Hồi thời VNCH, báo con nít có tuần báo Tuổi Hoa của mấy ông cha; nhà thờ nằm ở số 38 đường Kỳ Đồng, Sài Gòn do ông Trường Sơn làm chủ bút.
Tui nhớ nhà văn Hương Kim Long. Tui đoán người đẹp nầy tên Hương, dân Huế, gốc Kim Long. Ca dao xứ Huế có câu: “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi!” Trẫm đây là Vua Thành Thái đấy ạ.
Hồi đó, cái tên trụi lủi cộng với cái quê thành bút hiệu là cái ‘mode’; chưa ‘démodé’ (lạc hậu). Chúng ta có Dung Sài Gòn; mặc dù nhà văn nầy là rau muống 54.
Lúc mới cầm bút, tui tính chạy theo phong trào, chọn bút hiệu ‘Thu Mỹ Tho’ đó chớ. Nhưng suy đi nghĩ lại, suy tính thiệt hơn, sợ mấy cha dê xồm tưởng tui là nữ bèn ngỏ chút lòng yêu thì thêm báo?
Ông Nguyễn Vỹ ra tuần báo Thiếu Nhi xu hào khá lắm. Hồi ở Hà Nội, mượn của ông Nhất Linh 5 đồng, giờ giàu, tiền bạc rủng rỉnh, ông Nguyễn Vỹ bèn trả lại dù ông Nhất Linh quên đòi.
Còn ông Duyên Anh ra tuần báo Tuổi Ngọc nhà in Nguyễn Đình Vượng, chạy xe Renault Dauphine. Làm cho ông Duyên Anh, có ông Đinh Tiến Luyện chuyên vẽ bìa; ông Mường Mán làm thơ, ông Từ Kế Tường viết truyện ngắn.
Sau 1975, ông Duyên Anh bị ở tù trong vụ biệt kích cầm bút do Huỳnh Bá Thành, đại uý CA Cộng Sản nằm vùng, họa sĩ Ớt chuyên vẽ tranh châm biếm cho báo Tin Sáng của Dân biểu Vĩnh Bình Ngô Công Đức dàn dựng. Thiếu úy Đinh Tuyến Luyện bị đi tù cải tạo. Riêng Từ Kế Tường phẻ re như con bò không phải kéo xe, về làm đệ tử cho Huỳnh Bá Thành.
Từ Kế Tường là ai mà táp được phải ruồi? Từ Kế Tường là Võ Tấn Tước, sinh năm 1946; quê quán tại vùng VC, xã Phú Vang, quận Bình Đại, tỉnh Kiến Hòa dọc bờ sông Tiền đổ ra Cửa Đại phía Bến Tre.
Mới đây, tình cờ tui đọc được bài ‘Tình làng nghĩa xóm’ của Từ Kế Tường. Tui xin phép chép một đoạn như vầy:“…Có hai hình ảnh thường làm tôi xúc động nhất: Đó là hình ảnh chiếc đò máy cũ kỹ chạy trên sông và cảnh lợp nhà.
Đò máy chạy trên sông ghé qua những bến bãi đưa rước khách, gợi nhớ những chuyến đi một mình của đứa trẻ 9-10 tuổi trên chiếc đò máy ngược sông Bến Bạ lên Mỹ Tho rồi từ Mỹ Tho đi bộ tới ga xe lửa mua vé lên Sài Gòn…”
(Một đứa nhỏ 9, 10 tuổi, tối ngủ sợ còn đái dầm, mà một mình đón đò từ Bến Bạ lên Bến đò Bình Đại Mỹ Tho; rồi còn đi bộ qua sông (Vườn Hoa Lạc Hồng) mua vé xe lửa đi Sài Gòn?
Tui e ông đặt dóc quá. Chớ khoảng 9, 10 tuổi tui khờ câm hè. Tui không cách chi mà một mình đi Sài Gòn cho được. Xa má đi một mình xa cả trăm cây số, tui sợ xe bắt chó bắt lắm!)
