Quỳnh Dao tên thật là Trần Triết sinh năm 1938 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Năm 1949, khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa Lục, Quỳnh Dao theo cha mẹ di tản tới Đài Loan.
Trần Triết ban đầu lấy bút hiệu Tâm Như. Kể từ tiểu thuyết Song Ngoại, xuất bản năm 1963, Trần Triết lấy bút hiệu Quỳnh Dao. “Quỳnh ngọc sắc mỹ dã” (quỳnh, màu ngọc đẹp). Dao có nghĩa là làm bằng ngọc hoặc dát ngọc, ví dụ như từ ghép “dao cầm” (đàn ngọc). Như vậy, ý nghĩa của bút danh “Quỳnh Dao” là nói về một loại ngọc đẹp, quý giá, một sản phẩm tinh tế và thuần khiết.
Bút hiệu Quỳnh Dao dựa vào hai câu thơ trong bài ‘Mộc Qua’ tương truyền là do Khổng Tử sáng tác: “Đầu ngã dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao, nghĩa là: người ném tặng ta trái mộc đào, ta đáp lại bằng loại ngọc đẹp”.
Câu nói “Đầu ngã dĩ mộc đào, báo chi dĩ quỳnh dao” có thể hiểu theo nghĩa là: khi người ta tặng cho mình một món quà, dù là vật gì, ta cũng sẽ đáp lại xứng đáng. Không chỉ có vật chất, mà còn là tình cảm chân thành.
Năm 16 tuổi, Quỳnh Dao viết tiểu thuyết đầu tay ‘Vân ảnh’. Năm 1964, Quỳnh Dao viết tiểu thuyết Song ngoại và Thố Ty Hoa.
Song ngoại là tựa đề một trong nhiều tác phẩm của Quỳnh Dao. Song có nghĩa là cửa sổ (song cửa). Ngoại là ngoài. Song ngoại là ngoài song cửa, tức là một thế giới bên ngoài cửa sổ, nơi mà người ta từ bên trong có thể nhìn thấy thất tình của đời người: “hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục”. Quỳnh Dao thường sử dụng những hình ảnh như vậy để diễn tả sự khát khao, mong muốn khám phá tình người, khi mà họ bị ngăn cách bởi một rào cản nào đó, có thể là thể chất, tâm lý, hoặc xã hội. Đến nay, Quỳnh Dao đã sáng tác 56 bộ tiểu thuyết, 17 bộ được dựng thành phim. Phải kể tới phim “Mùa Thu Lá Bay” phỏng theo tiểu thuyết của Quỳnh Dao với minh tinh Chân Trân và Đặng Quang Vinh làm đôi ta phải xếp hàng rồng rắn trước rạp Tây Đô Cần Thơ hồi năm nẳm. (Bữa đó em yêu bị rạch túi)
o O o
Lâm Thanh Hà sinh năm 1954 ở Đài Loan. Năm 17 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp ba, một lần lang thang trên đường Tây Môn Đình ở Đài Bắc, người của công ty điện ảnh đang kiếm diễn viên bắt gặp Lâm Thanh Hà. Họ đưa Lâm Thanh Hà cuốn Song Ngoại. Trang đầu tiên của cuốn sách: “Giang Nhạn Dung dáng nhỏ gầy, đôi mắt mơ màng như sương, đượm vẻ u uẩn. Hai cánh tay gầy gò lộ ra khi mặc áo sơ mi trắng cộc tay, trông thật đáng thương”. Trang thứ hai của cuốn sách: “Giang Nhạn Dung thơ thẩn bước, chìm đắm trong thế giới của riêng mình, một thế giới không ai biết được”.
Đạo diễn Tống Tồn Thọ chọn Lâm Thanh Hà đóng vai Giang Nhạn Dung. Từ 1972 tới 1982, Lâm Thanh Hà đóng tới 12 phim phỏng theo tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của Quỳnh Dao. Nhân vật nữ chánh trong tiểu thuyết diễm tình của nữ sĩ Quỳnh Dao lên màn bạc là diễn viên Lâm Thanh Hà. Lâm Thanh Hà cho rằng Song Ngoại của Quỳnh Dao đã thay đổi cuộc đời mình mãi mãi.
