Năm 2024 là lần thứ 60 nước Mỹ mở cuộc bầu cử cho tổng thống và phó tổng thống. Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định công dân Mỹ không bầu trực tiếp cho hai chức vụ này mà bỏ phiếu gián tiếp qua hệ thống Cử Tri Đoàn (Electoral College) tại tiểu bang của mình. Ứng viên nào được đa số phiếu trên tổng số đại cử tri toàn quốc sẽ thắng. Lịch sử Hoa Kỳ đã chứng kiến không ít những trận thắng lớn mà tiếng Anh gọi là “landslide” – tạm dịch là long trời lở đất, do sự chênh lệch quá lớn trong số phiếu đại cử tri.

Tranh biếm họa của MacKayCartoons.       

Trận thắng lớn đầu tiên là cuộc bầu cử thứ nhì vào năm 1792. Luật bầu cử thời đó quy định người nào được nhiều phiếu nhất sẽ làm tổng thống, người về nhì làm phó tổng thống, bất kể họ thuộc đảng nào! Thuở ban sơ ấy đảng phái chính trị ở Mỹ chưa hoàn chỉnh như ngày nay; khái niệm bầu cử sơ bộ (primary) chưa ra đời nên nhiều lúc đã có hơn một ứng cử viên đến từ cùng một đảng. Đương kim tổng thống và cha già dân tộc George Washington thắng dễ dàng và rất may người về nhì, John Adams, cũng cùng phe Federalist với ông. Song khả năng tổng thống và phó tổng thống thuộc hai đảng đối nghịch vẫn thường xuyên xảy ra cho đến khi Tu Chính Án 12 được thông qua năm 1804, đặt ra quy chế bầu theo liên danh.

Năm 1860 Abraham trở thành tổng thống đầu tiên của đảng Republican vừa được thành lập với mục tiêu xoá bỏ chế độ nô lệ. Chiến thắng của Lincoln đã khiến 11 tiểu bang ủng hộ nô lệ quyết định tách khỏi Liên Bang để lập ra nhà nước riêng, gọi là Confederate States of America (CSA). Nội chiến bùng nổ, kéo dài từ 1861 cho đến 1865. Cuộc bầu cử 1864 diễn ra trong bối cảnh chiến tranh, và tất nhiên không có sự tham dự của các tiểu bang miền Nam vốn đã chọn Jefferson Davis làm tổng thống của họ. Lần đó đối thủ của Lincoln là một vị tướng từng làm tổng tư lệnh quân đội miền Bắc nhưng đã bị Lincoln cách chức trước đó 2 năm. Kết quả Lincoln thắng đậm; George McClellan kiếm chỉ được 21 phiếu trên 243.

Xem thêm:   Lê Quỳnh Mai phỏng vấn nhà văn Trùng Dương (kỳ 2)

Một hiện tượng độc đáo khác là vào thập niên 1930, khi thế giới đang trải qua cuộc đại suy thoái kinh tế, Franklin D. Roosevelt (FDR) đã được dân Mỹ bầu chọn 4 mùa bầu cử liên tiếp – một kỷ lục sẽ không ai có thể qua mặt bởi vì Tu Chính Án 22 (có hiệu lực từ 1947) đã giới hạn 2 nhiệm kỳ cho tất cả tổng thống từ đó về sau. Năm 1936 Roosevelt ra tranh cử lần thứ hai. Những chính sách phục hồi kinh tế và xây dựng hệ thống an sinh xã hội của ông, mang tên New Deal, đã được dân Mỹ hoan nghênh hết mực. Nhờ vậy mà từ đó về sau kinh tế Mỹ phát triển một cách cân đối và mạnh mẽ hơn, biến nước Mỹ thành một cường quốc.

