Sanh ngày 14, tháng 2, năm 1929, tại New York, Hoa Kỳ, ông tên thật là Victor Morozoff. Là tài tử nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm, ngày 23 tháng 7 năm 1982, trong phim “Twilight Zone: The Movie”, Victor Morrow vai chính. Hai tài tử thiếu nhi là Myca Dinh Le, gốc Việt; và Renee Shin-Yi Chen 6 tuổi, gốc Hoa. Ðang quay cảnh chạy trốn khỏi một ngôi làng trong chiến tranh Việt Nam, một chiếc trực thăng bay trên đầu rớt xuống làm cả ba thiệt mạng. Morrow mới 53 tuổi, Myca Dinh Le mới 7 tuổi, Renee Shin-Yi Chen mới 6 tuổi.

Ðọc cái tin bi thảm nầy thấy những người tui quen trên màn ảnh đã chết hết rồi. Hồi ức về quê nhà bừng sống lại! Lòng tui rất lấy làm đau xót! Tôi nhớ Vic Morrow trong phim truyền hình ‘Combat’ của đài ABC. Ðài Truyền hình quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 1966, chiếu tổng cộng 152 tập phim chiếu suốt cả thời niên thiếu của tui.

Mới đầu được đặt tên là: “Men in Combat’, diễn tả chân thực về cuộc sống nghiệt ngã của một trung đội lính Mỹ chiến đấu với quân Ðức ở Pháp từ ngày ‘D-Day’ cho đến khi giải phóng Paris trong Thế chiến thứ hai. Tập phim nào cũng có Vic Morrow và Rick Jason thay nhau đóng vai chính. Vic Morrow vai Thượng sĩ “Chip” Saunders. Rick Jason vai Thiếu úy trung đội trưởng Gil Hanley. (Ngày 16 tháng 10 năm 2000, Rick Jason tự sát bằng súng tại Moorpark, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Ông thọ 77 tuổi.)

Vic Morrow và Rick Jason – nguồn ebay

Tui nhớ Vic Morrow, Thượng sĩ “Chip” Saunders, mặt góc cạnh, đội nón sắt, ngậm điếu thuốc, gói Marlboro giắt trên nón sắt. giày đinh áo trận, ‘bayonet” (dao găm) bên hông, mang tiểu liên Thompson. Tui nhớ Rick Jason, Thiếu úy trung đội trưởng Gil Hanley, điển trai, cầm Carbine M1.  Và mang súng Colt 45. Tui nhớ những người lính dày dạn phong trần, da sạm màu khói súng mang súng Garand M1 trong trung đội Combat. Hồi ức đó đưa tui về lại Sài Gòn của thời niên thiếu. Khoảng năm 1966, nhà nào có Ăng ten ti vi mọc trên mái nhà là nhà khá giả. Một chiếc Denon, 19 inches: (đường chéo của màn hình) giá 30,000 đồng. Trong khi một chiếc Honda SS đời 66, ‘guidon’, tay lái ngang phè, giá chỉ hơn chút đỉnh, là 36,500 đồng, khoảng 2 lượng vàng. Tui lại nhớ mua cái Denon, Made in Japan, phải ‘ma rốc’. móc ra mua cái ‘survolteur’ (máy biến áp) vì điện yếu.

Xem thêm:   Trần Hoài Thư: Người lính viết văn!

(Thời CS, với 36,500 đồng, mình mua được một tô phở Bắc. Thế mới biết ‘đảng ta’ làm kinh tế (phải thêm mẫu tự ‘h’ vô) là ‘kinh thế’!

Sau nầy, thời vượt biên, vượt biển mới có tiếng lóng một lượng vàng là một cây. Nhưng sự thực một lượng vàng Kim Thành tới hai miếng rưỡi. Tui chỉ nghe bà con nói thôi. Chớ một cục đất chọi “chim” (có hai cái nháy nháy) tui còn không có thì nói chi tới chỉ, tới cây?

