Ngày 31 tháng 5 năm 2021, ngày thứ Hai cuối cùng của tháng, bắt đầu mùa Hè ở Hoa Kỳ, là ngày tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong.

Bức tường Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War Wall) nằm khiêm nhường bên Tháp hình bút chì cao vút xa xa tại trung tâm thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ.

Yên bình trong vườn cây xanh, bức tường làm bằng đá hoa cương đen, hình chữ V, mỗi cạnh dài khoảng 75 mét, được ghép lại từ 72 tấm đá quý từ thành phố Bangalore, Ấn Ðộ.

Trên bức tường đá đen bóng láng đó có khắc tên của hơn 58,000 người lính Mỹ theo thứ tự ngày báo tử hoặc thất tung.

Hằng năm có khoảng 4 triệu lượt người tới thăm Ðài Tưởng Niệm. Ðến đây, ai cũng thấy bóng của chính mình soi trên mặt của bức tường. Khách đến thăm nhẹ nhàng bước chậm lại, lặng lẽ hơn. Có người trầm tư tìm dòng chữ ghi tên người thân của mình để đặt hoa phía dưới. Có người gục đầu vào bức tường, tay sờ nhẹ vào những cái tên. Có phụ nữ âm thầm lau nước mắt.

o O o

Ngày Chiến sĩ Trận vong, nghĩ về những người lính Mỹ đã hy sinh vì tổ quốc, tui lại nhớ đến những người lính VNCH. Tui nhớ đến cuộc chiến cực kỳ khốc liệt để bảo vệ nền tự do còn non trẻ của chúng ta. Tui căm ghét cái họa độc tài do CS miền Bắc tuân lịnh theo quan thầy Nga- Hoa quyết tâm xích hóa Miền Nam tự do.

Ðã có biết bao chiến sĩ VNCH “Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày, lửa thù no đôi mắt, chân nghe lạ từng khu chiến thuật, áo đường xa không ấm gió phương xa, nghìn đêm vắng nhà” rồi ngã xuống!

Nhưng đau đớn thay, vận mệnh của Miền Nam tự do đã bị Richard Nixon, Henry Kissinger cùng với Mao Trạch Ðông, Chu Ân Lai định đoạt bên lề Thông cáo chung Mỹ Trung, ký ngày 27, tháng Hai, năm 1972 tại Thượng Hải bên Tàu.

o O o

Cho dù chiến tranh vệ quốc chống lại bọn CS miền Bắc xâm lược xảy ra rất ác liệt nhưng chánh phủ VNCH mình nghĩ rằng cuộc chiến trước sau rồi cũng phải chấm dứt. Muốn xây dựng lại đất nước thì việc giáo dục phải được đặt ưu tiên lên hàng đầu.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Sau khi tốt nghiệp khóa 4/72 SQTBTÐ, tui được trả về đi dạy ở trường Trung học tỉnh hạt Kế Sách, một quận lỵ đìu hiu thuộc tỉnh Ba Xuyên. Chưa tàn một niên học, tình hình chiến cuộc chuyển biến một cách nhanh chóng. Tin dữ hằng ngày từ Quân khu 1, Quân khu 2 chiếm đầy trên mặt báo. Trận quần thảo cuối cùng giữa Sư đoàn 18 của tướng Lê Minh Ðảo và 3 Sư đoàn chánh quy của CS Bắc Việt gây điêu tàn đổ nát cho toàn tỉnh lỵ Long Khánh. Chiến sự theo xa lộ Biên Hòa tràn về sát Sài Gòn.

Ngày 22, tháng Tư, năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rời Sài Gòn đi Ðài Bắc. Phi trường Tân Sơn Nhứt cấp tập những chuyến bay di tản. Ngày 28 tháng Tư, năm 1975, phi công phản loạn Nguyễn Thành Trung lái F-5 hướng dẫn, chỉ điểm cho phi công Bắc Việt ném bom phi đạo làm nhiều người thiệt mạng. Thầy Nguyễn Bá Trứ của Viện Ðại học Cần Thơ là một trong những người bị giết. Cuộc di tản bằng cầu không vận ra khỏi Sài Gòn đang cơn hấp hối bị đình trệ.

Ngày 29, tháng Tư, bà con Sài Gòn, nhứt là đồng bào Bắc di cư năm 1954, thừa biết CS tàn ác như thế nào nên đổ xô xuống thương cảng Sài Gòn. Những con tàu theo Sông Lòng Tàu hướng ra khơi.

Những đám đông chen lấn xô đẩy trước cổng Tòa Ðại Sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhứt. Họ thất sắc, cố chen qua cổng, hy vọng được trực thăng Mỹ đậu trên nóc Tòa Ðại sứ bốc ra Hạm đội 7 đang ở ngoài khơi.

Sau 20 năm tham chiến, người Mỹ “I’m dreaming of a White Christmas” quy cố hương và chúng tôi ở lại.

11giờ 30 sáng, ngày 30 tháng Tư năm 1975, trên đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng thống (2 ngày) Dương Văn Minh, dưới họng súng AK-47, bị buộc phải tuyên bố đầu hàng.

Bảo Huân

o O o

Vùng quê Kế Sách, lúc đó cũng như toàn Quân khu 4, vẫn hoàn toàn yên tĩnh, không một tiếng súng. Phố chợ Kế Sách chìm trong bóng tối. Ánh đèn dầu leo lét, cửa đóng then gài.

