Năm 2022 được đánh giá có nhiều biến động với nhiều công ty, doanh nghiệp và người lao động ở Việt Nam. Những tháng đầu năm, một số xí nghiệp tăng cường tuyển dụng công nhân, trả lương tạm được. Song từ tháng 6/2022 trở về sau này tình hình xoay chiều, các xí nghiệp hạn chế tuyển dụng hoặc không có hợp đồng mới.

Công nhân vui mừng nhận tiền thưởng Tết     

Cuối năm là thời điểm công nhân làm việc tại các doanh nghiệp mong chờ các khoản lương thưởng. Bởi với nhiều người, khoản tiền này sẽ giúp họ trang trải các khoản cần phải chi tiêu những ngày Tết hoặc dùng về quê đón Xuân với gia đình.

VN đã trải qua gần 2 năm (2020-2021) ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, vì thế bước vào năm 2022 hầu hết anh chị em công nhân đều có nhu cầu tăng ca để có thêm tiền thu nhập. Ðặc biệt dịp cuối năm, điều này càng quan trọng hơn với nhiều người (nhất là với lao động nghèo, người nhập cư). Tuy nhiên thực tế, từ ít nhất 3 tháng gần đây đã có hàng chục nghìn công nhân ở Sài Gòn và nhiều địa phương khác buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp thiếu đơn hàng hay không thể duy trì được sản xuất.

Khảo sát của chúng tôi tại một số doanh nghiệp thuộc các ngành gỗ, dệt may, da giày…thời gian qua có tình trạng giảm đơn hàng, hàng hóa bị tồn ứ, không xuất được dẫn đến việc các doanh nghiệp tạm hủy tổ chức tăng ca, giãn việc, có nơi chỉ hoạt động cầm chừng. Thậm chí một số doanh nghiệp đã cắt giảm nhân viên lên đến 30-50%.

Thưởng Tết cuối năm

Chị Phương (38 tuổi, quê Ðồng Tháp) là công nhân xí nghiệp da giày Samho VN (Củ Chi, Sài Gòn) đã hơn 7 năm qua. Dù rất siêng làm việc nhưng số tiền kiếm được hàng tháng cũng chả thấm vào đâu bởi còn phải trừ đi tiền thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt, nuôi con nhỏ. Vì thế cuối năm nào, Hương cũng tăng ca làm thêm. Tuy nhiên năm nay không được vậy. Chị cho biết: “Từ đầu tháng 9/2022, công ty thông báo cho biết do có quá ít đơn hàng nên cho công nhân nghỉ luân phiên, cứ làm 3 ngày nghỉ 1 ngày. Dây chuyền nơi tôi làm việc có 45 người thì có 16 người tự nghỉ việc do thu nhập không đủ. Riêng tôi cố gắng bám trụ vì nghĩ rằng sau 2 năm dịch bệnh khó khăn, mình vượt qua được thì không lý do gì lại nghỉ giữa chừng, trong khi cuối năm cũng khó xin việc khác. Mức lương trung bình trước đây 6.5 triệu VNÐ/tháng nay còn chừng hơn 5 triệu VNÐ. Về thưởng Tết Quý Mão, công ty cho biết mỗi người nếu làm đủ 12 tháng, không vi phạm kỷ luật sẽ được thưởng 1 tháng lương căn bản (khoảng 5 triệu VNÐ). Nếu so thời điểm những cái Tết trước dịch bệnh là thưởng 2 tháng lương căn bản nên năm nay chắc tôi đành phải chọn đón Tết xa quê!”.

Thưởng Tết người ít, kẻ nhiều luôn là đề tài bàn tán nóng của công nhân

Anh Phong (43 tuổi), công nhân Công ty gỗ Lee Fu (Ðồng Nai) nói: “Năm 2021, kinh tế khó khăn nhưng cuối năm Công ty vẫn thưởng mỗi người hơn 1 tháng lương căn bản. Mấy năm trước nữa làm ăn khấm khá, cuối năm công ty đều tổ chức họp mặt tất niên ăn uống, cho bốc thăm trúng thưởng. Riêng năm nay vì khó khăn về đơn hàng, công ty đã cắt giảm 60% gần 1000 người và tiền thưởng Tết Quý Mão cũng chưa được 1 tháng lương căn bản!”

Sắm sửa cho bản thân và con cái từ nguồn tiền thưởng Tết

Như đã nói, năm 2022 tình hình tại các xí nghiệp, công ty ở VN có những biến động do hệ lụy từ đợt đại dịch Covid-19, chi phí sản xuất tăng do giá xăng dầu tăng mạnh, thiếu hoặc không có đơn hàng do tình hình Châu Âu bất ổn… Tất cả những lý do này khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, buộc phải cho công nhân nghỉ luân phiên, đóng dây chuyền, thậm chí cắt hợp đồng với hàng nghìn công nhân cùng lúc. Tuy vậy theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế đã lên tiếng có hiện tượng một số doanh nghiệp không thật sự khó khăn cũng cố tình chấm dứt hợp đồng lao động hoặc đóng dây chuyền với mục đích tránh né trả lương, trả thưởng cuối năm cho công nhân!

Sắm sửa cho bản thân và con cái từ nguồn tiền thưởng Tết

Anh Toàn, nhân viên Công ty bảo vệ H.M (Bình Thạnh), làm việc ở quận 2 nói: “Thực ra mức thưởng cao nhất báo chí đăng là thuộc về mấy ông bà của ban giám đốc, ban quản trị công ty, các cán bộ “gộc”, cán bộ đầu ngành chứ làm gì có nhân viên, công nhân quèn nào nhận được số tiền to như thế? Bản thân tôi làm việc ở Sài Gòn ròng rã hơn 10 năm, có hợp đồng lao động đàng hoàng cũng có bao giờ nhận thưởng Tết được 4 triệu VNÐ như họ đăng vậy đâu? Năm nào cũng chỉ 1.5 đến 2 triệu VNÐ là … hết mức!”

Con cái công nhân nghèo vui mừng đón Tết

NS