Trong phòng làm việc của Tổng Thống Hoa Kỳ có chiếc bàn tên là Resolute Desk với một lịch sử khá ly kỳ. Nó được làm từ gỗ của một chiếc thuyền Anh Quốc mang tên Resolute. Nhưng vì sao nó lại vào đến phòng Bầu Dục của Bạch Cung?

TT Trump thích đặt ghế trước bàn làm việc của mình. Ảnh: D. Angerer/Getty 

Ðể trả lời câu hỏi trên, ta cần đi lùi về thập niên 1840, khi người   Anh thám hiểm vùng biển phía Bắc Canada tìm đường Tây tiến sang Á Châu. Năm 1845, Ðề đốc Sir John Franklin (1786-1847) dẫn một đoàn thuyền gồm hai chiếc — HMS Erebus và HMS Terror (HMS là viết tắt chữ Her Majesty’s Ship – thuyền của Nữ Hoàng). Thuỷ thủ đoàn gồm có 110 người và 24 sĩ quan. Năm đó Sir Franklin đã gần 60 tuổi; ông hứa với vợ là Lady Jane Franklin sau chuyến đi này ông sẽ về hưu. Nhưng ông đã không bao giờ trở về. Chuyện gì xảy đến với họ, phải mất hơn một thế kỷ các sử gia mới có thể trả lời phần nào.

Lần cuối cùng có người Âu Châu gặp họ là tháng 7, 1845, khi họ dừng chân tại vịnh Baffin Bay để lấy lương thực. Thuỷ thủ đoàn nhân dịp này gởi thư về cho gia đình, vài người được trả về, 129 người còn lại lên đường đi tiếp và mất tích luôn từ đó. Mãi về sau, thổ dân Inuit cho biết họ có thấy hai chiếc thuyền của Franklin. Tháng 9, 1846 đoàn thuyền bị kẹt trong băng gần đảo King William Island không thoát ra được. Họ phải sống trên thuyền qua hai mùa Ðông 1846 và 1847. Ðến tháng Tư, một nhóm người đánh liều tìm đường bộ đi về hướng sông Back River của Canada. Lúc ấy Sir Franklin và 8 sĩ quan và 15 thuỷ thủ đã qua đời. Những người kia chết trên chuyến đi bộ. Khoảng ba bốn chục người về đến được đất liền, nhưng vẫn còn cách nơi có người ở ít nhất mấy trăm dặm, và rồi họ cũng không sống sót. Có giả thuyết cho rằng một số đã phải ăn thịt người.

HMS Resolute (trái) và HMS Entrepid cắm trại trên băng mùa Đông 1856-1857 (wikimedia)

Trong khi đó thì tại Anh người ta bắt đầu lo lắng vì không nghe tin tức gì từ đoàn thám hiểm sau hai năm trời. Lady Jane Franklin thúc giục Hải quân Hoàng gia tổ chức một cuộc truy tìm. Sau nhiều chuyến đi bị thất bại, vừa bằng đường biển lẫn đường bộ, dư luận bắt đầu gây sức ép phải tìm cho được Sir John Franklin bằng mọi giá. Người ta còn soạn nhạc để tả cảnh đau khổ của Lady Jane, chẳng khác nào Chinh Phụ Ngâm ở nước ta. Chỉ riêng năm 1850 có cả thảy 11 chiếc thuyền của Anh tham gia tìm kiếm, cộng thêm hai chiếc của Mỹ. Họ phát giác thi hài của một vài sĩ quan, nhưng không có dấu vết hay thư từ gì của Sir Franklin.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Sang năm 1852, một phái đoàn gồm năm chiếc thuyền lớn do Ðô đốc Edward Belcher cầm đầu tiếp tục cuộc truy tìm. HMS Resolute là một trong năm chiếc thuyền ấy, thuyền trưởng là Sir Henry Kellett. Mùa Thu 1852 sang Xuân 1853 họ dùng xe kéo trên băng để tìm dấu vết trên đất liền nhưng không có kết quả. Chiếc HMS Investigator của Thuyền trưởng Robert McClure bị kẹt trong băng, phải nhờ thuỷ thủ của Resolute đến cứu, bỏ thuyền lại. Sau đó Resolute cùng HMS Intrepid tiếp tục Tây tiến nhưng đến phiên họ bị kẹt băng. Ðến năm 1854 ai cũng mỏi mệt, Ðô đốc Belcher chỉ muốn về nhà nên ông ra lệnh bỏ lại bốn chiếc thuyền, mọi người lên chiếc HMS North Star do ông chỉ huy để về lại Anh. Thuyền trưởng Kellett phản đối kịch liệt, nhưng cuối cùng ông phải tuân lệnh thượng cấp, bỏ mặc ResoluteIntrepid cho băng kéo trôi đi. Về đến Anh, Belcher và Kellett bị đưa ra toà án quân sự vì tội bỏ rơi thuyền. Toà xử hai người vô tội, tuy nhiên sau vụ này Belcher không được giao công việc gì khác nữa, đường binh nghiệp của ông kể như xong.

