Đoàn Nhã Văn 

Ông đọc nhiều, bám vào thời sự trong nước từng ngày, tinh tế nhìn quanh đời sống. Ông bao quát chuyện “lớn”. Ông đi sâu vào chuyện nhỏ. Chuyện “lớn” ông dí dỏm theo kiểu lớn. Cái nhỏ, ông hài hước theo kiểu nhỏ. Nhưng dù nhỏ hay lớn, mâm nào có ông, mâm đó được nhiều người biết đến.

Chuyện lớn, như chuyện đi vào văn học sử, ông dũa te tua những kẻ đi quá giang trên chuyến tàu quá tải, một cách mờ ám. Ông bình về những cái tuyên cáo trên những tờ báo lớn trong nước. Ông luận về những lời lẽ “có cánh” của những quan lớn một thời như: Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải v.v., một cách rất có “duyên”, để người đọc thấy được bề mặt khác của những tuyên bố hùng hồn. Ông đi đến gần như tận cùng cái đau của người dân khi hứng chịu những cái ác từ những người không tử tế, từ sau 1975.

Chuyện nhỏ, ông viết về con chim sẻ, chim ri, củ khoai, củ sắn, cây vú sữa miền Nam, cái bia tưởng niệm, cuốn băng nhạc, đôi dép, cái mũ. Lớn thêm tí xíu, ông viết về con đò, cái nghèo, cái đói v.v.

Cứ lấy một chuyện nhỏ thử coi, chuyện cái mũ, đôi dép, chẳng hạn.

Những gia đình đông con thường nghèo, và những gia đình nghèo thường … đông con. Nghèo, tất nhiên, đi cùng với khổ. Khổ nhất là anh em phải mặc áo quần của nhau, người Việt gọi là mặc “khính”, cứ đứa lớn mặc chật thì đứa kế sẽ mặc tiếp.

Mặc quần áo cũ đã phiền, đi dép cũ hay đội nón cũ còn phiền hơn nữa, nhất là dép râu và nón cối. Loại nón này xuất hiện cùng luợt với chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, như một biểu hiện cho … tai họa, và sự khốn cùng của người dân – ở sứ xở này.

Một cái nón cối mới tinh (đội) trông đã chả giống ai. Chơi một cái đã cũ, bẩn thỉu, và bạch phếch màu lên đầu thì kể như là hết thuốc! Đã có mấy thế hệ người Việt phải đội những cái nón cối (thổ tả) như thế, trong suốt cuộc đời không may của họ”( Thôi Bỏ Đi Tám (Bis))

Viết ngắn mà thấm. Nói ít mà đau.

Lấy thêm một ví dụ nhỏ nữa, về cây vú sữa, chẳng hạn.

“Hồi đó, cô bảy chỉ mới 14 tuổi. Cô kể: “Khi các chú với tía mang balô lên Vàm Chắc Băng tập kết, mẹ gọi tôi vào nói: Tụi nó đi mà không có gì gửi cho Cụ Hồ. Mày chạy xuống nhà ngoại bứng về cho má cây vú sữa gửi cho Cụ nhanh lên!”

Chẳng ai trả lời được câu hỏi tại sao mẹ Tư lại tặng cây vú sữa mà không là cây khác.”(Con Ở Miền Nam Ra Thăm Lăng Bác)

Năm 2004, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Cà Mau có quyết định cho xây bia tưởng niệm cây vú sữa. Xem thử ông nghĩ gì về cái quyết định này.

“Cái quyết định của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau, về chuyện “cho xây bia tưởng niệm cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”, là có vẻ hơi nặng phần trình diễn. Tưởng gì chớ mộ bia, và bằng khen thì “những gia đình có công với cách mạng” – Bắc cũng như Nam – đâu có thiếu. Nhà nào mà sau vườn không ngổn ngang bia mộ liệt sĩ, và trên tường không treo (tá lả) cả đống bằng khen thưởng.” (Con Ở Miền Nam Ra Thăm Lăng Bác)

Cái “duyên” ngầm của ông nằm trong nét hài, giễu cợt những thứ mà ông thấy ứa gan. Từ tếu táo ông đi đến cà khịa, khi cần. Nhưng phải nói rõ hơn, ông sẵn sàng cà khịa với những “cái gọi là” viện này, ủy ban kia, “ba người khác”, rồi (lại) ba người khác nữa v.v…. Nhưng đằng sau cái cà khịa tới cùng đó, là một tấm lòng xót xa với những người … thường dân.

