Nói tới nghề nuôi hàu con số có thể lên đến hàng chục ngàn người, khắp từ Bắc chí Nam, đi đâu cũng gặp người nuôi hàu, sá chi một chị Bé, anh Tèo hay bác Tí…! Thế nhưng với anh Tý nuôi hàu trên đầm Lập An, Thừa Thiên Huế là một câu chuyện rất thú vị.

Một điểm ‘check – in’ thu hút nhiều du khách đến đầm Lập An
Đường đá và cánh buồm Đá Bạc
Một ngày đầu xuân, gia đình tôi rong ruổi xe qua đèo Hải Vân, đến đầm Lập An thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, thay vì đi tiếp qua con đường 1A để xuyên qua các hầm, ra thăm thành phố Huế, các con tôi quyết định lượn một vòng quanh đầm Lập An, một khu đầm phá nối với Biển Đông, gắn với dãy Bạch Mã, đẹp lạ lùng.
Một con đường nhựa, hẹp, được xây dựng từ thời Pháp, theo các bô lão ở đây thì con đường này được xây dựng cùng thời với đường đèo Hải Vân, và con đường này nối với một con đường bằng đá viên, hình tròn, đi men theo con suối nhỏ, luồn vào thung lũng giữa đèo, ở đó có một trạm dành cho lính thú, tạm gọi là trạm quân/đồn trú. Những người lính này thay phiên lên trên đỉnh Hải Vân Quan để ngồi canh Ải Vân Quan, hết phiên lại quay về trạm ngủ nghỉ. Sau 1975, có một vị sư lang thang trong rừng, dựng trạm hoang thành một ngôi chùa, đặt tên Hải Vân Sơn Tự, cũng chính vị sư này tìm ra con đường lót đá men theo bờ suối, ra đến đường ven đầm Lập An luồn qua các cánh rừng, ra đến kinh thành Huế…
Thế rồi con đường bỗng dưng biến mất, ngôi chùa cũng biến mất, mọi thứ biến mất, vị sư được Giáo hội nhà nước đặc cách vào trụ trì một ngôi chùa ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, còn ngôi chùa Hải Vân Sơn Tự bị nhà nước thu hồi, xóa sổ, cho là khu vực quân sự… Vậy là ngôi chùa cổ có khoảng sân rộng, hàng rào được xếp bằng đá viên thật đẹp, các sư tu tập, trồng rau, hái chuối rừng và hái lá rừng độ nhật bị xóa sổ. Ông xã tôi kể rằng thời niên thiếu, anh từng nhảy tàu ở hầm số 4 đèo Hải Vân để xuống thăm chùa, ở lại đây với các sư đôi lần. Cứ mỗi lần đi như vậy, anh mua vé tàu chợ Đà Nẵng – Huế, đến hầm số 4, hầu như tàu đã quen với khách nhảy tàu hay sao không rõ nhưng tàu chạy rất chậm ở đoạn này.

Xác hàu (vỏ hàu) chất đống bên bờ đầm
Ngôi chùa có tường gạch dày hơn 1 mét, không gian khá thoáng, rộng, bài trí đơn giản, mộc mạc nhưng đẹp, như trong một phim truyện nào đó, có chút dáng dấp của ngôi chùa trong phim Xuân – Hạ – Thu – Đông và có chút bóng dáng của chùa Nhật Bản. Từ đây, men theo con suối trước chùa, đi chừng 20 km đường rừng sẽ gặp con đường cái quan nhỏ men theo phía Tây đầm Lập An. Chỉ còn dấu vết những viên đá tròn đã vỡ nát, những viên tròn đã bị cạy mất.
Thời tôi còn nhỏ, mỗi khi đi ngang qua đây, nhất là vào lúc hoàng hôn, cả một dãy buồm bằng đá bạc lấp lánh dưới ánh hoàng hôn, đẹp như cổ tích. Cảnh Đá Bạc như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu, người ta thi nhau đục, đẽo và giật mìn, toàn bộ các hòn đá hình cánh buồm ngoài vịnh Đá Bạc chẳng còn gì, còn chăng một bán đảo nhỏ xíu với đá không có ánh bạc và hình dáng không có gì đặc biệt.
Đá Bạc chỉ còn cái tên!

