Hôm nay, lúc tôi viết bài nầy bên Melbourne, Úc Châu là ngày Thứ Ba, 25, Tháng Tư, năm 2021, là Anzac Day. ANZAC là tên viết tắt của Australian and New Zealand Army Corps (Quân đoàn Úc và New Zealand).  Ngày ANZAC là một ngày toàn quốc Úc và New Zealand tôn vinh những người lính dẫu thất trận nhưng đã chiến đấu và hy sinh trong chiến dịch Gallipoli trong Thế chiến I.

Rạng sáng nay, toàn nước Úc và New Zealand cử hành Dawn Service (Lễ tưởng niệm trước bình minh) cho những người đã bỏ mình vì tổ quốc.

Trận chiến Gallipoli là một thất bại lớn của quân Úc và các đồng minh trong Thế chiến thứ nhất. Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là tiếp cận vùng eo biển bán đảo Gallipoli tính mở đường đến hỗ trợ quân Nga chống lại Ðức và Áo-Hung.

Sau gần 9 tháng chiến đấu ác liệt, bị quân Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại, quân Úc và đồng minh buộc phải rút khỏi Gallipoli vào tháng 1 năm 1916. Úc đã mất hơn 8,000 người và gần 20,000 người bị thương.

Rồi mới mấy bữa nay, xác tàu SS Montevideo Maru chìm vào ngày mùng 1, Tháng Bảy, năm 1942 ngoài khơi bờ biển Philippines vì bị trúng ngư lôi của một tàu ngầm Mỹ với khoảng 979 tù binh chiến tranh và thường dân Úc bị bắt ở Rabaul được Úc phát hiện.

Ronald Freeman, một xạ thủ của khẩu đội chống tăng thứ 17 ở Rabaul, đã viết một lá thư gửi cho người vợ đang mang thai Dorothy và đứa gái hai tuổi Vicki: “Anh yêu em. Hãy hôn Vicki giùm anh”.

“Chúng tôi đã mất gần gấp đôi số người Úc trong toàn bộ Chiến tranh Việt Nam. Nó không phải là một xác tàu mà là một ngôi mộ. Ðó là nơi hơn 1,100 linh hồn đang yên nghỉ.”

Diễn hành kỷ niệm ngày Anzac Day – nguồn newshub

Trận chiến Gallipoli và vụ tàu SS Montevideo Maru bị Mỹ đánh chìm là một trong những trận chiến đau đớn nhất trong lịch sử của Úc. Nó đã trở thành một biểu tượng của sự dũng cảm và sự hy sinh cho người Úc.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Vì “Bất đắc dĩ thành bại luận anh hùng là một anh hùng không nên được đánh giá chỉ dựa trên việc họ thành công hay thất bại.”

Lại nhớ, năm 1972, tui vào trường Bộ Binh Thủ Ðức! Khóa 4/72 (khăn tím), thuộc trung đội 242. Số 2 đầu là tiểu đoàn 2, số 4 kế là đại đội 4, còn số 2 chót là trung đội 2.

Thiếu úy Bùi Thanh Tân, (giờ ở bên Pháp) Trung đội trưởng cán bộ, gốc Chà và, Ấn Ðộ, đen thùi lùi, biệt danh là ‘dế than’ trên nắp túi áo có gắn huy hiệu của Fort Benning với lưỡi gươm, phía trên có dòng chữ Follow Me, trường Lục Quân, tiểu bang Georgia bên Mỹ đó nha!

Hồi là tân khóa sinh, ra Vũ đình trường làm vài vòng sân cho dãn gân dãn cốt, còn ‘thơ sinh bạch diện’ thấy Fort Benning về, sải như ngựa, mình cũng hơi khớp! Nhưng hết thời tân khóa sinh, gắn ‘alpha’, vai u, thịt bắp, chân đã cứng như thép rồi thì cán bộ đua không lại tụi tui đâu!

Mỗi tối đúng 9 giờ, tùng sự đại đội trưởng khóa sinh, đội nón sắt màu đỏ, thổi tu huýt hoét hoét, cho tập họp điểm danh rồi đi ngủ. Mấy đứa ra hàng quân mà còn chộn rộn, um sùm như cái chợ Cầu Muối, nên tui cảnh cáo tụi nó rằng: “Ê! Nói chuyện um sùm coi chừng con ‘dế than’ nó tới là cha tụi bây cũng thác!” (Hồi xưa đi lính cữ chữ chết, nghe ghê quá hè!) Ai dè tui nghe tiếng: “Có mặt!”  Úy trời đất ơi! Quay lại, thấy cái mặt đen thui như lọ nồi của ổng, thiếu điều tui chết giấc!