Xem thêm:   Cám ơn kỷ niệm nuôi em lớn

Đó là những ông lão đưa đò ở miền Trung, những em thơ bị “ba người khác” và đồng bọn giành lấy những phương tiện tối thiểu để đến trường (như chiếc thuyền máy được nước ngoài viện trợ), những đau khổ bị chèn ép của những người dân tộc v.v. Những người mà ông chia sẻ, xót xa chính là những người thấp cổ, bé miệng trong một xã hội mà luật lệ mọc lên một cách (hết sức) vô thứ tự như cây rừng, nên đến khi cần dùng luật, họ lấy luật rừng ra xử. Chẳng hạn việc tòa án xử ông lão chèo đò trên 80 tuổi, trong vụ chìm đó ở bến Chôm Lôm.

Theo báo chí trong nước tường trình:

“Chủ tọa Vũ Thanh Liêm hỏi: “Biết mình già yếu, tuổi đã cao nhưng tại sao ông vẫn còn chèo đò. Lúc đó ông có biết đã vi phạm pháp luật vì không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy không?”. Ông Nghĩnh đáp: “ Tôi gắn bó với sông Thu Bồn từ nhỏ. Già cả rồi nhưng nghĩ tới hột lúa hột gạo nên phải làm. Cả đời tôi không đi ra khỏi làng, làm sao biết quy định của pháp luật được.”
Cũng theo báo chí trong nước thì “Cả bản Chôm Lôm như chết lặng trong tiếng khóc thương. Nghĩa trang của bản đã phủ thêm 13 vòng hoa trắng. Nhiều em không thể có nổi tấm ảnh thờ, gia đình phải dùng sách vở, giấy khen để làm di ảnh.”

Vậy ông bình luận thế nào về vụ này?

“Ở một nơi mà những cụ già đến tuổi tám mươi vẫn phải làm việc mưu sinh, và những đứa bé suốt thời ấu thơ chưa bao giờ có được cơ hội chụp một tấm hình, mà đòi hỏi ông lái đò phải có giấy phép hành nghề, và khách đi đò phải có phao an toàn là những biện pháp …”khắc phục” (nghe) rất …viễn vông!” (Chuyện Từ Những Chuyến Đò Ngang)

Nhưng chưa hết:

“Giá mà ngày trước Bác (giai) đừng đi linh tinh (tìm đường cứu nước, và chung chạ tùm lum) thì mọi chuyện – không chừng – đã khác, và đã khá. Cứ ở lại quê mình với bác gái, một vợ một chồng – sớm tối có nhau – không có sức vóc làm ruộng thì nuôi gà, nuôi vịt, đan lát quàng qué kiếm thêm (có lẽ) cũng không đến nỗi nào. Được thế thì bây giờ gia tộc cũng đỡ mang tiếng xấu và tỉnh nhà (chắc chắn) đã có một chiếc cầu ngang, qua bến Chôm Lôm. Còn những công dân lão hạng khắp mọi nơi (như ông Võ Nghĩnh) cũng sẽ đều được nằm chết ở nhà mình – thay vì ở nhà … tù, vì tội đưa đò – khi đã quá tuổi tám mươi.” (Chuyện Từ Những Chuyến Đò Ngang)

 Ông viết vậy nên “chúng” ghét là phải.

Xem thêm:   Thử tài trí thông minh nhân tạo AI

Viết S.T.T.D, ông viết bằng tâm thế của một người đúng về phía yếu, về phía nạn nhân, về phía của nước mắt, nhưng rõ ràng không phải là nước mắt của “mẹ mìn”. Chọn cho mình một thế đứng như thế là thách thức, là tuyên chiến với cái ÁC. Lựa chọn như vậy, nên ông đau nỗi đau của người dân nghèo xứ thượng, ông nghe đắng chát nỗi niềm của những ông lão chèo đò, ông xót xa cho những em thơ thiếu điều kiện đến trường….

Cái nghèo đói sao mà cứ đeo đuổi theo họ suốt đời. Sống ở thôn quê, ruộng đồng, sông nước, cái nghèo cứ quấn quýt một bên. Làm sao để khá hơn? Đêm nằm vắt tay lên trán, nghĩ mãi chẳng ra. Nhà nước luôn khuyến khích mọi người khai triển kế hoạch: vườn-ao-chuồng, để góp phần phát triển đất nước. Vườn (thiệt tình mà nói), những người thường dân … thua, vì họ làm gì có đủ đất để mà làm vườn. Đất thuộc về người khác!

Còn nuôi, trồng để phát triển? Biết nuôi con gì, biết trồng cây gì để mà “xóa đói giảm nghèo”. Mà có nuôi, có trồng thì cũng phải có tiền. Nghèo quá, ai cho vay. Cái khó bó cái khôn. Cái vòng luẩn quẩn như con gà và cái trứng cứ đeo đuổi họ suốt đời. Phải chi họ có “chút ít” như cán bộ, họ sẽ biết trồng cây gì và nuôi con gì ngay. Có lẽ, cũng bắt chước như “người ta”, họ sẽ trồng cây “xăng” và nuôi con “cave” để lên nhà lầu, để tậu xe hơi.

