Giá xăng, dầu ở Việt Nam gần đây liên tục tăng, kéo giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cùng muôn ngàn thứ khác lên theo khiến người lao động phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Những bữa cơm của công nhân, lao động xưa nay vốn đã không sung túc lại càng thiếu hụt, teo tóp.

Giá xăng dầu ở Việt Nam tăng, kéo giá cả hàng hóa tăng theo. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Chị Ðặng Minh Phượng (ngụ Thủ Ðức) ra chợ, ban đầu định mua một ký cá nục nhưng sực nhớ nhà hết dầu ăn, lại chưa có rau nên chần chừ. Với 100 ngàn VNÐ mang theo, chị mua chai dầu ăn loại một lít giá 46 ngàn VNÐ, bó rau muống 10 ngàn VNÐ. Sau khi mất thêm vài ngàn đồng chanh ớt, còn lại 35 ngàn VNÐ vừa đủ mua nửa ký cá nục loại nhỏ. Bữa cơm tối của hai người lớn và đứa con nhỏ 12 tuổi với món cá nục kho, rau luộc lấy nước làm canh diễn ra thật nhanh. Nhìn lại trong xoong còn ít cá, chị Phượng chia làm đôi. Một phần để hai vợ chồng mang vào công trường xây dựng ăn cơm trưa mai, phần còn lại dành cho con trai đi học về.

Gần 20 năm rời quê nhà Bình Ðịnh vào Sài Gòn kiếm sống, ở tuổi 42, chị Phượng bảo có lẽ đây là một trong những lúc khó khăn nhất khi giá cả hàng hóa cứ tăng chóng mặt từng ngày, lương bổng chẳng đủ chi tiêu. Hai vợ chồng có gần chục năm làm việc cho công ty xây dựng với tổng thu nhập khoảng 14 triệu VNÐ/tháng. Mỗi tháng họ phải bỏ ra 3 triệu 2 VNÐ thuê phòng trọ cộng điện nước, tiền gaz; 800 ngàn VNÐ tiền xăng xe… Sau khi trừ hết các khoản “cứng”, cả nhà còn 7 triệu đồng dành cho cả ba người. Vì vậy, hai vợ chồng chi tiền ăn gói ghém trong vòng 100 ngàn VNÐ/ngày, số còn lại để dành dụm phòng thân hoặc khi ốm đau.

Xem thêm:   Kinh doanh chốn.. thờ tự

Chị Phượng kể, mấy hôm trước xe bánh mì chả cá đầu ngõ tăng giá từ 15 ngàn lên 20 ngàn VNÐ/ổ nên cả nhà quyết định mua thùng mì tôm để ăn sáng. Chị nói: “Từ lúc xăng giá gần 30 ngàn VNÐ/lít, nhiều khoản chi tiêu tăng lên 15-20%. Cái gì cũng tăng nhưng suốt 2 năm qua lương bổng không tăng. Tháng nào bị bệnh hay mệt phải nghỉ ốm một ngày là mất 300 ngàn VNÐ phụ cấp chuyên cần, rủi có thêm cái đám cưới của bạn bè mời nữa coi như âm lương luôn!”.

Anh Nguyễn Văn Lài (quê An Giang) thở dài: “Tui làm shipper (giao nhận hàng), từ lúc xăng dầu tăng giá, thu nhập của tui cũng giảm hẳn. Hồi Sài Gòn đang dịch cúm Tàu, giá xăng dầu còn dễ chịu thì không được đi hoặc bị chính quyền buộc hạn chế đi. Giờ xã hội tạm bình thường chưa bao lâu thì giá xăng tăng gấp rưỡi nên thu nhập hằng tháng giảm nhiều. Do công việc nên ngày nào tui cũng ăn cơm hàng cháo chợ. Suất cơm 30 ngàn VNÐ nay lên giá 35 ngàn và nhiều chỗ lên đến 40 ngàn VNÐ. Cứ đà này không biết làm sao dư tiền gửi nuôi hai đứa con ở quê còn đang ăn học…”.

