Juneteenth là cách nói tắt của chữ June Nineteenth (19/6), một ngày lễ chính thức tại hầu hết các tiểu bang trên nước Mỹ. Mới đây uỷ ban vận động tranh cử “Donald Trump for President” định tổ chức một cuộc mít-tinh tại Tulsa vào ngày này, nhưng giờ chót tổng thống đã ra lệnh đổi ngày để “tôn trọng ngày lễ truyền thống này của những người bạn Mỹ gốc Phi của tôi.” (1)

Ngày 1 tháng Giêng năm 1863, trong lúc nước Mỹ còn đang chìm ngập trong cuộc nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln ra bản Tuyên cáo Giải phóng — Proclamation of Emancipation, trả tự do cho tất cả những người nô lệ tại các tiểu bang miền Nam đang nằm trong tiểu quốc ly khai Confederate States of America. Tuyên cáo của Lincoln thật ra chỉ có giá trị tinh thần, chứ trên thực tế thì tình trạng người nô lệ ở miền Nam vẫn không có gì thay đổi.

Mãi hai năm sau, vào tháng Tư năm 1865 tướng Robert E. Lee mới đầu hàng. Cuộc nội chiến tạm coi như chấm dứt, nhưng một số đơn vị ở các tiểu bang xa xôi vẫn tiếp tục đánh. Phải đến ngày 2 tháng Sáu đội quân Confederate cuối cùng ở Mississippi mới buông súng, chính thức kết thúc chiến tranh. Nhưng ở Texas quân binh Tejanos vẫn chưa chịu chấp nhận thua cuộc, do đó người da đen vẫn không được tự do. Cuối cùng đến ngày 19 tháng Sáu năm 1865, tướng Gordon Granger cùng 2,000 quân binh Union tiến vào Galveston để chính thức giải phóng người nô lệ. Đứng trên ban-công toà nhà Ashton Villa, tướng Granger dõng dạc đọc Pháp Lệnh số 3, với những lời lẽ như sau:

“Cư dân Texas nay được thông báo, chiếu theo nghị quyết của Tổng thống Hoa Kỳ, kể từ giờ phút này tất cả nô lệ được tự do. Điều này đồng nghĩa họ có những quyền giống như người chủ cũ của họ, kể cả quyền sở hữu đất đai. Giữa họ với người chủ cũ sẽ không còn là mối quan hệ chủ nô nữa mà là chủ nhân với người làm công, được trả lương…”

Quang cảnh một buổi mít-tinh mừng Ngày Giải Phóng tại Washington, D.C. năm 1866.Nguồn: Wikimedia

Đối với nhiều người dân Texas lúc bấy giờ, pháp lệnh ấy là một cú sốc. Nhưng đối với nhiều người khác nó là lý do để ăn mừng. Một số người da đen vừa được tự do lập tức thu dọn đồ đạc rời bỏ các nông trại nơi bao thế hệ qua họ từng phải lao động cực khổ không công, nhiều khi còn bị đánh đập hay hãm hiếp. Nhiều người chẳng biết phải đi đâu, nhưng họ cứ ra đi cái đã. Một số di cư sang các tiểu bang lân cận như Louisiana, Arkansas… để đoàn tụ với thân nhân hay xây dựng cuộc đời mới. Một số khác tựu về Tulsa, Oklahoma và biến nơi này thành một địa điểm phồn thịnh bậc nhất miền Nam, sau này được mệnh danh “Black Wall Street” — nơi xảy ra vụ tàn sát khủng khiếp vào tháng 6 năm 1921 được sử sách gọi là “The Tulsa Massacre”.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Sau khi ổn định được đời sống tự do, hàng năm những người cựu nô lệ ở Texas tổ chức một buổi lễ vào ngày 19/6 hàng năm để kỷ niệm ngày giải phóng, bắt đầu từ năm 1867 tại Austin. Ban đầu họ gọi nó là Jubilee Day — Ngày Ân Xá. Trong ngày này họ tổ chức tiệc tùng vui chơi giải trí như cỡi ngựa, đấu bò, chèo thuyền, câu cá… về sau còn có thêm baseball. Ngoài ra đây còn là dịp để họ ôn lại lịch sử. Các buổi lễ thường bao giờ cũng có diễn thuyết và nhạc Gospel — nguồn sinh lực của người da đen khi họ còn là nô lệ — những bài như “Amazing Grace”, “Down by the River”, “Deep River”…

Cách trang phục của người tham dự Ngày Giải Phóng năm 1900. Nguồn: Wikimedia

Món ăn truyền thống trong ngày lễ này là barbecue. Thời còn là nô lệ không phải lúc nào họ cũng được ăn thịt. Đây là dịp họ quây quần bên lò nướng barbecue — trung tâm điểm của mọi sinh hoạt. Đối với phụ nữ, Juneteenth còn là dịp để mấy bà mấy cô chưng diện. Nhiều người đã đợi tới ngày này để mang những bộ quần áo rách rưới thời nô lệ của mình đến bờ sông để vứt xuống, như một biểu tượng của sự giải thoát.