Đó là những tiếng cười thầm, chua xót. Đó là những giọt nước mắt khô, lăn dài, trong một thời đại “thổ tả”.

Từ một người thường dân, đứng bên này biển mà nhìn về bên kia (chứ ông chưa đi hết biển), nghe từng nhịp tim đập với thế thời, ông vui sướng, biết có những nhà yêu nước, bất chấp hiểm nguy, đòi quyền sống, đòi quyền làm người cho những thường dân trong nước. Ông viết về họ như góp thêm những ánh lửa nhỏ cho một ngọn đuốc lớn. Ông viết về họ, như trải lòng mình ra (và như ngã nón chào) những người dám vì người, quên mình. Những dòng chữ của ông vì thế mà lấp lánh. Lấp lánh một tấm lòng.

Nhiều người cho rằng: trí thức là những kẻ biết đặt câu hỏi “tại sao” trước những điều xảy ra trong cuộc sống. Và hơn thế nữa, “họ” là những người biết đặt câu hỏi ngược lại những điều mà người khác có thể cho là chân lý. Đặt câu hỏi như thế là nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhằm soi rọi những ẩn khuất của cuộc sống.

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

Tôi chưa từng nghe ông tự nhận mình là trí thức, khoa bảng. Vậy mà, bất cứ số sổ tay nào, ông cũng lật đến cốt lõi của từng vấn đề. Ông đề cập một cách nhẹ nhàng, mà thâm sâu. Ông đào xới, xóc tung từng điểm, ngay cả những điểm hết sức nhạy cảm, một cách không khoan nhượng, mà không hề sắt máu. Ông lột mặt nạ những con thò lò, vạch mặt những kẻ láu cá một cách thẳng thừng mà lại rất ngoạn mục.

Có một nét đặt biệt ông thường dùng trong câu văn, là những dấu ngoặc đơn. Với nhiều nhà văn khác, thành phần trong dấu ngoặc đơn thường là thành phần phụ, dùng để giải thích hay thuyết minh một điều gì được nói trước đó. Với ông, không là thế. Mà nhiều khi nó lại là cái cốt lõi của điều ông muốn nói. Nó tạo nên cái nét tinh quái trong chữ nghĩa của ông. Cứ đọc những đoạn trích dẫn để thấy cái đắc địa của những chữ ông bỏ trong ngoặc đơn.

Và, hơn thế, ông thường đẩy vào trong cái trong cái ngoặc đơn ấy, một từ mà ông (lấy làm) thích thú: “thổ tả”. Cái viện (thổ tả), cái nón cối (thổ tả), loại nhạc (thổ tả), chính sách (thổ tả), thời đại (thổ tả)… Cái gì mà ông thấy chướng tai gai mắt, cái “món hàng” ấy sẽ được xếp vào loại (thổ tả) này ngay. Công bình mà nói, không phải cái (thổ tả) nào cũng đạt được điều ông muốn diễn đạt.

Còn nữa, thỉnh thoảng ta nghe ông phán một tiếng: Mẹ rượt. Đó là tiếng chửi đổng của miền Nam. Ông phải xổ … nho như thế, vì bực mình khi đọc hay nghe phải những lời nói có cánh nhưng (rất là) ngu, như ông thường nói. Phải xả nó ra, để khỏi phải bực bội. Xong xuôi, lại phải giải thích cho … thằng chả đó nghe. Tánh ông là thế. Chẳng hạn: “Bỏ cái thành kiến mẹ rượt đi mấy Tám”, hay “ Có cái lực lượng mẹ rượt nào mà ngăn trở được loài người tiến lên, cha nội?” v.v.

Diễn tả nét đẹp, của văn chương cũng như của một người con gái, dễ hơn diễn tả cái duyên ngầm. Để “thấy” cái duyên, lắm lúc cần phải đối diện. Nghe người khác thuật lại, cái duyên đó đã mất đi nhiều phần. Cái duyên trên những trang viết của ông cũng thế. Để thưởng thức, nó đòi hỏi người đọc phải trực tiếp đọc nó. Để thấm!

Viết về thời sự, chính trị, vạch mặt cái ÁC của thời đại, bằng một giọng văn hóm hỉnh, pha chất hài hước trên từng trang viết, giễu cợt một thời đại thổ tả, cà khịa với những bản mặt táo bón, tếu táo với những ông bạn của dân, mỉa mai những lời “có cánh”, từ trước tới nay, trong làng văn, báo, khu rừng này dường như chưa có người khai phá. Vì thế, trái núi mang tên ông, Tưởng Năng Tiến, là một trái núi cô đơn.

ĐNV