Nhạc Hoàng Phương, giọng ca Bảo Yến: “Dưới nắng hồng, tôi đi giữa Gò Công. Đất như cao, trời như thấp lại. Trong khoảng không trên sóng biển chập chùng, Chỉ còn lại dáng mẹ hiền Gò Công …”
Gò Công?!
Mùng Một Tết Nguyên Đán là thứ Bảy, ngày10, tháng Hai, năm 2024. Năm Giáp Thìn, làm tui nhớ bão lụt năm 1904, cách nay đúng 120 năm, tàn phá đất Gò Công.
Trên giồng, chỗ đất nhô lên, nước không bao giờ ngập tới gọi là Gò. Như Sài Gòn có Gò Vấp, nhiều cây vấp. Cách Mỹ Tho 35 cây số, có Gò Công mà nhiều người cho rằng là vùng gò, đất có nhiều chim công đến đậu. Theo tui, thế đất cao không thẳng, hơi cong, nên gọi Gò Cong (Công) đấy thôi.
Còn trong đám ruộng có cái gò nhỏ chủ điền không bang đất xuống mà cho làm đất cúng để nhà nghèo có nơi mà chôn cất. Nhà thơ Kiên Giang gọi là ‘đất nghĩa’, nửa Nôm nửa Hán. Chế chữ không ai cấm; nhưng phải cho hay. Đừng đầu Ngô mình Sở. Tui cho rằng chữ ‘đất cúng’ của ông bà mình toàn chữ Nôm hay gần chết thì chế chữ mới dở hơn để làm gì?
Chữ ‘phúng điếu’ toàn từ Hán Việt cũng hay. “Phúng” là lễ vật: nhang đèn, phong bì đến đám tang nhằm phụ giúp gia đình phần nào trong nỗi mất mát đau thương. “Điếu” là người sống gặp người chết lần cuối cùng. Bên Úc cũng có ‘phúng’ (Gofundme) quyên góp. ‘Điếu’ là đến đám tang, đi vòng vòng quan tài nhìn mặt người đã chết một lần cuối cùng.
Ao Trường Đua
Gò Công là nơi đồng chua nước mặn. Pháp đào một cái ao vuông, chu vi khoảng 3,000 mét, sâu 5 mét, bờ lề rộng 5 mét. Một lấy đất để xây các công trình. Hai chứa nước mưa cho dân có nước ngọt mà xài. Ao sâu nên hầu như không bao giờ cạn nước. Thỉnh thoảng làng cho bơm nước ra hết để vét sạch bùn.
Pháp mở một con đường đua ngựa để hàng năm, cứ đến ngày 14/7, ngày Quốc khánh Pháp, kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789, những cuộc đua ngựa diễn ra quanh ao rất rầm rộ cho dân coi. Tên ao Trường Đua từ đó mà ra.
Pháp thời đó còn cấp cho nhà Dây Thép (Bưu điện) 4 chiếc xe đạp để phát thư. (Hồi đó gọi là xe máy; dù không có máy gì ráo, phải đạp bằng chưn). Khi 4 bưu tá biết chạy, một cuộc đua xe đạp kỳ thú đã diễn ra vòng quanh bờ Ao Trường Đua. Thời đó, xe bánh đặc. Một người phải bỏ cuộc vì bánh bị bung không gắn vào được. Hai người té liên tục; sợ cũng bỏ cuộc. Còn người cuối cùng ráng gò lưng đạp quanh quẹo về tới đích. Phần thưởng gồm gạo, vải và cái vinh dự ‘Hạng nhất cuộc đua xe đạp đầu tiên ở Gò Công’’.
VC vô, giờ nước Ao Trường Đua dơ lắm. Làm tui nhớ Hồ Xáng Thổi Cần Thơ có từ năm 1957, nước hồ rất trong, tắm được. Giờ như kinh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn, Ao Bà Om ở Trà Vinh, Hồ Chung Thủy ở Bến Tre, Ao Trường Đua ở Gò Công cũng từ sạch sang dơ như thế. Như vậy chế độ bây giờ dơ hơn hồi xưa. Hết cãi!
