Giúp người hoạn nạn, gặp khó khăn vốn là đạo lý mà người dân Việt bao đời qua luôn hành xử. Nhưng thời nay có những kẻ bỏ quên đạo lý ấy. Những kẻ này có sẵn phương tiện giúp người, có trách nhiệm giải quyết công việc và quyền hành, song thay vì “giúp”, họ lại dùng mánh khóe riêng để làm giàu…
Nhiều người Việt ở nước ngoài phải chi số tiền lớn để được các “đồng chí” cho bay “giải cứu”. Ảnh: tác giả cung cấp.
Trong khi người dân nghèo chia nhau từng miếng ăn để sống qua dịch cúm Tàu; trong lúc vô số người chấp nhận vượt hàng ngàn cây số để về lại quê hương tránh dịch, vậy mà có nhóm người, thậm chí cả một hệ thống cấu kết, bàn mưu tính kế bóp cổ dân đen để làm giàu. Ðó là câu chuyện khi cơn đại dịch cúm Tàu đang lan tràn thế giới, nhiều người Việt bị kẹt lại xứ người bởi nhiều lý do.
Một số nước thực hiện nhiều cách giúp công dân họ an toàn quay về cố quốc. Việt Nam cũng tổ chức những chuyến bay “giải cứu” tương tự mà trước đó báo chí, truyền thông ca ngợi hết lời. Thế nhưng những kẻ thừa hành, những ông, bà cán bộ mồm luôn nói đạo đức, luôn hô hào vì nước vì dân lại là những con bạch tuộc hút máu vô cảm. Cụ thể, giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9-2021 có hơn 274 ngàn người Việt về nước bằng đường hàng không và hơn 200 ngàn người khác nằm trong danh sách “giải cứu”.
Xưởng sản xuất kit test Việt Á ở Bình Dương diện tích chỉ hơn… 10m2. Ảnh: tác giả cung cấp.
Nhưng thực chất là gì?
Ðể được ngồi trên chuyến bay về Việt Nam, những người này buộc phải bỏ ra số tiền rất lớn. Một người bạn tôi ở Ðà Nẵng cho biết, em trai anh trở về từ Hoa Kỳ phải chi 6,000 USD, thậm chí có người chi 8,000 USD! Trong khi ấy, vào thời điểm tháng 3-2020, một chuyến bay Vietnam Airlines từ châu Âu về chỉ phải trả 1,200 USD hoặc Hoa Kỳ, Canada là 1,600 USD/người. Thử làm phép tính đơn giản, mỗi người VN kẹt ở nước ngoài muốn ngồi vào chuyến bay “giải cứu” kia phải chi thêm từ 4-6 nghìn USD, nhân với 200 ngàn người, kết quả là bao nhiêu?
Quanh câu chuyện này, tôi nghe một số bà con Việt kiều chia sẻ kinh nghiệm về nước bằng cách “lách” qua ngõ Campuchia. Theo đó, người bay từ châu Âu về Phnom-penh chỉ tốn 630 Euro, thêm 100 Euro đi xe đến cửa khẩu Mộc Bài, sau đó xuất trình passport Việt Nam là được về nước. Vậy số tiền chênh lệch kia vào túi ai? Phải chăng, có những kẻ cố tình tạo khó khăn cho người muốn trở về và dựa vào những quy chế ấy để bóc lột đồng bào trong cơn hoạn nạn!
Kit test nhập lậu chưa tới 1 USD/chiếc được “thổi giá” bán 470 ngàn đồng. Ảnh: tác giả cung cấp.
Vừa rồi ở Việt Nam, có lẽ nhằm cứu vãn tình hình khi “bát nước sắp tràn”, một số ‘tham quan’ của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao VN đã xộ khám với cùng tội danh “nhận hối lộ”. Chúng gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Chánh văn phòng Cục và đại diện của phòng Bảo hộ công dân, toàn những nhân vật “vì dân vì nước”!
