Từ 10-01-2022, theo thông báo của chính quyền thành phố Sài Gòn, các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage, spa… được hoạt động lại với yêu cầu “bảo đảm tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch”. Thông tin này khiến các ông, bà chủ những tụ điểm dịch vụ tỏ ra rất phấn chấn, bởi hơn 8 tháng qua cơ sở của họ đều bị “đóng băng” do cúm Tàu.

Phố Tây “thế giới ăn chơi về đêm của Sài Gòn” còn khá vắng vẻ. Ảnh: tác giả cung cấp 

Dù vậy, tâm lý nhiều người vẫn không khỏi hoang mang vì cách đây ít lâu, vào giữa tháng 11/2021, chính quyền từng “cho mở cửa” nhưng chỉ sau 1 ngày lại buộc tái đóng cửa. Không chỉ những ông, bà chủ lo lắng, bộ phận chị em “gái ngành” chuyên phục vụ cho các dịch vụ này cũng không ngoại lệ.

Dịch vụ “gái ngành” là từ lóng của dân chơi dùng gọi các cô gái làm việc tại các tụ điểm quán bar, vũ trường, karaoke, massage…. Thống kê sơ bộ, Sài Gòn hiện có gần 700 tụ điểm kiểu này, rải rác khắp quận, huyện. Tính trung bình 1 tụ điểm “nuôi” cỡ chục “gái ngành” thì đội ngũ này không nhỏ. Phần lớn chị em quê quán ở các tỉnh miền Tây, miền Trung do chán công việc cực khổ quê nhà rủ nhau về Sài Gòn “đầu quân” kiếm sống. Như đã nói, người ta đến những tụ điểm này không chỉ nhằm ngất ngây với tiếng nhạc, vì chai bia, ly rượu hay cần thư giãn gân cốt mà thực ra đây còn là một thế giới ăn chơi thu nhỏ với các cuộc hoan lạc, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu nhất là với cánh mày râu. Dĩ nhiên phụ nữ cũng có nhu cầu tương tự và nhiều bà, nhiều cô cũng đến để tìm một vài đối tượng tùy đam mê của mình.

Nhân viên quán ra đường mời chào khách vào chơi bar. Ảnh: tác giả cung cấp

Vũ Phong, quản lý bar Ð trên đường N, quận B (vì lý do tế nhị, một số tên người, tụ điểm và địa chỉ có thay đổi) nói: “Trong quán bar, vũ trường, “gái ngành” có 3 dạng là DJ, gái nhảy, tiếp viên phục vụ và thành phần “ăn theo”. Trong đó DJ, gái nhảy và tiếp viên phục vụ được chủ quán mời/thuê tham gia, được trả lương ngày hoặc tháng. Họ cũng thường xuyên luân chuyển nhằm tạo sự mới mẻ cho khách. Số còn lại là mấy em chân dài tự phát, thích thì đến làm, chán thì nghỉ, không ai quản lý. Trong các cô gái làm việc ở đây, không phải ai cũng đi khách, ngoại trừ đám “ăn theo”. Trường hợp nếu khách quá “mết” (thích) em gái nhảy hoặc các cô DJ “bốc lửa” hãy đợi khi họ kết thúc bài nhảy hay list nhạc rồi theo tặng hoa, “boa” tiền, hỏi số điện thoại và hẹn hò giao lưu sau. Giá mấy em này cũng không rẻ vì họ đều tự cho mình thuộc thành phần “cao cấp”!

“Gái ngành” tái xuất. Ảnh: tác giả cung cấp

Vẫn theo lời Phong: “Các em thường đến đây từ 20 giờ hôm trước đến khoảng 0 giờ sáng hôm sau. Ăn mặc thật bốc, trang điểm kỹ, sẵn sàng uống cùng khách nếu có yêu cầu. Nếu tính mức lương thì cao nhất là DJ có lúc được trả 20 triệu VNÐ/tháng, kế là dancer, khoảng 8-9 triệu VNÐ/tháng và tiếp viên phục vụ bàn khoảng 5-6 triệu VNÐ/tháng. Song đây cũng là mức lương trung bình các em lúc chưa có cúm Tàu chứ hiện giờ quán bar, vũ trường nào dù được cho mở cửa nhưng nhìn chung ế ẩm lắm. Các anh thấy đó, quán chúng tôi hồi trước tầm này (gần 22 giờ) luôn kín khách (hơn 40 bàn) nhưng từ chập tối đến giờ chỉ được 18 khách.”.

