Bà con mình nếu ở gần chùa Tịnh Độ chắc biết rau răm là một vị thuốc Nam. Rau răm cay nồng, tính ấm nên ăn với các món có tính hàn như: vịt, hến xào rau răm; sách bò xào dứa rau răm; gà hấp, kho rau răm. Và có 3 món dứt khoát không thể thiếu rau răm cho được là cá kèo kho lạt; gà xé phay và hột vịt lộn.
Nhớ cách đây 50 năm, ngày 27, tháng Giêng, năm 1973, trung đội 242 khóa 4/72/SQTBTĐ đi chiến dịch Hiệp định Paris. Tui về xã Tân Phú Trung, quận Bình Đại của Trung tá Nguyễn Văn Bạc, tỉnh Kiến Hoà của Đại tá Phạm Chí Kim. Tư Bốn, xã trưởng, điều một tay nghĩa quân qua làm ‘tà lọt’. Nhưng sự thực là để theo dõi, kềm kẹp, báo cáo 3 thằng tui. Xã Bốn sợ tụi tui trẻ người non dạ hứng ẩu tối ra khỏi đồn đi bậy bạ, VC bắt được nó cắt lưỡi thì ông Quận quạu lên cho Xã Bốn bà nội cũng đội chuối khô.
Bình Đại gần biển, nước lợ; trồng lúa Thần nông không được. Năm chỉ một vụ lúa mùa, không trúng lắm, chừng chục giạ một công. Bù lại lúa một bụi ngon cơm. Được thêm cái vụ cá kèo lội đặc đồng.
Một hôm, tay nghĩa quân kho cá kèo với rau răm bằng nồi đất thơm phức. Tui hỏi sao cá không cắt đầu? Nó nói: “Cá kèo mà cắt đầu bỏ mật ăn đâu có ngon? Để mật ăn nhân nhẩn mới đã.” “Bỏ rau răm vô chi vậy?” “Cho cá bớt tanh, ớt sừng trâu không đủ.”
Tui quanh quẩn coi nó có mời tui ăn cơm hay không? Nhưng nó ba xạo, nói xỏ tui: “Cá kèo kho rau răm, món quê nghèo, chắc Thiếu úy chê”. Tui chỉ là SVSQ đeo con cá mà nó kêu tưng tui lên Thiếu uý? Chắc trong bụng nó muốn tui được truy thăng lên bàn thờ ngồi ngắm gà khỏa thân. Nó trù tui chết vì mấy em mơn mởn đào tơ ở chợ xã chỉ đá lông nheo với tui mà phớt lờ nó.
Nhưng người hại không chết. Trời hại mới chết. Không lẽ đứng đó dòm miệng nó ăn cơm? Tui bỏ ra trước sân thơ thẩn đăm đăm trông nhạn về. Thì em Quế Thanh, nhà bán bánh thuẫn đám cưới sát bên đồn ngoắc tui. “Lợi nói cho nghe nè! Qua ăn cháo gà!” Ngu sao mà từ chối? Giữa cái bàn tròn có hai cái ghế đẩu, là một dĩa thịt gà xé phay rau răm đầy ú với hai tô cháo gà có rắc tiêu còn bốc khói. Còn má em đã ăn rồi đang lui cui dưới bếp. Má em điệu đời ghê đi.
Bà con mình ai cũng biết phay là xé nhỏ thịt con gà luộc, hoặc con gà nấu cháo ra từng miếng. Xong trộn bắp chuối hột, bắp cải làm gỏi. Cho một nửa rau răm vào dĩa gỏi, trộn đều lên. Phần rau răm còn lại rắc trên mặt dĩa. Chua ngọt nước giấm; cay đắng rau răm. Gắp một đũa nhai rau ráu. Nhấp một chung rượu nếp. Nó ngon bá chấy, bù chét … Bữa cháo gà đó nửa thế kỷ, tui vẫn còn nhớ tới bây giờ.
