Đợt dịch Covidd-19 lần thứ 4 ở Việt Nam, khởi sự từ ngày 27/4/2021, được xem là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Sau hơn 2 tháng, ngành y tế Việt Nam xác nhận đã có thêm gần 60 ngàn ca nhiễm mới, dịch lan ra nhiều tỉnh thành, nặng nhất là Sài Gòn.

Tại Sài Gòn, đến hết ngày 19/7/2021 có gần 35 ngàn ca nhiễm, trong đó khoảng 25 ngàn người phải cách ly tập trung và hàng ngàn người khác cách ly tại nhà. Cũng tại Việt Nam, theo quy định, thông qua test nhanh (kháng nguyên), phần lớn trường hợp bị dương tính sẽ phải đi cách ly từ 14-21 ngày. Với những người tiền bạc dư dả hoặc từ nước ngoài vừa nhập cảnh, có thể lựa chọn cách ly ở các resort hay khách sạn có “sao” (được nhà nước lấy làm khu cách ly). Riêng những người lao động thu nhập bình thường hoặc không có yêu cầu gì sẽ cách ly ở những trung tâm “cấp thấp” hơn và từ đó nảy sinh không ít vấn đề…

Cùng các khu cách ly tập trung như khu ký túc xá Ðại học Quốc gia, Bệnh viện quận 7, Bệnh viện Cần Giờ, Sài Gòn đã lập thêm 12 bệnh viện dã chiến tại Thủ Ðức, Bình Chánh và quận 12 với gần 40 ngàn giường, nhằm tiếp nhận các trường hợp mới hoặc đang được cách ly. Ngoài ra còn khoảng 5,000 giường của các bệnh viện được chuyển đổi công dụng 2 tháng trước, ngành y tế Sài Gòn hẳn không bao giờ ngờ tới.

Người nhiễm Covid-19 buộc phải cách ly. Ảnh: tác giả cung cấp

Trưa 18/7/2021, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 3 (thuộc Khu tái định cư Thủ Thiêm, An Khánh, Thủ Ðức). Chỉ sau một tuần hoạt động, bệnh viện này đã tiếp nhận gần 3 ngàn ca F0 (người đã bị nhiễm cúm Vũ Hán). Tôi có người quen vừa đưa vào cách ly tại đây là chị Mai Hường, 38 tuổi, giáo viên ở Gò Vấp. Mai Hường kể livestream: “Hôm ấy do sốt, tôi đi khám ở bệnh viện quận Gò Vấp thì nơi đây nhận thấy tôi dương tính với SARS-CoV-2. Trưa đó, bệnh viện gọi điện thoại báo khoảng 18 giờ cùng ngày sẽ có xe tới đưa tôi đi cách ly. Gần 19 giờ, xe cứu thương đến. Trên xe lúc này còn có một gia đình gồm 4 người cũng cùng đi cách ly. 30 phút sau xe tới nơi. Họ đưa tôi và một chị nữa vào căn phòng rộng chừng 20 mét vuông, có 2 chiếc giường sắt trải chiếu nhưng không có gối, chăn, cũng không có quạt nên phải nhắn về nhà ngày mai nhớ gửi lên. Hôm sau, chúng tôi được yêu cầu khai báo y tế và sau đó có người tới lấy dịch họng, dịch mũi làm xét nghiệm. Chị cùng phòng dường như nặng, cứ sốt li bì. Nhân viên y tế thăm khám cho vài viên thuốc hạ sốt rồi thôi. Mỗi ngày lúc 6, 11 và 17 giờ, người ta mang đặt phần ăn trước cửa phòng rồi đập cửa báo hiệu cho bên trong biết. Khi người bên ngoài rời đi, bệnh nhân trong phòng sẽ mở cửa ra lấy đồ ăn. Ăn sáng là một chiếc bánh bao, còn phần cơm trưa chiều ăn tạm được chứ không ngon. Thức ăn có thịt kho tiêu, đậu đũa xào và canh cải. Mấy ngày liền đều hệt vậy, rất ngán! Buổi chiều, bác sĩ thông báo tình trạng của tôi “nhẹ” và yêu cầu tôi chuyển qua “phòng chung” còn “phòng riêng” này dành cho bệnh nhân nặng hơn. Tôi chỉ mong mình sớm “âm tính” để ra khỏi “chốn địa ngục” này vì nhìn quanh toàn thấy những ca nặng sợ quá!”3

