Năm 1971 tại Sài Gòn, từ bài thơ “Ðể trả lời một câu hỏi” của nhà thơ Linh Phương, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành ca khúc: ‘Kỷ vật cho em’.

  1. “Kỷ vật đây viên đạn màu đồng. Cho em làm kỷ niệm sang sông”. Em đi lấy chồng mang theo viên đạn đồng của người yêu cũ mang về từ chiến trường vào quân y viện lấy nó ra đưa cho em làm kỷ niệm ngày xuất giá vu quy.

Trước năm 1975, hầu như cả thế hệ thanh niên miền Nam, đến 18 tuổi, kẻ trước người sau, lần lượt rời ghế nhà trường để khoác lên mình áo lính.

  1. Trong những quân trang, quân dụng còn sót lại sau cuộc chiến tàn khốc nầy không thể không kể tới tấm ‘poncho’ màu ô-liu, dùng để đi mưa. Khi vượt sông, người lính dùng tấm ‘poncho’ gói tất cả ba lô, quân trang, quân dụng, cột túm lại để trở thành cái phao mà vượt qua dòng nước. Tấm ‘poncho’ còn thay thế chiếc mền đắp trong đêm khuya lạnh lẽo giữa núi non trùng điệp hay vùng đồng không mông quạnh. Cần hứng nước để uống, người lính đào một cái hố, phủ poncho lên trên cho lõm xuống, tạo thành một cái giếng cạn để hứng những giọt sương đêm, nếu gặp may, một cơn mưa bất ngờ nào chợt đến.

Chiếc poncho khi vượt sông  

Nhưng ‘poncho’ còn là di vật đau buồn nhứt của đời lính, khi nó được dùng làm tấm vải liệm, gói thân người chiến sĩ bỏ mình trên bãi chiến trường ác liệt vừa tan khói súng.

  1. Lon ‘Gô”: di vật thời tù cải tạo!

Sữa Guigoz của Hòa Lan được nhập vào Việt Nam những năm 60. Có hai loại sữa Guigoz, loại trắng cho trẻ sơ sinh, và loại màu vàng cho một tuổi trở đi. Loại sữa bột nầy đựng trong chiếc lon nhôm, dung tích 0.75 lít, đường kính 8cm, cao 15cm, thân hộp có nổi sọc ngang để cầm không bị tuột. Vì lon làm bằng nhôm nên rất nhẹ, không bị rỉ sét, nắp lon Guigoz đậy rất kín, bền chắc, khó móp méo, hư hỏng nên được các bà nội trợ giữ lon không lại để đựng đường, muối, tiêu, hành, tỏi, ớt hay các thức ăn khô. Khi chồng, con hay người yêu đi lính, chiếc lon Guigoz nầy được vợ, má hay em yêu dùng để đựng cá, thịt chà bông, tép rang, mắm ruốc sả xào thịt ba rọi cho những người thân yêu của mình ăn giặm thêm, ngoài cá mối hay thịt heo nái dai như giẻ rách ở nhà bàn của quân trường.

Xem thêm:   Kế Sách

Tàn cuộc chiến, những người lính sa cơ bị bắt đi tù cải tạo suốt từ Nam ra Bắc thì chiếc lon Guigoz nầy cũng bị ở tù theo. Cái tên Guigoz của một thời thanh bình cũ cũng tàn, phai mất chữ ‘Gui’ chỉ còn lại lon goz (‘gô’), là vật bất ly thân của những phận tù không biết được ngày ra.

Lon gô xưa

Muốn múc nước từ giếng lên thì dùng lon ‘gô’ làm gàu. Sáng thức dậy dùng lon ‘gô’ làm ca đựng nước súc miệng. Dùng lon ‘gô’ làm ấm đun nước sôi lên bỏ vào mấy hạt bo bo hay bắp đã rang cháy khét để thay thế nước trà. Lon gô nầy ngoài nấu nước, nấu cơm, luộc măng rừng, luộc rau, luộc khoai mì, còn dùng để đựng một nắm rau tàu bay, một con cóc, nhái, ễnh ương, bù tọt, hay bất cứ con gì động đậy, để chiều về còn có cái ăn thêm cho đỡ đói.