DJ của một quán bar ở Gò Vấp. Ảnh: tác giả cung cấp

Chúng tôi tìm đến khu phố Tây (Bùi Viện, quận 1) vốn mệnh danh “thiên đường của giới ăn chơi về đêm” nhưng xem ra từ đợt bị chính quyền yêu cầu đóng cửa hồi tháng 4/2021 tới nay không khí còn rất trầm lắng. Lúc này đã gần 22 giờ, các con đường vẫn khá vắng vẻ, nhiều quán bar chỉ dăm ba bàn có khách ngồi uống bia, ôm ấp, trò chuyện. Nhân viên quán liên tục xuống đường mời gọi khách vào vui chơi nhưng phần lớn đều nhận lấy những cái lắc đầu.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Chị Mỹ, chủ nhân một quán bar ở đây cho biết: “Suốt thời gian tạm ngưng hoạt động, quán tôi phải chuyển qua bán cơm tấm, sinh tố “mang đi” để có nguồn thu trả lương nhân viên và mặt bằng. Từ hôm 10/01/2022 tới giờ, tình hình khách chơi bar cũng không đông như trước. Tôi mở cửa bar trở lạinhằm giúp mấy em tiếp viên, dancer quen biết thấy vui vì có việc làm, không thất nghiệp nữa chứ doanh thu rất kém vì vắng khách. Chả thế mà không ít quán quanh đây vẫn đóng cửa vì ngại lỗ lã. Giờ chỉ mong doanh thu quán hàng ngày đủ duy trì hoạt động là mừng lắm rồi. Hy vọng cúm Tàu mau chóng chấm dứt để con phố này cũng như nhiều điểm vui chơi khác của Sài Gòn nhộn nhịp trở lại”.

Các tụ điểm karaoke, massage đón tiếp được nhiều khách hơn. Ảnh: tác giả cung cấp

Tuy nhiên, trái ngược với khung cảnh đìu hiu của các quán bar, vũ trường thì các điểm karaoke, massgae, spa… dường như có những tín hiệu tích cực hơn. Tại karaoke Nice trên đường N (quận 3), ghi nhận của chúng tôi lúc 20 giờ, gần như đã kín các phòng. Anh Hưng, quản lý quán cho biết, những ngày đầu mở lại khoảng 60 – 70% phòng hoạt động và dự kiến nâng lượng khách tối đa vào thời điểm Tết. Tương tự tại karaoke ICool cách đó hơn cây số cũng rất đông khách. Anh Vũ, quản lý chi nhánh karaoke này cho biết quán có trang bị sẵn các loại nước rửa tay sát khuẩn, kể cả mã QR để khách khai báo y tế. Anh tâm sự: “Từ lúc nghe karaoke mở cửa lại, mấy em tiếp viên của quán đều rất vui. Bởi trải qua mấy tháng ròng “thất nghiệp”, có em đành về quê ẩn náu, có em ráng ở lại làm những việc linh tinh như bán hàng online, làm nails, vé số… kiếm sống. Hiện giờ, chúng tôi còn hai nỗi lo. Một, thiếu nhân sự do nhiều em về quê không lên làm lại khi đang cận Tết. Hai, quyết định đóng – mở bất ngờ của chính quyền. Chúng tôi mong mấy ông lãnh đạo đã mở rồi đừng đóng nữa vì làm vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như tâm lý người dân. Ví dụ, riêng ngày 17/11/2021 vừa qua, hệ thống Icool chúng tôi mất hơn tỷ bạc VNÐ tiền nhập hàng hóa phục vụ khách sau khi chính quyền cho phép mở rồi lại đóng dịch vụ karaoke chỉ trong vòng 2 hôm.”.

Xem thêm:   Trên lưng trời

NS