Năm 1880 Resolute Desk đến Mỹ và được Tổng Thống Hayes dùng trong phòng đọc sách. Nguồn: Library of Congress

Trong khi đó thì Resolute bị băng tiếp tục kéo trôi về hướng Ðông. Một năm sau, 1855, thuyền đã đi được hơn 1200 dặm cách địa điểm bị bỏ rơi. Tháng 9, 1855 Resolute được một chiếc thuyền đánh cá voi bắt gặp. Thuyền trưởng James Buddington, một người Mỹ từ New London, Connecticut, chia đôi thuỷ thủ đoàn của mình và ông đích thân đưa Resolute về đến cảng New London kịp đêm Giáng Sinh. Khi hay tin, chính phủ Anh quyết định không lấy lại chủ quyền chiếc Resolute, coi như nó từ đây thuộc về người Mỹ.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Lúc bấy giờ giữa Mỹ và Anh đang có tranh chấp khá căng thẳng liên quan đến chủ quyền đảo Belize và quyền đánh cá trong khu vực British Columbia. Trước đó hai tháng có xảy ra ẩu đả bằng súng đạn. Nhân dịp này, Thượng nghị sĩ James Mason của tiểu bang Virginia đề nghị mua chiếc Resolute từ Buddington, sửa sang nó lại cho đẹp đẽ và đưa sang Anh để làm quà. Quốc Hội thông qua dự luật ấy, chi ra $40,000 cho Resolute và được Tổng thống Franklin Pierce ký ban hành. Tháng 12, 1857 HMS Resolute được Mỹ chính thức trao tặng cho Nữ hoàng Victoria như một hành động cầu hoà. Không lâu sau đó tình hình dịu xuống hẳn và chiến tranh đã không xảy ra.

John F. Kennedy Jr trốn dưới gầm bàn làm việc của bố. Nguồn: wikimedia

HMS Resolute phục vụ cho Hải quân Hoàng gia đến năm 1879 thì được cho về vườn, xẻ ra làm thịt. Một số gỗ của nó được nữ hoàng đặt làm bàn. Có cả thảy ba chiếc bàn mang tên Resolute được chế tạo, không cái nào giống cái nào. Năm 1880 Nữ hoàng Victoria gởi tặng Tổng thống Rutherford Hayes chiếc bàn làm việc Resolute để đáp trả mối ân tình thuở trước. Nó được đặt để ở nhiều nơi trong Bạch Cung, nhưng phải đến năm 1961 nó mới được đem vào trong Oval Office vì Ðệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy muốn trang trí lại căn phòng theo ý bà. Nhờ vậy ta có một trong những bức ảnh dễ thương nhất tại Bạch Cung là cảnh hai đứa con Tổng thống Kennedy chơi trốn dưới gầm bàn. Kể từ đó Resolute Desk chợt nổi tiếng, được gắn liền nhà lãnh đạo trẻ trung đậm chất tề gia trị quốc, và trở thành biểu tượng quyền lực của Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Sau khi Tổng Thống Kennedy bị ám sát, Resolute Desk được TT Lyndon Johnson cho phép mang ra khỏi Bạch Cung để triển lãm vòng quanh nước Mỹ, và cuối cùng được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Smithsonian. Khi Tổng Thống Jimmy Carter lên cầm quyền ông ra lệnh mang nó trở về Bạch Cung; từ đó đến nay nó là bàn làm việc cho các đời tổng thống kế tiếp — trừ George H.W. Bush tức Bush cha.

Thời Obama Resolute Desk còn được dùng làm chỗ chơi đùa. Ảnh: Pete Souza/White House Photo

Ngoài những sự kiện chính trị lớn, những đạo luật quan trọng được ký kết, những bài diễn văn lịch sử được thuyết minh tại đây, chiếc bàn này còn được nhớ đến, và nhắc đến, bởi nhiều chuyện có thể nói là khá … tầm phào. Chẳng hạn như Tổng thống Obama từng bị chỉ trích nặng nề vì cái tật thích ngồi gác chân lên Resolute Desk. Thật tình mà nói, gỗ của chiếc bàn này đã trải qua biết bao sóng gió Bắc Cực rồi nên đôi giày của tổng thống chắc khó làm cho nó bị hề hấn. Tổng thống Trump thì gần đây bị phê phán vì đã dùng Resolute Desk để quảng cáo free cho … đồ hộp Goya, mặc dù đó chỉ là một dạng hài hước rất … Trump. Nhưng nghiêm trọng hơn nhiều là vụ dan díu trong Phòng Bầu Dục của Bill Clinton mà chiếc bàn Resolute này đã phải làm nhân chứng bất đắc dĩ. Vì chuyện đó mà Clinton bị Hạ Viện lôi ra đàn hạch xém chút nữa là mất job.

Nghe kể Tổng thống Trump mỗi khi có dịp dẫn khách tour Phòng Bầu Dục, ông thích chỉ vào chiếc  bàn Resolute và nói, “Còn đây là nơi Bill Clinton và Monica Lewinsky đã từng …” Xong ông bỏ lửng câu nói và mỉm cười một cách bí mật.

Ngày “Nạn Nhân Cộng Sản” tại Bạch Cung, 7/11/2019. Từ trái: Dr Aldona Wos, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Grace Jo, TT Trump, Shirley Leon, Daniel di Martino. Nguồn: White House

IB