“Vé số chiều xổ mai đổ khâu mốt xây nhà lầu bữa kia cưới vợ đây… ây…ây!”. Câu rao này hình như có từ Bắc chí Nam. Người bán vé số ở miền Nam khá ít, còn người bán vé số ở miền Trung rao khản giọng, trong khi người bán vé số ở miền Bắc thì táo bạo hơn, cầm tập vé số gí vào người mua.
Thu nhập của người bán vé số bằng 20% thu nhập của người ăn xin
Ðó là chia sẻ của chị Nở, một người bán vé số ở thành phố Đà Nẵng, chị Nở cho biết thêm:
– Hồi xưa ông Giàng Seo Phử, một ông cán bộ to bảo là thu nhập của người bán vé số rất cao, lên đến 150 triệu đồng mỗi tháng, tôi cười muốn rớt răng, ông này nhầm lẫn nặng quá!
– Ổng nhầm lẫn sao chị?
– Đúng là người bán vé số giỏi có thể cầm trên tay 150 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng dễ gì có. Muốn cầm số tiền đó, mỗi ngày phải bán được 500 vé, một vé 10 ngàn đồng, 100 vé được một triệu đồng, 500 vé thì cầm 5 triệu, mỗi tháng bán liên tục, không ngưng nghỉ sẽ được 150 triệu đồng. Nhưng đó là cả vốn và lãi. Nếu tách ra tiền lãi thì được 15 triệu đồng. Vì người bán chỉ ăn 10% trên mỗi tờ vé. Nhưng ông Phử không hề biết là người nào bán siêu giỏi cũng chỉ được từ 150 tờ đến 200 tờ mỗi ngày. Cả ngàn người bán mới có người được con số này, còn lại cao lắm là tám chục đến trăm hai tờ coi như hết cỡ.
– Nếu bán được số lượng nhiều, có được gì đặc biệt không chị?
– Người nào may mắn, bán vé hay trúng thưởng, có nhiều người bán vé chưa đầy 20 năm mà khách trúng đặc biệt đến 3 lần, như vậy họ có uy tín, dễ bán lắm. Còn lại hầu hết người bán vé số đều là người cùng đường, không đủ khả năng lao động, không đủ khả năng tính toán, chỉ mong đủ sống …
– Vậy chứ ông cán bộ nói sai chỗ nào?
– Cái sai của ông ấy là không có hiểu biết mà còn tuyên bố công khai, nói lớn nữa. Trong khi đó, thu nhập của người bán vé số chưa bằng 20 phần trăm của người ăn mày, chị tin không?
– Tôi chưa hiểu chỗ này lắm?
– Người ăn mày, chỉ cần ngửa tay xin, ít nhất người ta cho 2 ngàn đồng, nhưng thường thì bây giờ người ta cho 5 ngàn đồng, có người thấy thương tình, cho 10 ngàn, 20 ngàn đồng. Trong khi đó, người bán vé số muốn có được 5 ngàn đồng thì phải bán được 5 tờ vé số, phải lấy về 50 ngàn đồng, giao cho nhà nước 45 ngàn, mình chỉ được 5 ngàn. Hầu hết là vậy, nên người ăn mày ở Việt Nam ngó vậy chứ thu nhập khá lắm đó chị!
– Như vậy thì chiến dịch gom người ăn mày có vẻ khó nhỉ?
– Đúng rồi, giờ bảo ăn mày nghỉ nghề đi, sang bán vé số, sức mấy người ta chịu, người ta đang thu nhập khá, công việc đơn giản, không tính toán gì, vui thì làm, buồn thì nghỉ. Giờ bắt người ta đi mời từng tờ vé số, sức mấy họ chịu làm. Nếu gom họ vào khu nhà xã hội gì đó thì trước sau gì họ cũng trốn, vì thực ra họ cũng có nhà cửa hẳn hoi, chẳng qua họ thấy cái nghề này sống được thì họ chọn thôi. Những người đi ăn mày tự chia thành hai loại, ăn mày quan nhân và ăn mày đầu đường xó chợ.
