Gần hai tháng nay, tiểu bang Victoria, Úc Châu trong đó có thủ phủ Melbourne của tui bị cô lập giai đoạn 4, vì cơn đại dịch Coronavirus bùng nổ lần hai. Nhà hàng không cho khách vô ngồi ăn. Khách chỉ được “food to go” nói theo kiểu Mỹ hay “take away” nói theo kiểu Úc.

Tuần rồi, em yêu quạu, vì tui tắm làm nước văng tùm lum ra ngoài nên để trừng phạt cho “nó” sợ, em bèn đình công, hổng thèm nấu ăn gì ráo. Ðói quá, tui chạy xe ra quán phở mua một tô tái, nạm, gầu nhiều nước béo với hành trần về ăn đỡ, tốn hết 15 đô!

Trong khi đứng chờ, tôi thấy bằng tốt nghiệp trường Ðại học Y khoa Sài Gòn treo trên tường, trước quầy thu ngân của tiệm phở. Trong đó có ghi đầy đủ họ tên và chữ lót. Tên nghe quen quá làm tui nhớ tới một thằng “cu” cao ráo, đẹp trai, tóc đen nhẻm, cùng tên, học thời trung học đệ nhị cấp, khoảng 50 năm về trước, với tui.

Rồi một ông già đầu gần trọc lóc,  chỉ còn lơ thơ vài cọng tóc bạc bên hai mép tai, bước ra quầy thâu ngân. Tui hỏi: “Bán phở mà treo bằng bác sĩ chi vậy cha nội?”. Ổng nói: “Hồi xưa bên Việt Nam, tui làm bác sĩ đó chớ! Qua đây, học lại lấy bằng nhưng thi hoài không đậu nên đành đi bán phở. Tui treo cái bằng bác sĩ không còn giá trị nầy lên, một là để “nhát” thiên hạ; hai là chứng tỏ quán phở của tui cũng vệ sinh sạch sẽ  như cái nghề bác sĩ tui từng làm đó mà”.

Tui hỏi:“Vậy bác sĩ có từng học trường Petrus Ký ở Sài Gòn hay không?”. “Có! Có! Tôi đã từng học A2 và là một học sinh xuất sắc đấy!”, ông ấy trả lời, mắt lấp lánh tự hào.

“Bác sĩ tốt nghiệp Petrus Ký năm nào?”. “Năm 1970!”. “Tại sao ông lại hỏi tôi câu đó?”. “Mầy đã ở trong lớp của tao!”, tui kêu lên.

Ông ta chăm chú nhìn tui! Rồi với khuôn mặt héo úa, bụng phệ, tóc bạc, da nhăn, xấu xí, già nua, ngốc nghếch, lẩm cẩm, kính cẩn hỏi tui: “Dạ, thầy dạy môn gì?”.

Té ra thằng bạn học cũ cùng lớp thấy tui còn già hơn nó nữa nên nó tưởng tui là thầy của nó. Giống như mấy ông chồng thấy bà vợ của mình già mà hổng chịu dòm lại dung nhan, cái mặt “mẹt” của mình.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Tui già thiệt mà hổng có hay! Năm nay, tui lại ăn sanh nhựt lần thứ 70 rồi đó.

o O o

Có cha nội nhà văn bên Tây, có đứa nói là Pascal nhưng tui chưa gặp ổng để hỏi có phải chính ổng viết ra cái câu “Cái tôi đáng ghét!” hay không? Nhưng, ông Pascal có viết hay không, không quan trọng. Cái câu viết mới quan trọng. Cũng giống như con dâu, chồng nó mới quan trọng; còn bà già chồng thì nó đâu có “ke”.

Câu nầy có nghĩa, viết gì thì viết, đừng đem cái tôi ra mà “khoe” như con Thạch Sùng (tức con thằn lằn). Khoe xong rồi thua… nên chặc lưỡi hoài!

Nhưng nếu không viết về cái tôi mà viết về cái của người khác e rằng có ngày sẽ u đầu sứt trán. Nghĩa là chúng đọc xong, chúng quạu, chúng chọi tui cái lỗ mũi ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc…

Nghe vậy, tui cũng hơi “ớn” (lạnh). Nhưng khổ nỗi, không viết về cái tôi thì tui viết về cái gì hè? Vậy là bài viết nầy, nhân ngày sanh nhựt, tui viết hổng để khoe “nhà mầy lớn, nhà mầy cao sao bằng nhà tao” mà chỉ để cám ơn hết ráo bà con đã gởi lời Happy Birthday đến tui nhe!

o O o

Trước hết, tui xin cám ơn gia đình (nhỏ) của tui. Cám ơn con vợ và hai đứa con tui. Con là nợ, vợ là oan gia! Hai cục nợ đã mua nhà ra riêng. Tới phiên tụi nó cày sâu cuốc bẫm để trả nợ cho “oan gia” của tụi nó.  Còn em yêu, tức con vợ của tui, oan gia của tui, thì vẫn còn đeo đuổi theo tui hoài vì tui chưa trả hết nợ mà tui lỡ dại mượn của em từ kiếp trước!

Cả năm nay, cũng như đa phần các cặp vợ chồng của mấy thằng bạn nhậu của tui, cơm không lành, canh không ngọt nên đôi ta đang tiến hành chiến tranh lạnh. Em về khép chặt môi em lại, thủ khẩu như bình để chống lại anh yêu. Vợ chồng già thiệt là quỡn!

