Sau hơn một năm vắng bóng giang hồ vì đại dịch, ‘Hamilton’ sẽ trở lại với Dallas Summer Musicals từ ngày 16/11 đến 5/12, vừa kịp mùa Thanksgiving cho những ai chưa được xem vở nhạc kịch cực kỳ ăn khách này.

Một màn múa trong vở ‘Hamilton’. Ảnh: Joan Marcus/DSM 

Khác với những tour trước, vở ‘Hamilton’ đang lưu diễn trên nước Mỹ hiện nay có đến 3 kịch đoàn khác nhau trình diễn tại 3 thành phố cùng một lúc. Và nơi nào cũng cháy vé — phần vì dân ghiền bị bó gối quá lâu thèm được giải trí, phần vì hiếm khi có cơ hội xem vở nhạc kịch lẫy lừng từng thắng hàng tá giải thưởng này.

‘Hamilton’ không là một nhạc kịch bình thường mà là một hiện tượng văn hoá có một không hai. Khác với những Broadway show xưa nay, hầu hết các diễn viên trong ‘Hamilton’ là người da màu, mặc dù câu chuyện kể về những nhà quốc phụ da trắng của nước Mỹ. Trong số 3 đoàn diễn viên trong mùa lưu diễn này thấy có hai người gốc Hàn đóng những vai chính — Marcus Choi đóng vai George Washington và Stephanie Jae Park đóng vai Eliza, vợ của Alexander Hamilton. Hơn phân nửa diễn viên là da Ðen và da Nâu, duy chỉ có một nhân vật lúc nào cũng do nghệ sĩ da Trắng thủ diễn, đó là vai King George.  Dĩ nhiên đây là một sự lựa chọn có chủ ý của tác giả, và bài nhạc mà ông soạn cho nhà vua nước Anh cũng không giống thể loại nào khác trong vở kịch —  rất hài và rất hay!

Austin Scott trong vai nhà quốc phụ Alexander Hamilton. Ảnh: Joan Marcus/DSM

Cốt truyện nói về cuộc đời của Alexander Hamilton, từ một cậu bé nghèo khó không có cha, lớn lên ở quần đảo West Indies, chân ướt chân ráo đến New York City để đi học, đến khi trở thành phụ tá đắc lực cho George Washington và làm đến bộ trưởng tài chánh. Nếu không bị vướng vào một vụ xì-căng-đan tình ái lăng nhăng thì Alexander Hamilton rất có thể đã ra tranh cử tổng thống. Sự nghiệp chính trường của ông đã được kể lại khá trung thực trong vở kịch này, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến Thomas Jefferson và Aaron Burr — bạn thân của Hamilton mà sau này trở thành đối thủ chính trị và cũng là người bắn ông chết trong một cuộc đấu súng.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Tác giả Lin-Manuel Miranda giống Hamilton ở chỗ anh ta cũng là di dân gốc đảo, đến New York từ Puerto Rico. Lớn lên với nhạc kịch, Miranda đã sớm gặt hái thành công trên Broadway với vở ‘In the Heights’ xoay quanh cộng đồng Hispanic ở New York (vừa được đạo diễn Jon Chu làm thành phim năm 2021). Trong một chuyến đi nghỉ hè ở Mexico, Miranda tình cờ đọc được quyển “Alexander Hamilton” (2005) của tác giả Ron Chenow lúc ấy đang đứng đầu bảng bestseller. Anh nảy ra ý tưởng soạn một dĩa nhạc hip-hop dựa theo nó vì cảm thấy mình với Hamilton có nhiều điểm tương đồng.

Peter Matthew Smith trong vai King George, một nhân vật hài tế nhị nhưng thâm thuý. Ảnh: Joan Marcus/DSM

Trở lại New York, Miranda mời Chenow đi xem ‘In The Heights’ với mình, rồi đề nghị Chenow làm cố vấn cho dự án ‘Hamilton’. Chenow đồng ý. Hai người giữ liên lạc qua lại. Sau vài năm Miranda mời Chenow đến nghe thử bản nháp. Chenow đã bị sốc khi thấy ca sĩ và diễn viên hầu hết là da Ðen. Nhưng chỉ nghe chừng năm phút là Chenow hết thắc mắc và nhận ra rằng màu da của diễn viên không những không là vấn đề mà còn giúp đưa câu chuyện của mình lên tầm vóc cao hơn. Thật tình cờ, lúc bấy giờ chính trường Mỹ cũng đang có một bước ngoặt lớn.

