Hơn 2,500 năm trước, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Ngài đã dự ngôn rằng thời Mạt pháp sẽ sớm xuất hiện với nhiều điều dị thường xảy ra, con người không còn tâm Pháp để câu thúc đạo đức. Ở thời Mạt pháp, Phật pháp mà Ngài từng trao truyền sẽ bị phá hư, thậm chí diệt vong. Nhiều tăng nhân giả danh thiện tri thức đưa đẩy chúng sinh vào con đường tăm tối…
Phật pháp thời … mạt pháp
Sách trắng Việt Nam công bố thông tin về thực trạng tôn giáo cho biết nước này hiện có 27.8 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 28.4% dân số) với gần 200,000 vị chức sắc, chức việc cùng hơn 29,000 cơ sở thờ tự. Tính đến giữa năm 2023, Phật giáo có số người theo đông nhất với gần 15 triệu Phật tử, hơn 53,000 vị tăng ni và gần 19,000 cơ sở thờ tự. Kế đến là Công giáo với gần 8 triệu tín đồ và gần 8,000 cơ sở thờ tự. Lần lượt xếp theo sau là Tin Lành và Cao Đài.
Từ điển Phật học Hán – Việt của Kim Cương Tử định nghĩa: “Vị chủ Tăng ở một ngôi chùa Phật gọi là trụ trì. Trong một ý nghĩa khác, trụ trì là “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, được xem như người thay thế Đức Phật hóa độ chúng sanh. Vì vậy, để xứng danh trụ trì, người này cần am hiểu rõ giáo lý Phật dạy cũng như phải hành trì giới luật rất đỗi thanh tịnh.
Tuy nhiên thời gian gần đây ở một số chùa chiền VN, đã xuất hiện nhiều ông/bà sư sãi, thậm chí trụ trì các chùa có đông Phật tử nhưng cách ăn nói, giảng giải kinh kệ bậy bạ, hàm hồ hoặc những hành vi, lối sống, phong cách … hoàn toàn trái đạo đã gây nhiều phản ứng trái chiều, làm tổn hại niềm tin và sự tín ngưỡng của công chúng vào Phật pháp.
Trên các trang mạng xã hội (và ngoài đời) gần đây có những tranh cãi dữ dội liên quan tới một số nội dung thuyết giảng của người tự xưng Thượng tọa – Tiến sĩ Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang (Vũng Tàu). Ông này nghe đâu từng xuất bản hơn 2,000 bài thuyết giảng bằng CD, VCD, DVD được phụ đề với nhiều ngôn ngữ, song cũng ông ta còn có những nội dung thuyết giảng trái chiều về các lý giải “nhân quả”. Chẳng hạn, Chân Quang nói: “cái võng là cái tiêu diệt hết công đức của chúng sinh”, rồi ông giải thích: “do lúc nằm võng, nhất là nằm gần mặt đường, tất cả mọi người đi qua trên đường thời điểm đó bị ta đạp bàn chân vô mặt hết, vì vậy bao nhiêu phước báu của mình xem như đổ sông đổ biển!” Hoặc với những người ưa hát karaoke, theo Chân Quang: “có nguy cơ sau khi họ chết sẽ trở thành con ma câm” (?).
Một người khác tên Đại đức Thích Nhuận Đức, trụ trì Tổ đình Hộ Pháp (Vũng Tàu) cũng nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi. Trong một buổi giảng đạo, ông nói: “Mấy cô niệm Phật đẹp quá nên khi thấy mấy cô ngồi trước mặt, tôi cũng thèm muốn chảy nước miếng”. Cũng lời ông này:“Khi cúng dường, ta không cúng thì thôi mà đã cúng thì nên cúng đồ ngon. Thầy chùa chẳng lẽ không biết ăn ngon?”. Rồi một đoạn video clip lan truyền khác cho thấy Nhuận Đức vừa cười toe toét vừa nói trước đông đảo Phật tử về chuyện có một nhóm người Khmer đến tìm gặp mình và ông ta mô tả họ là “bọn Miên đen,” “lũ Cambodia” và “đám người Cơ-ho, cơ-hú gì đó”. Những lời lẽ này của Nhuận Đức khiến cộng đồng người Khmer dậy sóng. Rõ ràng những phát ngôn và thuyết giảng của các sư sãi nêu trên đã làm suy giảm mạnh niềm tin của xã hội đối với Phật giáo kể cả cái tổ chức có tên gọi Giáo hội Phật giáo VN …
Không chỉ những người trên, cách nay ít lâu, Đại đức Thích Thanh Toàn (chùa Nga Hoàng (Vĩnh Phúc) bất ngờ xin xả giới nhưng yêu cầu muốn giữ lại số tài sản khoảng gần 300 tỷ VNĐ làm của riêng. Trường hợp sư Thích Pháp Định (chùa Gia Hưng, Bến Tre) với màn “khóa môi” một nam ca sĩ nổi tiếng và ông này cũng bị nhiều người “tố” có lối sống “nhập thế” khá kinh hoàng như hay lên mạng chat tìm bạn tình. Chuyện “sư” Thích Trúc Thái Minh (chùa Ba Vàng, Quảng Ninh) tạo sự kiện “xá lợi tóc Phật…giả” lôi kéo nhiều người mê tín cúng dường…
Căn nguyên?
Trong khi những vụ việc vi phạm giới luật của các sư kiểu này đang khiến dư luận bất bình thì nhiều dự án tâm linh, những cuộc đại hội tôn giáo, công trình đúc tượng Phật, in kinh sách, thỉnh vong báo oán, nhiều ngôi chùa hứa hẹn sắp tạo ra nhiều cái “khủng”, cái “nhất” khi tiến hành xây dựng thêm các điểm thờ tự mới. Điều này khiến cửa Phật bị nhìn khác đi, biến các ngôi chùa trở thành các tụ điểm “móc ví” của vãn khách nhiều hơn là nơi cúng bái, hành lễ, cầu sự an yên cho mọi người.
Thực chất ở VN, việc các sư “hòa mình” quá sâu vào đời sống xã hội, tham gia nhiều thú vui, ăn chơi, vi phạm luật giới không hiếm. Nhiều người không còn thấy lạ khi nhìn thấy các sư thầy lái xe sang, xài iPhone đời mới, đeo đồng hồ “hàng hiệu” hay nhiều nhà sư thản nhiên tham gia các buổi chiêu đãi, tiệc tùng của giới quan quyền, chức sắc hoặc “dân xã hội”…Tất nhiên ít người cho đó là điều bình thường. Nhưng hầu hết người ta đều chỉ “ồ” lên một cách ngạc nhiên hoặc lắc đầu ngán ngẩm, chứ ít ai tìm hiểu căn nguyên từ đâu?.
Đến nay cũng chưa có một điều tra, nghiên cứu nào được công bố về những tác động, ảnh hưởng của các thông tin, hiện tượng tiêu cực liên quan đến sư sãi, tăng ni, chùa chiền. Song chừng như nó cũng đã và đang làm thay đổi tình cảm, cái nhìn của số đông Phật tử về Phật pháp thời … mạt pháp. Vấn đề này cũng chưa thấy được đặt ra một cách nghiêm túc, dù vẫn có rất nhiều cuộc hội thảo do các đơn vị mang tên Giáo hội Phật giáo VN hàng ngày được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước …
NS