Nhớ hồi còn nhỏ đi học, gom được mớ chữ nào hay mớ chữ nấy, vì hai cái lỗ tai của tui cấu trúc giống hệt cái bình thông nhau, lời thầy dạy vô bên ni nó chui ra bên tê, nên kiểm lại thấy còn kha khá là mừng quá xá!

Rời trường lớp đã quá xá là lâu, tui vẫn tiếp tục học ở trường đời. Chua chát thay! Trường đời dạy tui quá nhiều bài đắng cay, cay đắng… nên lúc nào sầu đời tui lại nhớ về trường học.

Ôi nhớ xưa! Quý thầy cô chia các môn học ra làm hai nhóm: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Khoa học tự nhiên thì môn Toán làm ‘chánh tổng’ là quá phải, không ai dám cãi.

Ðứa nào giỏi Toán, ắt sẽ giỏi Lý, giỏi Hóa…

Nhưng những môn bên Khoa học xã hội nó dở ẹc hè! Ông Trời thiệt công bình! Chớ cho nó giỏi hết ráo, giỏi từ đầu tới đít, giỏi từ trước tới sau, môn nào cũng giỏi, nó nổ tưng bừng thì mấy đứa bạn học làm sao mà chịu đời cho thấu?

Khoa học xã hội thì môn Văn làm ‘chánh tổng’; cái nầy cũng còn hơi lọng cọng vì theo ngu ý của tui thì môn Sử Ðịa phải làm trung tâm mới phải?

Vì khi thành lập nước, có đất là có Ðịa lý; rồi triều đại nầy qua triều đại khác có Sử ký. Ðịa lý và Sử ký phải có trước giai cấp nho sĩ làm thơ, viết văn.

Ðôi khi buồn tình ngồi nhổ râu, gãi rún, tui lại nhớ mấy môn học ngày xưa ta bé ta ngu, gọi là môn Sử ký, Ðịa lý là môn phụ… Ngẫm lại thấy nó không phụ chút nào!

Vậy mà trong nước bây giờ coi môn Sử Ðịa hổng ra ‘cà ram’ nào. Khỏi thi cử gì ráo. Học trò khỏi thi, bèn đem sách Sử Ðịa ra xé nát, từ trên lầu tung xuống bay lả tả trắng cả một sân trường. Thiệt là đau lòng ‘ông già’ nầy quá xá!

Không học Sử Ðịa cho ra trò ra trống thì làm sao mà yêu nước? Hậu quả là tuổi trẻ bây giờ tỉnh bơ, điềm nhiên tọa thị, lên Facebook ‘chít chát’ loạn xị với nhau chuyện tầm xàm bá láp trong lúc dầu sôi lửa bỏng, bọn giặc Tàu đang dòm ngó, lăm le muốn chiếm nước ta.

Xem thêm:   Hùm Xám Cai Lậy.

Thú thiệt là tui khoái đọc Sử vì tò mò, coi hồi xưa ông bà tiên tổ mình như Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh; rượt Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, có thắt cái bím đòng đưa, chạy có cờ, để mà tự hào cho dân Việt.

Mấy ông soạn giả cải lương nhà mình đã từng dựa theo sách Sử Ký để viết tuồng hát vào mùng 5 Tết để kỷ niệm trận Hà Hồi, Ngọc Hồi khiến Sầm Nghi Ðống leo lên Gò Ðống Ða treo cổ, thè cái lưỡi ra dài ngoằng, chết ngắc.

Rồi từ cái kiến thức về Sử, về Ðịa, mình mới hiểu được câu ca dao: “Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành / Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em.”

Câu thề hẹn nầy, nếu em yêu là người tinh thông môn Sử Ðịa tất rơi nước mắt, nước mũi vì cảm động.

Cầm bằng ‘qua’ tán tỉnh cho em bất tỉnh… bằng thơ… mà em lại ngơ ngơ không có ‘cảm’… là vì em dốt Sử, dốt Ðịa.

Em cứ nghĩ là thơ thường đối nhau chan chát mới hay; nên em võ đoán là: “xe lửa Mỹ đối với tàu Tây” thì tàu Tây là của mấy thằng Tây, tất xe lửa Mỹ là của mấy thằng Mỹ?

Rồi một chàng xứ Mỹ kiên trì, nhứt quyết rượt theo ‘dê’, nhứt quyết gặp mặt nàng cho được, bằng cách ngăn sông Mỹ. “Chẻ tre bện sáo cho dầy / Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp em.”

(Thằng cha nầy, xin lỗi, ‘ba đía’ quá hè! Vì sông Mỹ rộng lắm, đôi bờ 3, 4 cây số cho chú em mình chẻ rụi cả một rừng tre, bện sáo từ thuở thanh xuân, tóc còn đen nhánh, đến đầu bạc trắng còn chưa chắc đã ngăn ngang được sông Mỹ để gặp được em. Lỡ may bện sáo xong, ngăn sông rồi gặp em thì anh gọi em là bà ngoại. Còn em gọi anh là ông ngoại.)

Phiem---DXT-1089

                          Bảo Huân

o O o

Sách Sử Ðịa dạy rằng: “Sông Cửu Long, lớn vào hàng thứ 7 của châu Á, hàng thứ 12 của thế giới, phát nguyên từ cao nguyên Tây Tạng, dài 4,909 km, chảy qua lãnh thổ 6 nước: Trung Quốc, Miến Ðiện, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Tàu đặt tên cho nó là Lan Thương Giang.  Lào, Thái đặt tên cho dòng sông hùng vĩ nầy là Sông lớn, Mae Khong. (Tây đến, nghe Mae Khong thì viết thành Mekong vậy thôi.)  Cambodia đặt tên là Tônlé Thum hay Tôn lé Mékông.

