Với mục đích chuyển dịch nền kinh tế công nghiệp, khoảng 15-20 năm trở lại đây, miền Bắc Việt Nam đã nhận được những làn sóng đầu tư lớn từ rất nhiều công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Minh chứng là hàng trăm khu công nghiệp đã mọc lên, nhiều nhất ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội…thu hút nhiều doanh nghiệp từ các nước do được ưu tiên về giá cả, thời hạn thuê đất cũng như lương nhân công rẻ. Những doanh nghiệp này có thể kể: Honda, SamSung, LG, Intel, Foxconn, Polaris, Fuji Xerox, Compal, Canon, Pegatron, Panasonic, USI…Theo thống kê của Fitch Solutions, hiện có khoảng 60% doanh nghiệp nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại các khu công nghiệp phía Bắc, tỷ lệ còn lại ở phía Nam và miền Trung.

Dù vậy, từ đầu tháng 5/2023 tới nay, nhiều tỉnh miền Bắc đã bị EVN (Tổng công ty điện lực VN) cắt điện thường xuyên (phổ biến từ 11 giờ đến 16 giờ 30 hàng ngày) với lý do…thiếu điện. Vì cắt điện, nhiều doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, liên doanh kể cả xí ngiệp nội địa buộc phải giảm bớt đơn đặt hàng cũng như cho hàng nghìn công nhân nghỉ việc, giảm giờ làm. Hiện tại, theo khảo sát của chúng tôi, những ngày qua ở Hà Nội (và nhiều tỉnh thành khác) liên tục bị cắt điện. Từ chiều tối, phần lớn đèn chiếu sáng công cộng được tiết giảm trong khi ở nhiều khu dân cư, điện sinh hoạt còn bị cắt hoàn toàn. Cũng chung cảnh ngộ ở miền Bắc nhiều ngày qua hàng loạt khu công nghiệp đều chịu cảnh mất điện kéo dài. Việc cắt điện dù được thông báo trước song cũng khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị bế tắc. Ðặc biệt, khi phần lớn doanh nghiệp đều đang đối diện với nhiều thử thách do nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn thì tình trạng thiếu điện càng như giọt nước làm tràn ly.

Cơ cấu nguồn điện của miền Bắc và miền Nam

Tình hình cắt điện được EVN và lãnh đạo Bộ Công thương VN giải thích với những lý do như sau: Lượng tiêu thụ điện trung bình cả nước đạt gần 820 triệu kWh/ngày trong tháng 5/2023 (tăng hơn 20% so với tháng 4/2023).  Công suất tiêu thụ cực đại cũng đạt tới 44,600 MW (tăng 8.5% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên nguồn điện cung ứng lại không theo kịp, nhất là ở miền Bắc. Cụ thể, nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện. Nhưng điểm khác biệt của năm nay là thủy điện (chiếm 48% cung ứng điện tại miền Bắc) đang giảm do thời tiết nhiều hồ thủy điện cạn nước.

Mất điện kéo dài khiến hoạt động các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng.

Ðến ngày 3/6/2023, miền Bắc thiếu khoảng 5,000 MW lượng thuỷ điện do hầu hết hồ lớn của vùng như Lai Châu, Hua Na, Thác Bà, Sơn La, Tuyên Quang…đã về gần mực nước chết (dưới mức nước này không phát điện được). Ngoài ra một số tổ máy nhiệt điện than (chiếm 51% cơ cấu nguồn điện miền Bắc) cũng đang gặp sự trục trặc. Nhằm giải quyết một phần tình trạng, VN đã phải mua thêm hàng ngày từ 10-12 triệu kWh điện năng từ Trung Quốc và Lào. Bộ Công Thương VN giải thích rằng nếu so với sản lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc hàng ngày là 445-450 triệu kWh, tỷ lệ điện nhập này cũng không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 2.7% tổng tiêu thụ cả miền Bắc trong một ngày! Riêng điện gió chủ yếu khai triển tại các tỉnh miền Trung là những nơi ít khi bị thiếu điện. Còn nếu cho kéo điện từ đây tới các nơi thiếu điện ở miền Bắc lại không thể đủ tải…

Người dân đi mua máy phát điện cá nhân “chống nóng”

Giải thích là vậy nhưng thực tế diễn ra như thế nào có lẽ cần phải chờ xác minh từ những nguồn kiểm tra độc lập. Bởi đã bước qua thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI hội nhập toàn cầu, nhưng EVN xem ra vẫn cho thấy một phương pháp vận hành còn quá lúng túng, thấp thoáng tệ tiêu cực, tham nhũng cũng như “bóng ma” của một thế lực nào đó đứng chống lưng phía sau. Chả thế mà mới đây một ông nghị từng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội VN đề nghị Chính phủ phải thành lập ngay đoàn thanh tra đặc biệt để xem xét nghiêm cẩn một số vấn đề. Ví dụ như cần thanh tra, kiểm toán, điều tra đặc biệt với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong 10 năm gần đây. Ðặc biệt điều tra vì sao 2022 là năm VN tạm thoát khỏi đại dịch Covid-19, so với những năm trước việc sử dụng điện năng không nhiều nhưng EVN vẫn báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng và còn đề nghị tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023 tới? Nhiều người dân còn có chung thắc mắc nữa là EVN luôn báo lỗ nhưng 5 đơn vị trực thuộc đơn vị này lại báo có lãi. Trong số đó có 2 đơn vị đã mang gửi ngân hàng từ 4,000 tỷ – 10,000 tỷ VNÐ. Ngay cả các doanh nghiệp chuyên bán điện cho EVN cũng lãi lớn, vậy nhưng EVN vẫn báo lỗ? Phải chăng đây là cách đẩy cái lỗ về cho tập đoàn mẹ và đẩy lãi về cho các đơn vị thành viên? Ðó là chưa kể EVN còn thoải mái đầu tư ngoài ngành trái với tôn chỉ, mục đích hoạt động của họ thậm chí vượt vốn điều lệ tới hơn 45,000 tỷ VNÐ, đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, nhà hàng khách sạn…trái quy định hơn 1,900 tỷ VNÐ cũng như một số chỉ định thầu sai, hạch toán sai khác…Cũng lưu ý rằng thu nhập của những người làm trong ngành điện đều không thấp như các ngành khác, nhất là những ông bà cán bộ từ cỡ vừa trở lên.

Máy móc ở các doanh nghiệp phải tạm dừng do mất điện

Một ông nghị khác cũng phát biểu trên diễn đàn Quốc hội: “Chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và giải quyết như thế nào?” Nói chung các ông nghị cứ hỏi và tự trả lời nhau như vậy, còn người dân và các chủ doanh nghiệp chỉ biết cứ vào mùa nắng nóng thì ngành điện lại ca điệp khúc… cắt cúp và chuẩn bị tăng giá!

Người dân Hà Nội kéo nhau ra đường nằm, ngồi cho mát những lúc nhà bị cắt điện

NS