Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết Nguyên Đán Giáp Thìn, nhưng lúc này do tình hình kinh tế đi xuống, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam phải thu hẹp, thậm chí dừng sản xuất do đơn hàng sụt giảm. Thu nhập của người lao động do vậy cũng eo hẹp, việc lo đủ cuộc sống hằng ngày của họ hiện đã là quá sức, nói chi nghĩ đến Tết.

Người lao động mất việc

Theo báo cáo từ Tổng Liên đoàn Lao động VN, đến nay có 30 địa phương, đơn vị, ngành có người lao động bị ảnh hưởng đến công việc, đời sống. Trong đó, những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều như dệt may, chế biến gỗ, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch … Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 574 (392 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài) với gần 820,000 lao động tại 29 tỉnh, thành. Hầu hết tập trung ở phía Nam do có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ… Những người lao động này bị mất việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc buộc nghỉ việc không hưởng lương…

Nỗi lo của nhiều người những ngày gần Tết vì mua bán ế ẩm

Riêng tại Sài Gòn, số liệu cho thấy: Trong 11 tháng đầu năm 2023, nơi đây ghi nhận hơn 120 nghìn trường hợp nghỉ việc và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số lao động mất việc, các lĩnh vực cắt giảm nhiều lao động thuộc hoạt động thương mại dịch vụ (30%); dệt may, da giày (23%); công nghiệp chế biến (15%); xây dựng (15%); tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (10%). Có gần 34 nghìn lao động mất việc ở độ tuổi trên 40. Số lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ lệ 56.21%. Trong các doanh nghiệp có người lao động phải nghỉ việc, ghi nhận có 36 doanh nghiệp có số lượng giảm lao động từ trên 500 người/doanh nghiệp.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Anh Quý (37 tuổi, quê An Giang), công nhân làm việc ở KCN Tân Bình, nói: “2 tháng qua tôi phải tạm nghỉ vì công ty quá ít đơn hàng, dẫn đến thu nhập sụt giảm, mỗi tháng chỉ nhận được một khoản trợ cấp nhỏ. Đời sống gặp nhiều khó khăn, tôi phải làm đủ nghề như bán vé số, chạy xe ôm để kiếm thêm. Mới đây, công ty thông báo sẽ chính thức chấm dứt hợp đồng lao động với tôi. Tết Giáp Thìn sắp đến, cả nhà tôi (1 vợ, 2 con) chưa biết lấy tiền đâu trang trải”.

Công nhân bị dãn việc do thiếu đơn hàng

Một người khác là cô Yến (34 tuổi, quê Ninh Hòa) có thâm niên làm việc ở bộ phận phục vụ nhà xe Thành Bưởi được 5 năm. Làm việc tại đây, cô có mức lương khoảng 10.5-11 triệu VNĐ/tháng. Trừ các chi phí thuê phòng trọ, ăn uống, đi lại khoảng 4 -5 triệu VNĐ/tháng, số tiền còn lại cô dành dụm và gửi về quê nuôi con và phụ giúp gia đình. Cô chia sẻ: “Vừa rồi nhà nước quyết định tạm dừng việc kinh doanh của nhà xe Thành Bưởi do hoạt động, làm ăn lằng nhằng sao đó ngay thời điểm chỉ cách Tết Nguyên Đán khoảng 3 tháng khiến tôi và nhiều đồng nghiệp rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Tết gần tới, nhiều thứ phải lo nhưng giờ chúng tôi đột ngột bị ngưng việc không biết sẽ làm thế nào. Với người trẻ như tôi còn đi xin việc ở chỗ khác được nhưng nhiều cô chú lớn tuổi chắc sẽ không đơn giản…”. Thông tin chúng tôi tìm hiểu, tính đến quý 3/2023, nhà xe Thành Bưởi hiện có khoảng 512 lao động dạng biên chế chính thức.

Nhiều sạp chợ đóng cửa, treo bảng cho thuê

Tiểu thương lao đao

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Không chỉ những người “làm công, ăn lương” chúng tôi thử dạo quanh một số khu chợ ở Sài Gòn, cũng ghi nhận tình trạng đìu hiu, vắng khách. Nhìn mặt các tiểu thương ai nấy đều trĩu nặng lo âu. Tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), bà Hường (52 tuổi, bán vải sợi, quần áo) trải lòng: “Dường như chưa bao giờ buôn bán tệ như năm nay. Mấy sạp xung quanh tôi họ đóng cửa nghỉ gần hết. May mắn là tôi bán sạp chính chủ, vốn nhà, có lượng khách quen lâu năm nên mới cầm cự được tới giờ. Tết năm nay, sạp tôi không dám nhập hàng thêm vì người bán nhiều chứ người mua ngày càng ít, giam vốn vào hàng hóa thì lực bất tòng tâm!”. Trong khi đó, tại chợ An Đông (quận 5) là khu chợ sỉ lớn nhất nhì Sài Gòn, tình hình cũng không khá hơn. Bà Huệ (49 tuổi, bán giày dép) cho biết: “Cả tuần nay tôi chỉ đóng được vài đơn hàng cho khách sỉ chứ khách lẻ hầu như không được mấy người. Cứ đà này không biết làm sao xoay vốn để duy trì kinh doanh. Chung quanh đây nhiều sạp hàng đã đóng cửa treo bảng cho thuê nhiều tháng nay, dù giá thuê giảm hết cỡ cũng không thấy ai đến hỏi. Dẫu vậy, tiểu thương vẫn phải đóng đủ loại thuế, phí hằng tháng”. Còn ở các chợ Bình Tây (quận 6), chợ đầu mối Thủ Đức … không riêng gì thời trang, mỹ phẩm, gia dụng, tạp hóa … các mặt hàng rau củ quả, thịt cá… cũng đều ế khách.

Hàng hóa nhiều nhưng có ít người mua

Tương lai mờ mịt

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Thông tin từ Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động VN trên báo chí gần đây cho biết kinh tế VN đang tiếp tục gánh chịu nhiều rủi ro và thách thức trước sự sụt giảm sức mua từ các thị trường xuất cảng quen thuộc. Hệ lụy từ các cuộc xung đột Nga – Ukraine; Israel – Hamas, nạn lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ ngày càng bị thắt chặt …Những điều này dẫn đến tình cảnh nhiều người dân sẽ tiếp tục mất việc, giảm giờ làm, thu nhập giảm nên sức mua, nhu cầu tiêu dùng vì vậy sẽ hạn chế.

Thế giới Di động sa thải bớt nhân viên vì kinh doanh kém

NS