Đến giữa tháng 4/2023, dân số Việt Nam chính thức đạt mốc 100 triệu người. Trong đó chưa kể số người nước ngoài đến sống và làm việc ở VN gần 105 nghìn người.

Ông Tây bán chuối chiên   

Thống kê cho thấy người ngoại quốc tại VN đến từ hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, đông nhất là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, các nước Tây Á, Châu Phi, Châu Âu, Nam Mỹ… Phần lớn số người này sống tập trung ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Ðà Nẵng, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An… Người nước ngoài ở VN tham gia làm nhiều ngành nghề. Ở đây chúng tôi không nói về số người nước ngoài đến VN bỏ vốn lớn đầu tư, lập công ty, doanh nghiệp, làm huấn luyện viên thể thao, vận động viên các bộ môn, các chuyên gia kinh tế, khoa học, y tế, quân sự…mà chỉ nói tới thành phần “cấp thấp” hơn và sau đó vì nhiều hoàn cảnh, không ít người trong số này buộc phải lăn lộn ra bên ngoài kiếm sống bằng đủ thứ nghề lao động tay chân, thậm chí đổ mồ hôi sôi nước mắt với mục đích kiếm tiền duy trì cuộc sống.

Vợ chồng ông Gilber Ciavaldini

Từ nhiều năm qua ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hốc Môn, người bản xứ thường nhìn thấy một ông Tây già bán vé số. Ông này có tên VN là Nam (và tên Ý Gilber Ciavaldini, 65 tuổi). Ông Nam cùng vợ cũng là một phụ nữ Ý thuê nhà trọ sống gần đó. Nhiều người cho rằng ông Nam là người Ý đầu tiên đi bán vé số ở khu vực này. Ông Nam cho biết: “Hàng ngày tôi bán khoảng 200-250 tờ vé số, tiền lời tạm đủ sống và nuôi bà vợ bị chứng tai biến hầu như không làm gì. Riêng những người thích mua vé số của tôi chắc họ cảm thấy tò mò, lạ lẫm.”

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Tương tự, một ông Tây khác cứ khoảng gần 5 giờ sáng hàng ngày lại lúi húi đẩy xe chuối chiên của mình tới góc vỉa hè ngã tư TÐX – Nguyễn Cư Trinh (quận 1) bày biện các thứ ra bán tới 12 giờ trưa mới đẩy xe về. Ông này tên Fabrica, 50 tuổi, người Pháp. Dù không biết nhiều tiếng Việt nhưng ông Fabrica làm món bánh chuối chiên đúng kiểu VN rất ngon. Ông tâm sự: “Tôi nhập cảnh VN từ tháng 1/2020, mục đích ban đầu đi du lịch. Thế rồi cơn đại dịch Covid-19 bất ngờ ập tới, tôi xài hết khoản tiền dành dụm không còn gì. Một thời gian dài, tôi tình nguyện theo chân các đoàn từ thiện đi phân phát thực phẩm cho người dân VN và sống nhờ cái ăn ở đấy. Sau có người quen hướng dẫn tôi làm bánh chuối chiên bán vì tôi biết không ai có thể giúp đỡ mình mãi được. Hiện hàng ngày tôi bán được từ 120-150 bánh chuối chiên, giá 10 nghìn VNÐ/chiếc. Khách hàng là những người dân chung quanh và nhiều nhất là mấy em, mấy cháu học sinh…”

Giữ xe khu chung cư

Một người nữa là anh Stephan Zvonik (36 tuổi, người Ukraina) cho biết anh đến VN để “du lịch bụi” trước cả khi Nga dùng vũ lực tấn công Ukraina. Anh không có nhiều tiền và cũng không còn gia đình. Tiếp sau, anh quan sát thấy có nhiều người kéo loa vừa đi hát vừa bán kẹo cao su, thuốc lá. Vậy là Stephan Zvonik nảy ra ý nghĩ bắt chước họ làm nghề hát rong bằng cách đi thuê bộ loa kéo giá 200 nghìn VNÐ/ngày, cứ mỗi chiều tối đem ra phố đi bộ Bùi Viện hát hò và buôn bán. Sau thời gian ngắn, do khu chung cư anh đang thuê ở đang thiếu chân nhân viên giữ xe, được người quen với thiệu, anh bèn chuyển luôn qua nghề này hơn 1 năm nay.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Gần 2 năm qua, hai anh em  người Nigeria Michael và Palinus Unachukwu nhận làm công việc nhân viên bảo vệ cho một tiệm karaoke ở quận Tân Bình. Michael cho biết: “Chúng tôi làm ở đây từ 8 giờ sáng đến 23 giờ khuya hàng ngày. Cuối năm 2021, khi đang ở Phú Nhuận, nhà thuê trọ của chúng tôi bị kẻ trộm cạy cửa, lấy mất toàn bộ giấy tờ, visa, tiền bạc đem theo. Trong thời gian chờ Ðại sứ quán hỗ trợ, vài người dân VN thấy vậy đã giới thiệu cho tôi công việc này. Từ đó chúng tôi không còn lo chuyện ăn ở nữa. Hàng tháng còn có lương để trang trải cuộc sống. Qua tháng 6 này chúng tôi được cấp lại visa, nhưng vẫn muốn ở lại Sài Gòn làm việc thêm ít lâu nữa”.

Bán hàng rong vỉa hè

Theo kết quả khảo sát, 84% số người nước ngoài được hỏi cho biết họ hài lòng với cuộc sống của mình ở VN. Ðặc biệt cảm thấy khá hạnh phúc và dễ chịu với mức chi tiêu sinh hoạt sống hàng ngày. Một điều đáng chú ý nữa là hầu hết người nước ngoài khi được hỏi đều cho rằng cư dân địa phương rất thân thiện. Có 83% số người nước ngoài cảm nhận bản thân họ “được chào đón tại quốc gia này” và 71% số người “có cảm giác nơi đây cũng giống như đang ở nhà mình”. Nói như Stephan Zvonik: “Nhiều người Việt rất tử tế, họ sẵn sàng trò chuyện vui vẻ thoải mái dù giữa tôi và họ không thể giao tiếp trọn vẹn bằng một thứ ngôn ngữ chung! Chính sự nồng hậu và dễ gần của người dân VN là những gì tôi thích nhất về cuộc sống ở đất nước này, trừ mấy ông chính quyền đôi khi làm khó dễ!”

Vui mừng khi nhận được tiền lương

NS