Từ ngày 24, tháng Hai tới nay, mỗi ngày tin chiến sự về việc Nga xâm lăng Ukraine chiếm đầy các phương tiện truyền thông trên thế giới.

Tamara, 71 tuổi, một người mẹ già Ukraine đứng khóc trước một tòa chúng cư ở thành phố Mariupol bị hỏa tiễn của quân Nga phá hủy.

Hình ảnh bi thảm đó gợi nhớ đến việc cộng sản Bắc Việt nã pháo vào An Lộc trong những ngày tháng Tư, năm 1972.

Mariupol, thành phố trên bờ biển Azov, là một vị trí tiếp vận quan trọng của Ukraine đang bị quân Nga vây hãm.

Chiếm được nó, Nga tạo ra được một hành lang thông thoáng từ bán đảo Crimea (mà Nga sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014) đến Donbas. Nga sẽ chia Ukraine ra làm đôi.

Sau những thương vong rất nặng nề do nỗ lực tấn công thủ đô Kyiv, điện Kremlin quyết chiếm cho được Donbas, nơi có nhiều người nói tiếng Nga, nơi những người ly khai được Moscow hậu thuẫn đã chiến đấu với quân chánh phủ Ukraine suốt 8 năm qua.

Vladimir Putin, Tổng thống Nga, rất cần một chiến thắng để “rửa mặt” trong ngày 9 tháng Năm, duyệt binh mừng chiến thắng phát xít Ðức hàng năm.

Nga ra một tối hậu thư kêu các lực lượng phòng thủ tại nhà máy Azovstal có diện tích 4 dặm vuông ở góc Ðông Nam của Mariupol phải buông vũ khí đầu hàng để giữ mạng sống. Nhưng người Ukraine đã phớt lờ, vẫn quyết tâm tử thủ.

o O o

Hình ảnh những cuộc bắn phá kinh hoàng của quân Nga nhắm vào ngay cả thường dân làm gợi nhớ Ðại lộ Kinh Hoàng năm 1972. Tỉnh lộ 7B trong những ngày di tản bi thảm của dân Miền Nam trước cuộc tấn công của CS BV.

Hình ảnh một chiếc xe tăng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa chở đầy lính chạy qua một làng thuộc quận Hiếu Thiện bị chiến cuộc tàn phá trên quốc lộ 22, khoảng 60 dặm về phía Tây Bắc của Sài Gòn ngày 17, tháng Ba, năm 1975. Hình ảnh người cha cõng trên vai một đứa con trai, một túi đựng đồ đạc rời bỏ làng quê của mình gần Trảng Bom trên Quốc lộ số 1 về phía Tây Bắc Sài Gòn, ngày 23 tháng 4 năm 1975. Hình ảnh một người lính VNCH bị thương tập tễnh trên một chiếc nạng, trên tay còn băng bó, ráng cầm theo vài hộp thức ăn. Hình ảnh biểu tượng cho một quân đội đã một thời chiến đấu rất kiêu hùng, giờ tàn tạ trong nỗi tuyệt vọng cô đơn gây ra bao niềm chua xót. Hình ảnh tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, hai người con gái, còn rất trẻ, đứng trầm ngâm khóc trước mộ của một tử sĩ mới vừa được chôn cất. Xác người lính tử trận chìm sâu dưới ba tấc đất gây ra bao dòng nước mắt.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Cùng lúc đó, vào ngày 28, tháng 4, năm 1975, tại phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc, sau cuộc họp với Phó Tổng thống Nelson Rockefeller, Ngoại trưởng Henry Kissinger và Cố vấn An ninh Quốc gia Brent Scowcroft, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford ra lịnh bắt đầu chiến dịch “Frequent Wind” (gió thường xuyên).

Ðài phát thanh Quân đội Mỹ ở Sài Gòn phát đi mật khẩu: “Nhiệt độ ở Sài Gòn là 105 độ và đang tăng lên” và bài hát “I’m Dreaming of a White Christmas” (Tôi đang mơ một mùa Giáng Sinh trắng) do Bing Crosby hát.  Một ám hiệu cho người Mỹ biết là: “Hãy sẵn sàng chờ để được di tản khỏi Sài Gòn”.

Tại Sài Gòn, Thủy quân lục chiến Mỹ, quân phục ngụy trang chìm trong màu cây xanh lá vùng nhiệt đới, với những nòng súng M16 thò ra từ dưới một bụi cây. Hai chiếc trực thăng Sikorsky CH-53 đang trong một bãi đáp vốn là một bãi đậu xe. Hai xạ thủ, tay nắm chặt cây M16. Và chiếc trực thăng chất đầy người Mỹ và người Việt cất cánh bay lên.

Trong 19 tiếng đồng hồ, 81 chiếc máy bay trực thăng chở khoảng 7,000 người di tản từ Sài Gòn trong cơn hấp hối, ra hàng không mẫu hạm thuộc Hạm đội 7 đang neo đậu ở ngoài khơi.