Những cọc bê tông được đóng khắp trên đầm Lập An, mục đích là để mở nhà hàng, quán nhậu… khiến môi trường nước ô nhiễm với rác thải, nước thải..
Người nuôi hàu nuôi giấc mơ xưa
Anh Tý, một con người xăm trổ, từng lang bạt kỳ hồ trên đất khách, xuôi từ Sài Gòn đến Đồng Nai, ra Bình Dương, lập thân, lập nghiệp, hôn nhân tan vỡ, về quê, về lại chốn thâm sơn cùng cốc, chỉ thấy núi và nước, cái chốn hoang vắng bên cạnh đầm Lập An, gắn với núi Bạch Mã, cách xa đường 1A, băng qua nhiều khu mộ địa, hoang sơ, nhất là thời chưa có đường nhựa.
Anh vây lưới, nuôi cá, nuôi hàu dưới đầm và phá các ngọn đồi cỏ tranh trồng rừng. Công trình “khai hoang lập địa” của anh kéo dài hơn 10 năm, cho đến lúc này, mọi thứ tạm khang trang, ổn định. Nhưng thứ quan trọng nhất và đáng nói nhất là ước mơ của người đàn ông nuôi trồng thủy sản này. Anh trầm ngâm:
– Bây giờ, những gì thuộc về thiên nhiên đã bị mất quá nhiều rồi…
– Ý anh nói là Đá Bạc?
– Đá Bạc không còn dấu vết cũ, tôi cố gắng lục lọi một tấm hình nào đó của Đá Bạc năm 1990 trở về trước thì hoàn toàn không có, uổng thật!
– Hồi nhỏ chắc anh từng gắn bó với nơi này lắm?
– Hồi nhỏ, tôi theo bác Cả ra đánh cá ngoài Đá Bạc, chiều chiều ngắm ánh hoàng hôn ửng lên trên các cánh buồm bằng đá, đẹp lắm. Sự tàn phá của con người khủng khiếp quá, nó chẳng còn gì cả. Mà chị biết ai đã tàn phá nó không?

Hàu được gỡ ra khỏi lốp xe, tấm nhựa sau đó được cân bán cho các thương lái, một phần nhỏ được tách vỏ tại chỗ bán ruột hàu cho khách
– Ai nỡ phá đi một hình ảnh đẹp đẽ như vậy?
– Bọn phá hoại đang sống sờ sờ ra đây, nhưng về hưu cả rồi, hạ cánh an toàn, hồi là quan chức, có quyền hành bật đèn xanh cho đàn em phá hoại chứ ai.
– Anh có biết chùa Hải Vân Sơn Tự không?
– Hồi nhỏ tôi có đôi lần theo ông ngoại vào đó thăm thầy. Không biết giờ thầy đi đâu rồi, thầy đẹp và vui tính, sau thầy có nuôi mấy đệ tử nữa nhưng chỉ có chú Tươi là theo thầy. Thế rồi chùa bị phá bỏ, thầy trò tứ tán cả…
– Tôi biết hiện nay thầy đang trụ trì chùa Hưng Phước, tại thị trấn Nam Phước, tỉnh Quảng Nam. Ngôi chùa đó không đẹp và không có được không khí an hòa như Hải Vân Sơn Tự.
– Vậy thầy còn sống hả chị?
– Vài năm nay tôi không ghé chùa nữa, không biết thầy còn hay không, giờ chú Tươi, đệ tử của thầy trụ trì chùa, tên Pháp Lạc. Cái thời lên núi tìm đạo dường như không còn nữa anh ạ!

Thả dây, lốp xe cao su… xuống đầm, đợi tầm hơn nửa năm thi thu hoạch hàu
– Thời tôi còn nhỏ, cái đầm này đẹp lắm, nước trong veo, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt nhưng hiền lành và thân thiện. Bây giờ người ở đông, nuôi trồng thủy sản đầy ra đó, nước thì bẩn, cái đầm trở nên xa lạ..
– Anh đang xây dựng điểm du lịch, mà có thể nói là khu du lịch cũng đúng, vậy có tiêu chuẩn gì không anh?
– Khu du lịch này tôi đặt tiêu chí là mức độ bê tông hóa không được quá nửa tỉ đồng, bảo tồn thiên nhiên hết mức, chỉ xây những cái rất cần phải xây thôi, còn lại là thiên nhiên hết. Khu vực tôi nuôi hàu cũng là điểm check-in thú vị, vì tôi không nuôi bằng vỏ xe như người khác, tôi nuôi bằng cây khô và đá. Ai có ký ức về Huế xưa một thuở sẽ được gặp lại đôi phần.
– Anh có khó khăn gì khi thực hiện dự án không?
– Sao không khó được, tuy ở đây lâu, cũng là đất gốc, quê nhà nhưng giờ chẳng có giấy gì, mình chỉ khai hoang đến hình thành, không chừng người ta đến hất mình đi. Mà chạy giấy cũng không được chị à, họ ăn trọn gói hốt trọn ổ “đã” hơn chứ chị (cười).
Rời đầm, tôi vẫn chưa có dịp tận mắt xem những con hàu bám trên đá và cây khô của anh Tý, chắc chắn chúng sẽ sạch sẽ hơn, thơm ngon hơn những con hàu nuôi bằng vỏ xe. Nhưng đó không phải là điều tôi băn khoăn, nỗi băn khoăn lớn hơn, day dứt hơn là mai đây, chưa biết số phận anh Tý sẽ ra sao? Liệu anh có bị cạy văng khỏi mảnh đất gốc quê nhà như người ta dùng dao cạy con hàu ra khỏi nơi nó đeo bám để “thu hoạch”.
UC