Gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, vẫn còn khoảng 80 triệu quả bom chưa nổ trên xứ Lào. Thuật ngữ quốc tế gọi chúng là UXO – Un-Exploded Ordnance.

Bồn hoa làm bằng vỏ bom cưa đôi tại một ngôi làng ở Lào. Ảnh: Jorge Silva 

Tính theo quân bình đầu người, Lào là đất nước bị đánh bom nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Cơ quan National Regulation Authority (NRA) của chính phủ Lào cho biết trong chiến tranh Việt Nam hơn 270 triệu quả bom đã được thả xuống Lào. Nói cách khác, trong 9 năm đó, trung bình cứ mỗi 8 phút là có một phi vụ thả bom trên xứ Lào – 24 trên 24.

NRA ước lượng khoảng 30% số bom này không nổ, và vẫn còn nằm rải rác khắp nơi, gây nguy hiểm vô cùng cho người dân ở các vùng thôn quê và rừng núi. Họ cho biết từ năm 1964 đến nay đã có hơn 50,000 người Lào bị thương hoặc tử vong bởi UXO.

Ảnh: Jorge Silva

Những quả bom câm hiện diện khắp nơi, và theo thời gian đã biến thành một phần của khuôn mặt các làng quê ở Lào. Thậm chí người dân còn chế biến chúng thành những đồ vật hữu dụng, mặc dù ai cũng biết việc cưa bom là vô cùng nguy hiểm đến tánh mạng. Vũ khí các loại, kể cả máy bay bị bắn rơi, đều được mổ xẻ để lấy kim loại. Chẳng hạn như bình xăng trên những chiếc phản lực cơ được người ta cưa đôi để làm xuồng.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Thời chiến, mục đích của các phi vụ này là phá đường mòn Hồ Chí Minh nhằm ngăn chận (hoặc làm chậm) việc vận chuyển khí giới vào Nam. Nếu gặp thời tiết xấu khiến phi công không tấn công được các mục tiêu chiến thuật, họ thường thả hết bom xuống những vùng đồng không mông quạnh để nhẹ máy bay trước khi quay về căn cứ. Chính vì vậy mà thôn quê Lào ngày nay đầy dẫy những hố bom cùng vô số UXO.

Ảnh: Jerry Redfern

Những năm sau chiến tranh, Lào cũng như Việt Nam đã trải qua một cuộc thí nghiệm kinh tế vĩ mô điên khùng và vĩ đại mà kết quả ra sao ai cũng biết. Thời đó kim loại khan hiếm nên người ta bất chấp rủi ro để mưu sinh. Con số thương vong bởi UXO ở Lào tăng vọt. Mãi đến năm 2008, khi giá sắt vụn xuống thật thấp con số này mới có phần thuyên giảm.

Tại Ban Napia gần Điện Biên Phủ, người dân trong làng đã nảy ra sáng kiến dùng sắt vụn từ các chiếc máy bay bị bắn rơi để làm… muỗng nĩa! Anh La Lok nói với phóng viên: “Đối với chúng tôi thì UXO chỉ là vật liệu có sẵn. Mà nhìn đâu cũng thấy chúng, nên chúng tôi quyết định có gì xài đó.”

Ảnh: Jorge Silva

Loại bom được thả xuống Lào nhiều nhất có tên gọi là “cluster munition”. Mỗi quả bom chứa bên trong hàng trăm quả bom nho nhỏ, gọi là bomblets, có thể nổ ra trên không hoặc ở dưới đất. Nhiều trái bom này đã không kích hoạt vì nhiều lý do khác nhau – ngoài những lý do kỹ thuật hoặc nhân sự còn có cả yếu tố thời tiết. Vào mùa mưa, đất mềm có thể khiến cho những quả bom này không nổ khi đụng đất.

Xem thêm:   Beetlejuice

Điều nguy hiểm nhất cho người dân trong vùng là họ không thể nào biết trái bom nào đã “chết” và trái nào còn “sống”. Cơ quan quốc tế cố vấn về bom mìn, Mines Advisory Group (MAG), thiết lập đường dây nóng cho người dân Lào gọi mỗi khi họ bắt gặp UXO ngoài đồng hay trên nương rẫy. Nhưng thường thì người ta vẫn tự di dời chúng đến một chỗ họ biết rõ, để tránh cày trúng chúng vào mùa sau. Và dĩ nhiên trong lúc di chuyển nếu không khéo họ có thể làm cho nó nổ tung.

Ảnh: In Pictures Ltd

Sarah Goring của cơ quan MAG cho biết trong năm 2021 vừa qua có ít nhất 35 tai nạn UXO ở Lào, liên can đến 66 người. Trong số đó có 19 người thiệt mạng, số còn lại bị thương. Cô Goring kể cách đây hai năm cô gặp một phụ nữ Lào bị cụt chân. Bà ta bán một quả bom chưa nổ cho một nhà buôn nọ, ông ta tìm cách cạy trái bom và nó nổ tung khiến bà ta bị đứt giò và cậu con trai bị mù hai mắt.

MAG nói mỗi khi tìm được bom, họ thường rà soát toàn khu vực để tìm xem có những quả bom nào khác nữa hay không. Sau đó họ di tản cư dân trong khu vực cùng với gia súc của họ đi nơi khác trước khi phá cho bom nổ tại chỗ. MAG cho biết còn khoảng 1,600 km vuông ở Lào cần được rà soát. Bom mìn sót lại từ chiến tranh Việt Nam là cản trở rất lớn cho việc phát triển ngành du lịch ở Lào.

Xem thêm:   Mất mạng

Seeonchan, một nhà  làm muỗng ở Ban Napia tâm sự: “Hồi mới hết chiến tranh khổ ghê lắm. Chúng tôi phải tận dụng mọi vật liệu, kể cả bom. Nhưng đã bắt đầu có thay đổi. Hy vọng mấy đứa con tôi sẽ là thế hệ cuối cùng phải làm việc với vỏ bom.”

Hai cô thiện nguyện viên của MAG dùng dụng cụ rà mìn và tháo gỡ bom đi qua một cánh đồng. Nguồn ảnh: MAG

IB