Rừng được xem là lá phổi xanh của Trái đất, là nguồn sống xanh của con người. Nhưng có vẻ không phải ai cũng nghĩ về điều đó, chẳng hạn như thực trạng rừng ở Việt Nam. Các hoạt động phá rừng trộm lâm sản, lấy đất canh tác, xây dựng khu du lịch… đã khiến các quần thể động, thực vật hoang dã nước này giảm mạnh, đẩy thiên nhiên vào tình trạng khó lấy lại sự cân bằng.

Rừng nguyên sinh VN chỉ còn khoảng 10%
Hệ sinh thái rừng ngày càng giảm
Diện tích rừng tự nhiên ở VN hiện nay đang giảm nhanh, suy thoái trầm trọng. Giai đoạn từ năm 2011 đến 2023, diện tích rừng bị thiệt hại ước lượng hơn 24,300ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 14,100ha, còn lại do bị khai thác, chặt phá. Bình quân VN suy giảm khoảng 2,500ha rừng/năm. Thời gian dài vừa qua, khu vực Tây Nguyên luôn là trọng điểm của việc phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản bừa bãi. Kết quả công bố hiện trạng rừng 2023 của ngành lâm nghiệp VN cho biết tổng diện tích có rừng khu vực này chỉ còn gần 2.5 triệu hecta, chiếm 16.8% diện tích có rừng cả nước. Cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang tác động mạnh, làm mất một diện tích rừng khá lớn do bị cháy hoặc gây sạt lở rừng ven biển. Riêng Cà Mau trong 10 năm gần đây mất hơn 5,000ha rừng phòng hộ ven biển. Tương tự, VN hiện có khoảng 200,000 ha rừng ngập mặn, đứng ở Top đầu thế giới những nước có diện tích rừng ngập mặn lớn. Tuy nhiên số lượng rừng ngập mặn này cũng đang thu hẹp diện tích vì nạn khai thác, chặt phá vô tội vạ.

Khai thác quá mức và cháy rừng gây mất cân bằng sinh thái
Như đã nói, diện tích rừng tự nhiên ở VN đang suy giảm với tốc độ chóng mặt. Độ che phủ rừng trên cả nước còn chưa đến 40%, trong số này diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 10%. Hãy xem qua vài con số thống kê về khai thác gỗ rừng: Giai đoạn từ 1986-1991, các lâm trường quốc doanh khai thác trung bình 3.5 triệu m3 gỗ/năm. Thêm vào đó, khoảng 1-2 triệu m3 gỗ/năm được khai thác ngoài kế hoạch cùng khoảng 21 triệu tấn gỗ/năm khác bị chặt hạ làm củi. Số gỗ, củi này nếu quy ra diện tích thì mỗi năm VN mất khoảng 80,000ha rừng. Đó là chưa kể nạn chặt gỗ trái phép thường diễn ra khắp mọi nơi. Báo cáo từ ngành lâm nghiệp VN cho thấy riêng năm 2023, nước này đã xảy ra 3,327 vụ phá rừng với diện tích bị tác động hơn 1,064ha!
Cũng vì chặt phá rừng bừa bãi (chưa kể tình trạng cháy rừng) là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm thảm thực vật tại lưu vực, làm giảm khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn. Tương tự, khi rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá còn làm mất khả năng điều tiết nước vùng thượng nguồn khi mưa lớn. Hệ quả khiến mưa bão, lũ lụt xảy ra càng trầm trọng, cường độ nước lũ dâng càng cao hơn và nhanh hơn.

Nạn chặt phá rừng vô tội vạ ở VN
Hệ động thực vật rừng chung số phận
Cùng với các hoạt động khai thác, chặt phá, đốt rừng làm rẫy, xây dựng các công trình thủy điện, khu du lịch, động đất, cháy rừng, bão lốc, dịch bệnh cùng áp lực từ tình trạng gia tăng dân số đã khiến các quần thể động, thực vật hoang dã giảm mạnh, kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh vật ở nước này. Rất nhiều loài động vật bị con người khai thác quá mức như săn bắn giết thịt, mua bán, mang về nuôi làm cảnh. Theo số liệu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu như năm 1996 VN mới có khoảng 25 loài động vật ở mức nguy cấp (EN) thì đến 2023, con số này là 521 loài động vật và 302 loài thực vật của VN được ghi trong Danh lục Đỏ IUCN. Trong đó ít nhất 8 loài động vật xem như hoàn toàn tuyệt chủng ngoài tự nhiên như tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá…Ở hệ thực vật, loài lan hài VN hiện đã tuyệt chủng. Một số loài thực vật trước đây ở mức sắp nguy cấp thì nay cũng xếp ở mức rất nguy cấp như hoàng đàn, bách vàng, sâm vũ diệp, tam thất hoang…

Săn bắt thú hoang dã
Những sự việc nêu trên – như đã nói – là nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái, dịch bệnh ngày càng nảy sinh. Nên lưu ý vào mùa mưa bão, tình trạng lũ lụt, sạt lở xảy ra ở VN ngày càng tăng. Báo cáo của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) cho thấy VN là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ, cháy rừng. Nghiên cứu khác của Quỹ châu Á trong 20 năm qua cũng nêu VN là 1 trong 5 quốc gia gánh chịu rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu, ước tính thiệt hại chiếm tới 1.5% GDP hàng năm. Đó là chưa kể hậu quả của việc rừng bị tàn phá là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng cao, lũ quét… diễn ra ngày càng thường xuyên và nặng nề hơn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, tính mạng, tài sản người dân, tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh tế của đất nước.
Bà Mirey Atallah, người đứng đầu chi nhánh Thích ứng và Phục hồi Biến đổi Khí hậu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhận xét: “Không riêng gì tại VN, trên thế giới rừng không chỉ hỗ trợ sự đa dạng sinh học phong phú, có nhiều ý nghĩa với xã hội và nền kinh tế của các quốc gia mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định khí hậu. Nếu muốn làm chậm biến đổi khí hậu, cần phải có biện pháp hiệu quả ngăn chặn nạn phá rừng. Tới thời điểm này xem như chúng ta sắp hết thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Nếu các quốc gia không sớm đạt được tiến bộ thực sự trong việc bảo vệ rừng và cắt giảm khí thải có thể đã quá muộn để tránh những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu…”
Bài và hình NS