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Vậy là 12 giờ đêm, vác súng có gắn ‘bayonet’(lưỡi lê), dây ba chạc 7 băng đạn đầy đủ chớ hổng có vụ tháo vụt bớt đạn cho nhẹ đâu nha, vai đeo ba lô lên trình diện dã chiến với một thằng nữa. Thằng nầy, tối hôm qua, nửa khuya làm biếng, nó ‘tè’ đại ở giao thông hào, đâu biết ông Thiếu úy trực ban đại đội, bị suyễn, tối ngủ không được, nên đi rỏn bắt ngay tại trận! Cán bộ ra lịnh cho nó chạy vòng vòng đại đội vừa chạy vừa la: “Các bạn ơi! Tui không bao giờ đái bậy nữa!”  Cứ các bạn ơi hoài! Cả đại đội 4 tiểu đoàn 2, gần 200 thằng, đang say sưa chìm trong giấc điệp, bỗng thức dậy ôm bụng cười “khặc khặc!” Phạt dã chiến, cán bộ chơi ác: “Cho hai anh 30 mươi giây, cởi cái quần ra còn đôi giày.”  (He he! Cái thằng cha cán bộ Ðại đội 24 nầy chơi ác quá!)

Lễ Mãn khóa Sinh viên Sĩ quan Thủ Đức – nguồn Mạnh Hải Flickr.com

Quân trường phát quân phục sao tui mặc vậy nên khi thi hành lịnh phạt là chạy vô ‘chambre’ ngồi trên giường sắt, chỏng cẳng ra, lấy hai tay kéo cái quần ra cái rẹt chưa tới 30 giây! Trên vẫn còn là áo lính mà dưới lại là… cái quần xà lỏn! Thiếu Úy, cán bộ trực ban, thấy mắc cười sao đó nên cho tui đi nghỉ sớm!

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Rồi học bài trung đội phòng thủ là phải đào hố cá nhân! Mấy đứa ‘ma le’ chọn hố mấy huynh trưởng khóa trước đã đào, rồi lấp lại, nên cát mềm, mình chỉ xúc lên thôi cho đỡ cực. Ðào xong, cũng cái thằng ‘tè’ bậy ở giao thông hào chỏng cẳng nằm dưới hố quánh một giấc. Tối về, điểm danh sao thiếu mất một thằng. Cán bộ phải chạy Honda ra bãi kiếm, lôi chú lên chở về!

Cái trung đội 242 đó với cấp số đầy đủ 48 thằng. Sau cuộc biển dâu đó, có những đứa đã rửa cẳng leo lên bàn thờ ngồi ngắm gà khỏa thân. Có đứa trôi về Bắc Mỹ theo chương trình HO (sau khi đi cải tạo 3 năm).

Phiêu dạt tận phương trời nầy, tui chỉ gặp lại được 2 thằng cùng trung đội 242. Trương Ngọc Ðông về Ông Ðịa Tiểu khu Châu Ðốc. Nhạc sĩ Ðặng Hữu Hiếu (Sydney) về Tiểu khu Vĩnh Long, em ruột ca sĩ Ðăng Lan nổi tiếng với bài: ‘Thương quá Việt Nam’ của Phạm Thế Mỹ những năm đầu thập niên 70s. Hồi xưa nhà của Ðặng Hữu Hiếu (dân học Trung học Mạc Ðĩnh Chi), ở cổng xe lửa gần chợ An Ðông và quán bán bánh bao của Bà Cả Cần. Và hai đứa cùng tiểu đoàn 2 nhưng khác đại đội là Nguyễn Văn Rạng Dù và Nguyễn Văn Luyến Thiết Giáp.

Tháng Tư đen, 48 năm lại về, lại nhớ tới một thời giày ‘saut’ áo trận ngắn ngủi. Nhớ tới thơ Thanh Nam: “Ơi hỡi quê hương bè bạn cũ. Những ai còn mất giữa sa mù?”

DXT