Do giá cả tăng nhanh, bữa cơm người nghèo càng thêm teo tóp. Ảnh: tác giả cung cấp.

Chị Huỳnh Thị Yến và chồng là Phạm Trần Thành (40 tuổi, quê Cần Thơ) cùng làm công việc quét rác, thu dọn vệ sinh cho một công ty tạp vụ ở Thủ Ðức đến nay được 6 năm. Dịch cúm Tàu khiến cuộc sống gia đình anh chị vốn khó khăn (do công ty tạm cho nhân viên nghỉ ở nhà suốt mấy tháng liền) nay giá xăng, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao khiến cuộc sống gia đình họ càng khó khăn hơn. Ðể cầm cự, hai vợ chồng buộc phải chi tiêu tiết kiệm hết sức. Chẳng hạn trước đây hai vợ chồng đi 2 xe máy, nay anh chồng chở vợ đi làm hàng ngày để tiết kiệm tiền đổ xăng. Anh Thành nói: “May là hai chúng tôi không có con, dù sống với nhau hơn 15 năm rồi. Nếu có thêm con cái nữa, không biết làm sao lo liệu cho chúng!”

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (54 tuổi, quê Long An) bán vé số dạo quanh khu vực chợ Tăng Nhơn Phú (quận 9), tâm sự: “Tôi góa chồng từ 20 năm trước, có một đứa con gái đã có gia đình ở quê nhưng cũng rất nghèo. Tôi lên Sài Gòn từ năm 2010, ban đầu mua bán ve chai kiếm sống nhưng sau này nguồn hàng không nhiều nên nghỉ, chuyển qua bán vé số. Ngày bán nhiều nhất 100-120 tờ, kiếm được 120-140 ngàn VNÐ. Thường cả ngày đi ngoài đường không có nấu ăn, chỉ mua cơm quán hoặc xin cơm từ thiện. Dù vậy cũng tốn tiền nhà trọ 1.2 triệu VNÐ/tháng, tiền cà phê, thuốc lá 800 ngàn VNÐ/tháng… Từ khi hàng hóa tăng theo giá xăng, dường như người ta cũng ít mua vé số hơn nên chỉ bán tối đa ngày chừng 70-80 tờ, dĩ nhiên thu nhập cũng kém hẳn. Rồi giữa tháng 3/2022 vừa qua, tôi bị dính cúm Tàu, không dám báo ai biết nhưng cũng phải nghỉ ở nhà mua thuốc uống tự điều trị. Nghe theo mấy người quen hướng dẫn vậy là có thêm nhiều chi phí phát sinh, như mua que test 80 – 90 ngàn VNÐ/chiếc, mua các loại rau củ để nấu xông, tiền thuốc, tiền ăn uống ước cũng gần 3 triệu đồng, coi như mất toi hơn cả tháng thu nhập!

Có thể nói, những đợt tăng giá liên tục vừa qua không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân mà còn ảnh hưởng nhiều đến việc làm, chăm sóc y tế, học hành… nhất là với những người nghèo đã khiến họ luôn cứ phải lẩn quẩn trong vòng xoáy khó khăn. “Cánh cửa” nào cho người thu nhập thấp vượt qua những “cơn bão” tăng giá là câu hỏi hóc búa và chắc hẳn không dễ giải quyết một sớm một chiều. “Ngoài những nỗ lực tự thân của người nghèo, đòi hỏi ông Nhà nước cần phải hỗ trợ họ bằng những chính sách thích hợp và không nên cứ vin vào chuyện giá xăng dầu trong nước vẫn còn thấp hơn thế giới hoặc do chiến tranh Nga – Ukraine cứ kéo dài bởi thực tế thu nhập của người dân Việt Nam còn thua xa thế giới nhiều lắm!”, một luật sư kiêm nhà báo không muốn nêu tên đã nhận xét.

Nhiều người nghèo phải “ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS