Thời gian gần đây, tình trạng các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến mập mờ, mạo danh công ty tài chính, ngân hàng giới thiệu cho vay nhưng thực chất là lừa đảo, ở Việt Nam diễn ra khá phổ biến. Các app cho vay đang ngày càng mọc như nấm. Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “vay tiền online” hay “app cho vay” trong vài giây sẽ thấy ngay hàng chục triệu kết quả. Những lời quảng cáo từ các app cho biết người cần vay tiền chỉ việc bỏ ra dăm ba phút sẽ nhận được tiền ngay, không thủ tục rườm rà, cũng không thế chấp… Nhưng hãy thử động vào những app này, không ít hệ lụy liền xảy ra…

Các app cho vay nợ nhan nhãn ở VN. Ảnh: tác giả cung cấp
Nguyễn Văn Phước (45 tuổi, ngụ Thủ Ðức) từng là nạn nhân của các app cho vay online. Cuối năm 2021, vì cần tiền nên Phước tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, tìm thấy một app cho vay online với lãi suất, tiền dịch vụ như sau: cho vay 3 triệu VNÐ trong 2 tuần lễ, tiền “dịch vụ” 900 ngàn VNÐ; cho vay 10 triệu VNÐ, lãi 50 ngàn VNÐ/ngày, tiền “dịch vụ” 1 triệu VNÐ, thời hạn trong 1 tháng… Theo lời kể của Phước, anh đã thử tải về điện thoại các app cho vay của công ty tên Nhiệm Tin có địa chỉ trụ sở ở Sài Gòn như herovay, ngayvnsa, goldpocket… và xin vay 10 triệu VNÐ. Tuy nhiên, tới khi Phước chậm trả nợ khoảng 3 ngày, các app này đã liên tục gọi điện thoại chửi bới, rồi còn hăm dọa sẽ đăng hình ảnh của anh và gia đình lên các mạng xã hội để đòi nợ. Từ đó trở đi, hàng ngày Phước phải nhận mấy chục cuộc gọi đòi nợ, gồm cả những cuộc gọi ghi âm sẵn. Ðến cuối tháng 4-2022, do quá ngán ngẩm, Phước bèn xoay xở đủ cách để trả hết nợ cho các app nhưng sau đó họ vẫn tiếp tục gọi điện thoại giới thiệu dịch vụ mới, mời anh vay tiếp, thậm chí còn tự động chuyển trước số tiền vay vào thẻ ATM của anh (?).

Vay nợ qua App rất dễ dàng nhưng không dễ trả. Ảnh: tác giả cung cấp
Trường hợp khác, anh Lê Quang Minh (39 tuổi, ngụ Bình Thạnh) đã rơi vào tình cảnh trớ trêu khi các app anh từng vay tiền quay sang “khủng bố” hàng loạt người nhà và bạn bè của anh. Nguyên do vào tháng 9/2021, vì cần tiền gấp nên Minh tìm vào website H5vaytien.com chọn một app tên “Tia chớp” vay 5 triệu đồng trong 15 ngày. App bèn tự khấu trừ các loại lệ phí và số tiền Minh thực nhận còn 4.1 triệu đồng. Thấy việc vay qua app khá đơn giản bởi chỉ cần chụp ảnh gương mặt mình, cung cấp thông tin những người thân khi cần liên lạc gấp nên Minh đã nhiều lần vay app này để trả nợ app kia. Ðến tháng 2/2022, Minh tiếp tục “liều mạng” vay số bạc 40 triệu đồng trên app Lala Credit để trả nợ các app khác khi số nợ cả lãi lẫn gốc tăng lên khá nhiều. Song chỉ sau 2 tháng, lãi mẹ đẻ lãi con khiến Minh không kham nổi. Lúc này, app tính lãi ngày lên tới 30% trên số tiền gốc, khiến số nợ anh phải trả thành hơn 300 triệu đồng. Kể từ đó, các app liên tục “khủng bố” đòi nợ, thậm chí còn thuê đám giang hồ tới tận nhà chửi bới, quậy phá, tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà. Bọn này không để lại danh tính, cũng không nói đến đây theo lệnh của ai mà chỉ nhắn lại cho người nhà của Minh rằng: “Hẹn trong 3 ngày sau phải trả xong nợ. Lần sau chúng tao tới sẽ không được may mắn như hôm nay. Cũng đừng đi báo công an vì chúng tao luôn có cách!”.

