Như vậy là sau 53 năm, tính từ sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Sài Gòn quay lại với lệnh giới nghiêm. Đã một thời Sài Gòn và vùng ven đô thực hiện lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 21 giờ tối cho tới 6 giờ sáng hôm sau. Lệnh giới nghiêm này áp dụng cho bất cứ ai ra đường ở khung thời gian trên phải mang theo giấy phép di chuyển hay những trường hợp cấp cứu nhà thương. Lệnh giới nghiêm này được ban hành ngay sau khi quân Bắc Việt bất ngờ nổ súng tấn công Sài Gòn vào những ngày Xuân năm 1968.

Mới hơn 18 giờ Sài Gòn đã vắng lặng người xe do lệnh giới nghiêm. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Ông Trương, 67 tuổi, cựu công chức trước 1975 làm ở hãng dệt Vimytex, ngụ Thủ Ðức, nói: “Tôi nhớ hồi trước, lệnh giới nghiêm và thiết quân luật có 2 phương cách thực hiện khác nhau và chỉ áp dụng trong những thời điểm đặc biệt. Riêng thiết quân luật sử dụng khi sự an toàn quốc gia bị đe dọa bởi một cuộc ngoại xâm hay cuộc nổi loạn nào đó. Còn lệnh giới nghiêm là phương cách nhằm duy trì trật tự ở khu vực và chỉ có hiệu lực với người đi ra ngoài đường, còn trong nhà riêng không hạn chế. Khi hết thời gian hạn định (ghi rõ trong yết thị), lệnh giới nghiêm sẽ hết hiệu lực. Trường hợp Ủy ban hành chánh xét cần gia hạn thêm thì mỗi lần sẽ gia thêm một hạn 24 giờ, phải ký một lệnh mới và yết thị, loan báo công khai cho công chúng biết”.

Như đã nói, vừa qua, chính quyền Sài Gòn ra lệnh cấm dân chúng ra đường từ 18 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, song lại cho rằng “quy định hạn chế này không phải lệnh giới nghiêm”. Theo đó, từ tối 26/7/2021, tất cả các hoạt động trên địa bàn phải tạm dừng, ngoại trừ cấp cứu và các toán phòng chống dịch. Quyết định này đưa ra sau 17 ngày Sài Gòn đã thực hiện giãn cách xã hội (với gần 60 ngàn ca nhiễm virus cúm Vũ Hán) trong đợt bùng phát dịch thứ 4 tại đây.

Ngoài đường chỉ có cảnh sát và những chốt chặn lạnh lùng. Ảnh: tác giả cung cấp.

Căn cứ vào “lệnh giới nghiêm” này, những ai vi phạm có thể bị tạm giữ thậm chí còn bị khởi tố hình sự. Tuy chính quyền cố ý muốn nói tránh nhưng dân Sài Gòn vẫn gọi là “lệnh giới nghiêm” và cho biết đây cũng lần đầu tiên trong mấy chục năm qua, họ mới phải trải qua sự hạn chế nghiêm ngặt như vậy. Chính quyền cũng ra lệnh cho các lực lượng cảnh sát, quân đội, bảo vệ, dân phòng địa phương phải “tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ và tái kiểm tra thường xuyên việc chấp hành quy định tại khu dân cư, trên đường phố và giải quyết thật gắt các trường hợp vi phạm hoặc chống đối người thi hành công vụ”.

Xem thêm:   Chile một bức tranh huyền bí

Anh Phạm Phú Hùng, 44 tuổi, kỹ sư xây dựng, ngụ quận 12, nhận định: “Tôi xem tivi, đọc báo nghe rằng có lúc Việt Nam được xem là nằm trong số những quốc gia khống chế đại dịch Covid hiệu quả khi chính quyền thực hiện nhiều biện pháp như buộc đi cách ly tập trung, truy tìm nguồn lây nhiễm và xét nghiệm sớm từ lúc đại dịch mới manh nha. Ðiều này không biết có đúng sự thật không mà thực tế hiện nay Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đang trải qua đợt bùng phát lây nhiễm dịch Covid-19 thứ 4 khá tồi tệ, với số ca nhiễm gia tăng hàng ngày. Việt Nam hiện đã có trên 160 ngàn ca nhiễm và khoảng 1,400 trường hợp tử vong được nhà chức trách công bố chính thức. Trong số này phần lớn là số ca lây nhiễm và tử vong trong đợt bùng phát thứ 4 xảy ra từ cuối tháng 4/2021”.

