Trong kho tàng ca dao của ông bà mình truyền lại: chiều là thời gian của lòng đôi ta thổn thức. Chiều chiều anh lại nhớ em. Chiều chiều ra đứng bờ ao. Nước kia không khát, khát khao duyên nàng. Còn nếu chàng ở gần sông thì: “Chiều chiều ra đứng bờ biền. Nhện giăng tơ đóng cảm phiền thương em!” Rồi em yêu cũng tha thiết nhớ anh: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai”. Mấy anh mình khoái chơi đá gà đều biết gà nhạn có lông màu trắng; gà ô có lông màu đen; gà điều có lông màu đỏ sậm. Nhưng tại sao chàng lại vắt vai chiếc khăn điều màu đỏ sậm mà khăn không màu gì khác? Vì người quân tử ghiền ăn trầu. Chàng lấy khăn điều để chùi cổ trầu tươm ra bên mép. Kẻo nàng tưởng chàng là ác quỷ Dracula chuyên hút máu người; em sợ chạy mất dép thì càng thêm báo!
Rồi em yêu thề hẹn: “Chiều chiều vịt lội sang sông. Trời gầm đá nẻ, thiếp không bỏ chàng”. Em không bỏ chàng mà chàng lại nỡ bỏ em, để em: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Tay bưng cái rổ, tay dìu con thơ.”
Tóm lại chiều đa số là buồn; nhưng ‘con cu’ biết chẻ lạt trong bài đồng dao như vầy là vui nè: “Chiều chiều con quạ lợp nhà. Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh. Chèo bẻo nấu cơm nấu canh. Chìa vôi đi chợ mua hành về nêm”

Một bức vẽ minh họa từ cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1935 của Andre Demaison về Việt Nam thuộc địa. Bức vẽ mô phỏng trò chơi đen đỏ “Đề 36 con” rất thịnh hành khi xưa; người Pháp còn gọi Le Jeu des 36 Betes. nguồn saigoneer.com/vn
Còn nếu không vui, còn một cách duy nhứt là đi ‘pub’ nhậu. Chồng bỏ con vợ một mình ở nhà: “Chiều chiều bìm bịp giao canh. Trống chùa đã đánh, sao anh chưa về?” Nó quạu, nó cầm khúc cây dùng để cán bột làm bánh chờ chàng sau khung cửa. Chàng về lè nhè hỏi: “Khuya rồi sao em không chịu ngủ mà còn bày đặt làm bánh nữa?” Nói chưa dứt lời nghe cái bốp vô đầu. “Má ơi, đau quá!”
Thế nên để tránh trường hợp phải kêu xe cứu thương, thì mình nên nhậu ở nhà, chìm xuồng tại bến. Nếu xuồng chưa chìm, mới đảo qua đảo lại, thì mình hát karaoke bản ‘Nương chiều’ của Phạm Duy: “Chiều ơi! Lúc chiều về, rợp bóng nương khoai, trâu bò về rục mõ xa xôi! Ơi, chiều! Chiều ơi! Áo chàm về quẩy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi vơi. Ơi chiều! Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui. Qua đường mòn ngửi lúa thơm hơi. Ơi chiều! Chiều ơi, chiều ơi, chiều ơi. Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ. Cho ngày mùa bài hát nên thơ. Ơi chiều. Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u. Cô nàng về để suối tương tư! Ơi chiều! Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương. Phố phường nhiều chiều vắng quê hương. Ơi chiều! Chiều ơi, chiều ơi, chiều ơi!”. 2, 3 giờ sáng xỉn hát um sùm cho hàng xóm nó kêu cảnh sát
Còn tui, tui nhớ hồi tui còn trong nước, lúc VC vô nó nắm đầu tui nó đuổi. Tui bị ‘mất dạy’. Vốn là dân trói gà không chặt, chỉ có mớ chữ lận lưng, dằn bụng lúc ngỏm, lúc ngoẹo củ từ (chớ không phải củ khoai mì). Tui không biết kiếm sống phải ‘làm gì’, tui chỉ biết ‘làm thinh’! Ở không hoài, nghe em yêu cằn nhằn hoài; cũng chán và cũng ngán như cơm nếp nát. Rồi phần số đẩy đưa, đưa đẩy tui làm phụ tá giúp canh CA phường An Lạc Cần Thơ đi tuần cho cha đại uý Lễ, trưởng phòng Hành chánh Trung tâm huấn luyện Chi Lăng Châu Đốc thời Đại tá Mã Sanh Nhơn, ghi số đề.

