Theo quy định mới của chính quyền Sài Gòn, các tụ điểm ăn chơi như quán bar, vũ trường, karaoke… buộc phải đóng cửa kể từ 0 giờ ngày 31-7-2020 cho tới khi có thông báo mới. Trước đó, vào ngày 15-3-2020 những ngành nghề này cũng bị đóng cửa do tình hình đại dịch Covid-19 (được phép mở lại tạm thời vào ngày 11-6-2020). Cũng nên biết, chỉ riêng Sài Gòn hiện có không dưới 400 quán bar, vũ trường lớn nhỏ rải đều khắp các quận, huyện. Nhiều quán bar, vũ trường với những sàn nhảy khá lớn, hàng đêm tập trung cả trăm vũ nữ trẻ trung, xinh đẹp nhằm thu hút khách. Khi những quán bar, vũ trường này bị đóng cửa, sinh hoạt vũ trường lắng xuống đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, chuyện “làm ăn” của các chị em vũ nữ.

Vũ nữ, gái nhảy lúc các tụ điểm hoạt động thịnh hành. Ảnh do tác giả cung cấp  

Hiện tại, hầu hết các quán bar, vũ trường buộc phải đóng cửa nhưng – theo quan sát của chúng tôi – các chị em vũ nữ, gái nhảy khó lòng “đóng băng” mình trong thời giãn cách này. Họ tìm mọi cách để kiếm tiền nuôi bản thân cũng như giải quyết những nhu cầu của cuộc sống. Với những “nàng” dồi dào nguồn lực tài chính (do cố gắng tiết kiệm dành dụm từ trước hoặc có sẵn một vài “mạnh thường quân” hỗ trợ) thì “sống chung” với cơn “đại dịch” không khó. Nhưng, với những cô mới bước chân vào nghề, không mấy rủng rỉnh tiền bạc thì đây rõ ràng là một “đòn” khá nặng giáng xuống họ. Bị cấm hoạt động, một số cô bèn tự mở cho mình hướng kiếm tiền mới, chẳng hạn như kinh doanh online.

Cô Thúy Ngọc, 25 tuổi, hiện tạm trú quận 9, có hơn 6 tháng làm với quán bar Canalis Club (quận 3) cho biết mấy tuần qua, cô chuyển hướng sang kinh doanh các món chân gà ngâm sả tắc, khô gà lá chanh… vì bản thân cô lúc còn ở quê (Vĩnh Long) rất giỏi nội trợ. Thúy Ngọc (và nhiều “nàng” vũ nữ khác đang bị thất nghiệp) thường xuyên tổ chức livestream táo bạo khoe body của mình trên Facebook hay Twister nhằm nhận được nhiều “like”, qua đó kiếm khách mua các mặt hàng của mình và sẵn sàng ship hàng tới tận nơi cho người dùng. Nói chung, những mặt hàng bán được và bán chạy (cùng với các món ăn còn có quần áo thời trang, kem dưỡng da, nước hoa, khẩu trang, thuốc trị mụn, thuốc cường dương, dụng cụ phục vụ nhu cầu tình dục…) thì các nàng đều không bỏ qua. Tuy nhiên, những vũ nữ chịu khó làm ăn đàng hoàng kiểu này không nhiều, bởi không ít cô cho rằng đó là kiểu “kiếm bạc cắc”, “chả bõ bèn gì”. Họ thực hiện mục tiêu chính là tiếp tục sử dụng “vốn trời cho” để làm sinh kế!

Thử tìm kiếm những mối khách quen – Ảnh do tác giả cung cấp

Một số “dân chơi chuyên nghiệp” cho chúng tôi biết, không ít các quán bia, quán nhậu bình dân (phần lớn nằm ở các khu vực vùng ven, ngoại thành) đã trở thành những “sân chơi” mới khá lý tưởng của các chị em vũ nữ, gái nhảy không may bị… thất nghiệp. Với quy mô nhỏ lẻ, ít bị chính quyền địa phương chú ý (hoặc có chú ý nhưng đã được “chạy thuốc”, “cấp dưỡng” chu đáo) dưới dạng những quán cà phê hay quán nhậu bình dân, người ta luôn sẵn sàng phục vụ khách làng chơi. Nếu thích có thể “chơi tẹt ga”, “chơi tới bến”.