Xem thêm:   Khăn choàng tắm?!

Tối, viết giấy dặn em rằng:“6 giờ sáng nhớ đánh thức anh dậy để anh ra phi trường Tullamarine, đi Sydney công chuyện!”. Tối qua hơi quá chén, chín giờ sáng mới lồm cồm thức dậy, thấy tờ giấy em yêu bỏ trên gối: “6 giờ sáng rồi, dậy đi cha nội!”

Vậy là ở nhà! Em yêu “giận thì giận” nhưng “thương thì thương” cũng lui cui vào bếp, bật lò ga nghe cốc cốc, pha bột, chiên chừng 10 cái bánh bột chiên có tép, như bánh giá Mỹ Tho, cũng na ná bánh cống Bến Ninh Kiều, Cần Thơ để chàng ăn và uống Jack Daniel pha với Coke và nước đá.

Em dọn tất cả lên bàn kèm tờ giấy ghi dòng chữ “Help yourself” (tự phục vụ) và không quên đề thêm “Happy Birthday” người đã làm khổ đời em! Làm chồng mà cứ Hồng, Lan, Mai, Ðào, Cúc hoài. “Ngựa” thấy sợ luôn!

Cái nầy là lỗi của người đẻ ra tui. Em yêu có than phiền thì hãy “complain” với má tui. Chớ tui đâu có lỗi gì!

Còn hai “cục nợ” đã ra riêng gọi điện thoại giùm đám cháu nội, chúc mừng: “Happy birthday ông nọi” (nọi chớ hổng phải nội nhe). Vì thằng cháu, Axel, Úc nói tiếng Việt. Xong, cháu tui còn hỏi: “Where’s your birthday cake?”.

Hồi năm ngoái khi Melbourne chưa bị lockdown vì con Coronavirus nầy thì vui lắm. Tụi cháu khoái ăn bánh, sau khi hát Happy birthday xong, bèn giành nhau thổi đèn cầy. Ðứa nầy thổi trước, đứa sau khóc cự, phải đốt đèn lại cho nó thổi, nó mới chịu!

Tui có 4 đứa cháu nội, năm nay 2 đứa con thằng lớn chúc mừng. Còn 2 đứa: một trai, một gái, con thằng nhỏ sao im re? Chắc tụi nó bận chơi game!

Bảo Huân

o O o

Ðám em gái thì khỏi nói. Ðứa nào cũng gởi message chúc mừng Happy birthday. Con gái xưa giờ đứa nào cũng vậy: tế nhị, chú trọng tiểu tiết nên hổng thể nào quên sinh nhựt của một ai trong gia đình. Chính vì vậy, hồi cưới vợ, tui thích em yêu “cadeau” cho tui một đứa con gái để “dưỡng nhi đãi lão”, nuôi con gái lớn để trông cậy về sau, (con gái nên gả chồng gần. Có bát canh cần nó cũng đem cho) nhưng không được. Chắc tại kiếp trước, tui chọc trời khuấy nước, làm ác quá nên kiếp nầy phải trả?

Xem thêm:   Hùm Xám Cai Lậy.

“Thấy anh đăng bài trên báo, trên trang mạng xã hội hoài và anh cãi hăng tiết vịt nên tụi em biết anh vẫn còn rất trẻ và rất phẻ. Bằng không đâu có ai quỡn mà hung hăng dữ như vậy chớ?”

Còn 2 thằng em trai. Một thằng Happy birthday anh mình nhờ con vợ nó nhắc. Thằng kia quên. Chắc nó bận cãi nhau với vợ nó như tui vậy.

o O o

Bè bạn thì có nam có nữ cũng như đám em tui. Tui nhắc bạn gái trước nhe vì “lady first” mà! Bạn gái từ 18 tuổi, xa tới giờ! Cách nhau nửa vòng trái đất; em đầu sông, anh cuối sông; hổng uống chung dòng nước sông Tương gì ráo. Tương tư bất diện kiến mà vẫn nhớ nhau. Anh thành ông nội, em thành bà ngoại mà vẫn không quên, mới rầu chớ!

Rồi bạn nam! Chu choa mấy ông thần nầy ở Cali, Houston, Washington D.C, Sài Gòn, Cần Thơ, Mỹ Tho… bạn học, bạn lính, bạn facebook… dẫu đang nhậu nhẹt tưng bừng với chiến hữu vẫn không quên gởi lời chúc mừng Happy birthday tui vì nhờ “thằng” facebook nó nhắc.

o O o

Xin cám ơn hết ráo nhe! Giờ tui đi rót thêm vài ly nữa. Nhậu cho niềm vui sanh nhựt của mình. Già thêm một tuổi và để quên đi nỗi buồn xứ xa, xa xứ.

Melbourne đã 2 giờ khuya rồi đó. Nhưng đời tui là một cánh hoa dạ lý hương chỉ nở về đêm. Ðêm thức, ngày ngủ thẳng cẳng; vì là cu li vốn làm đêm đã quen rồi. Thế nên bạn nữ hay nam trên toàn thế giới thấy trên facebook tui, đèn vẫn còn xanh; xin cứ gọi, hai đứa mình tán dóc chơi! Nhưng tui khoái nói chuyện với bạn nữ hơn. Vì giọng của mấy em êm đềm như mía lùi, như mật rót vào tai cho kiến bu lại cắn đứt lỗ tai của tui.

ĐXT