Biết chính phủ Đức có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho du học nghề, gần đây một số trung tâm môi giới, công ty dịch vụ tư vấn du học Đức ở Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung từ Nghệ An trở vào đến Khánh Hoà đã đua nhau vào cuộc … xuất cảng nhân lực!
Nghe, hiểu, nói được tiếng Đức đã!
Hôm 29/7/2024, tại sân bay Frankfurt, CHLB Đức, tôi gặp một thanh niên 24 tuổi, quê Gò Vấp, Sài Gòn. Bạn này đang học ngành Quản lý nhà hàng năm thứ hai tại Đức. Bạn về Việt Nam thăm nhà 3 tuần. “Con học ở tỉnh chứ không phải ở thủ đô. Gần 2 năm chưa đặt chân đến Berlin bác ơi!”, bạn ấy cười cười. Chọn học ở một thành phố nhỏ, mức chi phí sinh hoạt dễ chịu hơn nhiều, ít áp lực là phương án căn cơ. Nếu ở thành phố Berlin, tiền phòng phải 350 euro đến 400 euro/ tháng nhưng không dễ kiếm thì thành phố khác chỉ từ 230 euro-250 euro/tháng. Có người cùng ở ghép thì giá trọ từng người sẽ giảm hơn nhiều. Còn chưa kể tiền đi lại bằng xe bus, tàu điện, điện nước, gas, lò sưởi… Nếu có việc làm phải với mức lương từ 2,500 euro /tháng trở lên mới gọi là tạm ổn!
Tiện thể tôi hỏi bạn về việc học. Bạn kể: “Nói thiệt, học ở đây mà không nói, không hiểu được tiếng Đức thì chắc chết bác ơi! Con có hai đứa bạn phải bỏ học giữa chừng, oải chè đậu vì ngán tiếng Đức. Một bạn gái xin về nước sớm, một bạn trai bỏ lên Berlin. Nghe đâu đang phụ việc dọn dẹp cho một nhóm người Việt chuyên dọn rác xây dựng nhà ở, nhà hàng, quán xá gì đó. Hắn ốm nhách mà mang vác gì nổi không biết!”, bạn trẻ cảm thán. Nhân chuyện trình độ tiếng Đức của du học nghề cũng đáng bàn! Ở Việt Nam có nhiều trung tâm đào tạo tiếng Đức cho du học sinh từ 6 tháng đến 8 tháng. Ngữ pháp, câu cú tiếng Đức khá là phức tạp khiến không ít người ngã bệnh… lười. Người nào chịu khó, nỗ lực lắm cũng có được bằng B1 (tối thiểu nói, viết tàm tạm chứ nghe hiểu thì phải trải qua đàm thoại, tiếp xúc nhiều với người bản địa). Người nào có vốn tiếng Anh bằng B hoặc C trong nước thì đỡ. Người nào học chiếu lệ, học cốt để đẹp hồ sơ giấy tờ xuất cảnh thì gay go khi đối diện với thực tế. Nó phũ phàng chứ không tươi đẹp một chút nào! Muốn hội nhập phải hiểu về văn hoá, phong tục nước sở tại. Chỉ có thành thạo tiếng Đức khi học ở Đức rồi con đường mới rộng mở…
Cẩn thận “chọn mặt gửi vàng”!
Tốt nghiệp đại học trong nước chưa chắc có việc làm. Việc làm đâu sẵn vậy? Có khi việc làm sẵn nhưng không đến lượt mình. Trường hợp tốt nghiệp đại học sư phạm mà làm … công nhân may mặc hoặc giày da đã là may mắn lắm rồi. Đó, đầy học sinh tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng nghề hay đại học chạy xe ôm công nghệ, chuyển phát hàng nhanh, thức ăn nhanh, chạy xe taxi đầy đường nhìn thì biết. Gia đình có ít vốn nhờ bán đất, cầm cố nhà cho ngân hàng lo kiếm chỗ tư vấn, môi giới con đi du học nghề ở nước văn minh, tiên tiến đang già hoá dân số, thiếu nhân lực lại được nhiều ưu đãi như Đức thì tốt quá còn gì? Du học nghề được miễn học phí, nhận lương khi học, có việc làm sau khi tốt nghiệp và nhất là có cơ hội định cư, nhập tịch Đức đúng là thanh nam châm hút ước mơ của nhiều bạn trẻ. Một số ngành nghề như Cơ khí, Điều dưỡng, Nhà hàng… được đông đảo cô, cậu tú, cử nhân chọn lựa. Đi học mà được nhận lương trang trải các chi phí ăn ở, sinh hoạt, được làm thêm kiếm tiền thì còn gì sướng bằng. Sau 3 năm, tốt nghiệp lại có việc làm. Thật sự nếu trở thành người lao động hợp pháp (có đủ giấy tờ) ở Đức thì sống được, tất nhiên việc làm phải ổn định kèm điều kiện là phải vượt lên chính mình mới… thở nổi!).