Từ thủ đô Nam Vang, sông chia nhánh phụ là sông Bassac, tới Châu Ðốc, thành sông Hậu Giang, ra biển bằng hai cửa: cửa Ðịnh An và cửa Trần Ðề.

Còn nhánh lớn hơn, qua Tân Châu, thành sông Tiền Giang ra 6 cửa: cửa Ðại, cửa Tiểu, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu.”

Những cửa sông trên dòng Cửu Long nầy bà con hải ngoại thương ca rành sáu câu vọng cổ vì đã từng vượt biển, vượt biên từ đó.

Tuy nhiên với anh bạn vàng của CS Việt Nam, nhưng rất khó chơi, là Tàu cộng đã và đang xây vô số đập nước, chắn dòng, làm thủy điện ở thượng lưu thì vùng hạ lưu thuộc nước mình,  môi trường sẽ bị tàn phá nghiêm trọng, khiến bà con mình ở đồng bằng sông Cửu Long lãnh đủ.

Mùa khô, Tàu cộng chặn nước thì đồng bằng sông Cửu Long bị hạn. Còn mùa mưa, Tàu cộng đột nhiên xả nước, vì sợ bị vỡ đập, thì đồng bằng sông Cửu Long có ngày sẽ bị lũ quét văng luôn ra biển.

Tàu cộng thâm độc sẽ dùng dòng sông Cửu Long hiền hòa nầy, cái cần câu cơm của 5,7 chục triệu dân sống quanh lưu vực, thành một vũ khí lợi hại về kinh tế, về chính trị để chèn ép các nước trong vùng, bắt tuân thủ theo ý định của thiên triều.

Sông Mekong là của chung, của 6 nước, đâu phải của riêng chú mà chú muốn làm gì thì làm hả chú Ba? Thiệt là côn đồ và ngang ngược!

Các thức giả, có lòng với quê hương đất nước mình, đã gióng lên hồi chuông báo tử một dòng sông, la làng ỏm tỏi. Nhưng tiếc thay tiếng la thất thanh đó đã lan tỏa vào cõi hư không, vì nhà cầm quyền CS trong nước có lỗ tai mà lại không thích nghe, điếc đặc rồi bà con ơi!

o O o

Theo tui thì: địa danh là tên đất, tên sông, tên biển, tên núi, tên rừng. Như sông Cửu Long, nước nầy kêu vầy, nước kia kêu khác cũng do dân địa phương sở tại đặt đấy thôi.

Xem thêm:   Anh Hai Nổ

Dòng sông nầy chảy qua quê tui, Mỹ Tho, nên bà con gọi nó là sông Mỹ.

Tui đã từng tắm mát sông nầy, uống nước sông nầy, chia tay em yêu cũng trên sông nầy, xuống ‘taxi’ ra cá lớn nằm bên Cù lao Rồng cũng trên sông nầy, đi luôn ra cửa Ðại cũng trên sông nầy; rồi dông tuốt luôn từ độ ấy để làm thân lưu lạc mà nhứt quyết không về cho đến khi nào đất nước Việt Nam mình, từ Nam chí Bắc được tự do, không còn gông cùm CS.

(Rồi cũng trên dòng sông nầy, từ vườn hoa Lạc Hồng nhìn ra giữa sông, có chiếc tàu Nhựt hồi Thế chiến thứ hai bị phi cơ đồng Minh đánh chìm, nằm ngóc mỏ ở đầu Cù lao Rồng).

Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long, đặt tên chữ là Long Châu, dài chừng 2 dặm, làm la tinh (cái gò chắn), trấn ngoài thủy khẩu, che giữ trấn sở, chắn át sóng dữ, rõ ràng là một nơi thắng địa.” (Theo Trịnh Hoài Ðức).

Sau nầy chánh quyền đặt tên là cồn Tân Long nhưng bà con mình vẫn gọi là Cù lao Rồng… thì làm gì nhau?!

o O o

Sau khi quàng được cái tròng nô lệ lên cổ dân VNCH mình, CS Bắc Việt đổi địa danh xưa giờ hết ráo, với ý đồ thâm độc là hủy diệt cái quá khứ huy hoàng của vùng đất mến yêu. Ðó là một tội ác ắt sẽ bị trừng phạt vì ai dùng súng lục bắn vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn trở lại bằng đại bác!

Chẳng hạn như VC đặt tên tỉnh Minh Hải, nơi cuối đất cùng trời, chạy ra tới Mũi Cà Mau. Minh Hải là biển sáng. Biển đâu lúc nào cũng sáng đâu? Chiều hôm tối rồi, nó cũng đen như mực mà thôi!

Xưa giờ ông bà mình gọi Bạc Liêu, Cà Mau thì tụi tui, phận làm con, làm cháu, cũng gọi Bạc Liêu Cà Mau…Nó biểu tui không nghe… thì làm gì nhau hè?

Thủ đô Việt Nam Cộng Hòa của bà con mình cũng vậy, chúng nhứt quyết đổi tên.  Ðổi thì kệ nó chớ người dân mình vẫn gọi là Sài Gòn hè; cho dẫu bị bọn cường quyền bắt làm khai sanh mới, đặt tên nầy tên nọ, là làm chuyện tào lao bắc đế chỉ mất công! Dân nó hổng có xài đâu!

ĐXT melbourne