Một số khu cách ly, bệnh viện dã chiến ở Thủ Đức dành cho người nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: tác giả cung cấp

Tương tự, tại khu cách ly là tòa chung cư R4 (An Khánh, Thủ Ðức) vốn trưng dụng từ khu nhà ở tái định cư đang bỏ trống. Do mới được chuyển đổi công dụng nên những ngày đầu tình trạng khá bất cập. Sáng 15/7/2021, chúng tôi có mặt ở đây thấy nhiều công nhân đang khẩn cấp lắp đặt hệ thống điện, quạt trần, đèn, đường ống dẫn nước… nhưng đã có xe cứu thương đưa nhiều ca cách ly đến ở. Hai anh An và Trung, ngụ Thủ Ðức, được xác dịnh là F1(người tiếp xúc với người đã bị nhiễm) được đưa vào đây hồi khuya qua. Hai anh cho biết: “Bọn này nhận phòng ở tầng 15. Căn phòng trống hoác chả có gì trừ một bóng đèn neon và 2 cái ghế bố cấp cho mỗi người. Nước thì mãi 9 giờ sáng nay mới có. Không thấy bác sĩ cũng không có thuốc men gì hết. Thử xuống dưới tìm người là bị bảo vệ đuổi lên ngay. Bọn tôi nghĩ nếu bệnh nặng có chết trên này hai, ba hôm chắc cũng không ai biết!”

Phần ăn của người bị cách ly. Ảnh: tác giả cung cấp

Khi hỏi về chi phí người phải cách ly phải trả ở những Trung tâm, bệnh viện dã chiến kiểu này, một bác sĩ (giấu tên) cho biết: “Thời gian đầu việc cách ly được miễn phí. Tuy nhiên sau này chính quyền yêu cầu thu tiền ăn và một số khoản khác. Cụ thể, người trong nước khi đi cách ly tập trung tại cơ sở y tế hay cơ sở khác do chính quyền chọn phải trả tiền ăn với mức 80 ngàn đồng/người/ngày. Làm xét nghiệm phải trả tiền (460 ngàn đồng/lần x 3 lần). Trường hợp có sử dụng máy trợ thở ECMO sẽ chịu chi phí cao hơn (từ vài chục đến cả trăm triệu). Chỉ những ai có bảo hiểm y tế mới được thanh toán lại một phần chi phí. Còn những người không có phải trả đủ toàn bộ chi phí khám, điều trị, ăn uống… với mức giá dịch vụ”. Ðúng là một gánh quá nặng cho những người nghèo!

Nhân viên y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân ở khu cách ly. Ảnh: tác giả cung cấp

Ông D.N, một trí thức trước 1975 từng làm việc ở Bệnh viện Vì Dân nói: Tôi luôn cảm giác mối rủi ro lớn nhất là sự lây nhiễm chéo ngay trong khu cách ly. Bằng chứng là trong đợt dịch bệnh hiện thời, số ca nhiễm mới phát hiện tại những nơi cách ly tập trung thường chiếm tỉ lệ cao. Nếu đúng vậy thì các khu cách ly tập trung chính là ổ dịch khiến số người nhiễm bệnh ngày càng tăng. Tôi còn nghe ở nhiều khu cách ly tập trung, người dân sống trong điều kiện tồi tệ, thiếu chăm sóc, thuốc men… Sống trong hoàn cảnh như thế, người ta càng yếu sức đề kháng, dịch bệnh dễ xâm lấn mà tinh thần của họ cũng bị ức chế. Ðể giải quyết con số nhiễm bệnh, tôi nghĩ điều cần làm là nhanh chóng sàng lọc số người đang cách ly tập trung. Ai chưa có biểu hiện bệnh nên cho cách ly tại nhà. Ai bệnh nặng hay đang trong tình trạng nguy hiểm mới ở lại bệnh viện. Làm vậy, gánh nặng sẽ trút bớt, tình hình bớt căng thẳng hơn. Không nên tiếp tục những sai lầm gây thêm những hậu quả không đáng có. Giải pháp căn cơ là cần có nguồn vac- xin ổn định, lâu dài, đầy đủ. Ðừng bao giờ vỗ ngực tự phụ ta đây chống dịch loại giỏi của thế giới. Các bác ở trên chỉ nói cho sướng mồm nhưng dân tình chúng tôi thì khốn khổ lắm…”

Nhiều nhân viên y tế đuối sức vì các ca lây nhiễm đang ngày một tăng. Ảnh: tác giả cung cấp

NS