầu không khí của âm nhạc, nghệ thuật và văn chương. Sáu tuổi Olivia đã biết đọc thuần thục. Không những Lillian dạy con đọc Shakespeare, bà còn tập cho con phát âm thật chuẩn, đúng phong cách kịch sĩ Anh. Nhờ vậy tuy không được học kịch nghệ ở trường, từ mẹ mình Olivia đã hấp thụ kỹ năng diễn xuất một cách tự nhiên.

Năm Olivia lên 9, Lillian tái giá với ông George Fontaine, quản lý một tiệm buôn ở San Jose. Mặc dù George biết lo lắng cho gia đình nhưng ông là một người đàn ông nghiêm khắc, không ủng hộ việc Olivia và Joan theo đuổi con đường nghệ thuật. Do đó trong nhà hay xảy ra hục hặc. Năm Olivia 17 tuổi, bà được chọn thủ vai chính trong vở kịch “Alice in Wonderland” do ban kịch Saratoga Community Theater dàn dựng. Tiếp theo đó là vài vở kịch khác của trường; lúc ấy Olivia đã là thư ký cho Drama Club và sinh hoạt rất hăng say khiến George hết sức bực mình. Khi nghe tin Olivia sẽ đóng vai chính cho vở “Pride and Prejudice” để gây quỹ cho trường, George ra tối hậu thư. Một là Olivia ở nhà, hai là đóng kịch thì không được về nhà. Olivia chọn giải pháp thứ nhì và dọn sang nhà một người bạn ở nhờ. Tánh khí cứng rắn và bất khuất của Olivia, cũng như sự đam mê và sẵn sàng hy sinh cho nghệ thuật là điều mà Olivia de Havilland mang theo suốt sự nghiệp và cuộc đời mình.

Vivien Leigh, Olivia de Havilland và Leslie Howard trong phim “Gone With The Wind” (1939). Nguồn: MGM/Photofest

Ra trường trung học năm 1934, Olivia ghi danh vào đại học Mills College ở Oakland học ngành Sư Phạm, với giấc mộng trở thành giáo sư Anh Văn. Nhưng bà vẫn tiếp tục đóng kịch cho Saratoga Community Theater. Mùa Hè năm ấy đạo diễn Max Reinhardt từ Áo quốc sang Mỹ để dựng vở kịch “A Midsummer Night’s Dream” của Shakespeare. Một người phụ tá của ông tình cờ được xem Olivia đóng trong vở này ở Saratoga và giới thiệu bà với Reinhardt. Olivia được cho vào “học nghề”, làm sơ-cua cho vai Hermia. Bất ngờ cả hai diễn viên chính và diễn viên phụ cho vai này đồng loạt nghỉ việc, nên Olivia phải nhào ra đóng thế. Thấy Olivia diễn được, Reinhardt ký cho bà hợp đồng bốn tuần để đi tour. Trong lúc đoàn đang lưu diễn thì Reinhardt được hãng Warner Bros mời làm một bộ phim dựa trên vở kịch này.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Lúc bấy giờ Olivia vẫn còn muốn tiếp tục việc học để trở thành cô giáo, nhưng cuối cùng Reinhardt đã thuyết phục được bà ký hợp đồng 5 năm với Warner, với mức lương $200/tuần. Sự nghiệp điện ảnh của Olivia de Havilland bắt đầu kể từ đó.

Với Warner Bros, Olivia đóng khá nhiều phim nhưng thường là những vai phụ nữ rất sáo lệ. Nhờ một vài phim đóng chung với kép Errol Flynn (người Úc), tên tuổi của de Havilland bắt đầu được nhiều người biết đến — vài bộ phim khá thành công như “Adventures of Robin Hood” (1938), “Dodge City” (1939)… Tuy nhiên de Havilland ngày càng chán làm việc cho John Warner vì không được trao những vai hợp với mình. Trong khi đó thì nhà sản xuất độc lập David Selznick biết thực tài của Olivia nên đã tìm mọi cách “mượn tạm” Olivia từ Warner để đóng trong một dự án lớn. Nhưng John Warner nhất định không nhả De Havilland ra. Cuối cùng Olivia phải nhờ vợ của John Warner thuyết phục chồng mình. Nhờ vậy mà Olivia mới được xuất hiện trong phim “Gone With The Wind” (1939) trong vai Melanie Hamilton mà cả bà và Selznick đều chọn vì nó hạp nhất với phong cách diễn xuất của de Havilland.