Tôi lại nhớ năm 1970, Liêu Quốc Nhĩ là dịch giả cho một chục cuốn tiểu thuyết của nữ sĩ Quỳnh Dao. “Truyện Quỳnh Dao với bản dịch của Liêu Quốc Nhĩ tạo thành một hiện tượng rất ăn khách. Theo dịch giả Liêu Quốc Nhĩ, Quỳnh Dao có lối viết “mềm”, luôn cho tràn ngập trong truyện tình thương giữa người với người nên dễ gây xúc động cho người đọc nhứt là mấy em yêu đang tuổi thanh xuân. Chúng ta không đòi hỏi hay chờ đợi giá trị văn chương cao trong truyện của Quỳnh Dao.
Như “Song Ngoại” là cuốn truyện đầu tiên của Quỳnh Dao do Liêu Quốc Nhĩ dịch; nhà xuất bản Hàn Thuyên in và phát hành tại Sài Gòn. Tiền công dịch trong vòng một tháng của Liêu Quốc Nhĩ lên tới 50 chục ngàn đồng, trong khi chiếc xe Honda SS 67 chỉ có 36 ngàn 5 trăm. Số tiền nhuận bút đó gấp đôi lương một giáo sư trung học đệ nhị cấp.
Lâm Thị Kim Dung, người bạn học xinh đẹp quê Long Xuyên cùng ban Anh Văn trường Đại học Sư Phạm Cần Thơ trần thuyết cuốn ‘Song Ngoại’ của Quỳnh Dao. Trần thuyết là tóm tắt, phân tích hoặc thảo luận về một tác phẩm văn học để giúp cho độc giả hiểu rõ hơn về nội dung, ý nghĩa, và các yếu tố tạo nên giá trị của tác phẩm đó. Trần thuyết tác phẩm văn học không chỉ giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội dung, mà còn giúp phát triển kỹ năng tư duy và khả năng cảm thụ nghệ thuật. Nhưng thú thiệt lúc đó tui chỉ nghĩ mấy con nhỏ á xẩm họ Lâm nầy tánh tình uỷ mị, sướt mướt khóc than nên khoái tiểu thuyết tình cảm, lãng mạn của Quỳnh Dao. Trong khi bọn con trai lại mê truyện chưởng, khoái Thiên Long Bát Bộ, Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung do Hàn Giang Nhạn làm dịch giả. Hàn Giang Nhạn dịch truyện Kim Dung rất tự nhiên phóng khoáng, mang hồn võ hiệp mộng mơ. Như đoạn mở đầu tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ: “Gió xuân đầm ấm, ngàn liễu xanh tươi, hoa phô sắc thắm, hương nức lòng người”. Hay Hàn Giang Nhạn dịch bài thơ Khiển hoài của Đỗ Mục đời Đường: Lưu lạc giang hồ đã bấy lâu/ Cùng người nhỏ bé ở bên nhau/ Mười năm sực tỉnh Dương Châu mộng/ Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu
Tuy nhiên không giống ai; tôi lại khoái đọc O’ Henry nhứt là các ‘short stories’ như ‘The Gift of the Magi’ hoặc ‘The last leaf’ có ích hơn cho việc học tiếng Anh của mình.
Rồi ngày mùng 4 tháng Chạp năm 2024, tại quận Đạm Thủy, thành phố Tân Bắc, Đài Loan với một lá thư tuyệt mệnh, ở tuổi 86, muốn tránh khỏi sự khổ đau của bệnh tật, nữ sĩ nhẹ nhàng dứt áo ra đi ngoài song cửa. Quỳnh Dao đã thực thi “Nan y tử quyền”, tự nguyện chọn quyền được chết (euthanasia)
Quyết định ra đi, Quỳnh Dao đâu biết rằng bà đã mang theo những tình thơ ‘Song Ngoại’, thời Đại học Sư Phạm của tôi, cách nay hơn nửa thế kỷ.
Quỳnh Dao không còn ngồi trong khung cửa sổ để nhìn ra cuộc đời nữa rồi! Vĩnh biệt Song Ngoại! Tôi mong bà yên nghỉ. Rest in peace!
ĐXT