Phú Kiết là quê nội của tui, một vùng đất miệt vườn máu và nước mắt trong bão lửa chiến tranh. Tía tui cắt nghĩa Phú Kiết, tên làng, tiếng Hán Việt (giống tiếng Anh, tính từ đứng trước danh từ). Phú là: dồi dào. Còn Kiết là: cỏ cây tốt tươi, rậm rạp.
Cây cỏ tốt tươi vì có nước của dòng kinh Bảo Ðịnh. Chớ thiệt ra xưa đất nầy là đồng bưng đầy những cỏ tranh. Chính vì vậy mới có địa danh Bến Tranh gần làng Phú Kiết, một bến nước chuyên bán tranh lợp nhà.
Kinh Bảo Ðịnh dẫn nước từ sông Vàm Cỏ Tây chảy qua Phú Kiết rồi tới đầu đường Trưng Trắc, cuối đường Gia Long thuộc thị xã Mỹ Tho, hòa vào Tiền Giang chảy xuôi ra biển.
Sau nầy coi bản đồ, tui thấy hồi thì đề sông; hồi thì đề rạch lúc là kinh Bảo Ðịnh. Trống đánh xuôi; kèn thổi ngược. Tui trộm nghĩ rằng: sông lớn, rạch nhỏ là do thiên nhiên tạo ra. Còn kinh lớn, mương nhỏ là do con người đào bằng tay hay bằng cơ giới, bằng xáng (chaland). Sau 75, tiếng Bắc gọi là kênh, không giống với từ địa phương. Không phải mình phân biệt vùng miền gì đâu mà nơi nào phải ra nơi nấy. Dùng quyền lực chánh trị để đồng hóa tiếng địa phương là làm nghèo tiếng Việt, là một tội ác về văn hóa. Nên gọi kinh Bảo Ðịnh là đúng quá xá rồi.
o O o
Hồi thời Chúa Nguyễn, dòng kinh nầy là một hào lũy để ngăn quân giặc xâm nhập từ miền biên cảnh tấn công vào Mỹ Tho đại phố phồn vinh. Chính vì vậy làng Phú Kiết mới có chợ Thang Trông (nơi cái thang cao để trông chừng, quan sát địch quân)
(Dòng kinh Bảo Ðịnh nầy cũng giúp ngăn chặn được một phần quân VC tấn công vào Mỹ Tho qua ngã Bến xe mới, chợ Thạnh Trị, vào Tết Mậu Thân, năm 1968)
Rồi năm 1861, Pháp đưa tàu chiến xuôi dòng kinh Bảo Ðịnh từ Sài Gòn xuống đánh chiếm tỉnh Ðịnh Tường. Năm 1867, thực dân Pháp dùng xáng múc làm mặt kinh rộng hơn lòng kinh sâu hơn. Tính từ chợ Thang Trông qua Hốc Ðùn, gần Ngã Ba Trung Lương đến bến Mỹ Tho thì chiều dài của kinh khoảng 14 km, rộng độ 6 m và sâu khoảng 3.50m.
Vì lúc đó chưa có xe hơi, chưa có đường lộ, kinh Bảo Ðịnh là đường chuyển công văn cho Pháp. Tây đổi tên kinh Bảo Ðịnh lại thành ‘Arroyo de la Poste’ (kinh Bưu điện).
o O o
Phú Kiết vườn tược tốt tươi nhờ tưới bằng nước của dòng kinh Bảo Ðịnh nhưng cũng ướt đẫm máu đào của những con người yêu nước.
Xưa thì có Thủ Khoa Huân (đỗ đầu kỳ thi Hương trào Vua Tự Ðức). Ông tên thật là Nguyễn Hữu Huân (1830-1875) người làng Tịnh Hà (sau là xã Mỹ Tịnh An), huyện Kiến Hòa, tỉnh Ðịnh Tường liền ranh với làng Phú Kiết.
Pháp xâm lược Ðịnh Tường, nhiều lần đứng lên chống lại từ năm 1859, đến năm 1875, ông bị sa cơ thất thế, bị bắt. Dụ hàng không được, Tây chở ông Nguyễn Hữu Huân từ Mỹ Tho ngược dòng Bảo Ðịnh về Mỹ Tịnh An và hành quyết ông lúc 12 giờ trưa. Máu của ông đã thấm đẫm phù sa vùng đất quê ta.
Rồi đầu thập niên 60, VC đặt mìn dưới cái cống gần chợ Thang Trông, Phú Kiết sát hại Trung tá Trần Hoàng Quân, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Ðịnh Tường. Tên Trần Hoàng Quân được đặt cho một con đường ở Mỹ Tho và ở Chợ Lớn. Sau CS Bắc Việt vô, ở Mỹ Tho tụi nó đổi là đường Tết Mậu Thân; còn ở Chợ Lớn là đường Nguyễn Chí Thanh.
o O o
Ðó là những người yêu nước; còn hai trong đám ruồi bu lầm đường lạc lối là: nhà thơ Bảo Ðịnh Giang và soạn giả Trần Hữu Trang của CS.
Tôi nhớ hồi còn kẹt lại trong nước, Tết về, tui mượn một tờ báo Xuân để đọc (chớ nghèo chết Mẹ, phải ăn độn bo bo thì tiền có đâu mà mua báo Tết?). Bao giờ trang đầu cũng đăng thơ của ông Bảo Ðịnh Giang nầy; dù nó như vè, dở như hạch.
Bảo Ðịnh Giang (1919-2005) tên thật là Nguyễn Thanh Danh người làng Mỹ Thiện, Cái Bè, tỉnh Ðịnh Tường.
