Mùa Xuân 1975, khi quân Bắc Việt mở cuộc tổng tấn công, dân chúng các tỉnh thành khu vực dưới vĩ tuyến 17 bắt đầu thực hiện cuộc di tản nhằm tránh xa chiến tranh. Từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, các Cao nguyên, người ta dắt díu, bồng bế nhau, mang theo những thứ cần dùng, sử dụng đủ loại phương tiện ùn ùn kéo về thủ đô Sài Gòn.
Vô số người, xe ùn ứ ở những vùng giáp ranh giữa Sài Gòn và các tỉnh. Ảnh: tác giả cung cấp
46 năm sau – năm 2021 – cảnh tượng tương tự tái diễn nhưng lần này nơi xuất phát là Sài Gòn cùng vài địa phương lân cận như Bình Dương, Ðồng Nai… Những người này cũng tháo chạy nhưng lần này là cố gắng chạy khỏi tâm điểm dịch cúm Vũ Hán đang hoành hành rất mạnh ở những nơi này. Hàng trăm ngàn người, từ đứa bé sơ sinh đến mọi lứa tuổi, chủ yếu đi bằng xe máy, kéo nhau về quê nhà với hành trình có khi dài cả ngàn km, rất nguy hiểm do không thể đi bằng phương tiện công cộng bởi quy định giãn cách của chính quyền.
Những người tháo chạy là ai? Ðó là những người ngoại tỉnh nhiều năm qua tìm về Sài Gòn (và các tỉnh cần lao động) để tìm việc làm và mưu sinh. Ða số là thành phần dân nghèo, ở quê không có ruộng đất, thất nghiệp… Chuyện này phần nào phản ảnh một thực trạng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Ðó là sự mất cân bằng, thiếu cân đối giữa vùng nông thôn và đô thị.
Mấy chục năm qua, chánh quyền cứ lo tập trung đô thị hóa ồ ạt, bất chấp quy hoạch; chủ yếu tập trung vào các khu công nghiệp, các nhà máy ở trong hoặc chung quanh đô thị. Từ đó thu hút một lượng lớn lao động từ khu vực nông thôn gây quá tải đô thị, từ dân số đến giao thông… Ngược lại, những vùng nông thôn ít được chú trọng phát triển kinh tế, thiếu công ăn việc làm, nông sản khó bán… không tạo thu nhập khiến dân nghèo phải rủ nhau tìm về các đô thị, khu chế xuất, nhà máy, công ty. Lực lượng này đa phần thuộc nhóm người yếu thế, phải thuê nhà trọ, thu nhập kém và không mấy dư thừa, tích lũy nên cuộc sống luôn tạm bợ, bấp bênh. Khi tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện tại khiến họ phải nhanh chân tháo chạy về quê trong nỗi hoang mang, bất an cực độ vì không có sự lựa chọn nào khác.
Theo quan sát của chúng tôi – như đã nói – nhiều người dân đang tháo chạy tán loạn khỏi Sài Gòn bằng mọi phương tiện tự có. Trên đoạn quốc lộ 1 giáp ranh giữa Sài Gòn – Ðồng Nai, chúng tôi nhìn thấy những hình ảnh xót xa: vợ chồng anh Lê Quang Minh và cháu bé 3 tháng tuổi trên chiếc xe máy cà tàng đèo nhau về quê nhà Quảng Nam. Gương mặt đứa bé ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong cuộc hành trình bão táp đầu đời. Rồi hai anh em ruột Ðiểu Cơ (21 tuổi) và Ðiểu Thị Sơn (18 tuổi) quê Ngọc Hồi (Kon Tum) bị mất việc ở khu chế xuất Linh Trung (Thủ Ðức). Hai anh em gom tiền lại còn không hơn 300 ngàn đồng, đèo nhau bằng… xe đạp về tận Kon Tum với quãng đường gần 650 km!
Và còn rất nhiều những con người như vậy. Lê Quang Minh nói: “Chúng tôi đều phải kiếm sống hằng ngày. Tôi làm thợ xây thời vụ cho một nhà thầu, vợ bán vé số dạo nên không thể trụ lại được lâu ở Sài Gòn trong tình hình thất nghiệp dai dẳng mấy tháng liền kiểu này!”. Cũng trong cơn tháo chạy hối hả ấy đã xảy ra nhiều thảm cảnh.
