Biến cố 4/1975 khởi đầu cho một cuộc di dân vĩ đại có một không hai trong lịch sử Việt Nam, với hằng triệu người đã ra đi, bằng nhiều cách khác nhau, suốt nhiều năm dài. Trong số đó, có ông. Từ một người lính, làm một lưu dân, rồi ông cầm bút, dù thừa biết rằng, sách bút không nuôi sống được ai.

Những năm đầu 1980’s, ông có hai tác phẩm in chung với Võ Hoàng: Măng Đầu Mùa và Đất Lạ . Bẵng đi một thời gian khá lâu, độc giả không thấy ông viết truyện ngắn nữa mà chuyển sang viết bình luận thời sự và chính trị, những bài viết đẩy tên tuổi ông đi xa hơn. Từ đó đến nay, hầu như những người còn đọc sách báo Việt Ngữ, quan tâm đến thời cuộc, đặc biệt là những công-dân-mạng, ngoài nước, dường như không ai không biết đến tên ông.

Biết tên ông, nhưng ông là ai?

Nếu hỏi thẳng, vào thời điểm này, biết chừng, ông sẽ cho chúng ta một câu trả lời thú vị. Nhưng thôi, hãy nghe ông nói chút ít về mình, từ những ngày xa xưa lắm: “hồi nhỏ đi chơi, đi học, lớn lên đi lính, đi tù… (CS), ra tù lang thang, vượt biển đến Mỹ, làm báo Nhân Văn.” Hỏi thêm: đi lính ra sao? Ông bảo: “Tôi rất hay quên đội nón, quên cài nút áo, quên gôm ống quần. Toàn là những thứ quên lãng hợp lý nhưng lại không được chấp nhận ở đời sống quân trường. Tôi thích nhìn nắng chiều hay nắng sớm lao xao trên những hàng cây nên đôi khi còn quên chào luôn cả niên trưởng.” (Thằng Lính Bạc Tình)

Thì ra, ông từng là một anh lính thuộc loại … ba gai.

Hỏi thêm: ông còn nhớ gì về lính, sau nhiều năm định cư tại Mỹ? Trả lời “Cái thứ người như tôi cứ mỗi lần nhậu xỉn mới chợt nhớ ra mình đã từng là lính, mới ba hoa về những năm tháng tù đày, mới khề khà luận bàn đến tình chiến hữu, về chuyện đấu tranh… này nọ. Tỉnh ra tôi lại lút cút đi làm, lại sống như mình chưa hề là lính, chưa từng có thằng vì tôi mà bỏ mạng, chưa có đứa đã chí tình dặn dò tôi lo chuyện quang phục quê hương. Lính có năm bảy đường, năm bẩy thứ. Cái thứ như tôi ngó bộ hơi kỳ và cũng hơi nhiều.” (Thằng Lính Bạc Tình)

Rõ ràng là lối trả lời.. ba búa.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Tuổi trẻ mang tính ba gai, tuổi già lảng bảng chút ít ba trợn.

Có người gọi đó là tính cách của ông. Tôi chưa từng gặp, nên không biết cái mà người ta “nói” về ông, đúng hay sai. Nhưng rõ ràng, khu rừng văn chương của ông chẳng giống ai.

Trước tiên, nội cái tên “sổ tay thường dân” đã là một cái hổng giống con giáp nào! Người ta quyền cao, chức trọng, là ông lớn, là quan to, là chủ bút, chủ báo, chủ biên, chủ nhiệm, chủ tịch, chủ nợ, v.v., mới cần một cuốn sổ để ghi chép, để ghi nợ, để viết xuống những ý tưởng sẽ được trình bày trước công chúng. Đằng này, là một …thường dân, không quyền thế, (và có lẽ) nghèo tiền bạc, vậy mà cũng như ai, kè kè một cuốn …sổ tay! Nhưng điều đáng nói: cuốn sổ tay này (hơi bị) “nặng ký”. Không phải nặng theo tính chất vật lý, mà là nặng bởi một tấm lòng. Tấm lòng đó, đồng cảm với người, ấm áp với đời. Vì thế nó lôi cuốn bạn đọc.

Thực ra, cảm động bởi một tấm lòng, chỉ là một bước khởi đầu. Quyến rũ người đọc trên ngần ấy trang viết, tất phải bắt nguồn từ một rung động lớn: một bản lĩnh nghệ thuật được dàn trải trên từng trang viết. Trong văn học nghệ thuật, ý tưởng không làm nên sự khác biệt giữa nhà văn. Chính bản lãnh nghệ thuật mới làm nên điều đó.

