Hiện nay, nhu cầu mua xe hơi ở Việt Nam tăng cao. Từ đó, bùng nổ việc học lái xe và những chiếc xe có dán bảng “Xe Tập Lái” đã gây ra nhiều tai nạn giao thông (TNGT) dù học trình rất dài ngày.

Các cơ sở dạy lái xe đang mọc lên như nấm. Ảnh: tác giả cung cấp     

Thống kê từ cảnh sát cho biết trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xảy ra 7,488 vụ tai nạn giao thông, làm 4,276 người thiệt mạng, 4,957 người bị thương. Riêng TNGT đường bộ có 7,390 vụ với 4,178 người chết. Trong số này, đáng chú ý khi số vụ TNGT do xe tập lái, người điều khiển xe chưa có bằng lái hoặc đang học lái chiếm tỷ lệ không nhỏ, gần 12%.

Tính tới hết tháng 9/2022, Việt Nam 343 cơ sở đào tạo lái xe chính thức với gần 15 ngàn giáo viên rải rác khắp ba miền. Trong đó có 141 cơ sở sát hạch lái xe hơi các loại, gồm 51 cơ sở loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến các hạng F) và 90 cơ sloại 2 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C). So với nhu cầu của những người muốn học lái xe hiện tại, số lượng cơ sở đào tạo lái xe nêu trên còn khá ít. Cũng vì vậy những cơ sở dạy lái xe “chui” dạng “3 không” (không giấy phép, không cơ sở, không sân tập lái) thi nhau mọc lên, thu hút không ít học viên ghi danh. Và để cạnh tranh lẫn nhau, nhiều cơ sở đào tạo còn sẵn sàng trương bảng quảng cáo (công khai hoặc qua các trang mạng xã hội), hứa hẹn “nhận dạy học viên 100% lái xe thực tế trên đường, thực hành gần nhà, giá rẻ hơn các cơ sở nhà nước, bao đậu 100% sau khi học xong”, thậm chí “được cấp bằng ngay sau khi học” (?)

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Nhiều người mua xe hơi phải đi học để được cấp bằng lái. Ảnh: tác giả cung cấp

Chúng tôi đọc tờ rơi của một cơ sở đào tạo lái xe nằm trên Quốc lộ 1K (Thủ Ðức) với lời quảng cáo: “Nhận đào tạo lái xe bằng B2, học chỉ trong 2 tháng, bao khi thi lấy bằng đậu 100%, chỉ cần có số tiền 7.5 triệu đồng, ghi danh sớm được giảm 5% học phí…”. Nghe rôm rả nhưng nếu chú ý một chút, mọi người sẽ thấy nhiều khuất tất của chính cơ sở này. Trước hết là mức học phí. Cụ thể, học phí lái xe hơi phụ thuộc vào loại bằng người học muốn thi. Thường, học phí lái xe lấy bằng B1, B2 (của các cơ sở chính danh) từ 9.5 – 12 triệu VNÐ và học lấy bằng C từ 13-15 triệu VNÐ. Chi phí này gồm tiền lập hồ sơ, tiền đào tạo, tiền thuê xe “chip”, tiền nộp tại sân thi. Trong đó, khoản chi cao nhất là tiền lập hồ sơ (khoảng 6.5 triệu VNÐ). Vậy tại sao có sự chênh lệch mức học phí như vậy hay do những cơ sở chính quy “ăn quá dày” nên giá đào tạo cao? Câu trả lời ở đây cũng là cách các cơ sở giả hiệu muốn lừa học viên khi họ nhắm vào tâm lý ham rẻ của một số người Việt. Cụ thể với học phí thấp, sẽ có nhiều giới hạn về chi phí nên họ không có nhiều thời gian kèm học viên. Ví dụ: 1 giờ tập lái xe, 1 thầy kèm 1 trò, tối thiểu là 200 ngàn VNÐ/giờ. Học 20 giờ học đã mất 4 triệu VNÐ. Cộng thêm lệ phí nộp hồ sơ thi thì tổng cộng giá học phí đã hơn 8 triệu VNÐ. Cho dù cạnh tranh thế nào đi nữa thì học phí ít nhất cũng 8.5 triệu VNÐ chứ không thể thấp hơn được.

Cơ sở chính danh buộc phải có sân tập đúng tiêu chuẩn để luyện tập đầy đủ các bài tập sa hình. Ảnh: tác giả cung cấp

Nhiều học viên còn mắc sai lầm khi tin lời quảng cáo “bao đậu 100%”. Rõ ràng điều này cho thấy sự lừa bịp của nó. Nên nhớ các cơ sở đào tạo lái xe tốt nhất Sài Gòn hiện cũng chỉ đạt tỉ lệ 85%. Ðó là chưa kể, “bao đậu” là hoàn toàn trái luật! Tương tự, quy định Luật dạy nghề VN cũng nêu rõ “thời gian đào tạo sơ cấp học lái xe hạng B2 là 93 ngày, hạng C là 135 ngày”. Ðây là quy định rõ ràng và không hề có chế độ “học cấp tốc” hay “ưu tiên” cho ai cả. Cạnh đó, thời gian học, thi lý thuyết, tập lái và thi sát hạch đến lúc có bằng của một học viên trung bình phải là 3 tháng, không thể “đốt giai đoạn” nhanh như lời quảng cáo. Cách quảng cáo “học 2 tháng” là họ đánh vào tâm lý ngại học dài ngày và quỹ thời gian hạn hẹp của học viên…

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Cuối cùng là chuyện thi lấy bằng (giấy phép lái xe). Anh Nghĩa, ngụ quận 9, là học viên của cơ sở “chui” nêu trên kể: “Anh tôi mua chiếc xe hơi tự động, nên tôi ghi danh học lấy bằng B1. Ghi danh đóng tiền xong, tôi được cơ sở giới thiệu một người tên Quân, nói ông này là “giáo viên dạy lái xe bên quân đội” đã nghỉ hưu (?) và hứa “lúc thi bao đậu”. Buổi đầu tiên, tôi được làm quen với vô lăng, cần số, được “thầy” kèm điều khiển quanh các tuyến đường trong Khu công nghệ cao. Những ngày sau “thầy” bảo tôi cứ tự lái một mình còn ông ấy ngồi bên phanh phụ tỉnh bơ… bấm điện thoại. Nói chung ngoài mấy cái clip “thầy” kêu tải vào điện thoại của mình để ở nhà tự nghiên cứu thêm thì chẳng thấy dạy dỗ gì, hết sức qua loa. Lúc gần thi, “thầy” hỏi tôi muốn lấy bằng có hồ sơ “gốc” hay không? Rồi ông nói nếu muốn có hồ sơ “gốc” thì tự mình đến trung tâm sát hạch để thi, nhưng không bao đậu 100% nữa, còn ngược lại cứ chờ ở nhà, 15 ngày sau đến cơ sở lấy bằng nhưng lúc đi đường phải cẩn thận tránh gây lỗi bị công an kiểm tra vì bằng không có hồ sơ gốc. Tôi nghĩ chắc đây là bằng giả”.

Nhiều tai nạn do xe tập lái gây ra trên đường phố. Ảnh: tác giả cung cấp

NS