Tuy nhiên, dù được tự do trên mặt pháp lý, người da đen vẫn không được sinh hoạt chung với người da trắng. Chẳng hạn như họ không được phép sử dụng các địa điểm công cộng. Vì vậy lúc đầu họ chỉ có thể tổ chức Jubilee Day cạnh bờ sông hay tại các nhà thờ. Nhưng về sau, khi cuộc sống bắt đầu ổn định, họ hùn tiền mua đất để có chỗ tụ tập riêng. Ở Houston có Emancipation Park (Công viên Giải phóng) chính là miếng đất được những người cựu nô lệ mua làm nơi tổ chức Jubilee Day vào năm 1872 với giá $1,000. Galveston và Ashton Villa thì trở thành một địa điểm hành hương, chẳng khác nào Mecca của Hồi Giáo.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Thời gian đầu Jubilee Day chỉ phổ biến quanh quẩn Texas và vài tiểu bang lân cận. Nhưng các đợt di dân tìm việc làm do cuộc cách mạng kỹ nghệ vào cuối thế kỷ 19 đã giúp mang ngày lễ lên miền Bắc. Chẳng bao lâu sau người da đen vùng Đông Bắc cũng bắt chước tổ chức theo, dần dà tên ngày lễ được đổi thành Juneteenth. Nhưng sang đầu thế kỷ 20, khi kinh tế bắt đầu xuống dốc thì Juneteenth cũng bớt thịnh hành, nhất là khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ và hàng mấy trăm ngàn người da đen tình nguyện sang Âu Châu đánh giặc. Thời bấy giờ quân đội Hoa Kỳ vẫn còn phân chủng nên họ được cho vào các đơn vị toàn người da màu, với sĩ quan chỉ huy người da trắng.

Sang thập niên 1930, tại Texas ngày Juneteenth được chính phủ sáp nhập vào hội chợ Texas State Fair nên ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Năm 1938, thống đốc Texas là James Allred tuyên bố “Chủ Nhật 16/9/1938 sẽ được gọi là Ngày Giải Phóng (Emancipation Day)” và khuyến khích mọi người da đen “hãy ăn mừng theo cách nào họ thấy thích hợp nhất.” Texas trở thành tiểu bang đầu tiên công nhận ngày này.

Một ban nhạc nhà vườn giúp vui trong lễ Juneteenth năm 1900. Nguồn: Wikimedia

Sang thập niên 1940, một cuộc di dân lớn thứ nhì diễn ra khi kỹ nghệ chiến tranh của Đệ Nhị Thế Chiến thu hút nhiều nhân công sang miền Tây. Juneteenth theo chân người da đen qua Cali. Tại đây ngày lễ này được cộng đồng da đen chào đón nhiệt tình. Nhưng đến thập niên 1960 phong trào Civil Rights nổi lên cùng với chiến tranh Việt Nam khiến giới trẻ bớt chú ý đến Juneteenth hơn. Dẫu vậy, trong một cuộc đại biểu tình tại Washington, D.C. năm 1968, Mục sư Ralph Abernathy đã kêu gọi người tham dự hãy phục hồi ngày lễ Juneteenth tại địa phương nơi mình ở. Thế là một lần nữa Juneteenth được hồi sinh và lan rộng ra thêm. Hai thành phố tổ chức lễ này rất lớn hàng năm là Milwaukee và Minneapolis, có khi lên đến cả 100,000 người tham dự.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Và rồi đến năm 1980 thì Nghị Viện Texas thông qua một đạo luật biến Juneteenth thành một ngày lễ chính thức của tiểu bang. Công sở và doanh nghiệp có thể cho nhân viên nghỉ việc có lương để họ tham dự các cuộc ăn mừng. Nhiều tiểu bang khác cũng bắt chước theo. Năm 2019 New Hampshire trở thành tiểu bang thứ 47 công nhận ngày lễ này. Giờ đây chỉ còn ba tiểu bang chưa công nhận Juneteenth: Hawaii, North Dakota và South Dakota.

Năm 1997 Quốc Hội Hoa Kỳ cũng chính thức công nhận Juneteenth là một ngày lễ quan trọng ở Mỹ, mặc dù họ vẫn không chỉ định nó là một ngày công lễ toàn quốc. Tuy nhiên điều đó có lẽ trước sau gì cũng xảy ra. Đến như công ty Apple hồi năm 2018 còn chỉ định 19/6 là một ngày lễ trong hệ điều hành iOS, mà các nhà lập pháp thì rất nhiều người dùng iPhone.

IB
(1) Twitter @realDonaldTrump

Một cuộc tuần hành mừng Juneteenth ở New York năm 2018. Nguồn: amsterdamnews.com