Sổ Tay Thường Dân (STTD), trước hết, là tập hợp những bài viết nặng lòng với quê hương, những bài bình luận đặt trọng tâm vào tình người, và sau nữa, là những trang viết bám sát từng biến chuyển của thời cuộc tác động vào đời sống của những người dân thấp cổ, đang còng lưng sống nốt những tháng ngày còn lại trên mảnh đất hình chữ S. Cái tâm thế mà ông đặt vào trong từng bài viết của mình là tâm thế của một người con, lìa xa đất tổ, nhưng lòng vẫn nhìn về bên kia biển lớn với một ước vọng khá nhỏ nhoi: làm sao cho dân tình đỡ khổ, làm sao cho người đối với người ngày một tử tế hơn. Trong cái ước vọng đó, ông dị ứng với những bản báo cáo nổ như pháo, những lời tuyên bố nghe rất là rổn rảng, những con số thống kê đầy dấu chấm hỏi.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Viết về một thể loại như thế, bàn về nhiếu vấn đề khô khan, thường dễ làm người đọc nản lòng ở những bài viết tương đối dài. Cho nên, ông đã chọn cho mình một con đường đi riêng biệt. Ở đó, trên từng trang sổ tay, luôn luôn ẩn hiện những chất hài, pha lẫn những nghịch ngợm, không phải cái nghịch ngợm nổi loạn của tuổi 15, 17, mà là một thứ nghịch-ngợm-ngầm, chín mùi, đọc lên, nghe nó đi thấu vào tận ruột gan, đã thiệt là đã.

Có nhiều lúc, ẩn hiện cái tếu táo của một anh chàng vui tánh. Dùng chất hài trong những bài viết có tính chất nghiêm trọng là nhằm kéo cái khô khan, chán ngắt xuống gần với đời thường, để mọi người có thể thưởng ngoạn một cách dễ dàng hơn. Ở những điều mà người khác cho là to tát, vĩ đại, sổ tay của ông đơn giản hóa, làm cho nó thực hơn, sống động hơn, và nhất là “đời” hơn. Trong ý nghĩa đó, không ít lần ông mai mỉa những nhân vật lớn, thét ra lửa, bằng chính những bản báo cáo hay những tác phẩm của họ.

Hãy nhìn thử ông viện sĩ Nguyễn Chơn Trung, trong nước:

Sau đây là báo cáo của Viện Sĩ Nguyễn Chơn Trung, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt ở Nước Ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh:

“Năm 2004 cả nước có khoảng 3,3 tỷ USD kiều hối, riêng TP. HCM đạt 1,8 USD… đó chỉ mới thống kê theo đường “chính ngạch” qua ngân hàng, chưa kể kiều hối về nước bằng những con đường khác nữa. Tiềm năng của Việt kiều rất lớn. Nếu tính xuất khẩu dầu lửa, xuất khẩu gạo của Việt Nam, cả năm phải dùng nguồn lực toàn dân mới đạt gần 2 tỷ dolar. Trong khi đó, với số lượng kiều hối đổ về quê hương, chúng ta có được 3,3 tỷ dollar. Tiềm lực này nếu bị bỏ quên là điều đáng tiếc.”

Không biết cái viện (thổ tả) nào đã sản xuất ra cái loại viện sĩ, như Nguyễn Chơn Trung. Ông ấy thường hay nói chữ, và nói (rất) ngu. Mấy tỉ Mỹ kim tiền tươi (đổ về ào ạt hàng năm) mà thằng chả kêu bằng “tiềm năng” và “tiềm lực”, Giời Đất ạ!” (Hát Xẩm)

Và đây, một tác phẩm của một nhân vật (hơi) lớn khác.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Tác phẩm duy nhất mà tôi thực sự tâm đắc, vào thời điểm đó, là Hổ Chí Minh Toàn Tập – dù tác giả viết nhiều đoạn hơi (bị) dở. Thí dụ như: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển.”

(Giời ạ, mặt trời chứ bộ mặt trận sao mà đòi lấy lực lượng ra ngăn trở. Tương tự, có cái lực lượng mẹ rượt nào mà ngăn trở được loài người tiến lên, cha nội? Viết như thế mà cũng bày đặt cầm bút).

Ngoài những lỗi lầm nho nhỏ không đáng kể như thế – về nội dung – phải nói đây là một công trình đồ sộ, rất đáng đồng tiền bát gạo. Sách rất dầy, giấy in rất tốt, giá rất rẻ, và (rất) được những bà hay những cô bán hàng rong ưa chuộng. Họ cần giấy để gói, hoặc để chùi; còn tôi, tôi cần một phần ăn – nhiều hơn số tiền túi mình có thể mua. Do đó, dù có đói thảm thiết tôi cũng chả bao giờ (dại dột) xà ngay xuống mẹt xôi hay mẹt bánh. Tôi luôn chịu khó đi lòng vòng mua sách, rồi mới mang đổi lấy thức ăn – cho đỡ khổ cái dạ dày!” (Tô Hoài và Ba Người Khác)

Đoàn Nhã Văn

Còn tiếp một kỳ.