Trung tuần tháng 12-2021, thành phố Hội An (Quảng Nam) đã tổ chức ký kết với Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu – Four Paws) về việc loại bỏ việc sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm. Thỏa thuận hiệu lực từ cuối năm 2021 và kéo dài trong 2 năm.
Chó mèo chuẩn bị đưa vào giết thịt. Ảnh: tác giả cung cấp
Bà Julie Sanders, Giám đốc phụ trách Vật nuôi của Four Paws, chia sẻ: “Hàng năm, Việt Nam có hơn 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán, giết thịt. Chúng tôi hy vọng Hội An là nơi tiên phong thực hiện việc này để các địa phương khác ở Việt Nam thực hiện nối tiếp”.
Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA) ước tính hàng năm có gần 30 triệu con chó bị giết thịt tại châu lục này. Cùng với Việt Nam, những nước có thói quen ăn thịt chó gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Indonésia, Philippines, Ấn Ðộ, vài nước châu Phi, châu Âu và kể cả châu Mỹ. Riêng Việt Nam, thịt chó xưa nay vốn là món khoái khẩu của dân cư một số vùng và xu hướng xem chó như “bạn thân” chỉ xuất hiện gần đây khi nước này bắt đầu hội nhập.
Lật lại lịch sử… ăn thịt chó của người Việt, sách “Thực vật Tất khảo Tường ký lục”, thời vua Lê Cảnh Hưng (1717-1786) chưa thấy ghi nhận món thịt chó. Một số nguồn khác cho biết, thịt chó phổ biến ở miền Bắc khoảng thập niên 1910-1920, trùng thời điểm cuộc chiến tranh và loạn sứ quân ở Trung Quốc sau cách mạng Tân Hợi (1911), từ đó phổ biến dần qua Việt Nam. Nhiều ý kiến khẳng định thập niên 1920-1930 Hà Nội chỉ có chừng 3-4 quán thịt chó. Do vậy người ta dự đoán thịt chó bắt đầu du nhập Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX, bắt nguồn từ Trung Quốc. Ðiều này có thể kiểm chứng bằng những dữ kiện khi hầu hết cư dân miền Bắc từ Lạng Sơn tới Hà Nội, Hải Phòng đều biết ăn thịt chó.
Các quán thịt chó xuất hiện nhan nhản ở Sài Gòn. Ảnh: tác giả cung cấp
Cùng thời điểm này, miền Nam vẫn chưa có ai ăn thịt chó vì nơi đây lệ thuộc nhiều vào văn hóa Pháp, vốn rất thương yêu chó. Các giả thiết cho rằng người dân phía Nam biết tới món thịt chó từ sau cuộc di cư của dân miền Bắc vào Nam giai đoạn 1954. Một số bậc cao niên gốc dân miền Nam cho rằng những quán thịt chó xuất hiện sớm nhất tại Sài Gòn có lẽ từ năm 1954 trở về sau và ban đầu chỉ bó hẹp trong cộng đồng người Bắc di cư, thường sống tập trung tại vài khu vực như Ðông Hòa, Hố Nai (Biên Hòa) và một số nơi khác. Tại Sài Gòn, khảo sát của chúng tôi nhận thấy hiện nay các quán thịt chó hiện diện khắp nơi, ví dụ khu Thăng Long – Bạch Ðằng, Ông Tạ, Tân Hương (Tân Bình), khu Thị Nghè, cư xá Thanh Ða (Bình Thạnh), khu Mả Lạng, Nam Quốc Cang – Cống Quỳnh (quận 1), khu Tam Hà, Từ Ðức, Bình Chiểu (Thủ Ðức), khu Long Trường, Tăng Nhơn Phú (quận 9)… Ông Phương, cựu nhà báo sống gần chợ Ông Tạ (Tân Bình) nói: “Tôi cho rằng hàng ngày số lượng chó bị giết thịt ở đây phải trên dưới 1,000 – 1,200 con. Việc mua bán, kinh doanh thịt chó bây giờ nghiễm nhiên thành một nghề như bao thứ nghề thuộc ngành ăn uống khác”.