Người vay nợ chậm trả bị đăng ảnh đòi nợ trên mạng và bêu riếu khắp nơi. Ảnh: tác giả cung cấp
Tình trạng “khủng bố” này, như đã nói, không chỉ nhắm đến các con nợ mà còn khiến những người nhà, người quen của họ gánh chịu hệ lụy khó lường, gây tâm lý hoang mang, bất an cho xã hội và không chỉ vài trường hợp như trên mà hầu như đã diễn ra ở rất nhiều địa phương trên khắp cả nước, kể cả những vùng sâu vùng xa loại hình này cũng “vươn vòi” đến.
Ông Hoàng Trọng Thọ, chuyên viên tài chính, công tác ở chi nhánh ngân hàng BIDV (quận 2) nhận xét: “Hầu hết các app cho vay này là các tổ chức tín dụng đen trá hình lập ra làm ăn với những thủ tục hết sức dễ dàng nhưng lưu ý nó luôn có lãi suất cao gấp nhiều lần so với các ngân hàng chính thức. Hành vi cho vay lãi suất cao và đòi nợ theo kiểu xã hội đen cũng là đặc điểm của loại kinh doanh này. Không ít app cho vay online thực chất là dạng lừa đảo. Ðiều này thể hiện khá rõ khi chúng thường yêu cầu điều kiện giải ngân là người xin vay phải đồng ý cho truy cập vào toàn bộ danh bạ, thông tin của người thân, bạn bè và nếu không tỉnh táo, người xin vay chắc chắn dễ rơi vào thế yếu”.

Nhà người vay nợ chậm trả bị “khủng bố” tạt sơn cảnh cáo. Ảnh: tác giả cung cấp
Về chuyện đòi nợ vay, cũng tại VN, loại hình dịch vụ này từng bị Nhà nước ra lệnh cấm hoạt động từ đầu năm 2021. Song trên thực tế, loại dịch vụ này vẫn tiếp tục biến đổi tên gọi, hình thức để tồn tại và ngang nhiên hoạt động, quấy nhiễu người dân và xã hội với mức độ ngày càng tăng cao. Nhiều người dân cho rằng, những quy định pháp luật ở VN nhằm kiểm soát các mối quan hệ vay mượn nợ cũng như giữ gìn an ninh xã hội cũng có, nhưng lý do tại sao chính quyền địa phương vẫn cứ “bó tay” trước những hành vi khủng bố vì vay mượn nợ như đã từng xảy ra? Liệu có lỗ hổng nào đã giúp bọn cho vay bất lương và đòi nợ côn đồ kia tồn tại và sống khỏe?
Tuy nhiên vấn đề chính “không có lửa sẽ không có khói”, người dân cũng đừng bao giờ tự rơi vào cái bẫy “một cổ nhiều tròng” để sau đó bản thân lẫn gia đình luôn bị kẻ xấu quấy rối, làm phiền. Nên lưu ý môi trường internet đã tạo điều kiện cho các app tín dụng kiểu này dễ dàng tiếp cận hàng triệu người dùng và vay nợ qua app, đồng thời nó cũng là cái bẫy do các nhóm tín dụng đen giăng ra. Và khi nhu cầu người dân vẫn còn thì loại hình dịch vụ này sẽ còn tiếp tục phát triển và người dân cũng dễ dàng sập bẫy!

Một nhóm côn đồ tín dụng đen và đòi nợ thuê cùng “xộ khám”. Ảnh: tác giả cung cấp
NS