Người Việt mình rất hiếu học và trọng bằng cấp! Thầy giáo dù nghèo sặc gạch cũng được bà con mình trọng vọng, được mấy em đem lòng thầm thương trộm nhớ.

“Chẳng ham ruộng cả ao liền. Chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ!” Ðể mai sau “ngựa anh đi trước; võng nàng theo sau!”

Chắc bà con mình còn nhớ chuyện Trần Minh khố chuối và Quỳnh Nga con quan huyện mà!

Rồi Tây qua. Ảnh hưởng văn hóa của thực dân, bà con mình dần dần thay đổi.

Giờ ai là nghề gì có chữ ‘sĩ’ là ngon hè! Như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ… (Chỉ trừ ông hạ sĩ)!

Bịnh vô nhà thương gặp bác sĩ bà con mình co rúm sợ hãi dù phải móc xỉa trả tiền chữa bệnh.

Ngoài ‘sĩ’ ra còn ‘sư’ nữa. Như kỹ sư hoặc luật sư. Nên có câu vè: “Nhứt y, nhì dược; tạm được bách khoa!”

Rồi xưa giờ bà con mình cũng hay nghĩ là vô phước đáo tụng đình. Rất ngại lôi thôi cò bót hay ra Tòa thưa gởi tới lui. Thấy ai làm tới luật sư là nể, kính nhi viễn chi, đứng xa xa mà dòm chớ không dám lại gần.

Nhưng nước Úc nầy thì quan niệm hơi khác. Bất cứ ngành nghề gì mà nhận tiền của thân chủ thì: “Khách hàng là Thượng đế” nên phẩm chất dịch vụ được cung cấp là phải đặt lên hàng đầu, là công bằng và sòng phẳng với số tiền mà thân chủ đã bỏ ra.

Úc khoái công bằng, ghét áp bức bất công. Nó ăn hiếp mình thì mình đi thưa nó. Chuyện nhỏ như con thỏ cũng đi thưa! Vì “mình không sai thì chẳng phải sợ gì ai!”

Chớ người Việt mình thì chín bỏ làm mười, tự an ủi là: “Nó ăn hiếp mình cũng như nó ăn hiếp thằng cha của nó vậy mà!”

o O o

Johnny, người  Úc, là ‘ní’, bạn thiết của tui! Vì cờ bạc, rượu chè, trai gái, hút xách, tứ đổ tường nhốt tui chung với nó. Nhưng mà con vợ nó lại quá khó, kêu nó cuốn nóp ra khỏi nhà!

Dĩ nhiên tiền bạc suốt cả đời tom góp là của chung! Bắt mình trần đi ra đâu có được nè. Thế là nó mướn luật sư chuyên về luật gia đình ra Tòa cãi.

Kết quả cuối cùng là thua trắng! Luật sư gì mà cãi như hạch, chỉ giỏi tính tiền không hè!

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Chiều cuối tuần rồi, đang ngồi nhậu, đấu láo um sùm thì nó ra dấu im lặng vô tuyến, đừng đứa nào hó hé gì hết ráo để nó gọi cho công ty luật của nó.

“Tôi muốn nói chuyện với luật sư của tôi.”  Bên kia đầu dây, tiếng em thư ký ỏn ẻn báo tin rằng: “Dạ rất tiếc! Ông ấy đã ngỏm củ tỏi hồi tuần rồi!”

Johnny lại quay lại nhậu tiếp. Chừng 15 phút sau, bổn cũ soạn lại “Tôi muốn nói chuyện với luật sư của tôi.”

Em thư ký hơi bực mình rồi nhe, dấm dẳn: “Tôi đã nói là luật sư của ông đã chết hồi tuần rồi. Tại sao ông cứ gọi hỏi hoài vậy hả?”

Johnny cười khè khè đáp lại: “Tại vì nghe cái tin nầy, cứ lặp đi lặp lại, nó đã cái lỗ tai của tui biết là bao. He he!”

Johnny nói: Không phải mình tui ghét luật sư của tui đâu mà dân Úc, thằng nào bị vợ bỏ, cũng rứa.”

Ra Tòa chia con chia của, có mướn luật sư đại diện đàng hoàng mà quan Tòa xử xong là mình mạt.

Mất hết! Căn nhà của mình, phân nửa về em (không còn yêu nữa); còn phân nửa về tay luật sư của mình.

Johnny lên lớp tui rằng: “Nè trong 30 ngành nghề trong xã hội, dân Úc tin tưởng nhứt hạng là y tá. Hạng bét, tức hạng 30, Úc cho rằng là những tay bán xe hơi cũ chuyên môn nói dóc để bán được xe.
Còn luật sư, dân Úc không tin lắm nên xếp đứng chính giữa, tức thứ 15 đó. Nhưng qua kinh nghiệm đau đớn ly dị vợ vừa rồi, tui cho tay luật sư của tui đứng hạng bét.”

o O o

Tui vẫn giữ quan điểm của người Việt mình là kính trọng người học giỏi, thông thái với cái đầu tóc giả và áo chùng thâm xuất hiện cãi sùi bọt mép tại Tòa.

Tui không chia sẻ quan điểm với thằng Johnny, vẫn cho nó giữ bản quyền mấy câu chuyện châm chọc về nghề luật sư dưới đây để bớt tức tối, kẻo tăng xông nó lên là chết không kịp trối.

