Những tháng cuối năm 2022 tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, hoạt động đình đốn vì vậy họ đã quyết định cho hàng trăm nghìn công nhân phải cắt giảm bớt giờ làm, yêu cầu tạm nghỉ dài hạn, thậm chí buộc nghỉ việc… Không chỉ công nhân ở Sài Gòn mà nhiều địa phương khác cũng đang đối mặt với tình trạng này giữa thời điểm Tết Quý Mão sắp sửa cận kề.

Dệt may là ngành bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt cắt giảm công nhân cuối năm 2022 ở VN    

Ở Sài Gòn, từ cuối tháng 11/2022, Công ty PouYuen Việt Nam (vốn Ðài Loan, tọa lạc quận Bình Tân) đã thông báo cho biết do tình hình đơn đặt hàng bị sụt giảm nghiêm trọng nên toàn bộ công nhân các xưởng phải sắp xếp thay nhau nghỉ luân phiên. Công ty này còn thông báo thời gian “tạm nghỉ trước mắt” sẽ kéo dài 3 tháng từ ngày 1/12/2022 đến hết ngày 28/2/2023.

Tương tự, từ đầu tháng 11/2022 Công ty Tỷ Hùng (cũng của Ðài Loan, tọa lạc Bình Tân) thông báo cho 1,185 công nhân của họ sẽ nghỉ việc do công ty không nhận được đơn hàng mới, kể cả những người đã có hơn chục năm gắn bó. Chị Dương Thị Tẩm (52 tuổi, quê An Giang), nói: “Tôi là công nhân Tỷ Hùng từ 2005. Suốt thời gian qua, với tiền lương trung bình 7 triệu VNÐ/tháng giúp tôi tạm đủ trang trải các sinh hoạt ở đây cũng như gửi tiền về quê nuôi đứa con gái đang học lớp 11 và phụ giúp bà mẹ già gần 80 tuổi. Tôi tính làm thêm vài năm nữa đủ tuổi về hưu sẽ về lại quê nhà sinh sống. Thế nhưng vừa qua, từ khi nhận được thông báo công ty sa thải toàn bộ công nhân vào ngày 30/11/2022, tôi rất lo lắng. Tôi định xin đi rửa ly chén, phụ việc ở quán cơm, quán cà phê để kiếm tiền nhưng sợ mình lớn tuổi rồi người ta không nhận. Muốn trở về quê cũng không dám vì tiền để dành còn ít quá và khi về dưới đó không biết mình sẽ làm công việc gì?”

Công nhân hết sức lo âu do bị cho tạm nghỉ việc luân phiên hoặc mất việc

Không riêng 2 công ty nêu trên, tại Sài Gòn, nhiều công ty, doanh nghiệp dân doanh, liên doanh lẫn tư nhân cũng đang tính tới chuyện cho sa thải hàng loạt công nhân như Công ty Tỷ Hùng mà theo họ là do sản xuất đang trong thời điểm quá khó khăn, khó lòng “gồng gánh” tiếp được!.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có báo cáo về tình hình cắt giảm việc làm, sa thải người ở các công ty, doanh nghiệp. Theo họ, số công ty, doanh nghiệp tuyên bố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh buộc phải cắt giảm lao động tính từ tháng 11/2022 tới nay đã lên tới 1,236 đơn vị tại 44 tỉnh, thành khắp VN. Số này có 646 doanh nghiệp dân doanh, 590 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (47.73%). Những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là dệt may với 226 doanh nghiệp (18.28%); da giày 109 doanh nghiệp (8.82%); chế biến gỗ 196 doanh nghiệp (15.86%); điện tử 62 doanh nghiệp (5.,02%); cơ khí 31 doanh nghiệp (2.51%), còn lại là các doanh nghiệp lĩnh vực khác (49,51%). Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng có 360 doanh nghiệp trong tình trạng tương tự. Về số lượng công nhân các doanh nghiệp bị ảnh hưởng công ăn việc làm có hơn 472 nghìn người (chiếm 64.54% tổng số công nhân tại các doanh nghiệp) gồm 120 nghìn công nhân (25.18%) thuộc các doanh nghiệp dân doanh và 350 nghìn công nhân (74.82%) thuộc doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể hơn, da giày là ngành có số lao động bị ảnh hưởng việc làm cao nhất với 172 nghìn lao động (36.30%), tiếp đến có dệt may với 130 nghìn lao động (27.81%), chế biến gỗ 64 nghìn lao động (13.49%), điện tử 20 nghìn lao động (4.14%), cơ khí 5 nghìn lao động (1.11%) và các ngành nghề khác khoảng 81 nghìn lao động (17.15%). Một điều nữa đáng chú ý hơn: có 30 nghìn nữ công nhân  (từ 35 tuổi trở lên) và khoảng 10 nghìn nữ công nhân  đang trong thời kỳ thai sản, đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng. Nói về mức độ ảnh hưởng, con số của Tổng Liên đoàn Lao động VN ghi nhận: có 42 nghìn công nhân bị buộc thôi việc (chiếm 8.80%), 430 nghìn công nhân bị giảm giờ làm (chiếm 91.20%), bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. Ngoài ra còn có 30 công ty, doanh nghiệp đang nợ lương của khoảng 7 nghìn công nhân từ kỳ lương tháng 11/2022 tới nay với tổng số tiền hơn 110 tỷ VNÐ!

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Một chuyên gia kinh tế (không muốn nêu tên) nói với chúng tôi: “Việc nhiều công ty, doanh nghiệp tuyên bố gặp khó khăn thời gian qua do bị cắt giảm đơn hàng bắt nguồn bởi nhiều yếu tố tác động như sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Giá thành nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; lãi suất vay vốn trong nước tăng cao; sự bất ổn chính trị tại một số khu vực trên thế giới…Với những lý do này, tôi cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều công ty, doanh nghiệp ở VN còn tiếp tục gặp khó khăn bởi nhiều đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm có thể đến hết quý 1 thậm chí tới giữa quý 2/2023 và chắc chắn tới đây sẽ có tình trạng một số chủ công ty, doanh nghiệp bỏ trốn do nợ lương công nhân, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội. Thậm chí một số doanh nghiệp còn lợi dụng “té nước theo mưa” để thanh lọc, đẩy bớt người lao động từ 35 tuổi trở lên ra khỏi doanh nghiệp của họ để tuyển dụng số lao động trẻ khác với chi phí thấp hơn! Vì thế để giải quyết được vấn đề này cần có sự tác động cực mạnh và hiệu quả của Nhà nước bởi sau khi trải qua mấy đợt đại dịch Covid-19, nhiều bà con hầu như đã tiêu hết tiền tích lũy. Và trong lúc nhiều gia đình luôn trông chờ mùa tăng ca cuối năm để có thêm tiền, chuẩn bị cho cái Tết Quý Mão sắp tới thì biến cố mới lần này càng khiến đời sống họ khó khăn hơn bao giờ hết!”

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Đời sống không ít công nhân càng khó khăn hơn sau mấy đợt đại dịch Covid-19

NS