Ngày ra trại, người lính thất trận ngày xưa, chung thủy mang theo hành trang của mình cũng là lon ‘gô’ dù bây giờ đã sau bao năm tù rạc, lon ‘gô’ đã móp méo như  cuộc đời của chính chúng ta.

  1. Khi CSBV chiếm được Miền Nam cả nước chìm trong xích xiềng nô lệ. Trong những năm tháng đó, vô số người Việt Nam chỉ còn cách đi vào chỗ chết để tìm ra chỗ sống.

Một trong cả trăm ngàn người tìm cách vượt thoát, Tháng Chín, 1984, từ Bà Rịa có chín thanh niên chỉ với hai mái chèo dùng thuyền vượt thoát khỏi thiên đường Cộng Sản. Sau bảy ngày chống chọi với phong ba bão táp và đói khát, khi thấy những tàu buôn qua lại, chín người Việt Nam biết là đã đến được hải phận quốc tế. Trong đêm đen, họ dùng chiếc đèn pin cũ kỹ để gửi tín hiệu SOS đến những con tàu đó. Biết bao lần như thế, nhưng không mảy may thấy một tia sáng nào hồi đáp, niềm hy vọng từ từ tắt lịm.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Trong khoảnh khắc đó, họ gần như tuyệt vọng. Rồi bất chợt họ thấy được một tín hiệu đáp lại: Con tàu Centra Corona mỗi lúc một lớn dần…

Ông Didier Raux (trái), giám đốc Viện Bảo Tàng Hàng Hải Le Harve của Pháp, và ông Châu Thụy, chủ tịch sáng lập VHM, đứng trước Chiếc Ghe Viễn Xứ. (Hình: VHM)

Chín thuyền nhân này được cứu thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. May mắn hơn nữa, thủy thủ đoàn của con tàu ấy không đánh chìm chiếc ghe nhỏ nhoi này, họ còn đồng lòng vớt nó.

Rồi 38 năm sau, ông Didier Raux Giám đốc Viện Bảo Tàng Hàng Hải Le Harve của Pháp đã trao lại chiếc thuyền kỷ vật nầy cho bà con mình ở Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum – VHM).

Ðó là di vật một thời bị đày ải, bị lăng nhục, bị trả thù cho đến chết, mà người lính chúng ta may mắn vẫn còn sống sót qua cuộc biển dâu nầy không thể nào quên.

Vâng, viên đạn đồng đen, cái poncho thời chinh chiến, cái lon ‘gô’ thời tù cải tạo, chiếc thuyền chèo vượt biển. Những di vật đó dù bây giờ không ai trong chúng ta cần tới nữa. Nhưng di vật không phải là vật vô tri, vô giác, vô hồn… mà nó vô giá! Nó nhắc nhớ chúng ta đã một thời làm lính trận, một thời nô lệ và một thời bi tráng tìm cho được tự do!

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Trở về với chiến tranh Việt Nam, chúng ta, những người lính VNCH thất trận rồi chịu một phần số bi thảm. Ngày 21, tháng Hai, năm 1972, ngày VNCH bị đồng minh đâm sau lưng. Tại chân cầu thang chiếc Air Force One, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon bắt tay Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai, Bắc Kinh, Trung Quốc.  VNCH đã bị Hoa Kỳ bán đứng. Theo từ điển, bán đứng là bán cái quý giá về tinh thần, một cách không ngại ngần thương tiếc, để mưu lợi riêng”.

Nhìn lại cuộc chiến tranh vệ quốc đẫm máu để bảo vệ VNCH, nếu CSBV (rêu rao là yêu nước) và quan thầy Nga Hoa ngừng xua quân từ Bắc vào Nam để giết người; sẽ không còn chiến tranh. Và khi quân đội VNCH tuân lịnh Dương Văn Minh ngưng chiến sẽ không còn VNCH; không còn tự do nữa!

DXT