Khoảng 21 giờ, phố xá Sài Gòn càng yên tĩnh không hề giống như trước kia. Ảnh: tác giả cung cấp.

Trên đường ghi nhận thực tế của chúng tôi, những đêm đầu tiên Sài Gòn thực hiện “lệnh giới nghiêm”, cứ cách 2-3km, tại các con đường chính của thành phố đều dựng lên các chốt kiểm soát, kéo rào kẽm gai, chăng dây, mọi trường hợp lưu thông đều được yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Lúc này khoảng 21 giờ, tại chốt chặn gần chân cầu vượt Sóng Thần, nhóm công tác thấy anh Ngô Triệu Quý (ngụ quận 12) chạy xe máy nên ra hiệu lệnh dừng. Anh Quý cho biết cả tuần lễ qua anh ở lại công ty làm việc không về trong khi vợ anh vừa mới sinh đang nằm nhà. Song nhóm công tác vẫn quyết định lập biên bản tạm giữ xe cũng như buộc anh nộp phạt số tiền 2 triệu đồng vì lý do “vi phạm lệnh giới nghiêm”. Anh Quý nói: “Ðường về nhà còn rất xa, đang lúc “giới nghiêm”, lại bị giữ xe tôi chỉ còn cách ngồi luôn đây chờ tới khi… trời sáng!”

Cảnh sát chặn bắt, xử phạt những người “bất tuân thượng lệnh”. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tương tự, trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp), một nhóm công tác khác đi tuần tra, dừng xe những người cố tình di chuyển trong giờ giới nghiêm. Khoảng 18 giờ 10 phút, ông Lê Của (ngụ Thủ Ðức) chạy xe máy có chằng theo mấy thanh gỗ sau xe, nhưng không thấy chở hàng hóa gì bị dừng xe, yêu cầu xuất trình giấy tờ cá nhân, cà vẹt, bằng lái để kiểm tra nhưng ông này cho biết mình là xe ôm, vừa đi giao rau cho một bếp ăn xí nghiệp gần đây, không mang theo giấy tờ nào trong người. Cảnh sát nói: “Ông không phải đơn vị vận chuyển hàng hóa thiết yếu lại không mang cà-vẹt xe, chúng tôi lập biên bản tạm giữ xe ông”. Ông Của thở dài: “Vợ chồng tôi trước làm nghề bán xôi ở chợ, dịch bệnh chợ giải tán nên chuyển qua làm xe ôm kiếm chút tiền xài. Do xe bị hư dọc đường nên về trễ chỉ gần 30 phút. Giấy tờ tôi có nhưng đem cầm hết rồi…”. Cuối cùng ông Của bị cảnh sát lập biên bản vì “ra đường không có lý do cần thiết”, “không xuất trình được cà-vẹt xe”. Với các lỗi này, ông bị tạm giữ xe, ngoài việc bị phạt 2 triệu đồng vì “vi phạm lệnh giới nghiêm”, ông có thể bị phạt thêm tiền do “điều khiển xe không có giấy tờ chính chủ”.

Xem thêm:   Chợ nhỏ truyền thống ở Berlin

Không chỉ Sài Gòn, hiện nay nhiều tỉnh thành miền Nam cũng đang đứng trước tình trạng tương tự. Cụ thể, trước tình hình các ca nhiễm Covid-19 liên tục gia tăng, các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu cũng đã ra lệnh từ 18 giờ tối 28/7/2021 đến 6 giờ sáng mỗi ngày hôm sau, dân chúng không được ra đường cho đến khi có thông báo mới, tùy mỗi nơi. Tất cả những địa phương này (và Sài Gòn) còn áp dụng phát “phiếu đi chợ” cho người dân theo ngày chẵn – lẻ, phân chia theo khoảng giờ nhất định, mỗi khoảng giờ từ 2-3 tiếng, giống kiểu của thời bao cấp trước đây mà chính quyền cộng sản đã từng áp dụng với người dân.

NS