Những người cao tuổi nói rằng chưa bao giờ họ có một mùa giáp hạt tan nát và kinh khủng đến như vậy. Cầu Cốc Lếu, Lào Cai, cầu Chương Dương, Long Biên, Hà Nội hay rất nhiều cây cầu khác vốn dĩ là nơi trú ẩn cuối cùng khi lũ về. Thế nhưng, những “thành trì” này trở thành vô nghĩa trước con nước hung dữ. Và những thành trì khác, đó là lương thực, hạt lúa, hạt gạo ở một nơi có bề dày hai ngàn mấy năm văn minh lúa nước này cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đáng sợ hơn nữa là mùa giáp hạt xác xơ đói ở những vùng cao Đông Bắc, Tây Bắc.

Đã có lúc, nước đẹp thế này ở miền Bắc   

Bão không quét, mừng hụt

Hầu hết những người dân Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai đều trải qua một cơn mừng hụt bởi bão Yagi không càn quét các tỉnh này, những tưởng thiên tai không đến nỗi trầm trọng. Nhưng bão vừa đi qua thì liền sau lưng nó, lũ lụt càn quét khiến cho các tỉnh miền núi tan hoang, xơ xác.

Thầy giáo Tiến, một vị cựu giảng viên đại học ở thành phố Thái Nguyên, chia sẻ:

– Tình hình này, ngay cả người thành phố như tôi cũng có thể đối mặt nguy cơ đói kém, huống chi những đồng bào thiểu số, nạn đói mùa giáp hạt năm nay sẽ kinh hoàng lắm đây!

– Thầy từng dạy nhiều năm ở miền núi trước khi về dạy đại học Thái Nguyên, vậy thầy còn giữ mối liên lạc nào với người dân nơi đây không?

– Tôi có thời gian làm thầy giáo miền núi 10 năm, thời gian làm bộ đội biên cương, chống Tàu gần 5 năm. Tức ít nhất tôi có 15 năm gắn bó máu xương với miền núi, ngay cả thành phố tôi đang sống cũng là miền núi cơ mà. Tôi vẫn giữ liên lạc với đồng nghiệp và một số người dân bản cho đến nay. Cứ mỗi tuần tôi ít nhất gọi điện thăm họ cũng được một lần. Trong đợt lũ kinh hoàng vừa rồi, tôi gọi điện thường xuyên, cho đến khi họ mất sóng, tôi không liên lạc được nữa.

– Thầy có thể kể thêm chuyện gì đã xảy ra với họ lúc đó không?

Múc núi, san đồi kiểu này thì còn gì khi mưa bão

– Một gia đình ở Bảo Yên, Lào Cai, đó là gia đình thời tôi đi bộ đội biên phòng, tôi thường tới lui. Họ người tộc H’Mong, có điều kiện kinh tế tạm ổn so với các gia đình khác. Thế nhưng họ suốt mấy chục năm nay vẫn không phát triển được, vì nhiều lẽ, nhưng cái lẽ lớn nhất vẫn là họ thiếu thốn quá nhiều thứ. Thế rồi bão không đến, cả họ và chính quyền đều mừng hụt.

Xem thêm:   Chân Trời Mới của Trùng Dương

– Ủa, bão không đến thì tại sao lại mừng hụt, họ hụt cái chi và chính quyền mừng cái chi vậy thầy?

– Cô biết đó, thiên tai là tai họa do ông trời mang đến cho con người, cho rất nhiều người, nhưng lại là lộc trời cho một số người. Có rất nhiều cán bộ đoàn thể giàu lên nhờ thiên tai đấy, nhìn chung, cán bộ địa phương biết thống kê thiệt hại, biết khéo léo thì mỗi bận thiên tai, họ kiếm tiền tỉ. Còn người dân thì cũng được vài cân gạo, vài chục ngàn đồng, vài cái quần cũ. Đời sống vốn vậy rồi, nên bão không đến thì cán bộ mừng hụt vì mất một đợt ăn nên làm ra, còn người dân mừng hụt chậm hơn một chút, bởi bão không đến, khỏi lo sập nhà, nhưng lũ lụt kéo đến, còn gì nữa mà mừng.

– Phải nói là vừa rồi chết chóc kinh khủng quá, thầy từng có khi nào nghĩ rằng miền Bắc sẽ có những ngày như vừa qua?

– Phải nói là quá khủng khiếp, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng miền Bắc sẽ có những ngày thảm họa như vậy. Nhưng tôi lại nhìn thấy điều gì đó bất thường từ những ngày đầu mở cửa kinh tế, tôi nghĩ rằng một ngày nào đó, núi đồi sẽ chết. Bởi con người đã dám chọc giận rừng thiêng, chọc giận Đại Ngàn. Đừng quên rằng chúng ta ở đồng bằng, sống sót, phát triển và hạnh phúc là nhờ vào sự che chở của đại ngàn thiêng liêng. Một khi đại ngàn bị chọc giận, chúng ta dám ngang nhiên chặt phá, ngang nhiên ngồi trên đầu trên cổ đại ngàn và xem đó như là cuộc chinh phục, thì nếu có chinh phục được, chúng ta cũng mất đi vài trăm năm xương máu. Nhưng cách hay nhất là đừng bao giờ nghĩ đến chuyện chinh phục, hãy nghĩ đến việc biết ơn và hòa mình cùng thiên nhiên, Mẹ Đất!