Xem thêm:   Tây Tạng & những bi kịch

Một ngày đầu tháng 8-2020 vừa qua, tại một quán nhậu bình dân có tên R.T. nằm trong con hẻm nhỏ đường Ðình Phong Phú (quận 9), tôi có dịp lai rai cùng hai người bạn và 3 cô gái nghe nói là “gái nhảy thất nghiệp trên Sài Gòn vừa đầu quân về”. Ðã hơn 2 giờ chiều nhưng quán khá vắng, chỉ có mỗi bàn nhậu của chúng tôi. Quán có tổng cộng 6 lều rơm, được quây kín chung quanh bằng những tấm cót bồ, có lẽ nhằm tránh những cặp mắt tò mò từ bên ngoài. Bàn nhậu có 6 người, gồm 3 khách và 3 “đào”. Chúng tôi vừa “yên vị”, không ai bảo ai, ba cô gái bắt đầu cho nổ khăn lạnh bôm bốp và hè nhau dùng nó lau mặt, cổ, tay… cho các “thượng đế”. Tiếp theo họ nhanh tay khui bia bóc bóc và đổ đầy các ly, thậm chí tràn cả ra bàn. Chiếc rổ nhỏ đựng các hộp phô mai, thịt bò khô, đậu phộng, bánh snack… cũng bị các cô lôi từng món ra xé, bày biện đầy bàn. Cô gái xưng tên Mỹ Oanh, cho biết năm nay 22 tuổi, ngồi cạnh tôi, ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Thấy mặt anh hiền quá em mới dám nói. Mấy anh ráng giúp bọn em sao cho đủ ít nhất hai két bia nha! Uống ít quá bọn em bị bà chủ mắng đấy!”. Trong khi đó, ông bạn cùng ngồi nhậu chung với tôi đang co kéo với cô gái ngồi cạnh có tên Phương Chi. Ông này cứ nằng nặc đòi “mua giá cao” bộ cánh “con dế” ngắn cũn cỡn mà Phương Chi đang mặc trên người. Có lúc, ông kéo tuột quai áo Phương Chi xuống khỏi hai bầu ngực (không thấy cô nàng mặc áo nhỏ bên trong) rồi cả đám bật cười hô hố…

Sẵn sàng “đứng đường”- ảnh do tác giả cung cấp

Vẫn lời Mỹ Oanh tâm sự với tôi: “Thời gian chưa có dịch Covid-19, hàng đêm bốn đứa bọn em (vẫn còn một cô gái đang ở trong phòng chờ vì chưa có khách) đều đi làm ở vũ trường Apocalypse Now (thuộc quận 1). Nay vũ trường đóng cửa mới xin vào làm tạm ở quán kiếm chút tiền tiêu vặt chứ bình thường chẳng bao giờ bọn em xuất hiện ở những chỗ “tạp nham” kiểu này cả (?). Trong số 4 đứa bọn em thì có Phương Chi đang mắc nợ xã hội đen gần 50 triệu vì trước Tết nó vay tiền người ta mua xe Honda SHi, dự tính đi làm để dành tiền trả nợ dần nhưng dè đâu mới làm được mấy tháng thì xảy ra vụ Covid-19. Anh biết không, hồi còn làm quán bar khách phải bỏ ra từ 1 đến 1.2 “củ” (triệu đồng) nó mới chịu đi nhà nghỉ nhưng giờ giảm còn phân nửa thôi…”. Tôi hỏi: “Ðang lúc dịch bệnh hoành hành, người ta và cả bọn em cũng dám đi chơi?”. Mỹ Oanh đáp: “Dạ! Bọn em cũng sợ nhưng trong thời gian làm ở bên quán bar bọn em cũng có một số “mối ruột”. Chỉ có những khách quen này mới chịu tìm đến bọn em để vui vẻ. Mặc dù công việc này hơi “tế nhị” nhưng nói chung bọn em không thể nghỉ, bởi nếu nghỉ thì không kiếm được tiền. Hơn nữa, nghỉ lâu quá bọn em sẽ mất khách quen, sau này thu nhập sẽ bị giảm rất nhiều! Nhưng nói gì nói, làm ở đây xem ra cũng tốt hơn mấy đứa cũng vì đồng tiền mà phải ra đứng đường tìm khách anh à!”

Xem thêm:   Ra nước ngoài chữa bệnh

Cũng theo lời cô vũ nữ trẻ này, chừng như mỗi nghề nghiệp đều có một nỗi niềm khác nhau. Tùy theo từng hoàn cảnh, từng thời điểm họ buộc phải tự điều chỉnh sao cho hợp lý. Và tôi biết rõ nguyện vọng lớn nhất của các vũ nữ, gái nhảy bây giờ là ai cũng mong đại dịch Covid-19 qua đi để họ có thể trở lại làm những công việc mà trước đó từng bị… dòng đời xô đẩy vào (!?).

Cuối cùng là trao thân nơi nhà nghỉ – ảnh do tác giả cung cấp

NS