Xem thêm:   Kế Sách

Hai tuần lễ đầu của tháng Năm, quyền lực đã hoàn toàn rơi vào tay của những tên mặc quần ni lông dầu, chưn cẳng phèn không, vai mang AR-15, súng Mỹ.

Hai Tịch từ căn cứ xã Kế An làm Bí thơ và hung thần Năm Quạ từ cuối ngọn rạch mịt mùng xã Song Phụng về làm Công an với sự tiếp tay của hai anh em sanh đôi là Sáu Lục và Bảy Sách vào tiếp quản (muốn phân biệt đứa nào là Sáu Lục, đứa nào là Bảy Sách thì Bảy Sách cụt một tay vì bị bắn).

Trưởng Công an thị trấn Kế Sách (tương đương với cấp xã) là Bảy Chiến bị thương ngón tay áp út bàn tay phải. Về sau, hắn bị đuổi ra khỏi CA vì cho con vợ làm thầu số đề. Vô đảng là phải có phe đảng để đè đầu bóp cổ dân ngu, khu đen. Nhưng vợ chồng Bảy Chiến lẳng lặng lủm hết ráo, hổng chịu nhả ra, chia chác cho đứa nào thì bị đuổi là chuyện đương nhiên.

Trưởng phòng Giáo dục là Sáu Phòng, khoảng 50 nhưng già trước tuổi. Hồi còn chiến tranh, lúc nào y rét quá thì nhảy ra chiêu hồi; rồi lại nhảy vô bưng như cóc nhảy. Tự ti mặc cảm vì trình độ học vấn chưa hết lớp 5 (biết đọc, biết viết cao nhứt trong cả đám huyện ủy) nên trên cái túi của ông ta bao giờ cũng giắt tới ba cây viết Bic.

o O o

Những ngày tháng Năm, người dân phố chợ Kế Sách ngay ngáy sống trong phập phồng sợ bị khủng bố. Thượng sĩ Chư, thuộc Chi khu đã bỏ nhà trốn đi nơi khác vì sợ bị trả thù. Còn tui, đất lạ quê người, nên không biết phải trốn đi đâu?

Lương tháng Tư chưa kịp lãnh, tụi nó đã cướp mất rồi, đói meo râu, tui phải ăn cháo với hột vịt muối để cầm hơi.

Chiều mùng 3, tháng Năm, Giáo Tổng, dân cố cựu địa phương, mua chịu ở tiệm của phụ huynh nào đó được một két lave 12 chai khiêng về. Năm đó, tui còn trẻ quá, có biết nhậu nhẹt gì đâu, beer đắng nghét. Giáo Tổng cứ rót, uống tì tì, cạn ly lại đầy ly cạn. Nó kêu tui: “Uống đi mậy! Lần chót, mai mốt hổng có đâu mà uống!”. Thằng bạn tui làm thầy giáo chớ hổng phải làm… thầy bói mà nó đoán như thần, trúng ngay phóc hè! Chắc tại nó sanh đẻ và lớn lên ở vùng xôi đậu (ngày Quốc gia; đêm VC); nên nó rành sáu câu vọng cổ; chớ đâu có ngu ngơ, khờ dại như tui vốn là dân ở chợ. Vài năm sau ngày mất nước đó, khá lắm là được uống bia hơi. Còn đa phần là uống rượu bọt đường ngâm ô môi cho dễ ực. Mồi không có thịt thà gì ráo trọi mà là trái cóc, miếng ổi. Nhậu cháy cả ruột gan!

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Gần nửa đêm, cái loa phóng thanh đặt trên nóc nhà lồng chợ oang oang kêu ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện ngay lập tức. Hai đứa, trong ánh đèn leo lét của phố chợ đìu hiu, líu ríu đến nạp mình cho quỷ dữ.

Ngồi trước cái bàn ghi tên là một con “quỷ cái”, vốn dạy trường Tiểu học Kế Sách, ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản, là cách mạng 30 tháng Tư. Trong phòng, đèn tối tù mù nhưng em vẫn đội nón tai bèo, tay đeo băng đỏ cho nó oai. Thiệt khùng hết biết!

Nghe ông đang đứng trước hai đứa tui khai: “Từ Minh Chánh, Phó Quận Hành chánh”; em gật đầu! Hai tên mặt vằn vện, đằng đằng sát khí thấy “ám hiệu” bèn áp giải ông Phó đi luôn! Thấy vậy, mặt mày của hai đứa tui xanh chành như đít nhái.

– Còn hai ông làm gì? Một tên hỏi.

– Thầy giáo!

Nó khoát tay:

– Ði dạy thì tới đây làm cái giống gì?

Hai đứa tui mừng húm, bườm lẹ lẹ về nhà. Giáo Tổng lọ mọ mò dưới mép sông lượm mấy chai beer mà nó bỏ xuống hồi đầu hôm lên uống tiếp để quên cái sầu mất nước.

Ðã 46 năm rồi, một thời gian quá dài trong đời người. Cứ tưởng bụi thời gian sẽ phủ mờ theo năm tháng. Nhưng mỗi độ tháng Năm về, ngày Chiến sĩ Trận vong ở Hoa Kỳ, sao lòng tui cứ vấn vương hoài về cố thổ?

ĐXT