Những hình ảnh không có gì lạ lẫm ở Việt Nam nhưng giờ nhiều nơi chỉ còn là bình địa

Đói, nhìn đâu cũng thấy đói

Xem thêm:   Việt kiều mua nhà đất

Những ngày giữa tháng 9, bão vừa đi qua, tưởng tránh được bão thì lũ kéo về, mọi nơi tan nát. Ở Lào Cai, trong ngày 10 tháng 9, có đến 3 vụ sạt lở đất, một vụ sạt lở trạm chỉ huy thủy điện làm 5 người mất tích, 1 người chết. Một vụ lũ quét làm mất tích hàng trăm người ở Làng Nủ và một vụ sạt lở núi làm 7 gia đình mất tích trong đất. Rồi sập cầu ở Phú Thọ, nước cuốn xe khách … Có thể nói mức độ tang thương là chưa bao giờ kinh khủng như đợt mưa lũ vừa rồi. Và nó cũng làm lộ rõ rất nhiều thứ, như lời của anh Hoàng, một nhà báo trong nước:

– Nhìn chung, bão lụt ở miền Bắc chỉ cho thấy sự khắc nghiệt có một phần đến từ con người, mà con người cụ thể chứ không phải là con người ước định, chung chung.

– Vậy anh vui lòng cho cái cụ thể này được nổi bật một chút được không?

– Được chứ, hãy nhìn vào nhà các quan chức, toàn gỗ quý, gỗ trăm tuổi, ngàn tuổi. Mà gỗ này từ đâu ra? Vậy thì rừng làm sao tồn tại được, mà rừng chết thì núi vỡ, đó là quy luật. Mà núi vỡ thì chúng ta bị vùi lấp, cái này là nhân quả. Hiện tại, sự tham lam và quyền lực của chúng ta đang tự đào núi chôn chúng ta.

– Nghiệt nỗi, đây là việc làm của số ít, số còn lại chỉ gánh hậu quả do cái số ít này gây ra, đúng không anh?

– Đúng, rất khốn nạn khi nói về chuyện này. Cái số ít đó khiến cho cái số đông nghèo khổ, không quyền lực phải gánh đau khổ, còn riêng bọn chúng thì vẫn ăn ngon ngủ ấm, ở nhà kín cổng cao tường và có thể trích ra một ít tiền để làm việc từ thiện, sau đó nói giọng đạo đức.

– Theo anh, sắp tới đây, tình hình sẽ khá hơn chút nào không?

– Tôi nghĩ là tình hình càng thê thảm hơn, khó nói. Bởi hiện tại, lúa ở các cánh đồng trên đồng bằng sông Hồng xem như khóc rồi, bởi nước ngập, thối om như vậy thì chả dùng được đâu, rồi vùng cao thì nhà cửa không còn, lúa gạo thì lâu nay vốn hiếm vì rừng bị mất quá nhiều, giờ lại thêm thiên tai như vậy, chết chắc luôn. Mà đáng sợ hơn nữa là sự thay đổi địa hình rừng núi.

Đồng bằng sông Hồng, một mùa giáp hạt đói và buồn

– Thay đổi địa hình rừng núi nghĩa là sao anh?

Xem thêm:   Cứu trợ thời giả cầy

– Con người tác động lên mặt núi quá nhiều, núi trở nên bất lực, nó trở thành một cục bột khô đứng giữa trời, vì cạo mất cái vỏ triệu năm của nó rồi. Giờ chỉ cần một trận mưa, thì những cục bột khô này sẽ tự chuyển mình, và mang theo mọi thứ trên lưng nó trộn lẫn vào hình dáng mới của nó, chắc chắn là vậy rồi!

Cùng suy nghĩ với anh Hoàng, chị Ngãi, một giáo viên dạy văn, chia sẻ:

– Đây là lúc con người tận mắt chứng kiến luật nhân quả mình đã tạo ra. Rất tiếc là những kẻ tạo ra lại không chịu đau như những kẻ làm ngơ. Rõ ràng, con người đã làm ngơ cho kẻ khác phá rừng, dù nói như thế nào thì cả những người miền núi cũng có phần tự góp tay vào cái chết của mình. Bởi những kẻ phá rừng vẫn thường thuê người thiểu số vận chuyển gỗ cho họ với ngày công lao động rẻ bèo. Và họ chấp nhận làm, nhiệt tình làm.

– Vậy nếu không làm, họ lấy gì để sống hả chị?

– Đây là bài toán lớn, nó thuộc về hai yếu tố, xét trên khía cạnh vĩ mô, thì chính phủ, chính quyền phải chịu trách nhiệm về điều này, xét trên khía cạnh vi mô, thì bản thân và nền tảng văn hóa của mỗi tộc người miền núi sẽ định hướng cho họ có thái độ ứng xử đúng mực với thiên nhiên, với đại ngàn. Rất tiếc là các tộc người thiểu số ở Việt Nam, hình như cái yếu tố coi đại ngàn là mẹ thiêng liêng có vẻ hơi ít, nếu không muốn nói là theo khuynh hướng mê tín hơn là tín ngưỡng.

– Theo quan sát của chị, mùa giáp hạt này, đời sống bà con miền núi ở đây ra sao?

– Xin nói đúng một từ! Đó là: Đói! Đói vĩ đại!

Mấy từ của người nữ giáo viên dạy văn này, có lẽ cũng đủ để khái quát hiện tình đời sống của bà con đồng bào thiểu số miền núi phía Bắc lúc này! Thật đáng buồn!

Bài và hình UC