Mùa bầu cử 1972 diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam ngày càng nóng bỏng. Trước đó 4 năm, Richard Nixon đã thắng sát nút Hubert Humphrey mặc dù chỉ kiếm được 43.4% số phiếu phổ thông. Tuy nhiên, sang đến 1972 thì số người Mỹ ủng hộ Nixon đã gia tăng đáng kể bởi đa số tin Nixon có kế hoạch chấm dứt chiến tranh. Chính vì vậy mà Nixon đã gom được phiếu của hầu hết các đại cử tri (trừ tiểu bang Massachusetts và Washington, DC). Tưởng thắng đậm là ngon, nào ngờ chỉ vài tháng sau Nixon đã phải từ chức trong nhục nhã để tránh bị Quốc Hội đàn hặc trong vụ Watergate. Miền Nam Việt Nam tuy chẳng có dính dáng gì trong vụ đó nhưng cũng bị vạ lây!

Xem thêm:   L.A. Dodgers!!!

Cuộc bầu cử năm 1984 đánh dấu một sự kiện lịch sử: Lần đầu tiên một phụ nữ được đề cử vào chức phó tổng thống bởi một đảng chính trị lớn (được hiểu là Cộng Hoà hay Dân Chủ). Tuy sự xuất hiện của bà Geraldine Ferraro cùng với Walter Mondale đã tạo được sự phấn khích không hề nhỏ cho cử tri nữ giới, nhưng cuối cùng thì đây vẫn là một liên danh không mạnh đủ để đối đầu với Ronald Reagan, cựu tài tử Hollywood. Mặc dù lúc bấy giờ Reagan đã 73 tuổi và sẽ là tổng thống đắc cử già nhất lịch sử, nhưng tài hùng biện và lối nói chuyện bình dân dễ hiểu của ông đã thuyết phục được cử tri của 49 tiểu bang, trừ Minnesota. Năm 2020 Joe Biden đã qua mặt Reagan với thành tích thắng cử ở tuổi 78!

Cuộc bầu cử năm 2000 giữa George W. Bush và Al Gore cũng là một sự kiện lịch sử, nhưng lại mang một tính chất hoàn toàn trái ngược với tất cả những gì đã nói ở trên. Trong một tình huống vô cùng quái gở, không ứng cử viên nào kiếm đủ 270 phiếu đại cử tri sau ngày bầu cử, và kết quả phải trông đợi vào tiểu bang Florida. Tại đây người ta đã phải đếm đi đếm lại số phiếu nhiều lần vì sự cách biệt đôi khi dưới 200 phiếu. Thêm vào đó là các vụ kiện tụng liên miên đến từ cả hai phía khiến cuộc đua kéo dài sang tháng 12. Trong khi đó Hiến Pháp quy định kết quả bầu cử phải đúc kết vào ngày 18/12. Cuối cùng Tối Cao Pháp Viện phải vào cuộc để phân xử và đã trao cho ông Bush chiến thắng sít sao. Tuy thua đau nhưng Al Gore vẫn chấp nhận phán quyết của toà án, gọi điện chúc mừng đối thủ của mình đúng phong cách một người biết tuân thủ luật chơi.

Xem thêm:   Như chuyện thần thoại

Bài viết này được lên khuôn vài ngày trước ngày bầu cử 5/11 nên chúng tôi hoàn toàn không biết kết quả cuộc bầu cử 2024 sẽ như thế nào. Khi quý độc giả cầm tờ báo này trên tay hoặc đọc bản digital trên mạng, có thể nó đã diễn tiến một cách suôn sẻ và ta biết ai đã thắng. Nhưng cũng có khả năng nó vẫn chưa ngã ngũ vì một hay nhiều lý do bất ngờ nào đó khiến mọi người vẫn phải đợi chờ trong hồi hộp. Dù gì chăng nữa, 2024 vẫn là một mùa tranh cử đáng nhớ – có thể Hoa Kỳ sẽ có vị nữ tổng thống đầu tiên, hoặc một tổng thống 78 tuổi đang gặp rắc rối với pháp luật. Mong rằng lần này chúng ta sớm có câu trả lời đến thẳng từ cử tri thay vì từ phán quyết của toà án.

Encyclopedia Britannica