Johnny giận luật sư về gia đình thì cũng còn hiểu được. Nhưng nó còn giận luôn với mấy ông luật sư lo về di chúc, phân chia tài sản của người quá cố để lại. Vì cũng là con mà kẻ nhiều người ít… Tất phải gấu ó với nhau hè.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Càm ràm với ông (hay bà) đã đi bán muối rồi đâu có được, nên bao ấm ức tấm tức đem dội hết lên đầu ông luật sư có bổn phận phân chia tài sản theo di chúc.

Nên có chuyện rằng: Tú bà của một động yêu hoa ở Melbourne vừa mở cửa thì thấy một khách hàng ăn mặc rất lịch sự đúng mốt, cử chỉ lịch lãm dù tóc đã muối tiêu.

Ông khách yêu cầu: “Tôi muốn em Natalie!” Tú bà trả lời: “Natalie là em tính tiền cao nhứt ở đây đó thưa ông. Hay là gọi em khác rẻ hơn nhiều cho ông anh nhé?” “Không! Tôi chỉ muốn gặp Natalie mà thôi!”

Lúc đó em Natalie xuất hiện cho giá: “Phục vụ từ A tới Z, 45 phút, 1,000 đô Úc!”

Không một cái chớp mắt, ông anh móc trong cặp ra 10 tờ 100 đô cáu cạnh.

Cả hai sóng bước lên lầu. 45 phút sau, ông anh lặng lẽ rời đi.

Ðêm sau, ông anh lại đến và lại muốn gặp Natalie. Em ỏn ẻn: “Ðâu có ai đến liền tù tì hai đêm liền đâu. Dẫu vậy cũng không có châm chước, giảm giá gì hết ráo. Phục vụ từ A tới Z, 45 phút, 1,000 đô Úc!”

Không một cái chớp mắt, ông anh móc trong cặp ra 10 tờ 100 đô cáu cạnh.

Cả hai song bước lên lầu. 45 phút sau, ông anh lại lặng lẽ rời đi.

Ðêm thứ ba người lại đến. Xong xuôi hết ráo, Natalie mới hỏi ông anh mình rằng: “Chưa có ai sử dụng dịch vụ của em ba đêm liền như anh vậy! Xin cho hỏi anh là người từ đâu đến?”

“À Tôi từ Sydney tới.” “Vậy hả? Em cũng có người thân ở Sydney đó.”

“Tôi biết! Ba của em vừa mới qua đời, tôi là luật sư của chị em. Bà ấy nhờ tôi trao 3,000 đô nầy lại cho em đó!”

cai-nghe-dung-cham

                                        Bảo Huân

o O o

Rồi cũng lo về di chúc, ông luật sư nầy lại hên quá xá là hên, trúng mối sộp vô cùng!

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Chuyện rằng: Một cụ bà gọi đến văn phòng một luật sư để làm di chúc.

“Suốt cả đời sống thui thủi một mình, tôi hiếm khi đi gặp bất cứ một ai, nên xin cô thư ký thu xếp cho ông luật sư đến nhà tôi được không?”

Công ty Luật độ rày ế quá nên viên luật sư bằng lòng chạy sô.

“Xin bà cho biết tài sản gồm bất động sản như nhà cửa, xe cộ, tàu bè, và tiền mặt bà có bao nhiêu? Và dự định sẽ cho ai?”

“Ngoài vật dụng như bàn ghế, tủ, chén trong nhà, tôi còn có 400 ngàn đô trong tài khoản ngân hàng Commonweath Bank.”

“Dà! Bà tính chia 400 ngàn đô nầy như thế nào ạ?” “À như đã nói, vì sống suốt một đời lặng lẽ, không ai thèm để ý đến tôi cả, nên lúc chết đi, tôi muốn làm đám tang của chính mình cho thật lớn, có ban nhạc rock, có cả vũ sexy. Nên tôi dự chi 350 ngàn đô cho lễ an táng của mình.”

“Chu choa! 350 ngàn đô một số tiền quá lớn! Ðám ma của bà chắc hẳn rất là hoành tráng, thiên hạ sẽ lé mắt hết trơn. Trả thù đời như vậy cũng đáng đồng tiền bát gạo!”

“Dà còn lại 50 ngàn đô, bà tính ra làm sao?” “Như luật sư biết, cả đời sống cu ky một thân một mình, tui chưa biết mùi đời là gì hết. Trước khi chết đi, tôi cũng muốn nếm thử coi nó ra làm sao? Xin luật sư sắp xếp cho tôi một người rồi trả công cho anh ấy 50 ngàn đô còn lại nhé!”

Về nhà, viên luật sư kể cho vợ nghe câu chuyện hơi lạ lùng nầy thì em yêu sáng mắt lên như mắt cú vọ: “50 ngàn đô một số tiền quá lớn! Thôi đừng mướn ai hết! Anh làm đi, em cho phép đó!”

“Sáng mai, em sẽ chở anh yêu đến đấy, em sẽ đợi ngoài xe cho đến khi anh xong việc.”

Sáng hôm sau, em yêu ngồi đợi ngoài xe. Một tiếng đồng hồ trôi qua, nóng ruột, em bóp kèn xe kêu inh ỏi.

Thì cửa sổ phòng ngủ trên lầu mở ra, anh luật sư ló đầu ra, la to: “Mai trở lại đón anh đi! Bà ấy đã quyết định để ‘cáo sồ’ (council) lo việc an táng khi bả chết!”

DXT – Melbourne