Chữ viết là một trong những phát minh quan trọng nhất của con người, và cũng là đề tài được nhiều nhà ngữ học quan tâm. Theo những nghiên cứu gần đây nhất thì trên trái đất chỉ có 4 nền văn minh đã phát minh ra hệ thống chữ viết nguyên thuỷ, tức không phải vay mượn từ một hệ thống khác để từ đó khai triển thêm. 4 nền văn minh đó là: Mesopotamia (Iraq ngày nay); Egypt (Ai Cập); Trung Hoa; và Mesoamerica (Trung Mỹ).

Trong ảnh trên là hai mặt của một tấm thẻ bằng đất, khoảng 3,000 năm trước công nguyên, tìm được trong vùng Mesopotamia. Nó ghi lại một vụ giao dịch 25 con dê cái và 5 con dê đực. Vòng tròn với dấu thập nghĩa là “dê”. Hình tròn và bán nguyệt tượng trưng cho số, và hình con cá đại diện cho một nhà quý tộc có liên quan đến thương vụ nói trên. (Nguồn: Yale Peabody Museum of Natural History)       

Nhưng trước cả khi người trong vùng Mesopotamia nghĩ ra cách dùng những hình tượng như vòng tròn, chữ thập v.v. để ghi sổ sách, người thượng cổ từ hơn 10,000 năm trước đã biết khắc lằn gạch vào xương thú để ghi số. Các nhà nghiên cứu suy đoán rất có thể họ dùng phương pháp này để đếm các cuộc săn hay để theo dõi chu kỳ mặt trăng.

(Nguồn ảnh: Overmann 2016 Quaternary International 405)

Hệ thống chữ viết nguyên thuỷ được giới học giả Âu Tây khảo sát và nghiên cứu khá nhiều là hệ thống “cuneiform” đến từ vùng đất ngày xưa gọi là Babylon. Hệ thống này dùng phương pháp chiết tự đến từ hình ảnh của các sự vật cụ thể — như mưa, nắng, cá, chim v.v. Nó chuyển biến dần dần qua nhiều thiên-niên kỷ để trở thành một bộ chữ cái, có thể dùng để chuyển tải những sự kiện quan trọng hoặc thậm chí ý tưởng trừu tượng.

Một cái chốt đến từ đế quốc Achaemenid (Iran ngày nay), khoảng 500-300 TCN. Kế bên là một vài thí dụ cho thấy các “mẫu tự” trong bộ chữ ấy đã phát triển và thay đổi thế nào trong vòng hai ngàn năm. Nguồn: wikimedia

Hệ thống “hieroglyphs” của Ai Cập và Hán-tự của người Hoa cũng đi theo một trình tự tiến hoá tương tự. Song một số nhà nghiên cứu đặt câu hỏi, không biết hệ thống chữ viết của người Ai Cập có thật sự nguyên thuỷ chăng, hay cũng vay mượn từ Mesopotamia vì hai vùng đất này tương đối gần nhau. Tuy chưa ai có câu trả lời chắc chắn, nhưng tất cả đều đồng ý rằng hieroglyph không giống cuneiform về hình thức, và tất nhiên mọi người đều đồng ý rằng Hán tự là một hệ thống độc lập.

Chữ hieroglyph trong ngôi mộ vua Ramesses IX của Ai Cập, khoảng 1111TCN. (Nguồn: wikipedia)

Tại Trung Mỹ các nền văn hoá xưa, gọi chung là Mesoamerica, cũng từng có một hệ thống chữ viết dựa vào hình tượng. Vùng này ngày nay bao gồm các nước như Mexico, Guatemala, Honduras, Nicaragua, Belize, Costa Rica. Từ khoảng 1000TCN một vài bộ tộc như người Olmec hay Zapotec đã bắt đầu có ghi chép này nọ, nhưng phải đến khoảng 300TCN cách viết mới được hệ thống hoá và biến thành một thứ chữ viết chính thống, được sử dụng bởi các dân tộc thuộc nền văn hoá Maya. Rất tiếc nó đã bị giết chết khi người Tây Ban Nha chiếm Mỹ Châu vào thế kỷ 17. Giờ đây Hán tự là hệ thống chữ viết nguyên thuỷ duy nhất vẫn còn được sử dụng.

(Nguồn ảnh: Museo de sitio, Mexico)

Ngoài 4 bộ chữ “nguyên thuỷ” đã nói ở trên, là người Việt ta cũng cần đặt câu hỏi về chữ viết của người Việt cổ, được ghi lại khá chi tiết trên mặt các trống đồng đã được khai quật. Rõ ràng đây cũng là một hệ thống chữ tượng hình không khác gì mấy của người Ai Cập hay Maya, đã được quy chuẩn hoá cách đây hơn hai ngàn năm, tức nó đã phải bắt đầu từ xưa hơn trước nữa, ít nhất cũng phải vài trăm năm, thậm chí vài ngàn năm. Hệ thống này có liên quan gì đến hệ thống chữ của người Hán hay không? Nếu có vay mượn thì từ bao giờ và qua ngõ nào? Nếu không thì có thể nào nó cũng là chữ nguyên thuỷ nhưng đã bị xoá sổ sau khi người Việt bị người Hán đô hộ? Hy vọng các nhà ngữ học và khảo cổ học, nhất là ở phương Tây, sẽ quan tâm đến đề tài này nhiều thêm.

(Nguồn ảnh: wikimedia)

Sau nhiều ngàn năm phát triển, hệ thống chữ viết của con người đã không còn tượng hình nữa (trừ Hán tự) mà đã trở thành một hệ thống ký âm, tức dùng ký tự để diễn tả âm thanh và tiếng nói. Thông dụng nhất trên thế giới hiện nay có lẽ là hệ thống chữ cái Alphabet như bạn đang đọc. Tuy không là chữ viết nguyên thuỷ nhưng nó cũng có nguồn gốc sâu xa, ít nhất hai ngàn năm trước công nguyên, và có lẽ là kết quả của sự giao thoa của các nền văn hoá ở Trung Đông, đặc biệt là khu vực Lebanon ngày nay. Giờ đây với sự phát triển của computer và internet, nó đã trở thành tiêu chuẩn cho hầu hết mọi giao dịch thương mại trên thế giới.

Tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, ra đời năm 1865.

Từ một tấm thẻ bằng đất nung với chữ ký mua 30 con dê, nhân loại đã sáng chế ra vô vàn phương cách khác nhau để truyền tải thông tin. Chữ viết, và kỹ thuật ấn loát, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội, giúp khai sáng những nền văn minh lạc hậu, khai phóng những nền văn hoá cổ hủ, và nhất là khai thác tiềm lực kinh tế của các quốc gia. Nhưng cũng bởi thế giới ngày càng phẳng, nhu cầu giao dịch đòi hỏi con người phải đơn giản hoá các phương tiện truyền tải thông tin. Không có gì minh chứng cho điều này rõ hơn là hệ thống “chữ viết tượng hình” của công ty IKEA chuyên sản xuất bàn ghế và đồ nội thất. Thử tưởng tượng, nếu phải viết hướng dẫn bằng nhiều thứ tiếng chỉ để ráp cái bàn thì sẽ tốn kém biết bao!

Nguồn ảnh: IKEA