Ngay gần chốt kiểm dịch tỉnh Bình Thuận (giáp ranh Ðồng Nai), một gia đình 5 người đi chung xe ba gác về quê bị tai nạn giao thông khiến cậu trai 15 tuổi tử vong tại chỗ, những người còn lại bị thương nặng. Hành lý, đồ đạc rơi vãi ra khắp mặt đường… Ðây chỉ là một trong những thảm cảnh người dân phải hứng chịu trong cuộc tháo chạy song họ vẫn kéo nhau rời khỏi Sài Gòn.
Ông Nguyễn Chí Dũng (56 tuổi, quê Bình Ðịnh) cho biết: “Bọn tôi hiểu rõ chính quyền địa phương dù hỗ trợ thế nào, dù liên tục kêu gọi mọi người ở lại, dù hứa hẹn sẽ tiêm vac-xin cho tất cả… nhưng bọn tôi vẫn không thể trụ lại. Ðơn giản bởi làm sao chính quyền lo được cuộc sống chúng tôi lâu dài? Nếu ở lại đồng nghĩa với việc bọn tôi còn phải tốn kém nhiều chi phí như phòng trọ, ăn uống, các sinh hoạt, trong khi cuộc sống đang đảo lộn, nào mất việc, nào thất nghiệp… Nếu không sớm thoát ngay về sẽ càng bế tắc và nguy hiểm!”.
Trong khi ấy tại các chốt kiểm soát như ở Quốc lộ 1 các đoạn giáp ranh Sài Gòn – Ðồng Nai; Bình Dương – Ðồng Nai; Sài Gòn – Long An, do đều đang thực hiện giãn cách xã hội, tức cấm người ra đường, cấm tụ tập từ 18 giờ hàng ngày đến 6 giờ sáng hôm sau nên cảnh sát, dân phòng… phải ra chặn người, chặn các đoàn xe, buộc dừng lại. Vậy là xảy ra nạn ùn ứ hàng ngàn người ngay tại các điểm chốt. Cứ vòng vo, bế tắc, bất lực với nhau. Lại xảy ra tình hình một số địa phương từ chỗ ban đầu “dang tay sẵn sàng chào đón bà con về quê” giờ có lẽ do quá tải tại các điểm cách ly nên cũng đột ngột tạm dừng chương trình. Tiến thoái lưỡng nan, người dân quay đầu không được mà muốn “thông chốt” về quê cũng bị cấm. Vậy là nhiều người đành phải nằm ngủ vạ vật bên vỉa hè đường, đội mưa đội nắng, cả trẻ thơ lẫn người lớn thấp thỏm chờ đợi tới lúc… trời sáng!
Người tháo chạy với bao gian nan, vất vả trên đường thiên lý. Ảnh: tác giả cung cấp
Ngay cả chính quyền cũng lúng túng, không giải quyết được rốt ráo vấn đề. Có lúc họ ban hành “công điện tăng cường thực hiện giãn cách xã hội”, yêu cầu “ai ở đâu cứ ở yên đó”. Thế nhưng chỉ đôi ngày sau tiếp tục ra thông báo “cho phép người nhập cư đăng ký về quê theo nguyện vọng” (?). Có lẽ họ quá ngán ngại ngay từ những quy định bất cập, cứng nhắc do chính mình đưa ra, bởi chắc chắn rồi vẫn có những người “tháo chạy lậu” trên những con đường thiên lý đầy bất trắc và sẽ để lại thêm nhiều chuyện không hay…
Ông Phạm Ngọc Thanh, một cựu nhà báo trước 1975, nhận định: “Tôi nghĩ nhà nước Việt Nam cần có một thỏa thuận thống nhất cùng tất cả các địa phương liên quan, phải có những giải pháp. Ví dụ ở lại, người lao động sẽ được cấp phát tiền bạc, lương thực thế nào, làm sao cho họ tạm sống và nguồn kinh phí này lấy ở đâu? Còn nếu trở về quê thì địa phương sẽ giúp đỡ, hỗ trợ ra sao? Chuyện quản lý tình trạng lây lan, bệnh tật như thế nào? Tôi cảm giác bây giờ đang nảy sinh tính trạng cát cứ, mạnh địa phương nào địa phương nấy làm theo cách riêng của mình. Phép vua thua lệ làng. Kiểu này thì sự việc vẫn cứ rối như gà mắc tóc!”.
NS