Một thời coi cọp TV – nguồn dịch vụ bách khoa

Ngày xưa yêu dấu đó, buôn bán ở thủ đô Sài Gòn, Chợ Lớn đa phần là của người Tàu. Nên bảng hiệu là do mấy chú Chệt đặt. Thấy đuôi có chữ Ký như Phánh Ký là mình biết đó là tiệm nước của chú Phánh. Tiệm bán trà đá, cà phê, bánh bao, xíu mại và hủ tiếu. Ăn quá xá, bị lên đường, lên máu thì phải tới chỗ nào bảng hiệu đuôi có chữ Ðường như Tế An Ðường chẳng hạn để hốt thang thuốc Bắc. Xách về, bỏ vô siêu, sắc ba phân còn hai chén đen thùi lùi. Hết chục thang, mạt thì chịu khó cày sâu cuốc bẫm mới có tiền mà đi ăn nữa. Bằng không hết, thì dặn em yêu tới bảng hiệu nào có chữ thọ ở đàng sau như Vạn Thọ. Thọ nhưng nó bán hòm. Rinh một cái về, trước khi tái giá, lấy chồng khác, em bỏ mình vô. Chôn hay thiêu gì cũng được. Củ từ đã ngỏm rồi thì ‘who cares?’

Xem thêm:   Tìm về những quán cà phê xưa

Từ cái chuyện bảng hiệu tiệm vàng của chú Ba, tui rút ra một bài học rất chua xót. Ðừng yêu em nào tên Kim, nhứt là thêm chữ Cương nữa như nghệ sĩ Kim Cương, CS nằm vùng. Mấy anh nên thức thời như ông Bùi Giáng. Ổng xin em chìa tay búp măng nhờ chích Botox ra cho ông hửi hửi lấy hơi cho đỡ thèm. Xong ông chạy mất dép, dông luôn. Kẻo Bà Bảy Nam ra hỏi: “Giáng à! Có kim cương, hột xoàn gì hông mà đòi rớ tới cọng lông lá ngọc cành vàng của qua? Hổng có hả? Thì ‘thăng’ luôn đi chớ ‘giáng’ làm gì?

Tui nhớ năm 1966, tại Trung tâm điện ảnh số 15 Thi Sách, chính phủ VNCH thành lập Nha Vô Tuyến Truyền Hình VN. Mới đầu, Trung tâm điện ảnh Sài Gòn chỉ có một phim trường rất nhỏ. Chương trình phải thu vào băng từ rồi đưa lên hai máy bay phát theo hệ thống ‘Flying station’. (Ðài bay)

(Trời xui đất khiến tui may mắn quen Ngọc Hân xướng ngôn viên cho băng tần số 9. Hơn nửa thế kỷ rồi mà người đẹp vẫn còn đẹp dưới đôi mắt hí của tui.)

Một buổi thu hình chương trình “Đố Vui Để Học” của đài Truyền hình Sài Gòn – nguồn thời xưa

Năm đó, nhà hẻm 230, đường Hai Bà Trưng, cư xá Bưu Ðiện Tân Ðịnh. Vật giá gia tăng, ba làm công chức nghèo; tiền đâu mua ti vi? Qua nhà hàng xóm coi cọp thì sợ người ta làm hiểm, mặt lớn, mày nhỏ. Phần phải giữ thể diện cho ba mình nữa chớ. Vậy là chiều 6 giờ rưỡi, chưa sụp tối, anh tui chở tui đi coi truyền hình công cộng tại cái hẻm đường Phan Thanh Giản đối diện đất Thánh Tây, nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi.

Xem thêm:   Tôn sùng ăn cướp

Do phát từ máy bay bay vòng vòng, nên hình ảnh thường bị rung, mờ, không rõ. Chương trình thì nghèo nàn: Ca nhạc thiếu nhi Tuổi xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh. Ca nhạc kịch của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. (Ai đang đi trên Cầu Bông té xuống sông, ướt cái quần ni lông. Vô đây em dù trời khuya anh sẽ đưa em về)

Bữa nào có Cải lương của đoàn Dạ Lý Hương, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga… thì khán giả mới xôm tụ.

Truyền hình của quê nghèo, một thời thơ ấu, sao tui lại tha thiết nhớ? Tui nhớ vì ngày đó tui có ba, có má, có anh, có em. Anh tui đã tử trận khi chống Bắc Quân trên đỉnh Ba Hô Quảng Trị, đường 9 Nam Lào, năm 1971. Ba má tui chết hết rồi. Vic Morrow, Rick Jackson đều đã chết thảm.

Tui lưu lạc tha hương cho đến cuối đời. Hỏi tui ước gì không? Tui muốn được anh tui chở tui đi coi truyền hình công cộng như ngày cũ.

ĐXT