Bà con mình ai cũng biết ăn gì bổ nấy. Hột vịt lộn chấm muối tiêu, cường dương nên phải ăn với rau răm để giảm bớt ham muốn tình dục. Hồi xưa, thất tình Điệp, Lan đi tu. Lan hay ăn hột vịt lộn với rau răm để diệt lục dục thất tình. Sao đi tu mà Lan còn ăn hột vịt lộn? Thưa Lan và Điệp là một tiểu thuyết tào lao báng bổ Phật giáo của Nguyễn Công Hoan.Lan đi tu là vì thất tình chớ không phải vì hiểu được triết lý thâm sâu của Phật giáo. Phật giáo là dấn thân chớ không phải là một phương tiện để trốn nợ tình? Nên tui cho Lan ăn hột vịt lộn với rau răm. Ý tui muốn nói lòng trần còn nặng; còn yêu đương nhăng nhít, yêu đương ra rít, thì đi tu cái con khỉ mốc gì?! Viết Tắt lửa lòng như vậy chứng tỏ Nguyễn Công Hoan không hiểu gì về Phật giáo. Giống như Cù Huy Cận đặt câu hỏi tào lao: “Há chẳng phải đây là xứ Phật? Mà sao ai nấy mặt đau thương?” trong “Các vị La Hán chùa Tây Phương”
(Là CS nòi, Nguyễn Công Hoan có em ruột là Lê Văn Lương (tên thật là Nguyễn Công Miều), ủy viên bộ chính trị, bí thư thành uỷ Hà Nội. Con của Nguyễn Công Hoan xâm nhập vào Nam về Bến Tre làm điệp báo. Giờ Hà Nội theo Bắc Kinh. Sài Gòn theo giờ GMT. CS vặn trước giờ Sài Gòn một tiếng. Nên đồng hồ của y chỉ 5 giờ mà giờ Sài Gòn mới 4 giờ. Vi phạm giờ giới nghiêm, y bị bắt. Tiểu khu Kiến Hoà biết con của Nguyễn Công Hoan là một ‘con cá lớn’ nên giải về Cục An Ninh Quân đội ở Sài Gòn khai thác. Thả về ‘bu’ mầy nhìn cũng không ra?!)
Chưa có loại rau nào mọc được từ đất ca dao nhiều như rau răm. Nghe nói ông cố nội tui hồi năm nẳm chấm bà hàng xóm vì: “Những người con mắt lá răm. Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.” Nên “Rau răm ngắt ngọn còn tươi. Rượu ngon chuốc chén đợi người tri âm”. Nhưng bà hàng xóm lại khoái nghe tiếng kèn ‘tò loe tí loe’ của thằng cha thiến heo. Cùng lúc, bà cố tui lại thầm yêu trộm nhớ ông cố tui. Mối tình tam giác; mối tình 2 trái bầu, 1 con cua mỗi độ Xuân về.
“Rau răm ngắt ngọn héo rầu. Những lời anh nói mà đau đớn lòng. Bấy lâu xe sợi chỉ hồng. Nghĩ em lấy được con tông nhà nòi. Bây giờ em đã hai mươi. Sao anh không nhớ những lời ngày xưa?”
Nghe đờn kêu tích tịch tình tang ai đem công chúa lên thang mà về, ông cố tui tiễn mối tình thơ dại nhà em cách giậu mồng tơi xanh dờn bằng cách chơi chữ “cải trời” “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.” Hôm nay ngày cưới anh, ông cố tui mời bà hàng xóm đến chung vui cho bỏ ghét. Hôm rước dâu, bà hàng xóm thấy ông cố tui đóng bộ «ăn-ta-ni” (en tenue), đầu một khúc cá kho. Trông ông cố tui cũng bảnh tỏn, đẹp trai ra phết. Bà hàng xóm tặc lưỡi như thằn lằn đứt đuôi; tiếc hùi hụi 2 ‘củ khoai từ’. Nhưng trễ rồi bậu ơi! “Rau răm đất cứng, dễ bứng khó trồng. Dù thương cho lắm, cũng chồng người ta”
Nhờ vậy mới có tui ‘xạo xạo’ đó chớ!
ĐXT