Rồi có một ông nón cối, chụp mấy cái hình xuồng tam bản chở bông bán Tết và ông chú thích “Hồ Sáng Thổi’ để khoe quê ta Tết về giờ đẹp quá trong gông cùm CS. Có một độc giả rầy ông: “Viết ‘sáng thổi’ sai chánh tả?’ Xà lan hoặc ‘xáng’, tiếng Pháp ‘chaland’. Máy để thổi hoặc múc được đặt trên chiếc xà lan mà người dân quen gọi là xáng, nếu thổi thì gọi là xáng thổi, nếu múc thì gọi là xáng múc.
Bà con mình để ý thấy mặt nước hồ rác nổi lềnh bềnh thì đẹp cái giống gì? Nó giống như son phấn lòe loẹt mà cả 48 năm rồi từ khi CS chiếm được Cần Thơ em quên đi tắm.
Cầu Tây Ban Nha
Đầu năm 1967, Gò Công cất một cây cầu mới, rộng 1.4 thước, đủ xe lam ba bánh chở khách, (kiểu Lambro do thuộc dòng xe Lambretta sản xuất ở Ý) qua được và có tấm bảng ghi tên cầu bằng chữ Tây Ban Nha ‘PUENTE ESPANA’ ở đầu cầu để ghi công chánh phủ Tây Ban Nha đã cử một phái đoàn y tế vào ngày 10 tháng 9 năm 1966 đến phục vụ người dân tại Bịnh viện Tỉnh Gò Công.
Cây trái Gò Công
Sơ Ri (Cherry) Gò Công gốc Trung Mỹ. Thổ nhưỡng Gò Công rất thích hợp với cây sơ ri. Có 2 loại sơ ri: Một chua, giàu vitamin C, một ly nước ép sơ ri 180 ml có vitamin C tương đương 14 lít nước cam ép. Loại kia ngọt.
Sơ ri khi chín mọng có màu đỏ cam hoặc đỏ sậm. Ăn tươi hoặc làm mứt sơ ri, rượu sơ ri, cocktail, nước ép sơ ri v.v.
Năm 1969, tui có quen em Năm, xuất sắc trong vai tì nữ, dân xóm Cao Ðài, Gò Công. Từ Mỹ Tho, tui giang hồ vặt xuống Gò Công thăm em. Nhà em ở Xóm Đạo gần Thánh thất Cao Đài Đại đạo Tam Kỳ Phổ độ, hệ phái Tây Ninh, cách chợ Gò Công cây cầu Long Chánh. Em dắt tui đi vườn sơ ri và đi chơi Đèn Đỏ, một trong 11 ấp thuộc xã Tân Thành. Đèn đỏ vì ban đêm đèn lân tinh nó đỏ. Ngày trước, do Cửa Tiểu hẹp, để cho tàu thuyền không bị vướng cồn, Tây làm một cột hải đăng trên trụ sắt vững chãi cao cả chục thước ở bờ Bắc xã Tân Thành. Đèn lân tinh tầm sáng hơn 20 mét, giúp tàu thuyền ra vào Cửa Tiểu. Nhưng sau này bị sạt lở nó đã đổ sụp xuống biển.
Gò Công, đất cát pha trồng mãng cầu tròn và “Dưa Cồn Đèn Đỏ”. Dưa Cồn Đèn Đỏ vỏ xanh, mỏng, bóng mướt, ruột đỏ, ít hạt và nhất là có “cát” nên rất ngọt. Ngọt có chút vị mặn của mạch nước ngầm và hơi biển mặn mòi. Tui ăn miếng Dưa Cồn Đèn Đỏ với Em Năm Gò Công từ năm nẳm mà tui nhớ cái vị ngọt ngào của tình em hơn nửa thế kỷ trôi qua, tui đã lạc em rồi phía bên kia biển.
Tháng Tư, 1975, VC chiếm Gò Công, tui vô hộp. Còn em Năm, con gái ông xã trưởng làng Tân Thới quận Hoà Bình, Gò Công “Từ khi em đi lấy chồng. Anh ăn bánh vá Chợ Giồng với ai?”
ĐXT