Thống kê của nhà chức trách VN cho biết năm 2023, chỉ riêng Sài Gòn có 21,310 gia đình nghèo (chiếm tỉ lệ 0.84% trên tổng số gia đình dân cư) và gần 18,070 gia đình cận nghèo (tỉ lệ 0.71% trên tổng số gia đình) tổng cộng gần 115,000 nhân khẩu. Dĩ nhiên con số này chưa cộng gộp số gia đình nhập cư, tạm cư từ các địa phương khác đến với gần 3 triệu người nữa. Tính trung bình, số gia đình nghèo, cận nghèo của cả 2 nhóm người dân địa phương và nhập cư, tạm cư ở Sài Gòn đã ở mức trên 100,000 gia đình!

Bán vé số
Trong khi đó, với độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lẽ ra mọi trẻ em cần phải có cuộc sống được bảo bọc trong vòng tay mẹ cha. Thế nhưng vì nghèo khó nên nhiều em không được vui chơi, giải trí như các bạn bè đồng trang lứa. Ðây còn là hình ảnh mùa hè của đám học trò nghèo ở Việt Nam. Mùa hè của các em là những giờ tất bật mưu sinh để san sẻ bớt gánh nặng cơm áo cho gia đình và có thêm chút tiền mua sách vở, quần áo, đóng học phí cho năm học mới sắp tới.
Năm nào cũng vậy, mỗi khi hè về là em Tân (14 tuổi, Bình Chánh) lại theo cha làm phụ hồ. Sau Tân còn thêm 3 người em. Nhà đông con lại trong độ tuổi ăn học nên tiền lời từ gánh xôi bán rong của mẹ và tiền công thợ hồ của cha Tân chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Vì vậy Tân cũng hiểu nỗi vất vả của mẹ cha nên em tự lập rất sớm. Khoảng 3 năm nay, khi hè về Tân lại theo cha đi làm để có thêm ít tiền trang trải cuộc sống cả nhà.

Phụ kéo hàng
Tương tự, sau khi tổng kết năm học xong, em Lợi (13 tuổi, quê Cà Mau) lại gắng dậy sớm đi bán vé số. Tuy tuổi nhỏ nhưng em đã “hành nghề” được 4 năm. Nhà Lợi có tất cả 5 người, ai cũng đi bán vé số và sống chen chúc trong một căn phòng nhỏ thuê trọ ở Gò Vấp. Lợi cho biết: “Cứ mùa hè đến là con lại gắn bó với xấp vé số. Ðể bán được nhiều, con tìm vào những nơi đông người như quán cà phê, quán ăn, quán nhậu…mời khách. Mỗi ngày con bán được 80 – 100 tờ vé số, trừ chi phí ăn uống, số còn lại con dành dụm để mua đồ dùng học tập cho năm học mới”.

Các hội nhóm, website… bói toán sẵn sàng lôi kéo người mê tín
3 giờ sáng một ngày cuối tháng 6/2023, chúng tôi có mặt ở chợ đầu mối Thủ Ðức (Sài Gòn). Mới giờ này có khá nhiều xe tải lớn, nhỏ, xe container từ trong và ngoài địa bàn tấp nập chở các mặt hàng nông sản, tạp hóa vào bỏ mối cho các tiểu thương. Len lỏi giữa dòng người lớn chuyên làm nghề khuân vác, bốc xếp còn có đội quân chừng 20 cậu nhóc, tuổi chừng 12 đến 15. Tại mỗi chiếc xe đều có các lơ xe hoặc chủ xe đứng đọc toa đặt hàng của những người nhận hàng bỏ mối. Kế đó đám bốc xếp người lớn chen nhau trèo lên đưa những kiện hàng hoặc các bao tải loại 50 – 100kg chứa rau củ, trái cây, thịt gà, heo, bò…chuyển xuống dưới. Cùng với những người lớn, đội khuân vác nhí cũng ùa lại tranh nhau vác trên vai, ì ạch kéo hoặc dùng xe đẩy chất đầy các thùng hàng đến những nơi có các tiểu thương trong chợ ngồi đón sẵn. Hỏi chuyện cậu bé tên Khoa chừng 12 tuổi, em hồn nhiên nói: “Ba con làm bốc xếp ở đây lâu rồi. Nghỉ hè ba dẫn con theo làm. Mỗi hừng sáng, con phụ giúp xe tải hàng từ Lâm Ðồng xuống hàng rau củ rồi đem giao cho 15-20 quầy trong chợ. Từ 3 giờ đến gần 6 giờ sáng xong việc, chủ vựa trả riêng cho con 90 nghìn đồng”.

Làm thời vụ ở các cơ sở sản xuất thủ công
Chúng tôi xoay qua hỏi anh Bình (42 tuổi, cha cháu Khoa) nghe anh chia sẻ: “Vợ tôi đi phụ quán ăn, còn tôi làm bốc xếp đã 15 năm nay rồi. Mỗi ngày, chủ vựa trả công người lớn 200 nghìn, mấy đứa nhỏ được trả 90-100 nghìn. Với công việc lao động nặng nhọc này, bản thân tôi nhiều lúc cũng đuối. Biết con cái còn nhỏ tuổi đã phải làm lụng cực khổ nhưng gia cảnh nghèo, biết làm sao?”
Thực tế cho thấy, vào dịp hè, ở khắp nơi tại VN, bất kể chốn thành thị hay thôn quê vẫn có rất nhiều em học trò nghèo phải lao mình vào cuộc mưu sinh, không nhiều em được nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái. Ðó là những buổi sáng các em theo cha mẹ ra đồng, ra vườn đến tối mịt mới về hoặc phơi nắng ngoài đường để bán từng tấm vé số, từng gói kẹo, chiếc bánh, đi phụ việc, kéo hàng, nhặt ve chai… Dù biết rằng chuyện giúp đỡ cha mẹ là điều đáng trân trọng, nhưng việc phải lao động sớm khiến các em rất dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro về thể chất. Các em không những bị hạn chế thời gian học tập, vui chơi giải trí mà đôi khi còn dẫn đến nguy cơ bỏ học. Ngoài ra, việc phụ kiếm sống sớm còn khiến các em dễ bị lôi kéo vào những hành vi phạm pháp, tệ nạn xã hội và có nguy cơ cao bị lạm dụng, bóc lột, xâm hại…

Chăn bò
Thử tìm hiểu ước mơ trong những ngày hè muốn được điều gì? Ða số các em thường trả lời rất thích được đi chơi, đi du lịch như mấy bạn con em những gia đình khá giả cùng trang lứa. Song ngặt nỗi cuộc sống khó khăn, phải chạy lo miếng ăn hàng ngày nên những chuyện ấy cũng chỉ là mơ ước “bất khả thi”. Ðể rồi khi con ve sầu dần dứt tiếng kêu, lúc những cánh phượng trên cây đã rụng tàn sắp hết, các em lại quay về với mái trường thân quen với những bộ áo quần, cuốn tập, quyển sách mới mua bằng chính số tiền đã chắt chiu trong những ngày hè có quá nhiều công việc vất vả, bận rộn…

Vui chơi giải trí thoải mái luôn là điều xa xỉ với học trò nghèo
NS
SÀI GÒN, VIỆT NAM