Ngoài khơi, gần bờ biển Việt Nam, các nhân viên Hải quân Hoa Kỳ trên tàu USS Blue Ridge đẩy một chiếc trực thăng xuống biển để dành chỗ cho nhiều chuyến bay khác di tản từ Sài Gòn. Một người mẹ Miền Nam Việt Nam và 3 đứa con cúi mình trên một boong tàu chiến nhấp nhô ở Biển Ðông.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Lúc 7 giờ 53 phút, sáng ngày định mệnh 30 tháng 4, năm 1975, chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh từ nóc Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn và hướng ra biển.

Có một khoảng lặng trong thành phố. Có một nỗi buồn ập xuống với cơn mưa. Hoa Kỳ không còn ở Việt Nam nữa! Sài Gòn đã bị chiếm đóng! Sài Gòn tự do không còn nữa! Giờ nó là của Cộng Sản Việt Nam cho tới tận bây giờ.

o O o

Trong nhạc kịch “Miss Sài Gòn” có lời kịch: “Những chiếc trực thăng đang trên đường bay tới. Ông Ðại sứ sẽ không rời đi. Sẽ đủ chỗ dành cho tất cả các bạn”. Ðó là những lời nói dóc!

Quân Bắc Việt đã chuẩn bị sẵn sàng để bắn phá thủ đô Sài Gòn bằng pháo hạng nặng và tiến vào từng dãy nhà để truy sát, nếu hệ thống phòng thủ mà chúng gặp phải vững chắc hơn.

Nỗi sợ bị Cộng sản tàn sát như Tết Mậu Thân ở Huế vào năm 1968 đã làm cho người dân Sài Gòn bị quẫn trí. Sài Gòn rùng mình lo sợ sẽ bị giết, sẽ vùi thây xuống mồ chôn tập thể như Mả Ngụy năm nào.

Năm 1832, Tổng trấn thành Gia Ðịnh Lê Văn Duyệt vừa mất. Tham quan Bạch Xuân Nguyên bèn tố gian hãm hại gia đình ông Lê Văn Duyệt như: tham nhũng, lộng quyền, toan chống lại triều đình.

Lấy cớ phụng mật chỉ của vua, Bạch Xuân Nguyên đã bắt giam và tra khảo cả nhà Lê Văn Duyệt. Lê Văn Khôi con nuôi của ông Lê Văn Duyệt vượt ngục, chiêu binh mãi mã xông vào dinh quan Bố, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Chỉ trong vòng một tháng, quân của Khôi đã chiếm được cả 6 tỉnh Nam Kỳ. Triều đình Huế cho hàng vạn quân thủy, bộ đồng loạt tiến vào Nam chiếm lại hết các tỉnh thành, vây chặt thành Phiên An.

Năm 1834, Lê Văn Khôi bị bệnh mất, người của Khôi đều không chống đỡ nổi. Có tổng cộng tới 1831 bất kể già, trẻ, gái, trai đều bị xử tử. Xác bị vứt xuống hố chôn tập thể ở Ðồng Tập Trận. Mùi tử khí từ hàng ngàn xác người bốc lên bao trùm đất Sài Gòn đến cả tháng vẫn chưa tan.

Xem thêm:   Kế Sách

Ðồng Tập Trận đó sau biến cố nầy được gọi là Mả Ngụy hoặc Mả Biền Tru (Mả: mồ mả, Biền Tru: chém ngay, không cần xét xử). Mả Biền Tru giờ là Ngã Sáu Công trường Dân Chủ, trải dài theo đường Trần Quốc Toản và Phan Thanh Giản, khu vực Ngã Bảy (nơi có đường Lý Thái Tổ chạy qua) cho đến tận khu Trường đua Phú Thọ.

Sau 75, CSBV còn giết tù binh nhiều hơn nữa. Tù binh chết rải rác từ Nam ra Bắc. Từ những cuộc hành hình công khai như xử bắn Trung tá Phan Khánh, nguyên là Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng) tại nghĩa địa Triều Châu. Hành hình xã Nhơn, xã Nhơn Mỹ, quận Kế Sách và biết bao người tù binh nữa trong những cái gọi là trại học tập cải tạo từ Nam ra Bắc.

o O o

Hoa Kỳ và NATO đang hết lòng yểm trợ đất nước Ukraine tự do chống lại việc Putin độc tài xích hóa.

Nhưng đối với Biden, kẻ thù còn nguy hiểm hơn cả Putin lại chính là Tập Cận Bình.

Nửa thế kỷ trước, năm 1973, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã đánh một ván bài lầm lẫn. Ván bài hy sinh đồng minh VNCH để đi với Tàu Cộng chống Liên Xô. Ván bài ngu xuẩn đó còn di lụy tới bây giờ.

47 năm trời nhìn lại, ai cũng nghĩ nếu ngày đó Hoa Kỳ tận tình giúp đỡ VNCH như giúp đất nước Ukraine bây giờ, Miền Nam Việt Nam vẫn có thể sống sót, vẫn ngăn chặn được CS Miền Bắc xích hóa Miền Nam tự do. Hoa Kỳ bây giờ ngăn chặn được Trung Cộng tiến chiếm Biển Ðông.

o O o

Miền Nam năm 75, cách nay 47 năm trời ròng rã, niềm đau đớn vì mất nước như mới xảy ra vào tối hôm qua.

Tôi cũng tin như nhà thơ Thanh Nam (1931–1985) nữa: “Một năm người có mười hai tháng. Ta trọn năm dài một Tháng Tư”.

DXT