Tuy dân số chỉ xấp xỉ 44 triệu, không bằng một nửa Việt Nam, nhưng dân tộc Ukraine có một bề dày lịch sử thể thao khá đáng kể, bắt đầu từ thời còn là một bang-quốc trong Liên-bang Xô-viết.
Wladimir Klitschko (phải) Ảnh: Behrendt/Ullstein
Không lâu sau khi bức tường Bá-Linh sụp đổ, ngày 1 tháng 12 năm 1991 một cuộc trưng cầu dân ý vĩ đại đã diễn ra tại Ukraine. Kết quả là 92% người dân Ukraine muốn vùng đất thuộc địa cũ của Liên-Xô trở thành một công quốc (republic) độc lập và tự trị. Sự lựa chọn này không những làm phật lòng Moscow không ít về mặt tài nguyên và địa chính trị (dẫn đến nhiều cuộc xung đột đẫm máu như ta đã thấy) mà nó còn khiến cho nước Nga bị mất đi một nguồn nhân tài đáng kể — đó là các thể tháo viên, vận động viên và lực sĩ.
Dưới triều đại cộng sản, Ukraine là một trong những lò đào tạo thể tháo gia rất đắt giá của Liên-Xô. Lực sĩ gốc Ukraine đã mang về cho USSR vô số huy chương tại Thế Vận Hội cũng như tại các giải thể thao quốc tế. Những bộ môn chủ lực của họ gồm có: thể dục dụng cụ; bắn cung; đấu kiếm; trượt băng nghệ thuật; nhảy sào; bóng chuyền; bơi lội; ném dĩa; và nổi trội hơn hết là quyền-anh (boxing). Ngoài ra, sau ngày độc lập, nhiều thể tháo gia Ukraine còn chơi cho các đội banh chuyên nghiệp ở Mỹ như NBA (bóng rổ), NHL (hockey), NFL (bóng bầu dục), và dĩ nhiên là có cả đá banh trong UEFA ở Âu Châu. Sau đây là một số lực sĩ thành công nhất của Ukraine trong những thập niên gần đây.
- Wladimir Klitschko – Quyền-Anh (Boxing)
Trong tất cả các nhà vô địch quyền anh hạng nặng (heavyweight) xưa nay, ít ai có được những thành tích đáng nể như Wladimir Klitschko. Năm 1996, khi mới 20 tuổi, Wladimir đoạt Huy Chương Vàng tại Thế Vận Hội mùa Hè ở Atlanta. Tiếp theo đó là một sự nghiệp lẫy lừng với 64 trận thắng (trong đó có 53 trận nốc-ao đối thủ thẳng cẳng trên sàn). Anh từng là vô địch thế giới hai lần; từng giữ vô địch các giải như WBA, IBF, WBO, IBO… và đã bảo vệ thành công chức quán quân của mình cả thảy 23 lần, chỉ đứng sau Joe Louis. Tự hào là một công dân Ukraine, anh luôn nhắc nhở mọi người phải đánh vần tên mình cho đúng — Wladimir, chứ không phải “Vladimir” như … Putin!
- Vitaliy Klitschko – Quyền-Anh (Boxing)
Tuy Wladimir nổi tiếng hơn vì thắng được Huy Chương Vàng, nhưng giới mộ điệu thường cho rằng anh của anh ta là Vitaliy đánh bốc giỏi hơn. Trong sự nghiệp quyền anh của mình, Vitaliy đánh tổng cộng 47 trận và chỉ thua có hai (một trong hai trận đó Vitaliy đánh với tay găng sừng sỏ Lennox Lewis). Rất tiếc chúng ta sẽ không bao giờ được biết giữa hai anh em Klitschko ai đánh hay hơn, bởi vì từ nhỏ họ đã hứa với mẹ rằng sẽ không bao giờ so găng trên võ đài.
Nhưng xét về lòng yêu nước, ta có thể khẳng định hai anh em Klischko quả thật là kẻ tám lạng người nửa cân. Năm 2012 Wladimir đem huy chương Vàng của mình ra bán đấu giá được 1 triệu đô la. Hai anh em dùng số tiền đó để lập quỹ từ thiện mang tên Klitschko Brothers Foundation, với mục đích đào tạo và giáo dục trẻ em bằng thể thao, khoa học, y tế v.v.
Vitaliy hiện là thị trưởng Kyiv, thủ đô của Ukraine, đang bị quân đội của Putin bao vây rất nguy ngập. Thay vì dùng vị thế và tiền bạc của mình để di tản cùng vợ con sang một nước Âu Châu, Wladimir và Vitaliy đã chọn ở lại để cùng nhau sống mái một phen với quân xâm lược. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài ngày, họ thú nhận rằng đã có bắn chết một vài lính Nga. Nhưng dù chuyện gì xảy ra đi nữa họ nói họ vẫn sẽ chiến đấu tới cùng vì “chúng tôi không có lựa chọn nào khác.”
Giống như Tổng thống Ukraine là Volodymyr Zelenskyy, Vitaliy Klitschko xuất hiện thường xuyên trên Twitter và Instagram với những clip video ngắn để cập nhật tình hình chiến cuộc đồng thời nâng cao tinh thần chiến đấu của dân quân và đồng bào mình.