Người An Nam chơi Đề 36 con trong dịp Tết nguồn saigoneer.com/vn
Chơi đề, còn gọi là ‘đánh đề’, phát xuất từ bên Tàu vì chú Ba là vua cờ bạc. Chú Ba làm ăn giỏi biết cách kiếm tiền như dân Do Thái. Khuyết điểm chú Ba khoái gái; nhứt là khoái cờ bạc. Thua cờ bạc tán gia bại sản ra cầu Westgate Melbourne nhảy cái đùng để trốn nợ là xong.
Ba ke hai nút vượt Trường Sơn bằng dép râu vào cướp được VNCH chúng cũng mê. Chúng gọi là ‘lô đề’.
Vào những năm 40, 50 của thế kỷ trước, Đại Thế Giới ở đường Đồng Khánh, quận Năm, Sài Gòn, là cơ sở kinh tài của lực lượng Bình Xuyên do tướng Bảy Viễn cầm đầu. Đề lúc khởi thuỷ chỉ có 36 con, do các đại xì thẩu ở Đại Thế Giới tổ chức. Đánh 1 đồng trúng 33 đồng. Sau lên 40 số khó trúng hơn. Nên trúng nhiều hơn. Đánh 1 đồng trúng 36 đồng.
Đề, từ 1 đến 40: 1: Cá trắng. 2: Ốc. 3: Ngỗng. 4: Công. 5: Trùn. 6: Cọp 7: Heo. 8: Thỏ. 9: Trâu. 10: Rồng bay. 11: Chó. 12: Ngựa. 13: Voi. 14: Mèo nhà.15: Chuột. 16: Ong. 17: Hạc. 18: Mèo rừng. 19: Bướm 20: Cục đá. 21: Én. 22: Bồ câu. 23: Khỉ. 24: Ếch. 25: Con Ó. 26: Rồng nằm. 27: Rùa. 28: Gà. 29: Lươn. 30: Cá đen. 31: Tôm. 32: Rắn. 33: Nhện. 34: Nai. 35: Dê. 36: Bà Vãi. 37: Ông Trời. 38: Thổ Địa. 39: Thần Tài. 40: Ông Táo. (Lúc đầu chỉ xổ có một lần vào 4 giờ chiều. Về sau đắt, xổ thêm lần nữa lúc 6 giờ sáng).

Hình minh họa trên Sài Gòn Mới, xuất bản năm 1950 chỉ trích những ảnh hưởng xã hội tiêu cực của trò chơi này. nguồn saigoneer.com/vn
Muốn đánh đề chỉ cần đến tay ghi đề mua số. Trả tiền nhận được một tờ giấy ghi số viết tay thường không có cả tên tuổi, địa chỉ và chữ ký của thầy đề! Ai trúng thì cứ đến các tay ghi đề của mình mà lãnh tiền. Gọn bâng hè. Rồi Tổng thống Ngô Đình Diệm dẹp Đại thế giới. Số đề 40 con biến tướng thành số từ 00 đến 99. Khó trúng hơn nên trúng thắng nhiều hơn. Đánh 1 đồng trúng 70 đồng.
Trước giờ xổ số kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta banh cửa banh nhà chừng một tiếng đồng hồ, tay ghi số đề sẽ đem tiền và các số ghi đi nộp “phơi” cho huyện đề. (Feuille gốc tiếng Pháp là ‘bản ghi chép’).
Huê hồng tay ghi đề được 30 %. Nghe nhiều thiệt đã quá nhưng nếu bị CA hốt thì ráng chịu. CA bắt tịch thu tiền đánh đề là ‘cướp cơm chim’ vì chiều đó tụi nó cần tiền đi nhậu. Khờ, nhát khai ai làm huyện đề bị nhốt vài bữa ra tù là thất nghiệp. Huyện đề chẳng rụng một sợi lông. Vì huyện đề đã đấm mõm trưởng CA thành phố rồi!
Tay ghi đề nào có máu cờ bạc; ghi đề ngày nào thấy cũng có người trúng nên cũng muốn mình ‘tới số’ nên cũng chơi, cũng đánh số đề. Nên: Chiều ơi! 4 giờ chiều, mình đánh con kê. 5 giờ chiều lại xổ con dê, hỡi chiều? He he!
ĐXT – Melbourne.