Tiếp tục khảo sát giá thịt chó tươi tại các chợ Ông Tạ, chợ Gò Vấp, chợ Ðông Hòa… cho thấy giá bán trung bình 120-150 ngàn đồng/ký. Còn tại các quán thịt chó (đã chế biến) dĩ nhiên giá cao hơn. Anh Thành, chủ quán nhậu “nai đồng quê” (tiếng lóng, có nơi gọi là Mộc Tồn. Mộc Tồn tức “cây còn”, nói lái thành “con cầy”), gần khu du lịch Suối Tiên cho biết: “Thịt chó lúc sơ khai chỉ 7 món, song hiện nay thực đơn đã “biến tấu” thành hơn chục món từ hấp, nướng, lòng dồi, rựa mận, xáo măng, chả chìa, cà ri, rô ti, cuốn lá lốt, nướng mỡ chài, cháy cạnh, lẩu… thậm chí có cả… món tiết canh. Mỗi ngày trước kia, quán tôi bán ra khoảng 30-40 ký thịt chó thì gần đây đã tăng lên gần 60 ký (khoảng 7-8 con chó). Nhìn chung, giá cả cũng không rẻ hơn bao nhiêu so với các món “đưa cay” khác. Chẳng hạn rẻ nhất là các món luộc giá 50-70 nghìn đồng/đĩa, còn những món chế biến cầu kỳ giá từ 120-200 ngàn đồng/đĩa…”.

“Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không” là lý lẽ cửa miệng của dân thích thịt chó. Ảnh: tác giả cung cấp
Sài Gòn hiện có hàng trăm lò mổ chó, rải đều khắp các khu dân cư, tập trung ở các khu vực như Bùi Phát, Phạm Văn Hai, Bùi Thị Xuân (Tân Bình), cư xá xi măng Hà Tiên (Thủ Ðức), vườn Cò (quận 9), Cầu Ðỏ, Bình Triệu (Bình Thạnh)… chuyên cung cấp thịt chó “tươi” cho các quán chó. Tất nhiên, việc giết mổ ở các lò này phần lớn chưa bao giờ qua khâu kiểm dịch, vì vậy nhiều con chó có bệnh hoặc mang theo độc tố tiềm ẩn nhưng các chủ lò vì lợi nhuận riêng cũng mặc kệ. Từ những lò mổ này vô tình trợ giúp hoạt động trộm cắp chó ngày càng trở thành một nghề “chuyên nghiệp”. Những băng trộm chó thi nhau ra đời, hoạt động mạnh ở các quận 9, 12, Thủ Ðức, Bình Chánh, Hốc Môn, Tân Phú… Ðể trộm chó, bọn này thường dùng dây thòng lọng, đánh bả hay sử dụng các loại súng xung điện…
Quay lại chuyện “người Hội An không ăn thịt chó”, ông Ðỗ Duy Ngọc – họa sĩ, nhà sưu tập – nói: “Ban đầu nghe sự việc này tôi chỉ nghĩ đến một nơi nào khác chứ không phải Hội An. Bởi tôi biết dân Hội An rất ít người có thói quen ăn thịt chó, mèo và dường như phần lớn dân miền Trung cũng vậy. Thế nên việc Hội An nói không với thịt chó, mèo có lẽ chỉ là chuyện nói cho vui. Dân ở đó không mấy ai “hảo” thịt chó, mèo thì tuyên bố vậy cũng bằng thừa. Nếu có nơi nào xưa nay người dân ưa ăn thịt chó mèo, dân ở đấy quyết tâm thế mới là chuyện đáng nói. Vẫn biết ăn thịt chó, mèo là quyền chọn lựa của mỗi người, có thể vì thói quen hoặc khẩu vị. Tuy nhiên nếu hạn chế chuyện ăn thịt chúng cũng hay. Thói quen ăn thịt chó, mèo đã bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích. Một quốc gia nổi tiếng vì ăn thịt chó hoặc nhậu nhẹt quá nhiều, chắc chắn khó hòa nhập vào một thế giới văn minh”.
NS