- Oksana Baiul – Trượt Băng Nghệ-Thuật (Figure Skating)
Trong lịch sử Ukraine trước giờ chỉ có một người duy nhất thắng Huy Chương Vàng môn trượt băng nghệ-thuật, và đó là Oksana Baiul — tại Thế Vận Hội mùa Ðông năm 1994 ở Lillehammer, Norway. Baiul là lực sĩ đầu tiên của nước Ukraine độc lập thắng HCV. Trước đó một năm cô đã thắng giải vô địch quốc tế, khi ấy cô mới 16 tuổi. Sinh năm 1977, Oksana đích thực là sản phẩm của hệ thống đào tạo lực sĩ của Liên-Xô, nhưng lại đem vinh quang về cho Ukraine khiến không ít người Nga thủ cựu phiền lòng.
Sau kỳ TVH 1994, Baiul di cư qua Mỹ để chơi trượt băng chuyên nghiệp và làm huấn luyện viên. Gần mười năm sau khi về hưu, Oksana Baiul mới phát hiện mình là người Do Thái. Kể từ đó cô rất tự hào về nguồn gốc Ukraine-Do Thái của mình.
Oksana Baiul. Ảnh: David Madison
- Sergey Bubka – Nhảy Sào (Pole Vault)
Nói đến môn nhảy sào, dân sành điệu ai cũng biết tiếng Bubka. Vào thập niên 1980 có thể nói anh là lực sĩ giỏi nhất môn này. Bubka đến từ vùng Luhansk miền Ðông Ukraine, sát biên giới nước Nga nơi có nhiều người nói tiếng Nga sinh sống. Ðây là vùng tranh chấp dữ dội giữa hai nước mà Putin đã từ lâu muốn thâu tóm vào nước Nga. Thời của Bubka vùng đất này vẫn thuộc về Liên-Bang Xô-Viết, do đó Bubka vẫn thi đấu dưới lá cờ của USSR và thắng vô địch giải quốc tế 6 năm liên tiếp.
Năm 1984, Liên-Xô tẩy chay Thế Vận Hội tại Los Angeles khiến Bubka mất cơ hội giành Huy Chương Vàng. Phải đến năm 1988 tại Seoul anh mới đoạt được chiếc HCV đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp của mình.
Sergey Bubka. Ảnh: Gary Mortimore
- Faina Melnik – Ném Dĩa (Discus)
Là người Ukraine-Do Thái, Melnik nổi tiếng là nữ lực sĩ đã phá kỷ lục thế giới không chỉ một lần, hai lần, hay ba lần, mà mười một lần cả thảy! Hầu hết các kỷ lục của cô xảy ra tại các cuộc thi đấu quốc tế, đại diện cho Liên-bang Xô-viết.
Năm 1972, tại Thế Vận Hội mùa Hè ở Munich, Melnik đã đạt được Huy Chương Vàng duy nhất trong sự nghiệp lẫy lừng của mình. Ðó cũng là năm nhóm khủng bố Palestinian bắt cóc đội tuyển Do Thái và giết chết 11 người chỉ vài ngày trước khi Melnik phá 3 kỷ lục Olympic và một kỷ lục thế giới để giành chiến thắng cho mẫu quốc Liên-Xô.
Faina Melnik. Ảnh: Bettman/Getty
- Yana Klochkova – Bơi Lội (Swimming)
Như đã nói ở trên, Ukraine sản xuất khá nhiều nhà vô địch, nhưng không lực sĩ Ukraine nào có nhiều Huy Chương Vàng bằng Yana Klochkova. Và cũng không lực sĩ nào được người Ukraine nể phục bằng cô. Nếu như Mỹ có Michael Phelps thì Ukraine có Yana Klochkova.
Mang biệt danh “Con Cá Vàng”, Klochkova có biệt tài bơi giỏi đồng đều 4 thể loại: bướm, sải, ngửa, ếch. Hầu hết các huy chương của cô đến từ các cuộc thi đấu hỗn hợp (medley) gồm 4 thể loại trong nội dung 200m (4x50m), 400m (4x100m) và 800m (4x200m). Trong sự nghiệp bơi lội của mình, Yana thắng tổng cộng 50 huy chương tại các giải đấu quốc tế — trong đó có 36 HCV, 10 HCB và chỉ có 4 HCÐ. Ngoài ra, tại Thế Vận Hội Sydney 2000 cô còn giành được 2 HCV, 1 HCB. Trước khi giải nghệ, Klochkova đã vớt vát thêm tại Thế Vận Hội Athens 2004 hai chiếc HCV, nâng tổng số huy chương của mình lên 55!
Sinh năm 1982 tại thành phố Simferopol thuộc bán đảo Crimea, Klochkova lớn lên trong hệ thống cộng sản Liên-Xô gần 10 năm trước khi Ukraine được độc lập. Năm 2004 cô được tạp chí Swimming World bầu cho là nữ lực sĩ bơi lội số một trên thế giới. Cùng trong năm đó, cô được Tổng thống Viktor Yanukovych trao tặng giải thưởng “Anh Hùng của Ukraine”.
“Con cá vàng” Yana Klochkova. Ảnh: Shaun Botterill
IB
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.