(Như vậy ổng ăn theo, chớ hổng có lan can gì ráo với tên dòng kinh quê nội của tui). Nghe nói ổng học tới bằng ‘Diplôme’ (Ðút rơm trâu ăn mê!) xuất thân từ một gia đình điền chủ sạt nghiệp, nên đi theo CS.
Ăn theo thì giấu đi, lại nổ ùng oàng là: “Thủ Khoa Huân bị quân Pháp đóng gông chở đi bằng thuyền xuôi dòng Bảo Ðịnh đến Mỹ Tịnh An để hành quyết. Với lòng biết ơn sâu sắc, buộc tôi chọn cái tên Bảo Ðịnh Giang đặt làm bút danh.”
Viết có một câu ngắn ngủn mà trật tới hai chỗ! Một là: từ Mỹ Tho về Mỹ Tịnh An là phải ngược dòng kinh chớ? Hai là chọn bút hiệu là do ý của mình; chớ ông Thủ Khoa nào mà nhào vô đây buộc? Cái vụ chọn tên một dòng sông quê hương kỷ niệm làm bút danh thì thiếu cha gì đứa làm; chớ đâu phải một mình ông. Chẳng hạn như nhà thơ Thu Bồn, lấy tên một dòng sông ở Quảng Nam. Thế mới có hai câu lục bát tiếu lâm gieo vần lộn là: “Thu Ba ca ngợi Thu Bồn. Thu Bồn khoái chí sờ (‘vai’) Thu Ba”. Ha ha!
Kinh Bảo Định, Phú Kiết – nguồn wikipedia
o O o
Bảo Ðịnh Giang là em sanh đôi của Tố Hữu (1920 – 2002), dù lớn hơn một tuổi, là đao phủ thủ về văn nghệ, siêu nịnh Ðảng. Lúc CS Bắc Việt đem quân xâm lược Miền Nam, Bảo Ðịnh Giang đưa các văn nghệ sĩ từng tập kết ra Bắc xâm nhập lại vào Nam; rồi họ đi luôn xuống địa ngục như: Nguyễn Thi, Anh Ðức, Lê Anh Xuân…
Tháng Tư, năm 75 xích hóa được Miền Nam, những ông kia đã chết thì Bảo Ðịnh Giang mò về Sài Gòn và tiếp tục làm cha. Chắc nhờ chém vè, ngậm ống đu đủ, hụp lặn dưới mương nên ông Bảo Ðịnh Giang sống cũng hơi dai, tới 87 tuổi năm 2005, năm Giáp Thân, Khỉ mới nhắm mắt về lại rừng xưa tại Bệnh viện Thống Nhất (Bệnh Viện Vì Dân của bà Thiệu hồi xưa)
o O o
Còn một người nữa lầm đường theo CS là: Soạn giả Trần Hữu Trang. Chuyện rằng: năm 2005, tui hân hạnh được gặp Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn từ Hoa Kỳ qua Melbourne dự Ðại hội Cựu Học sinh Phan Thanh Giản Ðoàn Thị Ðiểm Cần Thơ toàn thế giới.
Tui nhắc lại tấm hình hồi xưa, ông Quận trưởng Cái Bè Nguyễn Bá Cẩn cùng thân phụ tui (nghề tay trái là viết báo cho ông Trần Tấn Quốc) chụp chung một tấm hình với cô đào Ngọc Hương, năm đó còn rất là son trẻ mới 18 tuổi và soạn giả Việt Thường là ông Cựu Thủ tướng nhớ ngay lập tức hè!
Soạn giả Việt Thường là con của soạn giả Trần Hữu Trang tức Tư Trang (1906- 1966) người làng Phú Kiết.
Tía tui kể: “Hồi nhỏ bà nội làm kẹo đậu phộng mạch nha có rắc mè trên nền bánh tráng để Tía đội qua chợ Thang Trông làng Phú Kiết bán. Tía hay ghé tiệm hớt tóc Chú Tư Trang. Lúc nào vắng khách là ổng bày đàn hát ra cứ tích tình tang hè. Vài năm sau, ổng thôi nghề hớt tóc, (chắc tại ế quá), đi theo gánh cải lương bán vé và chép tuồng.
Từ cái vụ chép tuồng, được bậc đàn anh trong nghề kèm cặp thêm, ông Tư Trang tập tành viết tuồng. Những vở Tô Ánh Nguyệt (1934) Ðời cô Lựu (1937) với kép Minh Vương và đào Lệ Thủy nó hát tuyên truyền hà rầm trên đài Truyền hình sau 75.
Năm 1960, VC dậy, ông Tư Trang đi theo, làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng và bị bom B 52 chết tại Suối Cây, vùng Xa Mát, Tây Ninh giáp với biên giới Kampuchia, năm 1966.
o O o
Tháng Tư lại về trên quê người viễn xứ, tui nhớ làng quê Phú Kiết, nhớ thân phụ của tui. Tôi tha thứ cho ông Bảo Ðịnh Giang và ông Trần Hữu Trang, những người lầm đường lạc lối. Dẫu cuối đời vẫn còn ngoan cố chưa chịu chiêu hồi, tung cánh chim tìm về tổ ấm?!
Chúng ta đấu tranh là để chống độc tài, để san bằng mọi bất công; chớ không phải tháo cái cùm buộc chặt chân của người dân ra rồi tròng vào cổ họ cái gông cùm xích xiềng của CS Nga Hoa. Tui nói vậy, có không nè hai ông nội con nít?!
DXT