Nhiều công ty, dịch vụ hoạt động tư vấn đã giúp định hướng nghề, vạch lộ trình, đồng hành với du học sinh nên tạo được uy tín. Tuy nhiên cũng có một vài công ty xuất khẩu lao động, công ty trách nhiệm … có hạn trong lĩnh vực du học nghề tại Đức…đội lốt, tổ chức đưa người sang Đức trái phép là chính. Đúng là “đem con bỏ chợ” còn “tiền thầy bỏ túi”! Không ít gia đình bị lừa, không ít học sinh bị mắc bẫy. Đau!
Thôi cố đành quên!
Một lao động quê Nghệ An lên một trang mạng tại Đức bày tỏ…phân vân: “Em sẽ qua Đức theo diện du học nghề ngành Điều dưỡng. Em đang học tiếng Đức. Sau khi thi đỗ B1 là xếp lịch lên đường ạ! Thấy nhiều người nói không nên đi khiến em hoang mang quá ạ!”; Hàng chục người vào bình luận: “Khuyên một câu chân thành, khỏi đi mất công, mất sức, tốn tiền” (Dung Nguyen), “Phải đi chuẩn trung tâm thì mới ổn bạn nhé! Coi chừng chứ gặp trung tâm với công ty lừa thì ôm nợ” (Pham Huynh Sang), “Khéo kẻo mất mấy trăm triệu qua làm ăn mày đấy! Đầy bạn trẻ Việt bên này không có việc làm. Học nghề không nổi nhưng giỏi nhậu nhẹt, chơi bóng cười, đi bar…Rồi đành đi tàu lậu, tối về tỉnh lẻ, hoang vắng tìm chỗ ngủ. Ở Berlin, cảnh sát nó lượn đầy đường. Không có giấy tờ mà gặp nó kiểm tra là nó bắt trả về nơi sản xuất phát một. Đừng qua đây làm phiền bố mẹ!” (Quoc Anh Truong)… Nghe người trong cuộc chia sẻ mà não lòng!
Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là các địa phương có đông người đang ở Đức. Đủ các dạng từ du học nghề, xuất cảng lao động sang một nước Đông Âu hoặc dưới dạng du lịch…trốn ở lại. Người cần cù, chịu khó học tập, làm ăn (có giấy tờ hợp pháp) nên trụ được. Họ sống tiện tặn dành dụm tiền gửi về nhà trả nợ, chuộc giấy tờ nhà đất cầm cố… Không ít gia đình có người thân ở Đức đã xây nhà to, mua xe mới. Có địa phương đến cả làng hầu hết nam, nữ thanh niên đều đi xuất cảng lao động! Do vậy rất nhiều người mơ ước bèn đầu tư cho con em qua bên ấy. Hy vọng vài năm sau chắc chắn sẽ có tiền đồ (tiền và đồ)! Từng có người nói vui “Làng tôi ai mà chết thì chẳng có người khiêng!”.
Một học sinh của một trường THPT T. Nghệ An nói với phóng viên đài truyền hình: “Cháu thấy các anh chị khoá trước chọn thi đại học. Thi rồi học đại học bị áp lực, chật vật đủ thứ… Cháu chọn du học nghề Đức bởi phù hợp với thực tế của mình và gia đình”. Năm 2024, nhu cầu du học nghề ở Nghệ An tăng nhanh. Có trường từ 30% đến 50% học sinh, có lớp đến 70% học sinh, chọn du học nghề Đức, Nhật Bản và Australia. Một trường trung cấp nghề ở thị xã H, năm học 2022-2023 có 28% học sinh chọn du học nghề, năm học 2023-2024 tăng lên 35%. Một giáo viên kể, học sinh thi đại học chỉ có 25-30%, còn lại 60% sẽ định hướng cho các em du học nghề sang Đức. Không ít phụ huynh cả tin vào những lời ngon ngọt, truyền miệng từ một số người, bạn bè, trung tâm, công ty là sẽ được đi nhanh. Nộp hồ sơ kèm cả trăm triệu đồng. Nhanh đâu không thấy, gần 2 năm mòn mắt đợi chờ. Thấy quanh mình, nhiều nhà cao tầng mọc lên, có người sắm cả xe hơi mà quýnh! Rồi những lời hẹn đợt này chưa đi sẽ có đợt sau cứ bợp vào tai khối người. Đến chán nản, mệt mỏi nên “nạn nhân” lơ luôn! Thế là một số công ty cổ phần, trung tâm môi giới, tư vấn du học nghề cứ tiếp tục phát triển…hoạt động lừa. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này dường như không quản nổi!
LKD
(Ảnh trên mạng Internet)