Hồi mới qua Mỹ tôi thường nghe radio chơi bài “Ohio” của ban nhạc Crosby, Stills, Nash & Young và rất thích âm điệu của nó mặc dù chẳng hiểu lời nhạc nói gì. Lúc đó tiếng Anh chưa rành, chỉ nghe loáng thoáng tên ông Nixon và điệp khúc “for daddy in Ohio…” (*) rất bi ai. Về sau tìm hiểu thêm mới biết đầu đuôi câu chuyện, xảy ra cách đây già nửa thế kỷ.

Mary Ann Vecchio quỳ bên cạnh Jeffrey Miller trong bức hình bất hủ. Ảnh: John Filo  

Ngày 4 tháng 5, 1970, một sự kiện vô tiền khoáng hậu đã diễn ra trong khuôn viên đại học Kent State ở Ohio. Trong một cuộc biểu tình của sinh viên phản đối Tổng thống Nixon mở rộng cuộc chiến sang Cam Bốt, lính vệ quốc National Guards đã nã súng vào đám đông và giết chết bốn người. Phóng viên có mặt tại hiện trường chụp rất nhiều ảnh, nhưng tấm hình bất hủ được đăng lên trang nhất ngày hôm sau lại do một sinh viên tay mơ chụp trong một khoảnh khắc bất thần. Trong khi đó nhân vật chính trong bức hình cũng không phải là học sinh của Kent State nốt.

Mary Ann Vecchio khi ấy chỉ là một cô bé bụi đời 14 tuổi, từ Opa-Locka, Florida, trốn nhà đi lang bạt kỳ hồ. Cô quá giang xe thiên hạ, ngủ bờ ngủ bụi, làm việc lặt vặt để kiếm tiền y như du dân. Tuy nhỏ tuổi nhưng Mary Ann cao lớn nên ít ai nghĩ cô còn vị thành niên. Khởi hành từ tháng 2, tới tháng 5 thì Mary Ann đến Kent State ngay vào lúc đợt biểu tình đang nóng. Trước đó hai hôm, một nhóm người đã phóng lửa đốt toà nhà ROTC trong khuôn viên đại học nên thống đốc Ohio ra lệnh cho vệ quốc quân đến để giữ an ninh.

Trên đường đến ngọn đồi nơi mọi người tụ tập, Mary Ann bắt chuyện với một chàng sinh viên tên Jeffrey Miller. Lúc bấy giờ binh lính đang dồn đám đông về hướng sân banh, xong họ lui về một cánh đồi gần đó. Ðột nhiên chưa đầy nửa phút sau họ bất ngờ nổ súng. Trong vòng 13 giây ngắn ngủi, 60 viên đạn đã được bắn ra. Jeffrey Miller ngã gục bởi một viên đạn trúng ngay miệng. Máu anh chảy lênh láng trên nền xi măng. Mary Ann chạy đến bên người bạn vừa mới quen và quỳ xuống. Những sinh viên khác đến vây quanh, không ai làm gì để giúp. Mary Ann thét lên, “Bộ không ai thấy chuyện gì đang xảy ra hay sao?!”

Vệ Quốc Quân bắn hơi cay để lùa đám đông vào một chỗ. Ảnh: Howard Ruffner

Cách gần đó là ba thi thể khác. Allison Krause bị bắn giữa ngực; William Shroeder trúng đạn từ sau lưng.Nữ sinh viên Sandra “Sandy” Scheuer, đang trên đường đi đến lớp, bị đạn lạc bắn đứt tĩnh mạch cổ. Một người lính tiến đến gần Mary Ann, lăm lăm khẩu súng trên tay. Cô vừa hét vừa hỏi anh ta: “Mấy người làm vầy để chi vậy?!?”

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

John Filo khi ấy 21 tuổi, đang học năm cuối cùng tại Kent State. Sáng hôm đó anh vào rừng chụp hình lá cây teaberry (dùng làm tinh dầu) để hoàn tất luận án tốt nghiệp. Nhưng vì phải về sớm để giúp các sinh viên khác rửa hình, John tình cờ có mặt tại hiện trường khi sự việc xảy ra. Thấy có biến, John liền chạy đến với chiếc máy ảnh sẵn trên tay, vừa kịp lúc toán vệ quốc quân đang lùi lên đồi. Anh đưa máy lên và chụp vài bức. Trong tầm ngắm của ống kính anh thấy một người lính đang hướng họng súng về phía mình. Anh chưa kịp phản ứng thì đã thấy trong khung hình một bức tượng vỡ tan tành; thân cây gần nơi anh đứng bị trúng đạn, vỏ cây văng tung toé. John nhào xuống đất nằm im, tim đập mạnh.

Sau 13 giây thì tiếng súng ngưng. John lồm cồm bò dậy và sờ soạng xem mình có bị thương gì không. “Mọi việc xảy ra như phim quay chậm,” anh kể lại. “Tôi cứ lẩm bẩm ‘Tại sao đạn lại tránh mình?’” Anh dợm chạy đi, nhưng chợt thấy gần đó có một người đang nằm sấp bên vũng máu. Bản năng của nhà báo nổi lên, John quay trở lại. Một cô gái chạy đến bên người chết và quỳ xuống. Biết máy sắp hết phim, John bước ra khoảng trống để lấy cảnh cho rõ. Nghe tiếng thét của cô gái, như phản xạ John giơ máy ảnh lên và bấm. Mới chụp được hai ba tấm thì hết phim.