Cũng giống vụ tham nhũng ở Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao VN mà dư luận đã bàn tán hổm nay, là chuyện chiếc kit test Covid-19 nhập lậu từ Trung Quốc với giá mua không tới 1 USD/chiếc, mang về dán nhãn Việt Á rồi “thổi giá” tương đương 20 USD/chiếc. Ðược biết, trước dư luận nghi ngờ về bộ kit xét nghiệm này, Bộ Khoa học Công nghệ VN (KHCNVN) trong cuộc họp báo ngày 5-3-2020, ngạo nghễ khẳng định: “Bộ kit này đã được WHO công nhận, tương đương bộ sinh phẩm do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) và WHO sản xuất” (trang web Bộ KHCNVN đăng tin ngày 6-3-2020). Chưa hết, Bộ KNCNVN còn khẳng định, Việt Nam đã trở thành một trong 6 đơn vị sản xuất được sản phẩm này, cùng với WHO, Nhật, Ðức, Trung Quốc và Hoa Kỳ (?). Thế nhưng đến nay dư luận vẫn thắc mắc không rõ nhà máy sản xuất kit test của Việt Á đặt ở đâu, hay chỉ là một phòng nhỏ xíu, diện tích hơn chục mét vuông ở Bình Dương mà sản xuất được mấy trăm triệu chiếc kit test bán khắp nước?
Hai trong số những kẻ tham lam của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam và Công ty Việt Á. Ảnh: tác giả cung cấp.
Phần nổi của “tảng băng” Việt Á cho biết, bọn hút máu đã chi ra 800 tỷ VND, hối lộ nơi này nơi khác để những chiếc kit test này được bán khắp VN. Con số này chưa chắc chính xác nhưng qua đó cho thấy rõ sự tham lam, tàn bạo, đồng tình chia chác nhau đồng tiền xương máu của người dân. Bọn hút máu này là ai nếu không phải là quan chức Bộ KHCNVN, Học viện Quân Y, Bộ Y tế cùng nhiều tên khác? Chúng còn thông qua những trò truyền thông láo toét, liên tục mở chiến dịch ép dân xét nghiệm để có thể tiêu thụ thật nhiều kit test. Bởi chỉ khi “ngoáy mũi” dân chúng càng nhiều, tiền càng vào đầy túi một số người. Do vậy dư luận cho rằng không thể kết tội mỗi mình tên chủ công ty Việt Á hoặc dăm bảy ông đứng đầu các CDC. Lý do, là những tên này cũng không làm được gì nếu không có sự tiếp sức, chống lưng của những tay chức quyền cấp cao hơn!
Ông D. (cựu nhà báo) cho biết: “Khi những câu chuyện này vỡ lở mới thấy đám quan chức vô cảm ấy đã nhận không biết bao huân huy chương, được đề bạt thăng quan tiến chức và chúng đang sống trong sự giàu sang dù đồng lương chẳng là bao. Tôi biết chắc chúng kiếm ăn lâu lắm rồi, nhưng lần này quá khốn kiếp. Nỗi đau của xã hội VN bây giờ là kiểu ăn cướp khốn nạn thế này hiện diện khắp nơi. Cả một hệ thống nhốn nháo tìm đủ cách kiếm tiền mà nạn nhân không ai khác là người dân đen. Tiếc rằng mãi tới đến nay, dù vụ “giải cứu” hay kit test bị phanh phui, một số kẻ vẫn tiếp tục mồm loa mép giải nhằm cố tình né tránh trách nhiệm. Ðất nước VN này không ngóc đầu lên được cũng vì lòng tham không đáy của chúng. Vẫn còn nhiều ông bà lớn liên đới cần bị kết án. Phải vậy mới công bằng. Một khi các ông bà cứ thích bày trò “bắt tép, thả tôm” hoặc e ngại “bứt dây động rừng” sẽ không khiến cho người dân tin tưởng. Mà một khi mất lòng tin chắc chắn sau này rất khó để lấy lại được!”.
NS