Lần đầu tiên Miranda mang ‘Hamilton’ ra thử lửa trước công chúng là trong một đêm âm nhạc và diễn thơ ở Bạch Cung năm 2009, do Tổng thống và Phu nhân Obama chủ trì. Bài “thoại-thi chính-trị” theo điệu hip-hop của Miranda đêm đó là bản nhạc cuối cùng trong chương trình và đã được khán giả tán thưởng nhiệt liệt. Lúc đó Miranda mới 29 tuổi. Nhưng cũng phải mất mấy năm nữa ‘Hamilton’ mới chuyển mình từ một dĩa nhạc rap sang một vở nhạc kịch đúng nghĩa. Năm 2015 nó được dựng Off-Broadway (tức trong rạp hát nhỏ, dưới 500 ghế) và thành công vang dội, đêm nào cũng sạch vé. Miranda khi ấy vừa là nhà soạn kịch bản, nhà soạn nhạc đồng thời thủ luôn vai chánh. Chỉ trong vòng sáu tháng, ‘Hamilton’ được đưa thẳng lên Broadway và diễn trong rạp Richard Rodgers 1300 chỗ ngồi, tiền vô như nước. Mùa khai trương, ‘Hamilton’ ngay lập tức được đề cử 16 giải Tony (một kỷ lục) và đoạt 11 chiếc tượng, chưa kể vô số giải thưởng khác như Grammy Award, Pulitzer Prize…

Lin-Manuel Miranda nhập vai Phó tổng thống Aaron Burr diễn bài thơ nói “Alexander Hamilton” tại Bạch Cung năm 2009. Nguồn: White House.

Miranda nói, ngay từ khi có ý tưởng làm nhạc kịch này anh đã quyết định dùng nhạc rap để chuyển tải những thông điệp của các nhà quốc phụ. Thậm chí nhiều lúc anh còn biến những câu nói lịch sử của Washington hay Jefferson thành hip-hop. Thoạt nghe có vẻ khó tin, nhưng một khi được nhìn tận mắt, nghe tận tai các bản nhạc trong ‘Hamilton’ ai cũng phải công nhận rap kiểu này hợp nhĩ, hợp tình, hợp lý. Và tất nhiên khi ráp với các màn múa vô cùng điệu nghệ của các vũ công thì khỏi phải nói — chẳng khác nào một bữa ăn ngon miệng cho thị giác và thính giác.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Tháng Bảy năm ngoái, lúc đại dịch đang hoành hành và hầu hết mọi sinh hoạt không thiết yếu đều bị đình hoãn, kênh Disney+ đã làm một việc chưa ai làm là cho chiếu cuốn phim ‘Hamilton’ được quay trong rạp hát Richard Rodgers, với dàn diễn viên nguyên thuỷ trên Broadway. Ðó là thời điểm lockdown khắp nơi nên rất nhiều gia đình đã mua dịch vụ streaming của Disney cho con cái trong nhà có chuyện làm. Nhờ vậy nên rất nhiều người đã có dịp xem vở nhạc kịch này mà không cần phải đến rạp. Phim ‘Hamilton’ đã đạt kỷ lục người xem năm 2020 (chỉ thua ‘Wonder Woman 1984’) và đoạt thêm hai giải Emmy.

Ba chị em nhà Schuyler; nhân vật ở giữa, Eliza, là vợ Alexander Hamilton. Ảnh: Joan Marcus/DSM

Ðối với người Việt, khi xem nhạc kịch trên TV có cái lợi là ta có thể mở phụ đề lên để biết ca sĩ đang hát gì. Với loại nhạc rap nói nhanh như trong ‘Hamilton’, chức năng này rất hữu dụng. Nhưng dĩ nhiên vẫn không có gì thay thế được kinh nghiệm nghe nhạc sống và xem kịch sĩ trình diễn trực tiếp trên sân khấu. Kịch không như phim ảnh. Nó không có cắt ghép. Nó không thể ngưng giữa chừng để diễn viên chỉnh sửa hoặc làm lại. Ðó là lý do tại sao tự ngàn xưa con người vẫn thích xem kịch, viết kịch, đóng kịch. Hoặc như Shakespeare nói: “Cả thế giới là một kịch đài!”

Xem thêm:   Dinh Độc Lập biểu tượng tinh thần quốc gia

Mặc dù nhạc kịch là một bộ môn nghệ thuật vẫn còn tương đối xa lạ đối với người Việt cả trong lẫn ngoài nước, nhưng hy vọng các thế hệ trẻ sẽ dần khám phá ra cái hay, cái thú vị của nó và tham gia ngày càng đông hơn. Những vở nhạc kịch như ‘Hamilton’ là môi trường lý tưởng cho người thiểu số da màu, nhất là dân Á Châu, dự phần vào sinh hoạt nghệ thuật này. Những ai đã từng xem Jackie Nguyễn hay Francesca Nông trong ‘Miss Saigon’ đều phải công nhận người Việt cũng có khả năng múa hát và dư sức thủ vai chính trong các vở nhạc kịch Âu Mỹ nếu được huấn luyện đầy đủ. Mùa Thanksgiving năm nay, nếu bạn có hứng thú (hay có tiền) tại sao không thử đi xem nhạc kịch coi nó ra mần sao?

IB