– Lần đầu tôi nghe thấy…
– Loại ăn mày quan nhân là chỉ các quan nhân ngồi mát xơi bát vàng, ăn trên ngồi trốc, hưởng lương, hưởng bổng lộc và nhiều khi cũng xin đểu của dân. Con số họ xin thật là khủng khiếp, nó khác với ăn mày đầu đường xó chợ mỗi ngày xin một ít để sống, qua ngày, có thể tiết kiệm để dành chút ít, nhưng chẳng thể giàu như ăn mày quan nhân.
– À, giờ thì tôi hiểu “ăn mày quan nhân” là ai rồi, hi hi …
Những ngày mưa gió
Với người bán vé số hay với nghề ăn mày, thường thì những ngày mưa được xem là ngày thất nghiệp, nếu mưa kéo dài cả tuần thì dường như chỉ biết ngồi ngáp dài ngáp ngắn cho qua ngày.
Một người tên Nguyệt, đội mưa đi bán vé số ở Đà Nẵng, lo lắng:
– Tụi em đến từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, thuê trọ để bán, mưa chừng một tuần thì nóng ruột lắm chị ơi.
– Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi bán vé số không được sao mà phải đi xa vậy chị?
– Bán ở quê cũng được nhưng hầu như thị trường cũng bão hòa rồi, người bán cũng nhiều, mà thời buổi kinh tế khó khăn, không mấy người mua đâu. Ra thành phố có nhiều việc, em đi bán vé số ban ngày, buổi tối đứng bán thêm một cái tủ bánh mì cũng đủ tiền thuê nhà, tiền ăn ở rồi để dành chút đỉnh cho con ăn học.
– Gia đình chị được mấy cháu?
– Dạ em được 2 đứa, chồng em trước đây làm thợ hồ, hồi đó cũng có tiền khá lắm. Sau này ảnh nhận công trình riêng, làm thầu xây dựng, có tiền, sinh tật, theo gái, bị gạt cho không còn đồng nào, trắng tay lại về với vợ con.
– Có ảnh chắc đỡ đần cho chị hơn trước…
– Ổng đâu có về không, hồi xưa khỏe mạnh, rồi chơi bời bạt mạng, giờ bịnh tiểu đường, đâu có làm gì giúp vợ con gì được. Mình có tới 2 đứa con nên chấp nhận vậy, nuôi ổng chứ không lẽ đẩy ổng ra đường!
– Chị thật đáng phục, em ngưỡng mộ tấm lòng của chị!
Cùng hoàn cảnh với chị Nguyệt, chị Hạnh, một phụ nữ đến từ Quảng Ngãi cũng đi bán vé số, thêm vào:
– Công việc này thuộc vào hàng đáy xã hội rồi! Có ai thèm đâu, trừ những người không còn khả năng làm việc khác. Em ban đầu ra thành phố với ý định làm osin, nhưng bây giờ người ta sợ những người lạ, không có cho vào nhà ở lại mà giúp việc đâu, chưa kể nhiều chuyện tế nhị lắm. Em đi rửa chén bát thuê, dọn nhà thuê, nhưng công việc này đòi hỏi nhiều “kỹ thuật” lắm, nếu không có nghề thì làm vài bữa người ta hủy hợp đồng ngay. Vậy đành đi bán vé số!
– Công việc dọn nhà thuê cũng phức tạp vậy hay sao chị?
– Đầu tiên phải khéo tay và biết sử dụng nhiều loại nước lau chùi. Nếu không biết dùng các chất tẩy rửa đúng cách, sẽ rất hôi nhà, chỉ một vài lần là mất việc, mà không phải một chỗ, mà mất hàng loạt khách hàng. Một người cho nghỉ thì liền sau đó, mấy người kia cũng cho nghỉ …
– Gia đình chị bao nhiêu người?
– Em có 2 đứa con, chúng nó ăn học cũng đàng hoàng, chồng em đi phụ hồ, thu nhập bữa được bữa mất, vì nghề gì bây giờ cũng ít việc hết, kinh tế khó khăn. Mình còn kiếm sống qua ngày là mừng rồi. Chứ có nhiều người, làm quan, tiền tỷ, tiền tấn đó rồi chui vào ngục ăn cơm miễn phí thì cũng vậy thôi!
Bài và hình UC