Bốn sinh viên nạn nhân của Vệ Quốc Quân tiểu bang Ohio. Nguồn: Internet

Khi John thay xong cuộn phim mới và nhìn lên thì cô gái đã biến mất. Vệ quốc quân đang dùng loa kêu mọi người giải tán ngay lập tức, bằng không họ “sẽ bắn nữa!” Thấy một người lính cắt đường dây điện thoại, John biết ngay họ không muốn thông tin lọt ra ngoài. Anh liền chạy vội ra xe, giấu cuộn phim trong cốp và lái một mạch ra khỏi Ohio vì sợ bị bắt. Hai tiếng đồng hồ sau John đến toà soạn Valley Daily News, ở miền Tây Pennsylvania nơi anh từng làm việc mỗi mùa Hè, tim vẫn còn đập thình thịch vì biết mình xém chết. Ðường dây đến tổng đài hôm đó bị quá tải, phải mất mấy tiếng đồng hồ sau khi rửa phim John mới chuyển đi được mấy bức ảnh của mình. Hôm sau, bức ảnh của John Filo trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất thời chiến, không thua gì hình tướng Loan xử tử Bảy Lốp hay bé Kim Phúc bị đốt bởi napalm.

Xem thêm:   Mất mạng

Ban đầu không ai biết cô gái trong hình là ai; báo chí chỉ ghi “một nữ sinh viên”. Mary Ann cũng tìm mọi cách để không bị nhận diện, cô chỉ muốn tìm đường trốn sang Cali. Nhưng một phóng viên của tờ Indianapolis Star lùng ra Mary Ann. Anh ta hứa sẽ mua cho cô vé xe đò nếu cô đồng ý phỏng vấn. Ngờ đâu hỏi chuyện xong anh ta gọi cảnh sát; họ đến bắt Mary Ann và dẫn độ cô về Florida. Kể từ đó cuộc đời của Mary Ann luôn bị thiên hạ quấy rầy. Cô nhận được đủ thứ thư từ chửi rủa, hăm doạ, đổ lỗi, uy hiếp tánh mạng… Mary Ann trốn nhà nhiều lần nữa, nhưng lần nào cũng bị bắt lại vì giờ đây ai cũng biết mặt cô.

Nhạc phẩm “Ohio”, do Neil Young sáng tác, phát hành chỉ vài tuần sau ngày 4/5 và lên đến hạng 14 trên bảng Billboard. Nguồn: Internet

Về phần John Filo, anh cũng bị quấy nhiễu, bị chụp mũ, bị FBI theo dõi — thậm chí họ còn đòi John giao cho họ cuốn phim nhưng anh một mực từ chối. Và chỉ sau khi bài phỏng vấn Mary Ann được đăng John mới biết mình đã chụp hình một đứa bé vị thành niên bụi đời chứ không phải một cô sinh viên nào đó. Anh chợt hối hận vì đã đưa bức hình đó ra trước công chúng. Nhưng đã quá muộn. Và mặc dù nhờ bức hình mà John Filo thắng giải Pulitzer, anh luôn mang trong mình cảm giác tội lỗi.

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Năm Mary Ann lên 22 tuổi, cô rời nhà và sang Las Vegas sinh sống. Mary Ann lập gia đình một thời gian và cố gắng có một cuộc sống bình thường, nhưng lúc nào cô cũng phải giấu mọi người về tông tích của mình. Tuy đời sống khổ sở nhưng Mary Ann vẫn phấn đấu. Năm 39 tuổi cô lấy được bằng trung học, sau đó bằng chuyên viên y tế. Cô quay về Florida để phụng dưỡng mẹ già, làm việc cho Trump Doral Spa gần Miami. Năm 1995 Gregory Payne, giáo sư tại đại học Emerson College ở Boston đồng thời là tác giả một quyển sách về vụ Kent State, nảy ra ý định tạo cơ hội cho Mary Ann và John Filo gặp gỡ. Mary Ann đồng ý, nhưng John Filo lại không dám. Giáo sư Payne phải cố gắng lắm mới thuyết phục được John Filo, khi ấy đã là một nhà nhiếp ảnh báo chí thành danh.

Ðúng 25 năm sau vụ nổ súng, một chương trình tưởng niệm đã được tổ chức trong khuôn viên đại học Kent State. Ðến giờ chót John Filo vẫn trù trừ, không chắc là sẽ có mặt. Nhưng cuối cùng anh đã đến. Mary Ann kể: “Bấy lâu nay tôi mang trong lòng mối hận vì bức hình đó. Nhưng khi thấy John xuất hiện với vẻ mặt luống cuống đầy sợ hãi, tôi bỗng thấy tội nghiệp cho anh.” Họ bắt tay, xong ôm chầm lấy nhau và khóc.

Mary Ann Vecchio và John Filo tái ngộ ngày 4 tháng 5, 2009 tại đại học Kent State. Ảnh: Paul Tople

IB

(*) Tin soldiers and Nixon’s coming

We’re finally on our own

This summer I hear the drumming

Four dead in Ohio…