Năm 1984, tôi là 1 trong 46 người của một công ty dệt ở Sài Gòn qua Kharkov, Liên Xô theo chương trình “lao động xuất khẩu”. Sau 4 năm làm việc, vì những lý do riêng, tôi trở về nước. Tháng 12-1991, trước khi Liên Xô sụp đổ rồi nhiều quốc gia tuyên bố độc lập, một số đồng nghiệp cũ của tôi luồn lách, chạy chọt tiếp tục được ở lại cho tới nay. Kharkov sau sự kiện này thuộc về Ukraine. Gần đây, thế giới nóng lên chuyện xung đột giữa Nga và Ukraine. Rất may một số người bạn cũ của tôi đến giờ vẫn còn giữ liên lạc nên phóng sự này thực hiện qua các cuộc trao đổi bằng điện thoại và các mạng xã hội Zalo, Facebook, Messenger, WhatsApp… về những người Việt đang sống giữa hai làn đạn ở Ukraine, ngay trong những ngày bắt đầu cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Người Nga đã châm ngòi chiến tranh ở Ukraine. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Ông Hoàng Ngọc 63 tuổi, đồng nghiệp cũ, có hơn 35 năm sống ở Kharkov, Phó Hội trưởng Hội người Việt tại đây cho biết: “Ở Ukraine, Kharkov là một trong 3 thành phố đông người Việt nhất cùng với Kiev và Odessa với chừng 3,000 người Việt sinh sống. Trước đây vài tuần, căn cứ vào thông tin phương Tây cũng như Liga.net (trang mạng Ukraine), nhiều người trong đó có tôi, vẫn cho rằng rất khó xảy ra chiến tranh. Thế nhưng ngày 24-2-2022 vừa qua, Putin là kẻ chính thức châm ngòi cuộc chiến này với lý do khá mơ hồ “nhằm để bảo vệ dân thường theo đề nghị của phía Donetsk và Luhansk” (?). Song thực tế là gì? Nga đã đưa quân đội tấn công, không chỉ 2 khu vực tự trị mà rất nhiều nơi trên lãnh thổ Ukraine, tại các thành phố như Dnipro, Kramatorsk, thủ đô Kiev, thành phố Odessa… Ở Kharkov này, đạn pháo của Nga cũng nã trúng, làm hư hại nặng một vài khu chung cư ở Chuhuiv, làm nhiều người bị thương. Ðiều này là gì nếu không phải tội ác chiến tranh khi người ta cố tình nã đạn pháo vào khu dân cư gồm những dân thường vô tội? ”.

Bản đồ các địa điểm Ukraine bị Nga tấn công ngay trong ngày đầu tiên 24-2-2022. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tương tự, ông Nguyễn Hoa Lư, 61 tuổi, dân Ninh Bình, lấy vợ người Nga, định cư gần 30 năm ở Kharkov, có quán ăn lớn nhất nhì thành phố này, nói: “Ðiều mà Nga đòi hỏi ở phương Tây và Hoa Kỳ là NATO không được tiếp tục mở rộng về phía Ðông, bởi họ không muốn vùng ảnh hưởng của mình ngày càng bị thu hẹp. Tôi biết trước khi xảy ra phong trào biểu tình Euromaidan năm 2014 cho đến cuộc xung đột ở vùng ly khai Donbass thì phần đông dân chúng Ukraine không muốn gia nhập NATO bởi nước Nga lúc đó còn được xem là nước anh em và hai bên cũng không có thù hằn gì. Tuy nhiên, sau khi Nga xâm chiếm Crimea thì người Ukraine lại muốn nước mình gia nhập NATO do nhận thấy luôn bị Nga bắt nạt. Hoa Kỳ và châu Âu hiểu rõ những điều này và họ cũng không bao giờ muốn Nga cố tìm cách nhằm tái lập một kiểu liên bang Xô Viết như trước bằng mọi hình thức. Ngược lại, Putin hiện đang muốn sắp đặt lại bàn cờ thế giới theo ý đồ của ông ta. Khách quan nhìn vào thì việc Putin phản đối các nước có chủ quyền như Ukraine được tự do gia nhập NATO là ý tưởng hơi quái gở, khó chấp nhận. Cũng như một số người quen khác, là người Việt lẫn Ukraine, tôi không dám tin sẽ có cuộc chiến này và cuối cùng hóa ra mình đã sai lầm! Người Nga đã châm ngòi chiến tranh, đã gây cảnh bom rơi, đạn nổ và sự hoảng loạn, chết chóc. Tôi và nhiều người cũng không hiểu ý đồ cuối cùng của Putin qua cuộc chiến này là gì? Thu nạp Ukraine như một phần của Liên bang Nga? Áp đặt một chính quyền thân Nga mới cho dễ sai bảo? Cho dù Putin nhiều lần thông báo trên các phương tiện truyền thông rằng “các kế hoạch của chúng tôi (Nga) là không bao giờ chiếm đóng các lãnh thổ của Ukraine.”; “chúng tôi (Nga) sẽ không áp đặt lên bất kỳ ai bằng vũ lực”… nhưng liệu có mấy ai tin được điều ông ta nói? Giống như việc trước đây ông ta vẫn luôn mồm nói rằng “không bao giờ có chuyện Nga tấn công Ukraine”. Và cuối cùng cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đã xảy ra. Người dân lại một phen khốn khổ! Riêng người Việt chúng ta từng phải sống giữa khói lửa chiến tranh quá nhiều, đã quá thấm thía nay lại phải tìm đường lánh nạn.”.

Đạn pháo Nga bắn vào dân thường và khu dân cư. Ảnh: tác giả cung cấp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tử Yêm, một người bạn đồng nghiệp cũ của tôi, hiện cả gia đình ông đang sống ở một vùng ngoại ô cách Kiev, thủ đô Ukraine chỉ chừng 30 km, cho biết: “Khoảng hơn 5 giờ sáng ngày 24-2-2022, tôi được những người quen gọi điện thoại báo tin, phía Nga đã bắt đầu nổ súng tấn công Ukraine và có thể Kiev cũng nằm trong tầm ngắm. Quả nhiên chỉ hơn 40 phút sau, tôi đã nghe thấy tiếng đạn bay rít vang trời, nghe đâu do quân Nga thực hiện khi họ tấn công đánh vào sân bay Gostomel. Hiện tại ở đây, cứ nghe tiếng còi báo động hụ lên là gia đình chúng tôi phải lập tức chạy xuống hầm trú ẩn. Chính quyền cũng nhiều lần khuyến cáo người dân cố gắng luôn giữ bình tĩnh và không nên rời khỏi nhà. Mặc dù chiến sự đang lan rộng ở Ukraine nhưng tôi luôn tin rằng nó sẽ không quá khốc liệt như kiểu chiến sự Crimea hồi năm 2014 và mong các bên sớm giải quyết hòa bình các bất đồng, cho dân thường Ukraine cùng cộng đồng người Việt chúng ta nói riêng được yên ổn làm ăn…”.

Người dân Ukraine biểu tình chống chiến tranh. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS