Người Thái ở Việt Nam thường tự gọi mình là Tày (hoặc Thày). Họ còn có nhiều tên gọi khác tùy mỗi vùng miền như Thái Đen (Tày Đăm), Thái Trắng (Tày Khao), Thái Đỏ (Tày Đeng), Tày Thanh (Man Thanh), Tày Mười, Tày Mường, Tày Khăng … Đây là tộc người có dân số lớn thứ ba trong 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam gồm gần 2 triệu người (kết quả điều tra dân số 2019) với tỷ lệ nam -nữ là 49.5% và 50.5%. Người dân tộc Thái sinh sống tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Hòa Bình và phía Nam có Đắk Lắk, Gia Lai, Kontum.

Tục ngủ thăm của người dân tộc Thái
Phong tục kỳ thú lâu đời
Giống như một số tộc người thiểu số tại Việt Nam như Mông, Dao, Mường, J’rai, Êđê, S’tiêng, M’nông, Bana, Chu Ru, K’ho, Cil, Jẻ Triêng … người Thái cũng có tục “ngủ thăm” khá lý thú tồn tại từ rất xa xưa. Theo đó “ngủ thăm” có nghĩa là những cô gái đến tuổi trưởng thành sẽ được phép bố mẹ để cho người con trai (chưa có gia đình) ban đêm tìm đến cạy cửa vào rồi xin “ngủ nhờ” tại nhà mình! Theo đó, cô gái ban ngày vẫn lên nương làm lụng bình thường, tối về nhà trước khi ngủ sẽ đốt sẵn một ngọn đèn, buông màn nằm trong đó như một cách “phát tín hiệu”. Chàng trai muốn đến tìm hiểu người con gái mình thích có thể vào “ngủ thăm” với cô gái mà không bị gia đình phản đối. Nếu đứng bên ngoài nhìn thấy đèn trong buồng cô gái còn sáng, tức là chưa ai đến “ngủ thăm”, chàng trai sẽ tự cạy then cửa vào nhà rồi lên giường nằm bên cạnh. Lúc đó cô gái sẽ tắt hoặc vặn thật nhỏ ngọn đèn, hai người chỉ trò chuyện, tâm sự mà không được phép đụng chạm vào người nhau.

Các cô gái dân tộc Thái
Vẫn theo phong tục, khi cạy cửa vào nhà, việc đầu tiên chàng trai cần kiểm tra là quan sát những người thân của cô gái đang có mặt ở nhà hay không. Nếu không thấy ai khác phải quay ra ngay vì “luật” không cho phép “ngủ thăm” mà thiếu sự chứng kiến của người bên nhà vãi (tức nhà gái). Sau 10 ngày ở bên nhà gái, 20 ngày tiếp theo nhà trai sẽ được đón cô gái về nhà mình tiếp tục “ngủ thăm” với hình thức tương tự.
Sau thời gian hai người đã “ngủ thăm”, lúc này cô gái sẽ quyết định cho chàng trai “ngủ thật” hay không. Tuy nhiên trước khi “ngủ thật” cả hai phải thưa chuyện với gia đình hai bên, nếu gia đình đồng ý đôi bạn trẻ mới được phép. Sau khi được cho “ngủ thật”, từ lúc này trở đi chàng trai không được về nhà mình nữa, nếu muốn phải xin phép gia đình nhà gái và chỉ được về khi họ chấp nhận. Hàng ngày chàng trai phải làm mọi công việc cho gia đình cô gái. Sau một thời gian “ngủ thật” (từ 1-2 tuần lễ), nếu cô gái thấy không hợp với chàng trai sẽ gom hết áo quần của anh ta cùng một nắm cơm cho vào địu mang treo ở ngách cửa, nghĩa là cô gái từ chối, hay làm cách khác là buổi sáng cho rắc muối trắng ra đầy ngoài sân. Trường hợp cô gái đồng ý làm vợ chàng trai, anh này sẽ về nhà cùng bố mẹ mang sính lễ gồm tiền mặt, 5 vò rượu ngon, 1 con lợn béo (hoặc đôi gà trống) sang hỏi cưới cô gái.

Phụ nữ dân tộc Thái
Và những biến tướng
Nhìn chung “ngủ thăm” là tập tục của một số người dân tộc, thể hiện sự tự do tìm hiểu lứa đôi của trai gái thời xưa. Theo tập tục này, người con gái được xác nhận sắp lấy chồng sẽ được bố mẹ sắp xếp cho chỗ ngủ riêng, thường là chiếc giường kê sát gần cửa. Cánh cửa không cài then chắc chắn, chỉ để hờ cho “đối phương” dễ cạy ra. Theo lời các vị cao tuổi, trong những lần “ngủ thăm”, nam nữ chỉ nói chuyện tình cảm và tuyệt đối cấm không được quan hệ tình dục. Nếu anh nào phạm vào “vùng cấm” sẽ bị cô gái tố cáo và bị xử phạt rất nặng theo luật tục. Hiện vật bị phạt vạ là trâu, bò, heo, gà … số lượng bao nhiêu tùy ở sự phân xử của cộng đồng. Tương tự, cô gái nào dễ dãi cho chàng trai “ăn trái cấm” trước cưới hỏi cũng bị Giàng (Trời) nguyền rủa, bị cộng đồng lên án và cũng nộp phạt tương tự. Từ những điều cấm kị khắt khe này cho thấy nhân cách, đạo đức của các chàng trai, cô gái được đánh giá không chỉ bằng tài năng, trí tuệ, sức lao động mà còn được nhìn nhận qua những lần thử thách trong tình yêu đôi lứa.

Đôi trai gái được phép gia đình cho kết hôn
Ngày nay, cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, các bản làng hầu hết có đường tráng nhựa, có điện đóm, xe máy, xe hơi, có phương tiện nghe nhìn, máy tính, smartphone … Từ đó chuyện “ngủ thăm” cũng bị ảnh hưởng và có thêm những sắc thái mới. Chẳng hạn đã có không ít thanh niên hàng ngày cố ý quan sát dòm ngó nhà này nhà kia với mục đích “tìm bông hoa đẹp” trêu ngươi. Hoặc một số thanh niên dưới miền xuôi lên đây làm ăn, công tác cố gắng kết thân với các chàng trai bản địa để được họ bày cách đi “ngủ thăm”. Tương tự, không ít các cô “sơn nữ” cũng “thoáng” chẳng kém gì bọn con trai, dễ xiêu lòng trước những anh chàng miệng mồm dẻo quẹo, sau vài câu tán dóc liền sẵn sàng cho “ngủ thăm”, khác biệt hẳn với tục “cạy cửa ngủ thăm” lưu truyền của ông bà ngày xưa. Thế là đã xảy ra không ít những kết cục buồn trong các cuộc “ngủ thăm” không còn giới hạn. Một chị cán bộ địa phương nói: “Tục ngủ thăm là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân tộc Thái, nhưng giờ đây nó có thể biến tướng trở thành tệ nạn khi chẳng may một cô gái phải sinh con ra mà không có bố. Đã có nhiều các trường hợp các cô gái buộc phải đi “giải quyết hậu quả” ở trạm y tế xã hoặc tự tìm về các bệnh viện dưới xuôi …”

Cô gái Thái chuẩn bị lấy chồng
Bài và hình NS