Sau khi trở lại với Warner, Olivia tiếp tục bị giao những vai không thích hợp khiến bà phải phản đối bằng cách từ chối làm việc và bị Warner treo giò nhiều tháng trời. Năm 1943 de Havillland kiện Warner Bros và thắng. Vụ kiện này đã thay đổi luật lao động ở Hollywood và được giới nghệ sĩ gọi là De Havilland Law. Tháu cáy, John Warner trả thù bằng cách cho de Havilland vào “sổ đen” khiến không studio nào mướn bà làm việc trong hai năm trời. Nhưng một khi đóng phim trở lại với hãng Paramount, de Havilland được chọn vai theo ý mình muốn cũng như nhận được sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp.

De Havilland và Errol Flynn trong hậu trường lúc làm phim “Dodge City” (1939). Nguồn: The Everett Collection

Vài ngày trước khi Hoa Kỳ gia nhập Ðệ Nhị Thế Chiến, Olivia de Havilland trở thành công dân Mỹ. Ngoài việc đóng phim, bà tham gia các chương trình uỷ lạo thương binh tại chiến trường Âu Châu và Thái Bình Dương. Sau chiến tranh, bà và nhiều nghệ sĩ tham gia một tổ chức tên là Hollywood Independent Citizens Committee for the Arts — một uỷ ban độc lập tranh đấu cho quyền tự do của nghệ sĩ. Uỷ ban có những tên tuổi lớn như ca sĩ Frank Sinatra; Ronald Reagan, từng đóng chung với de Havilland trong phim “Santa Fe Trail” (1940); James Roosevelt, con trai tổng thống FDR (Franklin Delano Roosevelt) đồng thời là chủ tịch hội… Nhưng họ không hề hay biết đây là một tổ chức trá hình của đảng Cộng Sản trà trộn vào giới cấp tiến của Hollywood để tuyên truyền cho Liên Xô và chống chính quyền Truman.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Trong một đại hội tại Seattle năm 1946, Olivia de Havilland được giao nhiệm vụ đọc một bài diễn văn soạn bởi Dalton Trumbo, nhà biên kịch nổi tiếng nhất Hollywood thời bấy giờ. Lời lẽ thân cộng lộ liễu của Trumbo khiến De Havilland thất kinh. Sau khi họp bàn với Reagan, Roosevelt và vài người thân, bà soạn lại những đoạn phản động, đảo ngược nó thành bài văn lên án đảng Cộng sản. Trước sự giận dữ của Trumbo và thành phần thân cộng, bà dõng dạc tố cáo, “Sau chiến tranh, các thế lực phản động đang muốn tạo ảo giác rằng phong trào cấp tiến ở Mỹ được điều khiển và giật dây bởi những người tuân lệnh Moscow…” Bà kêu gọi giới nghệ sĩ cấp tiến ở Hollywood hãy tránh xa Moscow và đảng Cộng Sản Mỹ,  “Chúng ta tin vào hệ thống dân chủ chứ không phải chủ nghĩa cộng sản!”

Sau đại hội, James Roosevelt từ chức chủ tịch. Nhiều nghệ sĩ rời bỏ Hội. Chẳng bao lâu sau Hội phải giải thể. Olivia de Havilland một lần nữa chứng tỏ bà không chỉ là một minh tinh màn bạc với gương mặt đẹp mà còn là một người can đảm, dám ra mặt chống lại những thế lực tài phiệt của giới showbiz bất chấp rủi ro nghề nghiệp. Năm sau bà thắng giải Oscar thứ nhất với phim “To Each His Own” (1946). Olivia de Havilland và Joan Fontaine trở thành cặp chị em đầu tiên và duy nhất đoạt Oscar (năm 1942 Joan Fontaine thắng Best Actress với phim “Rebecca” của Alfred Hitchcock). Vài năm sau bà thắng giải Oscar thứ nhì với phim “The Heiress” (1949).

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Olivia de Havilland qua đời ngày 26 tháng 7, 2020, hưởng thọ 104 tuổi.

IB