“Cảnh lợp nhà bằng lá chằm nhắc tôi nhớ ngày xưa người quê sống rất tình nghĩa, đúng với nghĩa ‘tối lửa tắt đèn có nhau’. Nhà lợp mái lá chằm tức nhiên là nhà nghèo, cột chôn, một gian, hai gian vừa đủ cho một gia đình nhỏ. Một ông thợ mộc đục đẽo cưa xẻ. Lúc dựng nhà không cần nhờ vả, hàng xóm lân cận tới phụ dựng lên rồi lợp mái, dừng vách. Chỉ một bữa cơm đơn sơ gia chủ mời, hoặc một bình trà đưa chuyện, thế là xong” (sic)
(Xưa nhà nào cũng giữ lửa. Lỡ tối lửa là lửa tắt queo thì phải đi xin nhà hàng xóm. Nghĩa bóng là ngặt lắm phải nhờ vả xóm giềng).
Lợp dày kỹ lắm 3 năm lá mục, dột là phải thay. Bà con xúm lại lợp nhà như cấy, gặt, đập lúa là một hình thức vần công, đổi công của ông bà mình. “Tối lửa tắt đèn có nhau” là cái giống gì?
Theo tui, ông Từ Kế Tường dùng chữ ‘xúm xít’ lợp mái nhà là sai. ‘Xúm xít’ là bu lại làm một chuyện một. Thí dụ xúm xít gói bánh ít. Người gói ngồi sát nhau. Tiếng Miền Tây là “xít lại chút coi”! Còn kẻ ngồi trên lợp, người dưới đưa lá công việc khác nhau. Không thể là vùng VC. ‘xúm xít’! Phải dùng chữ ‘tụ lại’ mới đúng. Dùng chữ ‘bu lại’ cũng trật. ‘Bu lại’ là vì tò mò muốn coi một cái gì đó đang xảy ra.
Chữ của ông bà để lại rất tinh tế, xài, ông đừng đụng đâu phang đó! Có ông hỏi bộ có thù vơ oán chạ gì nhau mà ông đè thằng chả xuống bắt chí một cách cạn tàu ráo máng như thế?
Thù vơ oán chạ thì không. Tui nghĩ nước sông, nước giếng, quốc gia và CS không chung đụng gì nhau.
Tui không thích đám cắc kè bông, đổi màu hầu kiếm sống. Tui không thích bọn phản Trụ đầu Châu.
Tuần báo Tuổi Ngọc ngày xưa vẽ con gái ốm nhom ốm nhách như cò ma, thời con nít tui nhịn một ly đá đậu không dám ăn, để dành từng đồng để cống nạp cho bọn mẹ mìn văn nghệ. Giờ nghĩ lại, tui tiếc từng đồng xu, cắc bạc bỏ ra nên tui không còn ái mộ gì ráo mấy tay phản bội sớm đầu tối đánh: Từ Kế Tường, Mường Mán…
Bà con mình chắc ai cũng biết: ‘Croque-mitaine’, tiếng Pháp, được Việt hoá và rút gọn thành ‘mìn’. Mẹ mìn được hiểu là đứa chuyên lừa phỉnh con nít. Điểm cần lưu ý là Từ Kế Tường luôn ‘mẹ mìn’ các cô gái tuổi hoa. (tuổi hoa chớ không phải bán hoa nhe bà con)
Sau khi CSBV chiếm được Miền Nam, tui có thằng bạn làm thầy giáo tiểu học bị đuổi vì vượt biên hụt ở Phước Hải, Phước Tuy. Mất dạy, nhớ bục giảng, nhớ học trò, nó bèn đi bán bong bóng trước cổng trường. Nó dạy tui câu này tui thấy có lý nè: “Tao thấy ở đời không gì dễ hơn là dụ con nít. Bán cà rem vì con nít thèm ngọt; bán bong bóng xanh xanh đỏ đỏ sắp nhỏ nó mừng. Phần con nít không tiền không mua; có tiền là mua; không mua chịu. Mua không bao giờ trả giá kỳ kèo bớt một thêm hai gì ráo”
Không biết bí kíp mẹ mìn văn nghệ thằng bạn tui chôm của Từ Kế Tường hay ngược lại?
Chắc vì chí mén gặp nhau, thấy lượm bạc cắc của con nít dễ như ăn cơm sườn không bị mắc xương nên hai đứa cùng la: “Eureka” (tao đã tìm ra) một lúc.
ĐXT