Thuộc tỉnh Bình Dương, quận Lái Thiêu có nghề làm đồ gốm. Gốm, sành, sứ làm bằng đất sét tốt rồi đem nung. Gốm Phước Kiến chuyên về đồ dùng để đựng, kích cỡ lớn, nặng nề. Gốm Quảng (Ðông) chuyên trang trí đình, chùa, đồ đặt sân vườn. Gốm Tiều (Triều Châu) đồ dùng nhà bếp, gia dụng, chén sành dùng để ăn cơm. Câu hỏi đặt ra là cái thố là cái gì? Thố thường được dùng để đựng các loại đồ ăn, đặc biệt là cơm. Thố thường được làm từ gốm, sứ, đá, tre hoặc nhựa. Thố sành dùng để hấp cơm, tiềm thuốc bắc. Thố có nhiều cỡ kiểu, có quai, loại không quai, có nắp, loại không nắp. Hầm bà lằng sắn cấu (tức sấu cắn)!

Còn nhà điền chủ, cò bay thẳng cánh; chó chạy cong đuôi, họ xài đồ kiểu làm tận bên Tàu.

Bà con mình ai cũng biết cơm nếp nấu bằng nếp. Cơm tấm nấu bằng gạo bể. Cơm tẻ nấu bằng gạo hột dài. Gạo nấu cơm thố là gạo ngon như Sóc Nâu, gạo Nàng hương Chợ Ðào. Cơm chín để nguội có cơm nguội. Ðem chiên có cơm chiên. Ðó là nói về cơm. Còn nói về dụng cụ nấu thì cơm thố hấp trong nồi, có nhiều tầng xửng đan bằng tre có nhiều lỗ thoát hơi lớn bằng ngón tay cái.

Theo chân người Quảng Ðông từ những năm 30, 40 thế kỷ trước, cơm thố là ‘chung phàn’. Chung là cái thố còn phàn là cơm chưng cách thủy tức là hấp.

Cơm thố được nấu bằng cách cho gạo đã vo sạch để ráo nước, cho vào từng cái thố sành, châm nước vào thố một lần. Xếp thành từng vỉ trong xửng. Ðáy nồi nước sôi nước trong thố rồi cũng sôi. Nước trong thố cạn là cơm chín. Cơm thố không có cơm cháy như nấu cơm bằng nồi đất. Nói dễ hiểu cơm thố là hấp như nồi cơm điện của ‘võ sĩ mù nghe gió kiếm’ (tức Nhựt Bổn) chế ra sau nầy.

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Một thố cơm bằng một chén cơm nhỏ luôn luôn nóng nhờ hơi nước như xửng hấp bánh bao, bánh bò vậy.

Như vậy cơm thố không phải chỉ riêng của người Quảng Ðông. Người Việt, nhiều quốc gia và vùng khác nhau trên thế giới, bao gồm cả toàn bộ đất Trung Quốc. Nước nào có lúa nước, người dân biết thổi xôi là có cơm thố hè.

Hấp cơm thố – nguồn didau 

Tui nhớ hồi xưa đi học ở Sài Gòn, Á Xẩm Quảng Ðông A Lìn của tui, từ Mỹ Tho lên thăm, thường rủ tui đi ăn cơm thố Chợ Cũ. Một phần cơm có ba món: canh, mặn, xào. Canh bí đao hầm thịt heo hoặc gà, tàu hũ, nấm, hành tây. Canh tôm hùm với nấm. Canh chua cá hấp với cà chua. Canh măng tây xắt nhỏ, với thịt heo hoặc gà, nấm, hành tây. Canh rau cải, với thịt heo hoặc tôm, tàu hũ, nấm. Món mặn thì: thịt kho tàu với trứng cút luộc. Cá chép chiên xù giòn với sốt chua ngọt. Tôm rim với nước sốt cà chua thêm đậu hũ hoặc trứng. Thịt gà kho với gừng. Mực xào sả ớt và nước mắm. Rau muống xào tỏi. Vào tiệm cơm thố, phổ ky bưng lên, hai đứa ăn bao nhiêu thố tính tiền bấy nhiêu.

Ra tiệm mình được chọn cơm phần hay cơm món, khoái món nào kêu món nấy. Nhưng từ khi cưới em về thì mình hết chửi thề. Vợ nấu gì ăn nấy. Không được quyền mở mồm ra đòi hỏi linh tinh vì em rất bực mình. Bữa nào vợ không giận thì chồng được ăn cơm phần ba món: canh, mặn, xào. Còn bữa nào quạu là chàng cơm dĩa chỉ một món thôi. Còn chiến tranh lạnh, không nóng đến độ dĩa bay nhưng ác liệt; không nói gì nhau, chỉ nhìn nhau bằng con mắt mang hình viên đạn là chàng đành phải ăn mì gói lưu niên. Sáng gói mì, trưa mì gói, tối gói mì. Ăn riết, ăn miết mà hổng biết lúc nào điên? Mà dẫu có điên đi nữa thì từ từ mà điên. Ðừng có cái vụ hạ cẳng tay (tức là đấm) thượng cẳng chân (tức là đá); đấm đá là đời chua như giấm. Quên phứt cái vụ “Không đánh thì bậu luông tuồng. Dang tay đánh bậu cho buồn lòng qua” đi.  Úc chớ không phải Việt Nam thời phong kiến đâu nhe mấy cha?! Coi chừng lính bắt!

Xem thêm:   Kế Sách

Còn mấy em: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê” Ðừng quen cái thói cư xử với chồng như một đứa con hư mà nên: “Chàng ơi giận thiếp làm chi? Thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng”.  Cầm bằng năn nỉ ỉ ôi hoài mà thằng chả cứ trơ như đá; vững như đồng thì em hãy chổng mông, lấy hơi bắc xuống một câu hò: “Ðốt than nướng cá cho vàng. Ðem tiền mua rượu cho chàng uống chơi!”

Cơm thố Chợ Cũ Sài Gòn – nguồn afamily.vn

Ðó là chuyện hồi xưa kìa. Tuy nhiên giờ chồng lạng quạng, quờ quạng tùm lum là vợ cho nhịn đói. Cho dù em yêu thừa biết: “Trừng phạt cái bao tử của chồng là hành vi cực kỳ dại dột của một người vợ vừa ngu vừa xuẩn”.

Tàn nhẫn (nại) như vậy vì em thừa biết: Nước Úc trai thừa gái thiếu, bị vợ bỏ là một tai ương còn tệ hại hơn bị ‘băng rắp’ (bankrupt) gấp ngàn lần! Bộ mấy anh không thấy bên Úc bị vợ bỏ, mấy anh mình phải tất tả xin nghỉ phép thường niên để bay như điên về ‘xứ Mít’ lãnh một ‘múi Mít’ qua lè lẹ. Mùa Ðông Melbourne lạnh quéo râu bên thềm cửa. Không có cái mền da 37 độ rưỡi là coi chừng chết teo cu!

Nhớ thời thơ ấu, lúc ba tui làm Trưởng ty Bưu Ðiện Rạch Giá dắt bầy con đông như quân Nguyên đi ăn cơm thố, chén đũa khua rổn rảng vui hết biết trong nhà hàng Tàu gần Rạp hát Ðồng Thinh.

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Nhớ năm16 tuổi, ba má dắt đám con ‘xây lố cố’, đi ăn cơm thố, có món tôm kho tàu ngon bá chấy bù chét ở nhà hàng Nam Sơn gần rạp chớp bóng Ðịnh Tường đường Trưng Trắc dọc bờ kinh Bảo Ðịnh Mỹ Tho.

Mother’s Day, May 14th, tui nhớ cơm thố thời thơ ấu má nấu ở nhà: đầu tôm nấu với ruột bầu, rau muống xào tỏi chấm nước mắm me, cá ba sa kho tộ nước mắm y.

Quê người, đôi khi dắt em yêu đi ăn cơm thố với ‘hầm vĩ’(cá lù đù muối) chưng hột vịt, rau sống, dưa leo như mình ăn mắm chưng vậy. Món cơm thố hầm vĩ ngày nay chìm trong ký ức đẫm đầy nước mắt vì con còn mãi tha hương và ba má đã mất hết còn đâu?

DXT